Thông tin

HÒA THƯỢNG THÍCH MINH LUÂN (1903–2003)

 

 

Hòa thượng Thích Minh Luân, thế danh Nguyễn Quang Cơ, pháp hiệu Thiện Hòa, sinh ngày 6 tháng 3 năm 1903, tại thôn La Khê, xã Ninh Thành, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Ngài là con trai thứ 2 trong gia đình có 7 anh chị em (5 trai, 2 gái). Thân phụ là cụ Nguyễn Quý Công - húy Lộc - tự Pháp Đạt. Thân mẫu là cụ bà Phạm Thị Thủy, hiệu Diệu Thiện.

Khi lên 7 tuổi, ngài được song thân cho theo học chữ Hán với cụ Đồ Hà Duy Thành ngay tại làng trong suốt 10 năm. Khi thư nhàn, ngài thường theo cha lui tới cửa thiền lễ Phật nghiên tầm kinh điển.

Năm 16 tuổi (1920), vốn có sẵn hạt giống bồ đề, túc duyên Phật pháp, ngài dự định xuất gia nhưng không may gặp cảnh vô thường biến đổi, thân phụ lâm bệnh qua đời, nên ngài lưu lại cùng với mẫu thân tang phục 3 năm làm tròn hiếu đạo. Tới năm 19 tuổi (1923), khi nhân duyên đã đến, ngài xin phép mẫu thân quyết chí xuất gia. Ngài đến chốn tổ Gia Xuyên (chùa Dừa), xã Văn Tố, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương nơi sư Tổ Thích Thông Tường, Đệ ngũ Luật sư thuộc Thiền phái Lâm Tế, trụ trì. Sau khi bái yết, ngài được sư Tổ hứa khả cho làm đệ tử và được quy y thế phát tại đây.

Từ đó trở đi, Hòa thượng đã chí tâm tu học phụng Phật, sự sư, chấp lao phục dịch chẳng tiếc thân mệnh, để làm tròn bổn phận của người đệ tử sơ tâm cầu đạo. Đến năm 21 tuổi (1925), ngài được sư Tổ Thích Phổ Siêu truyền thụ Sa di giới. Tại đây, ngài là một trong những pháp tôn đầu tiên của Tổ.

Năm 25 tuổi (1929), với tư chất ôn hòa, siêng năng hiếu học, giữ gìn thanh quy, ngài đã được Sư tổ Thích Thông Tường cùng với chư tôn đức trong sơn môn tổ đình Gia Xuyên (chùa Dừa) tổ chức đại giới đàn truyền thụ Cụ túc giới. Từ đây, ngài chính thức dự vào hàng Tăng bảo với tâm nguyện "Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh".

Năm 27 tuổi (1931), vốn là người có học vấn lại có đức tính khiêm cung cần mẫn, có thể đảm lãnh được Phật sự trong sơn môn giao phó. Cuối năm đó, ngài được Sư tổ bổ nhiệm về trụ trì chùa Đại Tỉnh, xã Hòa Diệu, huyện Tứ Kỳ. Trên cương vị đảm lãnh ngôi trụ trì "Trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng", ngài luôn khắc cốt ghi tâm lời dạy của chư Tổ "Phúc Tuệ Song Tu" và làm tròn các trọng trách của mình.

Từ năm 1935 đến 1941, tại chùa Đại Tỉnh, ngài chuyên tâm vào việc tái thiết chùa cảnh, son thếp Phật tượng, thiết lập giảng đường, tam quan, nhà Tăng, làm cho cảnh giới trang nghiêm đẹp đẽ. Kết hợp hàng năm, ngài còn về nơi tổ đình để tham thiền học đạo và dự các khóa an cư kiết hạ do Sư tổ Thích Thông Tường thuyết giảng, nhằm tiến tu Tam vô lậu học duy trì chính pháp, tiếp nối Tăng già.

Năm 1942-1943, ngài đã thiết lập pháp tòa cung thỉnh Sư tổ Thích Thông Tường cùng chư Tăng ni trong sơn môn chốn tổ Gia Xuyên (chùa Dừa) về chùa Đại Tỉnh, nơi ngài trụ trì để khai khóa giảng an cư kiết hạ cho Tăng ni.

Năm 1946, theo lời thỉnh cầu của chư Tăng, sư Tổ Thích Thông Tường trở về chùa Tân Hương - Ninh Giang để dạy học rồi viên tịch tại đây. Từ đây, ngài tiếp tục kế thừa thầy Tổ "Kế vãng khai lai - thiệu long thánh chủng".

Sau những năm tháng yên ả, dưới mái chùa tu học, tiến đạo nghiêm thân để rồi dấn bước trên con đường phụng sự đạo pháp, thời gian chưa được bao lâu đất nước lâm vào cảnh giặc giã, do thực dân Pháp tiến hành cuộc xâm lược nước ta. Phát huy truyền thống yêu nước của Phật giáo từ ngàn xưa, xuất phát từ ý niệm ấy, ngài đã tạm gác áo ca sa, dấn thân bằng con đường Phật hóa cứu quốc.

Từ 1944-1945, ngài đã tham gia thành viên, rồi Tổ trưởng Tổ Việt Minh bí mật, tự vệ chiến đấu của xã Hoàng Diệu - huyện Tứ Kỳ.

Năm 1946, chùa Đại Tỉnh nơi ngài trụ trì đã trở thành trụ sở Việt Minh xã, năm đó ngài được cử làm Trưởng Ban Cứu tế huyện Tứ Kỳ. Cuối năm 1946, xã Hoàng Diệu được sát nhập về huyện Gia Lộc, ngài tiếp tục được bầu vào huyện hội Liên Việt Gia Lộc.

Năm 1947, ngài được bầu làm Chủ tịch Phật giáo Cứu quốc huyện Gia Lộc. Trên cương vị nhà tu hành yêu nước theo tiếng gọi của non sông, ngài đã động viên các Tăng ni Phật tử tham gia kháng chiến cứu quốc. Trong đó có 2 đệ tử là sư bác Nguyên Huy, sư bác Nguyên Quảng đã lên đường tòng quân cứu nước, một vị đã hy sinh trong kháng chiến.

Năm 1948-1949, khi chiến tranh lan tới, ngài đã nhường nhà cửa cho bộ đội đóng quân, đào hầm bí mật, cất giấu tài liệu, cán bộ, bộ đội và được đề cử làm Trưởng Ban Vận động nhân dân xây dựng ủng hộ Quỹ kháng chiến.

Năm 1950-1951, giặc tràn về chiếm đóng bốt tại chùa Đại Tỉnh. Lúc này, ngài được cử giữ chức Trưởng Ban Liên lạc, hoạt động bí mật nắm tình hình tin tức của địch ngoài kháng chiến.

Năm 1954, sau khi hòa bình lập lại, ngài về chùa Đại Tỉnh tiếp tục tu hành, khôi phục lòng tin nhân dân và hàn gắn vết thương chiến tranh.

Năm 1956, ngài được cử vào Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Gia Lộc trong suốt thời gian 3 khóa. Đến năm 1957, ngài được thỉnh về trụ trì chùa Đống Cao, xã Tân Hưng, huyện Gia Lộc cho đến cuối đời.

Năm 1958-1962, ngài tham gia Ban Đại diện Phật giáo tỉnh Hải Dương, kiêm Trưởng Ban Nghi lễ Phật giáo của tỉnh.

Năm 1963, trước chế độ độc tài Ngô Đình Diệm với chính sách kỳ thị tôn giáo đàn áp Tăng ni Phật tử miền Nam, ngài đã tổ chức các địa điểm tập trung trong huyện và một số huyện lân cận, thiết lễ cầu siêu kết hợp phát hành sách báo lên án tội ác của đế quốc Mỹ và chính quyền Diệm.

Năm 1964-1972, đế quốc Mỹ tiến hành xâm lược miền Nam và leo thang chiến tranh bắn phá miền Bắc, trong thời gian này chùa Đống Cao là địa điểm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh về làm việc. Đồng thời, ngài còn tham gia cùng với bộ đội đào hầm trú quân tránh bom đạn giặc Mỹ và cùng với toàn dân xây dựng quê hương sau mỗi trận bom pháo.

Năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Khu Di tích lịch sử Côn Sơn, Người đã kêu gọi việc trồng cây, trồng rừng kết hợp xây dựng và bảo vệ Khu Di tích Lịch sử văn hóa Côn Sơn. Được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phân công, ngài đã cùng với cố Hòa thượng Hội trưởng Thích Quang Tượng, cố Hòa thượng Thích Nguyên Sinh, cố Hòa thượng Thích Thiện Kỳ, cố Hòa thượng Thích Thanh Hanh... vận động Tăng ni trong tỉnh Hải Dương vào khai sơn phá thạch trồng cây, chở tre gỗ để kiến thiết làm chốn Tùng lâm của tỉnh.

Từ năm 1966-1969, sau khi chùa Côn Sơn trở thành nơi an cư kiết hạ, ngài được Tăng ni suy cử Ban Chức sự Duy Na lãnh chúng trong trường hạ Tùng lâm Côn Sơn 5 khóa liền.

Năm 1968-1980, ngài được bầu vào làm Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Tứ Lộc, kiêm ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh.

Năm 1968, sau khi hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên sát nhập, ngài được Tăng ni suy cử chức Phó Hội trưởng Chi hội Phật giáo Thống nhất tỉnh Hải Hưng.

Năm 1969, sau khi tiếp quản chùa Đông Thuần làm trụ sở, ngài đã cùng với chư tôn đức lãnh đạo Tăng ni tích cực vận động sửa sang làm nơi hội họp và sinh hoạt an cư kiết hạ của Tăng ni.

Năm 1970, ngài được cử đi dự lớp tu học Phật pháp trung ương tại Tổ đình Quảng Bá, do cố Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận cùng giáo sư bác sĩ Lê Đình Thám thuyết giảng.

Năm 1972-1974, ngài còn tham dự các khóa an cư kiết hạ do Trung ương Giáo hội tổ chức tại chùa Quán Sứ, mục đích là thống nhất các nghi lễ và tổ chức hành chính của Giáo hội.

Năm 1976-1977, ngài tham gia Trưởng Ban Vận động cải tiến lễ nghi tôn giáo tại các chùa trong tỉnh, nhằm chấn chỉnh việc thờ cúng, bài trừ tạp giáo mê tín dị đoan, phát huy chính tín.

Từ năm 1980, Tăng ni Phật giáo tại ba miền đều chung một ước nguyện hòa hợp để xây dựng ngôi nhà thống nhất Phật giáo trong cả nước. Thời kỳ này, ngài thường xuyên cung tiếp các phái đoàn đại biểu Phật giáo miền Nam ra thăm viếng các di tích danh thắng của miền Bắc cũng như tỉnh Hải Hưng và những đoàn lưu lại làm việc với Phật giáo tỉnh.

Năm 1981-1987, trong Đại hội Đại biểu Thống nhất Phật giáo tỉnh Hải Hưng lần I, ngài được Tăng ni Phật tử tín nhiệm suy cử làm Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, đồng thời được cử làm Trưởng đoàn đại biểu, tham dự Đại hội Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội. Tại Đại hội, Hòa thượng được suy tôn làm thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Từ năm 1987-1992, Đại hội Phật giáo tỉnh nhiệm kỳ II được tổ chức, ngài tiếp tục được suy cử chức Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Hải Hưng.

Năm 1988, ngài đã cùng với chư tôn đức Ban lãnh đạo Tỉnh hội đề xướng việc xin phép mở Trường Cơ bản Phật học. Sau khi trường được thành lập, Hòa thượng được cử làm Hiệu trưởng Trường Cơ bản Phật học, kiêm bảo trợ học đường khóa I, II.

Năm 1993-1997, tại Đại hội Phật giáo tỉnh nhiệm kỳ III, với uy tín và đức độ, Hòa thượng tiếp tục được suy tôn làm Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Hải Hưng.

Năm 1996, tỉnh Hải Hưng lại chia tách tỉnh như cũ, ngài đã đứng ra chỉ đạo việc chia tách nhân sự giữa hai Ban Trị sự Hải Dương - Hưng Yên.

Cuối năm 1997-2002, Đại hội Phật giáo tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ IV được khai mở, với nạp cao đức trọng và uy tín trong Tăng ni Phật tử, Hòa thượng được tiếp tục suy tôn Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Hải Dương nhiệm kỳ IV và đương nhiệm kỳ V.

Trong suốt 20 năm từ khi thống nhất Phật giáo cả nước, trên cương vị thành viên Hội đồng Chứng minh và Trưởng Ban Trị sự chủ trì các hoạt động Phật sự, ngài còn được Tăng ni Phật tử của tỉnh suy tôn đảm lãnh nhiều ngôi vị Phật sự quan trọng khác như ngôi Đường chủ trong các kỳ an cư kiết hạ hàng năm, thuyết giảng Tam tạng giáo điển cho Tăng ni tu học.

Ngoài ra, trong các đại giới đàn, ngài được Tăng ni suy tôn trong hàng Giáo thụ, Yết ma A xà lê, rồi Hòa thượng đàn đầu tại các đại giới đàn ở Yên Ninh, Côn Sơn, chùa Đông Thuần… để truyền trao cho các giới tử Tăng ni. Ngài cũng thường xuyên đăng đàn truyền thụ Tam quy, Ngũ giới, Thập thiện cho hàng thiện nam tín nữ, Phật tử tại gia.

Hằng năm, tại chùa Đống Cao và chốn Tổ đình Gia Xuyên, ngài còn để tâm đến việc xây dựng, tu bổ phát triển cơ sở Phật giáo tại địa phương.

Năm 1990-1992, Hòa thượng đứng ra xây dựng tòa cổng phía Đông và kiến tạo thêm 12 gian nhà khách hai tầng tại chùa Đống Cao rất nguy nga đồ sộ.

Năm 1993-1994, ngài tiếp tục trùng tu ngôi Tổ đường, điện thờ chư liệt vị Tổ sư và mở rộng nơi sinh hoạt của chư Tăng.

Năm 1995, ngài kêu gọi Tăng ni trong sơn môn cùng nhân dân Phật tử khôi phục lại chốn tổ đình Gia Xuyên, xã Văn Tố, huyện Tứ Kỳ, tới nay đã được hồi sinh và phát triển.

Năm 1996-1997, ngài đã di chuyển quy hoạch lại toàn bộ khu bảo tháp để tôn trí Xá lợi của chư Tổ, dựng tượng đài Bồ tát Quán Thế Âm, tôn tạo hồ Liên trì làm tăng thêm vẻ đẹp nơi chốn Già lam.

Năm 1999-2000, ngài đứng ra kêu gọi các cấp giáo hội, khuyến hóa nhân dân Phật tử cùng hợp sức đại tu ngôi Tam bảo, kết hợp tôn trí lại toàn bộ tượng pháp, hoành phi góp phần làm cho chốn tổ đình mỗi ngày một trang nghiêm tú lệ, xứng đáng là một công trình kiến trúc văn hóa Phật giáo của xứ Đông thời cận đại.

Năm 2001-2002, với đạo lý "Ẩm thủy tư nguyên", Hòa thượng đã chỉ đạo tôn tạo ngôi nhà Thiền thờ Tổ Trúc Lâm tại chùa Đống Cao, tạo cơ sở sinh hoạt tu học cho chư tăng và Phật tử sau này.

Mặc dù trên cương vị Phật sự hay xã hội, Hòa thượng đều tận tụy hết lòng trong công việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, khéo vận dụng phương tiện đưa đạo vào đời theo truyền thống Phật giáo Việt Nam. Với công đức to lớn suốt đời vì đạo pháp vì dân tộc, Hòa thượng luôn giữ phẩm chất đạo hạnh của một nhà tu hành chân chính, góp phần vào sự nghiệp chung của Phật giáo tỉnh Hải Dương được trang nghiêm vững mạnh.

Với những công đức cho đạo pháp - dân tộc, Hòa thượng được Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hải Dương trao tặng:

- Huân chương Độc lập hạng Ba.

- Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất.

- Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất.

- Huy chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân.

- Huy chương Vì sự nghiệp Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam.

- Bằng Tuyên dương công đức của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

- Bằng khen của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Chủ tịch nước CHXHCNVN tặng áo lụa nhân dịp tròn 100 tuổi.

Trên lộ trình suốt 80 năm đã qua từ lúc sơ tâm hành đạo cho đến khi niên cao lạp trưởng, ở ngài đã thể hiện nếp sống thiền gia mô phạm luôn tự chủ, không bị chi phối bởi ngoại duyên mà luôn sống trong pháp lục hòa, thực hành vô ngã vị tha, sách tiến lớp hậu lai cùng tiến tu đạo nghiệp.

Nhưng đời sống con người có hạn, bốn đại duyên theo tăng giảm. Mặc dù đã được Giáo hội, môn đồ pháp quyến cùng các y bác sĩ tận tình chăm sóc, nhưng sức khoẻ ngài giảm dần như ngọn đèn trước gió. Hòa thượng đã thuận lẽ vô thường an nhiên thị tịch vào lúc 16 giờ 30 phút ngày 17. 5. 2003 (nhằm ngày 17 tháng 4 năm Quý Mùi), trụ thế 100 tuổi đời và 75 tuổi đạo.

Trọn một đời nối tiếp giữa hai thế kỷ hiến dâng cho lý tưởng đạo pháp - dân tộc, Hòa thượng luôn khơi dòng trí tuệ Văn Thù, thể hiện hạnh nguyện Phổ Hiền Bồ tát tốt đời đẹp đạo. Mặc dù ngài đã trở về thế giới Niết bàn vô tung bất diệt, nhưng công đức và đạo hạnh của Hòa thượng vẫn còn lưu lại trong Tăng ni Phật tử tỉnh Hải Dương, Sơn môn Gia Xuyên, Tổ đình Đống Cao mãi đến ngàn sau.

 


- Tỳ kheo Thích Thanh Vân, môn đồ pháp quyến chùa Đống Cao biên soạn và cung cấp.

- Tỳ kheo Đồng Bổn biên tập lại.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 12
    • Số lượt truy cập : 6783925