Thông tin

HÒA THƯỢNG THÍCH NGUYÊN LỢI (1920-2010)

 

 

Hòa thượng Thích Nguyên Lợi, pháp hiệu Huệ Chơn, pháp tự Thiện Lạc. Ngài thế danh là Bùi Tấn Nghĩa, sinh năm Canh Thân (1920), tại làng Xuân Mỹ, xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, trong một gia đình nông dân chơn chất, có tín tâm sâu dày với Tam bảo. Thân phụ là cụ ông Bùi Cương, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Quýnh. Hòa thượng là người con thứ tư trong số 12 anh em.

Do có hạt giống Bồ đề được gieo trồng từ nhiều kiếp, nên năm lên 18 tuổi (1938), ngài được song thân cho xuất gia với Hòa thượng Thích Diệu Quang, trụ trì tổ đình Khánh Long, thôn Vạn Lộc, xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa.

Dưới sự ân cần giáo dưỡng của Hòa thượng bổn sư, cùng với túc duyên sâu dày sẵn có, suốt thời kỳ hành điệu tu học tại tổ đình, ngài luôn chăm chỉ, tinh tấn trong việc công phu bái sám, cũng như các công việc lao động phục vụ tổ đình. Mặc dù mới tập sự xuất gia, nhưng ngài đã thể hiện chí xuất trần một cách mạnh mẽ. Đặc tính này đã khiến cho bổn sư vô cùng thương mến và kỳ vọng vào tương lai của tổ đình.

Năm 1941, công việc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta đến thời kỳ ác liệt, đáp lại lời kêu gọi của Tổ quốc, ngài đã tự nguyện xếp cởi áo tu, trực tiếp tham gia vào lực lượng vũ trang địa phương góp phần vào sự nghiệp chống ngoại xâm giành độc lập cho dân tộc.

Đến năm 1945, sau khi hoàn thành nhiệm vụ người công dân trong thời chiến, ngài đã trở lại nếp sống nâu sòng, ngày đêm chuyên tinh kinh luật, tu tâm dưỡng tánh dưới sự giáo dưỡng của tôn sư.

Năm 1961, ngài được Hòa thượng bổn sư cho phép thọ giới Sa di tại tổ đình Ấn Quang, Sài Gòn. Sau đó, Hòa thượng tòng học tại chùa Vạn Thọ và chùa Giác Nguyên ở quận Nhất và quận Tư, Sài Gòn.

Năm 1962, trước chính sách kỳ thị tôn giáo khốc liệt của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, giáo hội đã đề cử Hòa thượng về nhận chức vụ trụ trì chùa Cảnh Thái và đảm trách Phật sự tại xã Hòa Vinh, hướng dẫn tăng ni phật tử tu tập, bảo vệ đạo pháp.

Năm 1964, Hòa thượng được thọ Tỳ kheo Bồ tát giới tại Đại giới đàn Việt Nam Quốc Tự, do Hòa thượng Thích Thiện Tường làm Đàn đầu.

Năm 1981, sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập trên phạm vi cả nước, tiếp đến là sự ra đời của các tỉnh thành Phật giáo trên toàn quốc. Năm 1982, Ban Trị sự Phật giáo Phú Khánh chính thức hoạt động, Hòa thượng được mời đảm trách chức vụ Chánh Đại diện Phật giáo huyện Tuy Hòa Bắc, Phú Khánh.

Năm 1989, sau khi Phú Yên tách rời Phú Khánh, Ban Trị sự Phật giáo Phú Yên được thành lập, Hòa thượng là Ủy viên Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, kiêm Chánh Đại diện Phật giáo huyện Tuy Hòa. Khi huyện Tuy Hòa chia hai Đông Hòa và Tây Hòa. Hòa thượng lại giữ chức Chánh Đại diện Phật Giáo huyện Đông Hòa cho tới ngày viên tịch.

Ngoài ra, Hòa thượng còn được Giáo hội mời đảm trách Ủy viên Ban Bảo trợ Trường Phật học Liễu Quán Phú Yên, để cùng với Giáo hội và Ban Giám hiệu chăm lo đời sống tu học của Tăng ni sinh.

Vào các năm 1998, 2001, 2003, Ban Trị sự tỉnh mở các Đại giới đàn Liễu Quán 1, 2, 3 để tạo thuận duyên cho Tăng ni tỉnh nhà thọ lãnh giới pháp tấn tu đạo hạnh, Hòa thượng được mời vào ngôi vị Đệ nhất Tôn chứng sư.

Là một vị phạm hạnh trong hàng Thích Tứ, lấy hạnh nguyện lợi tha làm sự nghiệp trên sứ mạng Tác Như Lai Sứ, Hành Như Lai Sự, tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức, Hòa thượng đã độ trên 30 đệ tử xuất gia và hàng ngàn Phật tử tại gia tại địa phận xã Hòa Vinh cũng như các địa phận thuộc huyện Tuy Hòa cũ. Hiện nay, đệ tử xuất gia của Hòa thượng đã được Giáo hội bổ nhiệm trụ trì một số chùa và các Phật sự khác.

Song song với sự nghiệp hoằng hòa độ sanh, Hòa thượng còn quan tâm đến Phật sự xây dựng trùng tu nhiều cơ sở giáo hội, như khai sơn chùa Hồng An, xã Hòa Thành, chùa Phước Thời, xã Hòa Bình 1, cũng như chứng minh trùng tu nhiều chùa, như: Cảnh Thái, Cảnh Thạnh, Cảnh An, Cảnh Bình, Cảnh Hưng, Cảnh Long, Lương Quang, Phước Khánh v.v...

Về mặt xã hội, Hòa thượng luôn luôn thể hiện nếp sống tốt đạo đẹp đời, hòa hợp đoàn kết, làm việc gì, dù nhỏ nhất, Hòa thượng đều hoan hỷ hoàn thành.

Do uy tín và đạo hạnh, Hòa thượng được mời tham gia thành viên Mặt trận Tổ quốc và Đại biểu Hội đồng Nhân dân xã Hòa Vinh và huyện Tuy Hòa nhiều nhiệm kỳ, cùng với chức vụ Chánh Đại diện Phật giáo xã Hòa Vinh cho tới ngày viên tịch.

Suốt 50 năm hành đạo tại địa phương, Hòa thượng đã luôn luôn tận tụy với lý tưởng giải thoát, thượng cầu hạ hóa. Bản tánh khiêm cung, cần mẫn, vô ngã vị tha, Hòa thượng đã không nề gian lao, không từ khó nhọc, lúc nào Phật sự cần, nơi nào Phật tử có nhu cầu ngài đều hoan hỷ đáp ứng một cách tận tình.

Có thể nói rằng suốt 91 năm có mặt trên cõi đời, và trên 70 năm hành đạo, Hòa thượng đã thể hiện trọn vẹn tấm gương đạo hạnh, tinh thần phục vụ giáo hội, phục vụ nhân dân một cách trọn vẹn, đáng để cho hậu thế noi theo.

Thế rồi luật vô thường lại đến, tấm thân tứ đại mà Hòa thượng đã vay mượn để hoàn thành hạnh nguyện hoằng pháp lợi sanh báo Phật ân đức, nay đến lúc phải trả lại cho cát bụi. Sau một thời gian thọ bệnh, Hòa thượng đã thâu thần thị tịch xả báo an tường trong trạng thái hoàn toàn minh mẫn, vào lúc 11 giờ 30 ngày 06 tháng 9 năm Canh Dần, nhằm ngày 13 tháng 10 năm 2010, trụ thế 91 năm, hạ lạp 47.

Tang lễ Hòa thượng đã được Giáo hội và môn đồ pháp quyến long trọng tổ chức tại chùa Cảnh Thái suốt các ngày 6, 7, 8, 9, 10 tháng 9 năm Canh Dần, và kim quan được nhập bảo tháp tại tổ đình Hương Tích, xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa, trong niềm kính nhớ, tiếc thương một bậc Tòng lâm đại thọ của Chư tôn đức trong Giáo hội và Tăng tín đồ Phật tử.

NAM MÔ TỪ LÂM TẾ CHÁNH TÔN TỨ THẬP TỨ THẾ, HÚY THƯỢNG NGUYÊN HẠ LỢI, TỰ THIỆN LẠC, HIỆU HUỆ CHƠN, HÒA THƯỢNG GIÁC LINH.

 


- Tiểu sử do đạo hữu Võ Văn Bình-Phú Yên cung cấp.

- Tỳ kheo Đồng Bổn biên tập lại.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 73
    • Số lượt truy cập : 6949666