HÒA THƯỢNG THÍCH NHỰT LONG (1917-2004)
Hòa thượng pháp húy Nhựt Long, pháp hiệu Dương Trường, pháp tự Khương Liễu. Ngài thế danh Phạm Văn Phu, thuộc dòng phái Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 42. Ngài sinh năm Mậu Ngọ 1917, trong một gia đình bần nông thuần lương chất phác, thâm tín Phật pháp ở làng Long Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (Tiền Giang). Thân phụ là cụ ông Phạm Văn Trượng, thân mẫu là cụ bà Phan Thị Kiều. Ông bà có cả thảy chín người con, ngài là con thứ ba trong gia đình.
Thuở niên thiếu, theo sự nghiệp của gia đường sống với nghề nông. Thuận theo dòng đời, ngài phụ giúp cha mẹ nuôi đàn em thơ đến tuổi trưởng thành. Vâng lời song thân, ngài lập gia đình và có hai con. Lúc bấy giờ, gần nhà ngài có chùa Long Hòa, hàng ngày vẳng nghe tiếng chuông mõ nhẹ nhàng thanh thoát, ngài đã cảm nhận mình có túc duyên với cửa Phật.
Năm 38 tuổi (1955), ngài phát bồ đề tâm thọ quy y ngũ giới với Hòa thượng Hồng Quang tại chùa Long Hòa là một bậc chân tu đạo cao đức trọng. Hòa thượng đặt cho ngài pháp danh là Nhựt Long. Từ ấy, ngài lo học kinh làm tròn bổn phận người cư sĩ tại gia, phát tâm tu phước, hộ niệm trong các vùng lân cận không ngại nắng mưa khổ nhọc trong lúc chiến tranh ly loạn khắp nơi.
Năm 40 tuổi (1957), ngài phát nguyện thọ Bồ tát giới với Hòa thượng Thiện Hậu tại chùa Pháp Thành, huyện Cái Bè. Sau khi thọ Bồ tát giới, ngài thấu lý huyền diệu của hạnh Bồ tát là từ nơi chúng hữu tình mà giác ngộ, rồi làm lợi ích chúng sanh, trên đền bốn ơn, dưới giúp ba đường khổ. Từ đó, chí xuất trần khơi dậy trong tâm thức, ngài sắp xếp gia đình phát tâm dõng mãnh xuất gia.
Năm 42 tuổi (1959), ngài rời quê hương đến tại chùa Vạn Thọ ở Tân Định, Sài Gòn cầu xin xuất gia thọ Sa di giới với Hòa thượng Thiện Tường. Tuy xuất gia tu học vào buổi trung niên, nhưng với tư chất hiền lành, chuyên cần tinh tấn, ngài nỗ lực tu học bội phần lấp vào thời gian đã trôi qua.
Năm 44 tuổi (1961), ngài được Hòa thượng bổn sư cho thọ cụ túc giới tại Đại giới đàn chùa Phổ Quang, quận Phú Nhuận, Sài Gòn, do Hòa thượng Thích Hải Tràng làm Đường đầu Hòa thượng truyền giới. Sau khi thọ giới Tỳ kheo, ngài nhập hạ tu học tại chùa Vạn Thọ, khóa hạ này được ban Giảng sư của Giáo hội Tăng già đến giảng suốt khóa an cư.
Sau khóa an cư, do thành tích tốt, ngài được giáo hội thu nhận vào khóa học “Như Lai Sứ Giả” tại chùa Pháp Hội do Hòa thượng Thích Thiện Hoa chủ trì, vừa học vừa thực tập giảng dạy khắp miền Nam đất Việt. Tại khóa học này, ngài đã học với: Hòa thượng Thích Thiện Hoa; Hòa thượng Thích Hành Trụ; Thượng tọa Thích Huyền Vi; Thượng tọa Thích Thiền Định; Cư sĩ Võ Đình Cường, với các môn học như: Kinh Lăng Nghiêm, Bản Đồ Tu Phật, Luật Tứ Phần, Bách Pháp Minh Môn, v.v…
Sau 3 năm tu học, ngài được Giáo hội Tăng già cấp văn bằng tốt nghiệp và được tuyển vào hàng Giáo thọ sư, giảng dạy cho các lớp khóa sau tại chùa Pháp Hội.
Năm 1962, chính quyền Ngô Đình Diệm chủ trương đàn áp tôn giáo, cao trào bộc phát dữ dội vào đầu năm 1963. Ngài tham gia cùng chư tôn đức Phật giáo, phụ trách hoạt động đấu tranh ở bốn tỉnh: Tân An, Mỹ Tho, Vĩnh Long và Cần Thơ. Ngài mang tài liệu từ Ban Lãnh đạo cuộc đấu tranh phổ biến cho Tăng ni, Phật tử và đồng bào biết rõ tình hình của cuộc đấu tranh cho chính nghĩa.
Ngày 17 tháng 7 năm 1963, ngài tham gia cuộc biểu tình từ chùa Xá Lợi ra chợ Bến Thành, đã bị cảnh sát bắt cùng đoàn biểu tình đem đi giam giữ tại An Dưỡng Địa-Phú Lâm. Bốn ngày sau có phái đoàn quốc tế đến điều tra, chính quyền Diệm phải chở mọi người trả về chùa Xá Lợi.
Đến ngày 28.8.1963, cảnh sát lại bao vây tất cả các chùa trong thành phố, bắt những Tăng ni tham gia cuộc đấu tranh đem nhốt ở Rạch Cát. Ngài cũng bị còng tay chở về bót Nguyễn Phú-Phú Lâm giam giữ một tháng. Sau đó, khi được sàng lọc đưa trở lại chùa Ấn Quang, ngài về chùa Long Hòa ở quê nhà tu tập cho đến khi chính quyền nhà Ngô bị lật đổ và cuộc đấu tranh thành công.
Năm 1966, ngài được Hòa thượng Thích Thiện Hoa, Viện trưởng Viện Hóa Đạo cử làm Trưởng đoàn giảng sư phụ trách các tỉnh miền Tây.
Về sự nghiệp Hoằng pháp lợi sanh, ngài là một vị giảng sư mẫu mực, đã giảng dạy Kinh Luật Luận cho các trường hạ từ năm 1960 đến1975:
- Khóa hạ chùa Vạn Thọ- Tân Định
- Khóa hạ chùa Giác Nguyên- Khánh Hội
- Khóa hạ chùa Phổ Quang- Phú Nhuận
- Khóa hạ chùa Tuyền Lâm- Chợ Lớn
- Khóa hạ chùa Từ Quang- Thủ Đức
- Khóa hạ chùa Tam Hiệp- Gò Vấp
- Khóa hạ chùa Linh Phong- Tân Hiệp
- Khóa hạ chùa Quan Âm Bình Đức
- Khóa hạ chùa Phổ Đức- Mỹ Tho
- Khóa hạ chùa Phật Ấn- Mỹ Tho
- Khóa hạ chùa Kim Liên- Mỹ Tho
- Khóa hạ chùa Phước Hưng- Sa Đéc
- Khóa hạ chùa Phước Thạnh- Long Xuyên
- Khóa hạ chùa Hội Long- Tân An
- Khóa hạ chùa Tam Bảo- Hà Tiên
- Khóa hạ chùa Tam Bảo- Rạch Giá
- Khóa hạ chùa Giác Tâm- Phú Nhuận, Sài Gòn
- Khóa hạ chùa Xá Lợi- Sài Gòn
- Khóa hạ chùa Việt Nam Quốc Tự- Sài Gòn
- Khóa hạ chùa Phước Hậu- Long Xuyên.
Cùng các điểm giảng giáo lý khắp các hội trường-rạp hát khắp cùng miền Nam.
Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, ngài lui về Cồn Rồng lập am nhỏ tu hành và báo hiếu mẫu thân. Am này sau được xây dựng thành ngôi chùa Tiên Long. Kể từ khi ngài an tịnh tu trì tại đây, hàng đệ tử xuất gia có điều kiện quay về học hỏi.
Ngài tiếp tăng độ chúng đến hơn 40 vị tăng ni đệ tử. Ngoài ra, ngài đã truyền thọ ngũ giới, thập thiện và Bồ tát giới cho hàng ngàn Phật tử khắp miền Nam. Những đệ tử xuất gia của ngài có uy tín như: Thượng tọa Minh Chí…; độ cho thân quyến xuất gia như: Thầy Minh Hải, Ni sư Như Hảo…
Từ năm 1990 đến 2002, ngài làm Tuyên luật sư, Giáo thọ sư, Hòa thượng Đàn đầu và giảng dạy cho các trường hạ: chùa Vĩnh Tràng, chùa Bửu Lâm, chùa Sắc tứ Linh Thứu, chùa Linh Phong, chùa Thiên Phước, chùa Phước Thạnh.
Trong cuộc đời hành đạo, ngài đã trụ trì qua các chùa:
+ Chùa Long Hòa- Cai Lậy
+ Chùa Tuyền Lâm- Chợ Lớn (1965)
+ Chùa Việt Nam Quốc Tự- Sài Gòn
+ Chùa Giác Hạnh- Trung Lương
+ Chùa Tiên Phong- xã Tân Long
+ Chùa Bửu Hưng- Mỹ Tho
+ Chùa Vĩnh Tràng- Mỹ Tho (1998)
Năm 1998, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ IV, ở thủ đô Hà Nội, ngài được tấn phong giáo phẩm Hòa thượng và được Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Tiền Giang cung thỉnh vào:
- Ban Chứng minh Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo.
- Chứng minh Hoằng pháp Tỉnh hội Phật giáo.
- Chứng minh Ban Bảo trợ Trường Trung cấp Phật học.
Năm 2002, ngài kêu gọi tín đồ phát tâm cùng ngài khởi công xây dựng trùng tu ngôi chùa Long Hòa trở thành ngôi phạm vũ khang trang, cũng là nơi ngài trụ đến cuối đời.
Với những công đức đóng góp cho đạo pháp và dân tộc, từ năm 1980 đến 2004, ngài đã được trao tặng:
- 7 bằng Tuyên dương công đức của Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Tiền Giang.
- 12 bằng khen của Ủy ban Nhân dân và Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tiền Giang.
- Bằng khen của Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- 10 cấp bằng Hạ lạp.
Cuộc đời của Hòa thượng là một tấm gương sáng về Trí đức, Giới hạnh và Giáo dục cho Tăng ni nhiều thế hệ. Trong công tác hoằng dương chánh pháp, trải qua bao cơn sóng gió tưởng chừng như không thể vượt qua, nhưng ngài đã nhiếp tâm nhẫn nhục, chính đức tính ấy đã thắng được nghịch duyên để ngài hoàn thành sứ mạng hoằng pháp.
Trong những năm tháng cuối đời, ngài lâm bệnh sức khỏe mòn dần, nhưng vẫn nhận lời làm Thiền chủ khóa An cư kiết hạ chư Tăng tại chùa Vĩnh Tràng và Chứng minh Đạo sư cho Đại giới đàn Huệ Đăng năm 2004. Ngay những giờ phút trên giường bệnh, ngài vẫn tinh tấn hoan hỷ với câu niệm Phật.
Tháng 7 năm Giáp Thân (2004), Hòa thượng phát bệnh, môn đồ và Phật tử đã cung đón ngài vào chữa trị ở Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang và Bệnh viện Y dược học tỉnh Tiền Giang. Sau một thời gian ngắn, tuy đã tận tình săn sóc nhưng báo thân đã mãn nên ngài an nhiên thu thần thị tịch vào lúc 17 giờ 30 ngày 17 tháng 11 năm Giáp Thân, tức ngày 28.12.2004 tại chùa Long Hòa, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, trụ thế 87 tuổi đời với 45 tuổi đạo.
Hòa thượng đã vào cõi Niết bàn bất diệt, nhưng gương sáng về trí tuệ, giới hạnh và tinh thần phục vụ đạo pháp - dân tộc suốt cuộc đời ngài vẫn còn mãi với Tăng ni Phật tử Tiền Giang, với chùa Long Hòa, với trang sử muôn màu của Phật giáo Việt Nam thời cận đại.
Ngài đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm do chính ngài biên soạn và dịch thuật:
- Pháp Bảo Đàn Kinh (dịch)
- Quang Hiệp Luận (soạn)
- Nghiên cứu kinh văn Sám Pháp Hoa.
- Bát Nhã Tâm Yếu (chú giải)
- Sự thật Huyền Trang (diễn ca)
- Nhơn Thừa Phật Giáo.
- Bồ Tát Giới và Tứ Phần Luật (chưa in)
- Vài nét Đại cương Giáo lý Phật Giáo (chưa in)
- Pháp môn tu đặc biệt.
- Cõi Vô Hình.
- Thiền Cơ.
- Chữ Nhẫn.
- Chánh tín-Tam Hiền Thập Thánh.
Về thơ và tiểu thuyết:
- Tình cảm đạo đức.
- Hiếu hạnh tề gia.
- Chuyển họa thành phúc.
- Suối thiền (thơ)
- Sám Ông Đồ.
- Thiên Thủ Thiên Nhãn.
- Luật xử thế.
- Thơ đời (chưa in)
- Tạp bút (chưa in)
NAM MÔ TỪ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG TỨ THẬP NHỊ THẾ, HÚY THƯỢNG NHỰT HẠ LONG, TỰ KHƯƠNG LIỄU, HIỆU DƯƠNG TRƯỜNG, PHẠM CÔNG HÒA THƯỢNG GIÁC LINH.
- Bản đại cương tiểu sử đánh máy của Hòa thượng tự soạn lúc còn sinh tiền, do Hòa thượng Thích Hạnh Trân cung cấp.
- Một bản tiểu sử do Đại đức Thích Phước Nhân cung cấp.
- Tỳ kheo Đồng Bổn biên tập lại.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết