Thông tin

HÒA THƯỢNG THÍCH MINH TỊNH

VỊ CHỦ TỊCH HỘI PHẬT GIÁO CỨU QUỐC THỦ DẦU MỘT

VỚI NHỮNG ĐÓNG GÓP CHO ĐẠO PHÁP VÀ DÂN TỘC

 

Thượng tọa Tiến sĩ THÍCH CHƠN PHÁT
Ủy viên HĐTS GHPGVN,
Phó Ban Trị sự, kiêm Trưởng Ban Giáo dục
GHPGVN tỉnh Bình Dương

 

1. Bối cảnh ra đời Hội Phật giáo cứu quốc Thủ Dầu Một

Lịch sử ghi nhận, vào năm 1935, khi phong trào chấn hưng Phật giáo được phát động và các tổ chức Phật giáo tại Nam Kỳ lần lượt ra đời, thì tại Thủ Dầu Một đã có Hội Lục Hòa Liên Xã và Hội danh dự yêu nước với mục đích chấn hưng Phật giáo và tham gia cứu quốc do Hòa thượng Từ Văn khởi xướng và lãnh đạo trước đó hàng chục năm.

Lại nữa, vào khoảng cuối năm 1944, cũng tại Thủ Dầu Một, ông Huỳnh Kim Trương một nhân sĩ trí thức yêu nước đã đứng ra thành lập Hội truyền bá quốc ngữ tại làng Phú Cường. Tiếp đó từ năm 1944 đến năm 1945, phong trào truyền bá chữ quốc ngữ lan rộng ra khắp các tỉnh thành Nam Bộ. Lúc bấy giờ, các lãnh đạo Việt Minh tại Thủ Dầu Một đã tranh thủ cơ hội này xây dựng một đội ngũ giáo viên cốt cán của tổ chức Việt Minh nằm trong Hội để truyền bá tinh thần yêu nước. Đặc biệt, ngoài các lớp học tổ chức tại Trường nữ Châu Thành, Trường Tân Ánh Mai, Trường Trước, thì các lớp học ban đêm còn lại hầu hết đều được tổ chức tại chùa Hội Khánh, chùa Tây Tạng, chùa Thiên Tôn, hằng đêm có đến hàng trăm học viên theo học. Hội truyền bá quốc ngữ Thủ Dầu Một được giới Phật giáo Thủ Dầu Một nhiệt tình hưởng ứng với nhiều mục đích, mà trong đó có mục đích phục vụ phong trào kháng chiến. Theo lịch sử thì sau cách mạng tháng 8, khi Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ chưa thành lập, thì trước đó giới Tăng sĩ yêu nước ở Thủ Dầu Một đã tập hợp được 40 ngôi chùa trong tỉnh để làm hậu thuẩn và chuẩn bị cho sự kiện thành lập Hội Phật giáo cứu quốc Thủ Dầu Một. Do đó, có thể nói là tư tưởng và hoạt động yêu nước của Hội Phật giáo cứu quốc Thủ Dầu Một bắt nguồn từ Lục Hòa Liên Xã và Hội danh dự yêu nước, nhờ đó mà sau cách mạng tháng 8, giới Phật giáo Thủ Dầu Một đã hăng hái tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước do Hội Phật giáo cứu quốc Thủ Dầu Một phát động.

Vào ngày 23/3/1945, Hội Phật giáo cứu quốc Thủ Dầu Một do mặt trận Việt Minh hướng dẫn đã được thành lập tại chùa Hội Khánh, Hòa thượng Minh Tịnh được bầu làm Chủ tịch và Hòa thượng Thiện Hương (trụ trì chùa Hội Khánh) làm Phó Chủ tịch, Thượng tọa Quảng Viên làm Thư ký. Tại lễ ra mắt Hội có bác sĩ Trần Công Vị, Chủ tịch Ủy ban hành chánh tỉnh Thủ Dầu Một đến tham dự và chứng nhận. Với uy tín của mình, vai trò chủ đạo của Hòa thượng thiền sư Minh Tịnh đã thu hút nhiều thành phần yêu nước trong xã hội thời bấy giờ tham gia vào hội.

2. Vài nét về hoạt động yêu nước của Hội Phật giáo cứu quốc Thủ Dầu Một

So với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, thì Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Thủ Dầu Một mang nét đặc thù rất riêng. Nhất là sau chuyến đi Ấn Độ và Tây Tạng của Hòa thượng thiền sư Minh Tịnh năm 1935, mới nhìn tuy không liên quan gì đến hoạt động cứu quốc, nhưng thật ra nó lại là chiều sâu của phong trào Phật giáo cứu quốc tại Thủ Dầu Một, bởi theo Hòa thượng Minh Tịnh, muốn chấn hưng Phật giáo hay tham gia cứu quốc thì phải nghiên cứu giáo lý Phật đà. Chính vì vậy mà ngài đã xuất dương qua Tây Tạng và Ấn Độ trong điều kiện hết sức khó khăn, cho nên không phải ngẫu nhiên mà sau cách mạng tháng 8, Hòa thượng thiền sư Minh Tịnh đã được bầu làm Chủ tịch Hội Phật giáo cứu quốc Thủ Dầu Một.

Từ khi Hội Phật giáo cứu quốc Thủ Dầu Một ra đời, nó đã tác động mạnh đến lòng yêu nước trong đại đa số Tăng, tín đồ Phật giáo ở đây, thanh niên Tăng lần lượt tình nguyện thoát ly ra bưng biền kháng chiến, như quý Hòa thượng Thiện Tràng (chùa Long Minh – Thị xã), Hòa thượng Thiện An1, thầy Thiện Linh (chùa Bửu Phước - Phú Giáo), Hòa thượng Quảng Viên (chùa Hội Khánh), sư Thiện Căn (chùa Thanh Long)... Các vị tôn túc ở lại thì tổ chức vận động đồng bào Phật giáo quyên góp ủng hộ kháng chiến, như Hòa thượng Thiên Hương ở chùa Hội Khánh, đã nhường quyền canh tác 28 mẫu ruộng ở xã An Tây để làm kinh tế nuôi quân do ông Nguyễn Minh Chương, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chánh tỉnh Thủ Dầu Một yêu cầu... Cũng vào thời điểm này một cuộc họp quan trọng được tổ chức tại chùa Thiên Ân ở Thuận Giao vào đêm mùng 3 tháng giêng năm Bính Tuất (1946) do Hòa thượng Minh Trứ và Hòa thượng Minh Nguyệt2 tổ chức, trong đó có hai ông Tám Chinh và Tám Nhóm, cuộc họp bàn kế hoạch vận động trong giới Phật giáo và quần chúng tham gia ủng hộ cách mạng, nhưng do có nội gián chỉ điểm nên Hòa thượng Minh Trứ3 và Minh Nguyệt cùng hai ông Chinh và ông Nhóm bị chúng bắt đem về đồn gần nhà thờ họ đạo chợ Búng để điều tra, riêng Hòa thượng Minh Nguyệt (người quê Bến Thế) được bảo lãnh hợp pháp, nên Hòa thượng được trả về. Còn ngài Minh Trứ và hai đồng sự của Hòa thượng bị Pháp đem xử bắn tại dốc dài Hòa Lân xã An Thạnh vào lúc 16 giờ ngày mùng 4 tháng giêng âm lịch (1946), theo chính sách hiện hành thì Hòa thượng Minh Trứ đã được công nhận là liệt sĩ.

Trong quá trình hoạt động yêu nước của Hội Phật giáo cứu quốc Thủ Dầu Một, Yết ma Thích Chơn Thiện, thế danh là Lê Văn Thiện, ở chùa Thiên Thắng4 (Chánh Nghĩa) ảnh hưởng truyền thống yêu nước của bổn sư là Hòa thượng Chơn Đạt, thầy giỏi cả văn lẫn võ và cũng là một họa sĩ tài năng, tham gia kháng chiến làm thư ký mật vụ cho cách mạng, thầy là người chịu trách nhiệm mọi hoạt động đưa tin tức ra cơ sở. Ngày 1/9/1960, Yết ma Chơn Thiện bị mật thám theo dõi và bị bắt, thầy cùng 4 đồng sự bị địch đem ra xử bắn tại ngã tư Sao Quỳ (Phú Hòa) vào 8 giờ sáng ngày 10/9/1950, trước khi chết thầy còn nói: “Tôi chỉ buồn là chưa đuổi giặc ra khỏi đất nước Việt Nam và chưa làm tròn chữ hiếu”. Theo Lịch sử Đảng (địa phương Tân An) thì trong quá trình hoạt động cứu quốc diễn ra tại Thủ Dầu Một thì Hòa thượng Thích Thiện Tràng5 đã vận động một số tay anh chị giới lục lâm, giang hồ tham gia vào đội quân du kích khởi nghĩa cướp chính quyền. Cách mạng tháng tám thành công, ngài thoát ly vào vùng kháng chiến, giữ chức Phó Quận đội Châu Thành, Thủ Dầu Một. Năm 1963, Hòa thượng bị bắt cầm tù đến tháng 12/1964 được trả tự do. Sau ngày giải phóng (1975) Hòa thượng là Ủy viên Mặt trận tổ quốc Sông Bé, Hòa thượng được tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất.

Hòa thượng Thích Thiện An (Trần Văn Mạnh) người làng Phước Vĩnh (Phú Giáo) xuất gia học đạo với Hòa thượng Từ Chí chùa Bửu Phước ở Bưng Lớn, sau chùa dời về Suối Nước Trong (Vĩnh Hòa). Năm 1946, chùa tổ chức đám cúng, mời lính Pháp ở cầu Sông Bé sang dự tiệc, lợi dụng tình thế này chư Tăng và du kích đánh Pháp cướp súng, sau đó chùa bị giặc Pháp thiêu hủy, Hòa thượng phải vào vùng kháng chiến trực tiếp tham gia làm trưởng công an xã An Linh, sau làm Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chánh xã Sông Lô (căn cứ địa vùng chiến khu D) được kết nạp vào Đảng Cộng sản. Năm 1954 Hòa thượng được Nhà nước tặng thưởng hai huân chương kháng chiến…

Hòa thượng Thích Quảng Viên (tức Lê Văn Ký quê Tương Bình Hiệp), ngài xuất gia năm 1926 tại chùa Hội Khánh, tháng 12/1945, thoát ly tham gia kháng chiến làm chính trị viên trung đội thuộc ấp 1 Tương Bình Hiệp, năm 1947 đắc cử vào Hội đồng Nhân dân xã, Hòa thượng là Đảng viên Đảng Cộng sản… Sư Thiện Linh (Nguyễn Văn Linh) Tăng chúng chùa Bửu Phước, là người trực tiếp tham gia chiến đấu và đã hy sinh vào năm 1947 tại Nước Trong (nay thuộc Vĩnh Hòa), cũng trong thời gian này, còn có rất nhiều nhà sư yêu nước ở Thủ Dầu Một đã bị Pháp xử bắn, đánh đập và tù đày, như sư Trần Văn Sẵn đệ tử của Hòa thượng Khánh Tường chùa Phước An ở Phú Hòa, Thủ Dầu Một. Sư không ngăn được lòng căm phẩn khi chứng kiến cảnh giặc Pháp đánh đập thầy bổn sư của mình một cách dã man, sư đã tham gia cách mạng và trực tiếp ném lựu đạn vào lễ đài của làng Phú Cường trong khi người Pháp đang tổ chức lễ, thầy Sửu bị bắt và bị tử hình tại Gò Đậu vào năm 1948. Cùng với sư Trần Văn Sẵn, các sư Thiện Quý chùa Thanh Sơn (Thạnh Phước, Tân Uyên) cũng bị giặc Pháp ở đồn Tân Trạch xử bắn vào năm 1948, các sư đều được công nhận là liệt sĩ.

Ngoài ra trong hoạt động yêu nước của Hội Phật giáo cứu quốc Thủ Dầu Một còn có rất nhiều tấm gương cách mạng sáng ngời về tinh thần quật khởi và ý chí chiến đấu, điển hình như Sư cô Bùi Thị Được là con gái duy nhất của Ni sư Đạt Huyền chùa Bùi Bửu (Dĩ An) đã thoát ly tham gia chống Pháp và hy sinh tại Đồng An (Dĩ An). Ni sư Đạt Huyền đã được Nhà nước phong tặng “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; Phật tử Trương Thị Ninh, sinh hoạt ở chùa Huyền Trang (Tân Đông Hiệp - Dĩ An) là một Phật tử kiên trung với cách mạng, trong hai thời kỳ kháng chiến, Phật tử Trương Thị Ninh đã có 3 người con hy sinh cho cách mạng, bà được Nhà nước phong “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Phật tử Nguyễn Thị Mười (pháp danh Như Ngọc) là bà nội Ni sư Diệu Nghĩa, bà đã hiến cho hai cuộc kháng chiến 5 người con và được Nhà nước phong “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Thầy Trí Minh chùa Long Thắng (Tân Uyên) tham gia hoạt động cách mạng bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo đến năm 1954 mới được trả về. Thầy Quảng An (Thầy Sầu) chùa Thanh

Sơn (Thạnh Phước – Tân Uyên) tham gia hoạt động cách mạng bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo. Thầy Tắc Kim, Sư cô Tắc Thông (chùa Pháp Ấn), Hòa thượng Thiện Nguyệt (chùa Bồ đề Đạo Tràng) trực tiếp tham gia và ủng hộ cho cơ sở cách mạng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương. Sư Thiện Căn tham gia phong trào thanh niên tiền phong, sau 1945 tham gia vệ quốc đoàn, thuộc chi đội 1, đại đội 3 ở khu vực Bến Cát. Trong thời gian tham gia cách mạng, sư từng bị tù đày, năm 1969, sư về quê Bình Dương xây dựng chùa Thanh Long thuộc hệ Nam Tông. Sư Thiện Căn được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng 3….

Trong suốt quá trình cống hiến cho phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp, Hội Phật giáo cứu quốc Thủ Dầu Một đã chứng tỏ bản thân là một trong những lực lượng nòng cốt, chứ không đơn thuần chỉ là một tổ chức mang tính phong trào, điển hình cho nhận định này là tại chùa Bửu Nghiêm ở phường Chánh Nghĩa (Thủ Dầu Một) đã thành lập Hội quán Thanh niên tiền phong, qui tụ đông đảo thanh niên ở vùng Bà Lụa đến để tập quân sự và hình thành đội cứu quốc quân do thầy Út Rõ đứng ra vận động kêu gọi. Lãnh đạo phong trào có các đồng chí địa phương như Lê Văn Rõ, Nguyễn Văn Dần (Hòa thượng Chí An - Chơn Dung) Huỳnh Văn Hoa, Đỗ Bá Phe. Trong số lãnh đạo này, Hòa thượng Dần là người có công lớn cho việc tập hợp xây dựng phong trào cách mạng tại chùa Bửu Nghiêm, Hòa thượng được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, và tại chùa Long Thắng xã Thạnh Phước (Tân Uyên) lúc bấy giờ do Đại đức Trí Minh trụ trì, là một cơ sở hoạt động cách mạng. Vào ngày 14/9/1946 Đại đức Trí Minh đã tổ chức một đại trai đàn, nhân dịp này thầy kêu gọi đồng bào hưởng ứng treo quốc kỳ Việt Nam chào mừng sự kiện Hồ Chủ tịch ký Hiệp ước Paris (6/3/1946), cuộc lễ có sự chứng minh của Hòa hượng Thích Huệ Thành (Phó Chủ tịch Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ) và Hòa thượng Trí Tấn (Đại diện Mặt trận Việt Minh) cùng với ông Trần Công Thành lãnh đạo địa phương đến tham dự. Sau cuộc lễ, chùa bị lính Pháp theo dõi và Đại đức Trí bị bắt đày ra Côn Đảo.

Tại chùa núi Châu Thới, chư Tôn đức và tăng chúng đã ủng hộ cho một đơn vị bộ đội (Chi đội 10 ở Biên Hòa) và ủng hộ một Đại hồng chung cho công binh xưởng đúc vũ khí phục vụ chiến trường. Hoạt động nơi đây có nhiều đồng chí lãnh đạo như: Huỳnh Văn Nghệ, nhà cách mạng lão thành, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát và Huỳnh Văn Đức (tự Bảy Kiên)… Tại chùa Hưng Long (Tân Uyên) Hòa thượng Trí Tấn đã đào hầm, nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng trong đó có hai vị: Ông Chín Đàn (nguyên thường vụ huyện ủy Tân Uyên) và ông Tư Sơn (nguyên thường vụ huyện ủy Thuận An). Năm 1945 Hòa thượng Trí Tấn là Tổng thư ký Phật giáo cứu quốc miền Đông Nam Bộ, ngài đã động viên 4 thầy trong chùa tham gia kháng chiến và tất cả đều đã hy sinh vào năm 1947, trong năm 1947, ngài thiêu hủy chùa Hưng Long để hưởng ứng phong trào tiêu thổ kháng chiến. Tại chùa Phước Đồng, Hòa thượng Tân trực tiếp nuôi giấu cán bộ cách mạng trong đó có đồng chí Năm Trang (tức Phan Văn Trang, nguyên bí thư tỉnh ủy Đồng Nai), bà Nguyễn Thị Hiệp (hiện là thương binh), và ông Hồ Văn Xã (nguyên Trưởng công an xã Mỹ Hiệp trong thời kháng chiến chống Pháp)… Có thể nói rằng, dưới sự lãnh đạo điều hành của Hội Phật giáo cứu quốc Thủ Dầu Một, trong suốt thời kỳ chống Pháp, hầu hết các chùa ở Bình Dương đều tham gia ủng hộ, giúp đỡ, nuôi giấu cán bộ cách mạng.

3. Thân thế và sự nghiệp của Hòa thượng thiền sư Thích Minh Tịnh (1888 – 1951) - Chủ tịch Hội Phật giáo cứu quốc Thủ Dầu Một

Hòa thượng thiền sư Minh Tịnh tên thật là Nguyễn Tấn Tạo (ông mười Tạo) sanh năm 1888 tại thôn An Thạnh (Thủ Dầu Một). Ngài là bậc trí thức am hiểu cả Đông lẫn Tây học, vốn xuất thân là một công chức trong ngành y tế, bình sinh ngài rất chú tâm nghiên cứu Phật học, thời gian sau đó ngài xuất gia với Hòa thượng Ấn Thành – Từ Thiện ở chùa Thiên Tôn, được thầy bổn sư đặt pháp danh Chân Phổ - Nhẫn Tế thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 40. Về sau, ngài lại cầu pháp thọ giới với Hòa thượng Ngộ Định - Từ Phong, đồng thời cầu pháp học đạo với Tổ Huệ Đăng và được Tổ Huệ Đăng đặt pháp danh Minh Tịnh.

Sau khi cầu pháp với Tổ Huệ Đăng, ngày 27/2/1936, ngài bắt đầu cuộc hành trình đi Tây Tạng theo các vị Lạt Ma trong đoàn chiêm bái Bồ Đề Đạo Tràng khi họ trở về xứ. Lúc bấy giờ đường đi gian khổ vất vả, nên hơn hai tháng ngài mới đến xứ Bhutan, mất một tháng ở lại đây học hỏi ngôn ngữ, phong tục, chờ tuyết tan và đi một tháng nữa mới đến thủ đô Lhasa, ngài đến xứ Tây Tạng vào ngày 28/6/1936. Tại Tây Tạng, ngài tham học về Kim Cang thừa Mật giáo với Lama Quốc Vương. Để được học pháp môn này, ngài phải trải qua khảo thí khắt khe nghiêm mật trong cuộc thi tuyển toàn quốc, ngài là một trong hai người được tuyển chọn cuối cùng. Sau một trăm ngày tu học ở Tây Tạng, ngài được Lam Quốc Vương ấn chứng sở đắc thiền quán, truyền tâm pháp Kim Cang thừa và ban cho pháp danh Thubten Osall Lama. Thành tựu sở nguyện, ngày 29/10/1936, ngài rời xứ Tây Tạng và mất một tháng để trở lại Ấn Độ, tại đây ngài đi chiêm bái và học hỏi thêm một thời gian nữa rồi xuống tàu về nước.

Ngày 30/6/1937, ngài về đến Việt Nam kết thúc chuyến du hành chiêm bái Phật tích dài hai năm bốn tháng, ngày 2/7/1937, ngài dâng cúng lên Tổ Huệ Đăng một số bảo vật như: Ngọc Xá Lợi của Phật Thích Ca thỉnh tại tháp Bothu-Nath ở Nepal, một xâu chuỗi 18 hột kim cang tròn năm khía, không mài sửa và nột xâu chuỗi trường (108 hột), mỗi hột có hình một con mắt có con ngươi như mắt người. Sau khi nhận các bảo vật do ngài dâng cúng, Tổ Thiên Thai đã cho thỉnh Xá Lợi Phật thờ ở tháp Thiên Bửu và cho đổi tên tháp lại là “Thiên Bửu Tự Tháp”. Rời Tổ đình Thiên Thai, ngài về lại trụ xứ Bình Dương, uy tín đạo đức của ngài lan rộng. Năm Mậu Dần (1938), ngài được ông Hương cả Trượng ở Phú Cường thỉnh về trụ trì chùa Bửu Hương6 tại làng Phú Cường, về sau chùa Bửu Hương được ngài đã đổi tên thành Tây Tạng để đánh dấu chuyến du hành Tây Tạng. Cũng trong năm này ngài khởi công xây dựng lại chùa Thiên Chơn tại làng An Thạnh ngay trên nền cũ vốn là am cốc nơi ngài chuyên tu trước khi đi Ấn Độ, chùa Thiên Chơn được khánh thành vào năm 1940.

Hòa thượng thiền sư Minh Tịnh là một trong những vị Tăng đầu tiên của Phật giáo Đàng Trong thời bấy giờ mang xá lợi từ đất Phật về Việt Nam, sau chuyến vân du học đạo trên đất Phật, ngài trở thành một bậc cao Tăng tạo nhiều ảnh hưởng trong giới học Phật, và được Phật tử khắp nơi tôn vinh sùng kính.

Năm Ất Dậu (1945), hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ngài tham gia Hội Phật giáo cứu quốc Thủ Dầu Một và được suy cử làm Chủ tịch. Tháng 6/1946, ngài là thành viên Mặt trận Việt Minh tỉnh Thủ Dầu Một tại khu Thuận An Hòa. Theo các bậc cách mạng tiền bối tại Bình Dương thì Hòa thượng Minh Tịnh là người có công trong phong trào kháng chiến trong giới Phật giáo và cũng là người cha đỡ đầu của đồng chí Nguyễn Văn Thi (Liên trung đoàn trưởng) bản doanh đóng tại Bình Chuẩn - Lái Thiêu; ngoài ra ngài còn đỡ đầu cho chi đội 1 và chi đội 10 sau này trở thành liên trung đoàn 301, 310. Vào khoảng năm 1950, ngài làm cố vấn quân-dân-chánh tỉnh Thủ Dầu Một. Trong vị trí của Chủ tịch Hội Phật giáo cứu quốc Thủ Dầu một, Hòa thượng Minh Tịnh đã nhiều lần ra lời kêu gọi vận động viên giới Tăng sĩ và tín đồ Phật tử dồn hết sức mình tham gia kháng chiến, ngài từng tuyên bố “Khi còn chiến tranh thì một viên ngói, một viên gạch cũng không được sử dụng xây chùa”.

Ngoài những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, Hòa thượng Minh Tịnh còn là bậc cao Tăng, thật học, ngài đã để lại tác phẩm như Nhật Ký Tây Tạng và dịch bộ Lăng Nghiêm Tông Thông (do Thành hội Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản 1997). Ngài viên tịch ngày 17/5/1951 (Tân Mão) thọ 63 tuổi; đồ chúng lập tháp thờ trong khuôn viên chùa Thiên Chơn.

Qua dòng chảy lịch sử và tinh thần yêu nước của Phật giáo Bình Dương trong công cuộc kháng chiến chống Pháp, có thể nói ảnh hưởng tư tưởng, tinh thần nhập thế phụng đạo, yêu nước của Thiền sư Minh Tịnh rất lớn. Do đó hầu hết các bậc tiền bối tham gia vào tổ chức Hội Phật giáo Cứu Quốc Thủ Dầu Một sau này đều là những vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hoà Tăng Bình Dương, điển hình trong số đệ tử của Hòa thượng Thiền sư Minh Tịnh có Hòa thượng Tịch Chiếu từng giữ chức Chánh Thư ký Giáo hội Cổ truyền Lục Hòa Tăng tỉnh Bình Dương (1953). Năm 1963, Hòa thượng Tịch Chiếu là đại diện Giáo hội Lục Hoà Tăng tỉnh Bình Dương tham dự Đại hội thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tại chùa Ấn Quang (Sài Gòn) và được cử vào chức vụ Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Bình Dương vào năm 1965.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Hiếu Học, Dấu xưa đất Thủ, Hội Văn học nghệ thuật Bình Dương, Nxb Trẻ, năm 2009.

2. Thích Huệ Thông, Minh Tịnh Thiền sư đất Thủ và cuộc hành trình Tây Trúc (thập niên 30 thế kỷ XX), bản tin Hương Sen, Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương, số 12, ngày 15/7/2009, trang 16.

3. Tổ sư thượng Nhẫn hạ Tế - Thubten Osall Lama, Nhật ký tham bái Ấn Độ, Tây Tạng, Bản photocopy do chùa Tây Tạng lưu trữ.

4. Nguyễn Văn Hạnh - Huỳnh Như Phương (1999), Lý luận văn học vấn đề và suy nghĩ, Hà Nội, Nxb. Giáo Dục, trang 101.

5. Lịch sử Phật giáo Bình Dương – Thích Huệ Thông, NXB Văn hoá Văn nghệ TP HCM, năm 2015.

 


1. Hòa thượng Thích Thiện An thế danh Trần Văn Mạnh, người làng Phước Vĩnh(Phú Giáo) xuất gia học đạo với Hòa thượng Từ Chí chùa Bửu Phước ở Bưng Lớn, sau chùa dời về Suối Nước Trong (Vĩnh Hòa).

2. Hòa thượng Minh Nguyệt với bí danh Tam Không, sau này làm Chủ tịch Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ.

3. Hòa thượng Minh Trứ tên tục là Nguyễn Văn Vằn, quê An Thạnh, là trưởng tử của Hòa thượng Pháp Hỷ (người đầu tiên tham gia phong trào Thiên Địa Hội), Hòa thượng Minh Trứ cầu pháp với Tổ Huệ Đăng. Sau là cán bộ Việt Minh trong phong trào thanh niên cứu quốc, Hòa thượng trực tiếp tham gia vào tổ chức quốc gia tự vệ cuộc, được cơ sở giao nhiệm vụ đặc biệt hoạt động tại địa phương, năm 1946 Hòa thượng bị mật thám Pháp bắt và xử bắn.

4. Chùa Thiên Thắng còn gọi là chùa Hang vì là ngôi chủa đào hầm nuôi giấu cán bộ cách mạng, giống như cái hang nên gọi làchùa Hang.

5. Tức Võ Văn Huê, quê xã Tân An, Châu Thành, Thủ Dầu Một, vào năm 1920, ngài xuất gia tại chùa Hội Khánh, năm 1929 thì về trụ trì chùa Long Minh.

6. Ngôi chùa này được xây dựng vào khoảng năm 1930 do ngài Cao Minh và ông Huyện Trương vận động bà con thành lập. Chùa ban đầu theo hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương (do ông Đoàn Văn Huyên sáng lập).

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 36
    • Số lượt truy cập : 6953982