Thông tin

HÒA THƯỢNG THÍCH NHƯ VẠN (1930-1980)

 

 

Hòa thượng thế danh là Trần Văn Chín, sinh năm Canh Ngọ (1930) tại làng Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Thân phụ là cụ ông Trần Văn Hoàng, pháp danh Chơn Tấn và thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Chung (khi ngài viên tịch thì song thân vẫn còn tại thế).

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống Phật giáo nên ngài sớm có ý chí thoát tục tu đạo. Lúc lên 12 tuổi, ngài đến chùa Phổ Khánh trong làng và tỏ ra quyến luyến không muốn về. Nhưng vì là con trai duy nhất trong gia đình nên ngài phải trở về nhà lo bổn phận môn đăng định tỉnh.

Năm Canh Dần (1950), khi vừa tròn 20 tuổi, thuận duyên đầy đủ nên ngài đến chùa Chúc Thánh lạy Hòa thượng Chơn Chứng-Đạo Tâm-Thiện Quả làm thầy, được Hòa thượng thu nhận làm đệ tử với pháp danh Như Vạn.

Sau một thời gian hành điệu hầu hạ bổn sư, thấy ngài có căn duyên nên vào năm Tân Mẹo (1951), Hòa thượng Thiện Quả gởi ngài vào học tại Phật học đường Nam Việt dưới sự hướng dẫn của Hòa thượng Thiện Hòa và Trí Hữu. Đồng học khóa này có các ngài Chơn Phát, Chơn Điền, Như Huệ, Hạnh Từ...…

Năm Nhâm Thìn (1952), ngài thọ giới Sa di với Hòa thượng Khánh Anh và được bổn sư ban pháp tự là Giải Thọ.

Năm Ất Mùi (1955), ngài thọ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Ấn Quang do Hòa thượng Thiện Hòa tổ chức. Đàn giới này đã cung thỉnh Hòa thượng Thích Tịnh Khiết-Pháp chủ Giáo hội Tăng già Việt Nam làm Đàn đầu hòa thượng. Sau khi đắc giới, ngài được bổn sư phú pháp với hiệu là Trí Phước, chính thức dự vào hàng Tăng bảo khi vừa tròn 25 tuổi, nối pháp đời thứ 40 dòng Lâm Tế và đời thứ 8 pháp phái Chúc Thánh.

Năm Kỷ Hợi (1959), sau khi tốt nghiệp tại Ấn Quang, Hòa thượng được Giáo hội Tăng già Quảng Nam-Đà Nẵng và tông môn thỉnh cử làm trụ trì tổ đình Phước Lâm thay thế cho Hòa thượng Thích Trí Giác đảm đương Phật sự quan trọng khác. Từ đây, ngài bắt đầu cuộc đời "Tác Như Lai Sứ, Hành Như Lai Sự" cho đến hơi thở cuối cùng.

Năm Canh Tý (1960), ngài đảm nhận chức vị giảng sư do Hòa thượng Thiện Minh bổ nhiệm ngày 19.8.1960. Từ đây, ngài cùng với quý tôn túc trong Giáo hội Tăng già Quảng Nam xây dựng nhiều cơ sở Phật giáo tại các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc, Quế Sơn, Điện Bàn. Từ hải đảo cù lao xa tít cho đến vùng núi đồi hiểm trở, như: Đèo Le, Hòn Kẽm, Đá Dừng... đều lưu dấu những bước chân hoằng pháp không biết mỏi mệt của ngài.

Với vóc người gầy ốm, tánh tình cởi mở, hiền hòa chân thật, với những mẫu chuyện đạo đơn giản nhưng thực tế, ngài đã đến với mọi tầng lớp nhân dân với tâm tha thiết độ sanh không phân biệt. Từ đó, như có một làn gió đạo tươi mát thổi vào làm bừng dậy sức sống của Phật giáo Quảng Nam.

Năm 1963, cuộc đấu tranh của Phật giáo đồ trước nạn kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Tại Quảng Nam, Ủy ban Tranh đấu được thành lập và Hòa thượng được bầu làm Ủy viên Đặc trách các huyện thị. Trong cuộc tranh đấu này, ngài đã tuyệt thực liên tục trước Tòa Hành chánh tỉnh Quảng Nam. Trong thân xác của con người nhỏ bé này lại chứa đựng một tinh thần vô úy kiên định khiến cho chính quyền phải nể phục.

Với cuộc cách mạng 1.11.1963, Phật giáo đã thoát khỏi nạn kỳ thị tôn giáo và đỉnh cao của sự đoàn kết hòa hợp ấy là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời vào đầu năm 1964.

Năm Giáp Thìn (1964), Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Quảng Nam được thành lập và ngài được bầu giữ chức vụ Đặc ủy Cư sĩ, kiêm Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất quận Hiếu Nhơn. Đồng thời cũng trong năm này, Hòa thượng cùng với Hòa thượng Như Huệ được Viện Hóa Đạo chính thức bổ nhiệm làm giảng sư Tỉnh Giáo hội Quảng Nam.

Năm Ất Tỵ (1965), ngài phát tâm đảm nhiệm làm đốc công xây dựng Trường Bồ Đề Quảng Nam (nay là Trường Nguyễn Duy Hiệu-Hội An). Công việc đang dang dở thì vào năm Bính Ngọ (1966), ngài lại dấn thân trong phong trào đấu tranh chống Thiệu-Kỳ bảo vệ hiến chương Phật giáo. Kết thúc cuộc đấu tranh ấy là ngài và Hòa thượng Long Trí, bị bắt giam tại Nha An ninh quân đội Sài Gòn cho đến cuối năm mới được trả tự do.

Năm Đinh Mùi (1967), ngài đứng ra đại trùng tu tổ đình Phước Lâm. Trong lần trùng tu này, ngài muốn đảm bảo tuổi thọ của ngôi chánh điện nên đã cho đúc toàn bộ cột trính bằng xi măng cốt thép. Tuy nhiên, ngài vẫn giữ được nét hài hòa cổ kính của ngôi danh lam xứ Quảng có gần 300 năm lịch sử.

Năm Mậu Thân (1968), trong Đại hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Quảng Nam, ngài lại được Tăng Ni Phật tử tín nhiệm giao cho trọng trách Đặc ủy Cư sĩ, kiêm Hoằng pháp. Với trách nhiệm nặng nề như vậy, nhưng với tình thương vô hạn, ngài đứng ra xây dựng Trường Bồ Đề Xuân Mỹ để con em Phật tử và nhân dân có điều kiện học tập. Trong năm này, ngài được cung thỉnh làm Yết ma A xà lê truyền giới Sa di tại giới đàn chùa Long Tuyền-Quảng Nam.

Năm Canh Tuất (1970), ngài được cung thỉnh làm Tả Giám đàn cho Đại giới đàn Vĩnh Gia do Hòa thượng Thích Giác Nhiên - Đệ nhị Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất làm Đàn đầu.

Năm Tân Hợi (1971), Phật học viện Quảng Nam được thành lập tại chùa Long Tuyền, ngài được Ban Giám đốc mời giữ chức vụ Phó Giám Viện, kiêm Chủ nhiệm bộ môn Hán văn.

Năm Giáp Dần (1974), ngài được cung thỉnh làm Đệ tứ Tọa chúng Tăng già cho giới đàn chùa Long Tuyền do Hòa thượng Thích Tôn Bảo làm Đàn đầu.

Năm Ất Mẹo (1975), đất nước hoàn toàn thống nhất, Phật giáo và dân tộc bước sang một giai đoạn mới. Với khả năng công tác cộng với kinh nghiệm dồi dào trong cả hai lãnh vực Đạo-Đời, ngài được mời đảm nhiệm chức vụ Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thị xã Hội An. Đồng thời, ngài tùy duyên tham gia giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã Hội An và Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng.

Đảm đang nhiều trọng trách trong Giáo hội cũng như ngoài xã hội, với trăm công ngàn việc, nhưng ngài vẫn không xao lãng trong việc duy trì tu bổ chốn tổ. Mùa hè năm Kỷ Mùi (1979), cuộc trùng tu Đông đường được tiến hành và hoàn tất trong niềm kinh ngạc và vui sướng của Tăng ni Phật tử tỉnh nhà. Trong giai đoạn "Gạo châu củi quế" ấy, mà Hòa thượng làm được Phật sự như vậy thì quả thật là bất khả tư nghì.

Sau những năm đầu đất nước mới thống nhất, đời sống nhân dân còn nhiều lo âu vất vả, ngài lại dấn thân cùng với Tăng chúng tham gia nông thiền. Mùa lại đến mùa, hết đồng cạn đến đồng sâu, ra đi sau thời công phu sáng, trở về lúc gióng U Minh nhưng ngài vẫn hoan hỷ lạc quan.

Người xưa từng dạy: "Nhật thực tam xang, mỗi niệm nông phu chi khổ". Cái khổ của nhà nông mà Hòa thượng đã thâm nhập nắng lửa mưa dầm, chân bùn tay lấm và chính trong cái cảnh lam lũ mà vinh quang này, vào lúc 2 giờ chiều ngày 24 tháng 3 năm Canh Thân (08-5-1980), một tai nạn giông tố đã cướp đi một tài năng của Phật giáo xứ Quảng, khi ngài vừa được 51 tuổi.

Tang lễ của ngài được Giáo hội tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng cử hành trọng thể và nhục thân được an trí trong bảo tháp bên trái khuôn viên tổ đình Phước Lâm.

Trong suốt 30 năm tu học và hành đạo, Hòa thượng đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp hoằng dương Phật pháp. Với tinh thần vị tha trong giao tiếp, hăng hái trong công việc, vô úy trước bạo quyền, tận tụy với trách nhiệm của người thầy, ngài đã để lại nhiều hình ảnh cao đẹp trong lòng Tăng Ni Phật tử xứ Quảng. Ngài đã được Tăng tín đồ gọi là một trong Tứ Trụ (1) của Phật giáo Quảng Nam thời cận đại.

(1) Trong các mùa pháp nạn 1963-1966, Phật giáo Quảng Nam dưới sự lãnh đạo của bốn vị Tăng ưu tú mà Tăng ni Phật tử thường gọi là “Quảng Nam Tứ Trụ”. Đó là Hòa thượng Thích Như Vạn, Hòa thượng Thích Long Trí, Hòa thượng Thích Chơn Phát, Hòa thượng Thích Như Huệ. Cả bốn vị đều có năng lực và cùng nhau cộng tác làm cho Phật giáo Quảng Nam một thời hưng thịnh. Cuộc đời tu học và hành đạo của các ngài đã trở thành những huyền thoại đi cùng với lịch sử truyền bá Phật giáo tại xứ Quảng.

 


- Tiểu sử do Đại đức Thích Như Tịnh cung cấp.

- Đăng trên trang nhà Phật giáo Quảng Nam Đà Nẵng năm 2006.

- Tỳ kheo Đồng Bổn biên tập lại.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 126
    • Số lượt truy cập : 6949737