Thông tin

HÒA THƯỢNG THÍCH NINH HÙNG (1926-2011)

 

 

Hòa thượng thế danh là Tăng Ninh Hùng, pháp húy Thường An, pháp hiệu Tịnh Trần, pháp tự là Ninh Hùng, thuộc Thiền phái Lâm Tế (Hoa tông) đời thứ 45, sanh ngày 10 tháng 10 năm 1926 tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Hòa thượng là con một gia đình nông dân. Thân phụ là Tăng Trụ Thiền, thân mẫu là Ngô Kiến.

Năm 1933, do có căn duyên Phật pháp cả gia đình ngài cùng xuất gia và thọ Sa di giới với Hòa thượng Thanh Thuyền tại chùa Đại Bi, huyện Liên Giang, tỉnh Phúc Kiến - Trung Quốc. Lúc ấy, ngài mới tròn 8 tuổi. Do sẵn hạt giống Bồ đề, nên mới 10 tuổi ngài đã thuộc bộ luật Trường Hàng và được bổn sư biệt xuất cho thọ Đại giới tại Giới đàn chùa Khánh, Di Sơn, Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến – Trung Quốc năm 1935, do Hòa thượng Phổ Liên làm Đàn đầu Hòa thượng. Sau đó, Hòa thượng được đưa vào học tại Phật học viện Cổ Sơn, Pháp Giới, Phúc Kiến - Trung Quốc.

Đến năm 1946, sau khi tốt nghiệp Phật học viện, ngài sang Việt Nam làm Phó Tự tại chùa Ông Bổn, Quận 5, Chợ Lớn.

Năm 1954, ngài khai sơn chùa Linh Quang tại đường Nguyễn Văn Trí, Quận 6, sau đó dời sang đường Trần Quốc Toản, Quận 11, Chợ Lớn.

Năm 1961, ngài cùng với Hòa thượng Phước Quang lập Tịnh Quang Liên Xã, cùng gây quỹ cất bệnh viện Quảng Đông, nay là Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.

Năm 1963, ngài được cử làm Giám viện chùa Nam Phổ Đà, Quận 6 và Thủ tọa Tây Thiền Tự tại Phúc Kiến - Trung Quốc. Trong khoảng thời gian này, hoạt động từ thiện xã hội nổi tiếng trong giới Phật giáo người Hoa tại Chợ Lớn là Hòa thượng Phước Quang và Hòa thượng Ninh Hùng. Ngoài ra, ngài còn ủng hộ, giúp đỡ cho một số anh em hoạt động Cách mạng tại nội thành Sài Gòn.

Năm 1968, ngài mở Trường Tường Quang và Chẩn y viện Phật giáo Hoa tông, châm cứu và bốc thuốc miễn phí, mua đất xây Trường Chánh Giác cho 1.000 học sinh con em người Hoa theo học.

Năm 1973, Hòa thượng khai sơn chùa Bảo Quang, thành phố Đà Lạt và giúp thanh niên trốn lính tại đây.

Với uy tín và đạo đức sẵn có, lại giàu lòng nhân ái, bố thí sâu rộng, đủ điều kiện về tài chánh, nên Hòa thượng được bầu làm Chủ tịch phân hội Hội Phật giáo Phụng sự xã hội. Cũng trong năm 1973, ngài tổ chức liên hoan văn nghệ tại rạp Đại Quang, đường Tổng Đốc Phương, bán vé thu được 2 triệu đồng giúp Phật giáo xây tháp Việt Nam Quốc Tự.

Năm 1974, ngài được bầu làm Thủ quỹ của Phật giáo Hoa tông và quản lý tài chánh chùa Phước Kiến, đường Khổng Tử, Quận 5.

Năm 1975, ngài tham gia Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt làm chủ tịch, và tích cực tham gia các phong trào cách mạng, ủng hộ các chính sách của Nhà nước, đã đóng góp rất nhiều công sức và tâm lực cho các hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh trong những ngày đầu mới thành lập.

Năm 2002, ngài được Tăng tín đồ Phật giáo người Hoa cung thỉnh làm Chứng minh Ban Đại diện Phật giáo Hoa tông cho đến ngày viên tịch.

Năm 2007, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI, Hòa thượng được suy tôn vào Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho đến ngày xả bỏ báo thân.

Nhằm thể hiện tinh thần Pháp lữ, giao lưu quốc tế, Hòa thượng đã hai lần hướng dẫn phái đoàn Phật giáo người Hoa tại Việt Nam dự Đại hội Tăng già Hoa tông lần thứ 8 tại Đài Loan, lần thứ 9 tại Indo­nesia năm 2010.

Với trách nhiệm là trưởng tử Như Lai tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, Hòa thượng đã đăng đàn thí giới, khai tâm cho hàng trăm Tăng ni, Phật tử người Hoa tại Việt Nam cũng như quê nhà Trung Quốc trở thành pháp khí Đại thừa, hữu ích cho xã hội, thực hiện tinh thần vô ngã vị tha từ bi của đạo Phật.

Hòa thượng đã theo định luật vô thường, xả báo an tường, thu thần thị tịch vào lúc 06 giờ, ngày 12 tháng Giêng năm Tân Mão, nhằm ngày 14 tháng 02 năm 2011, trụ thế 86 năm, pháp lạp 76 mùa An cư.

Suốt cuộc đời từ khi xuất gia hành đạo cho đến lúc viên tịch, Hòa thượng đã nỗ lực không ngừng trong việc xiển dương đạo pháp và văn hóa dân tộc Hoa. Mặc dù sắc thân của Hòa thượng không còn nữa, nhưng đạo hạnh và sự nghiệp hoằng hóa của ngài vẫn mãi là ngọn đuốc soi đường cho Tăng ni người Hoa noi theo.

NAM MÔ VIỆT NAM PHẬT GIÁO GIÁO HỘI, CHỨNG MINH HỘI ĐỒNG THÀNH VIÊN. NAM PHỔ ĐÀ ĐƯỜNG THƯỢNG, LÂM TẾ CHÁNH TÔNG, TỨ THẬP NGŨ THẾ, HÚY THƯỜNG AN, TỰ NINH HÙNG, HIỆU TỊNH TRẦN LÃO HÒA THƯỢNG GIÁC LINH.

 


- Tiểu sử do VP II GHPGVN cung cấp.

- Tỳ kheo Thích Vân Phong đánh máy lại.

- Tỳ kheo Thích Đồng Bổn biên tập.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 80
    • Số lượt truy cập : 6949674