HÒA THƯỢNG THÍCH PHÁT HUỆ (1917-2008)
Hòa thượng thuộc Thiền phái Lâm Tế dòng kệ Gia Phổ đời thứ 40, pháp húy Chơn Phát, pháp hiệu Phát Huệ, thế danh Nguyễn Văn Tượng. Ngài sinh năm Đinh Tỵ (1917), tại xã An Đức, huyện Châu Thành (nay là huyện Long Hồ), tỉnh Vĩnh Long.
Song thân của ngài là cụ ông Nguyễn Văn Thể, pháp danh Thiện Từ, hiền mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Rái, pháp danh Diệu Tánh. Cụ ông và cụ bà đã hạ sinh được 7 người con, ngài là anh cả trong gia đình.
Ngài vốn sinh ra trong một gia đình trung lưu, có truyền thống Phật giáo lâu đời, kính tin Tam bảo. Thuở nhỏ, thường theo thân mẫu đến chùa lễ Phật. Khi lên 10 tuổi, thiện duyên khai phát, ngài quy y với Sư bà Thiện Nhàn, trụ trì chùa Long Thạnh, Vĩnh Long, được ban pháp danh là Nhựt Huệ. Cũng từ đó, ngài thường xuyên tới chùa công quả, nghe kinh thấm nhuần suối nguồn Từ bi, và thuộc làu những bài kinh ngắn thường tụng ở chùa.
Năm 13 tuổi được song thân phép, ngài xuất gia với Hòa thượng Thiện Hòa tại chùa Phước Long, Cái Tàu Hạ, Sa Đéc. Hằng ngày trong cuộc sống bản tánh hiền hậu, siêng năng, thích lao động, lại hiếu học nên trong khoảng thời gian rất ngắn, hai thời khóa tụng đã làu thông, am tường Pháp học và kiến thức Phật học trội hơn các bạn đồng tu.
Năm 15 tuổi, ngài theo Hòa thượng bổn sư về Cái Da Lớn trùng tu chùa Ông, xây cất lại khang trang và đổi hiệu là Long Hòa Tự. Trong thời gian ngắn ôn cố tri tân lại bản tự, Hòa thượng bổn sư cho tham vấn học hỏi thêm với sư bác Yết ma Thiện Tính là Pháp sư, trình bày sự hiểu biết về diễn giảng và hướng dẫn những bộ kinh Phật học cơ bản cho người học trò cần cù tham vấn. Từ đó, ngài lướt sóng trên biển pháp mênh mông, dạo bước phong ba trong rừng thiền kinh tạng, ban ngày lao động và ban đêm tu học.
Năm Giáp Tý (1924), ngài được Hòa thượng bổn sư cho đăng đàn thọ giới Sa di tại chùa Long Thạnh, Vĩnh Long. Với số vốn Phật học sẵn có, chỉ trong vòng thời gian ngắn ngài đọc học rất am tường bộ luật Sa di và không ngừng nghiên cứu kinh văn giáo lý.
Nhận thấy chùa Vạn An-Sa Đéc cũng là ngôi trường Gia giáo do Tổ Chánh Thành giảng dạy, ngài ngỏ ý cùng Hòa thượng bổn sư để được sánh bước cùng với huynh đệ tu học tại đây. Được chấp thuận, ngài cùng với các bậc đàn anh là thầy Chơn Tịnh, thầy Pháp Tịnh, thầy Thiện Nghiêm và các huynh đệ khác lên đường cùng đến đây tu học.
Năm Đinh Sửu (1937), Hòa thượng bổn sư cho ngài được thọ Tỳ kheo và Bồ tát giới tại giới đàn chùa Long Thạnh, Vĩnh Long.
Chiến tranh khắp đất nước, công việc nhà chùa thật cực nhọc và gian nan mà ngài không hề tỏ ra thoái chí nản lòng trong việc tu học. Năm Mậu Tý (1948), chiến tranh bùng nổ ngày càng dữ dội, chùa Long Hòa bị tàn phá nhiều. Đến khi thấy yên ổn đôi phần, ngài về chùa xây dựng lại mặt tiền ngôi chùa cho khang trang.
Năm Kỷ Sửu (1949), biến cố vô cùng đau thương trong cuộc đời ngài, vị ân sư đã thu thần tịch diệt. Từ đó trở đi, ngài kế thừa làm trụ trì chùa Long Hòa. Ngài đến cầu pháp với Hòa thượng Chánh Quả, chùa Kim Huê, Sa Đéc và được ban pháp danh Chơn Phát hiệu là Phát Huệ (dòng Thiền Lâm Tế Gia Phổ).
Vào năm Kỷ Hợi (1959), ngài làm Thư ký cho Liên đoàn Phật giáo Tăng già Nam Việt, huyện Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long. Sau đó, ngài được dự khóa đào tạo trụ trì "Như Lai Sứ Giả" tại chùa Pháp Hội, Sài Gòn. Ra khóa, ngài đi dự khóa diễn giảng từ 3 đến 6 tháng với chức Ủy viên thường vụ trong nhóm. Mãn khóa, ngài được phong làm Giáo thọ, và được bổ nhiệm về trụ trì chùa Long Phước, Vĩnh Long. Được một năm, ngài trở về trụ trì chùa Long Hòa.
Năm Ất Tỵ (1965), với tinh thần chuyên tu và đầy đức hạnh, ngài được bầu làm Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Vĩnh Long. Năm năm sau, ngài được bầu làm Ủy viên Tăng sự Tỉnh hội Phật giáo Thống nhất tỉnh Vĩnh Long.
Năm Ất Sửu (1985), ngài được bầu làm Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, suốt nhiệm kỳ 1 và 2.
Dù tuổi già sức yếu, ngài luôn cố gắng cùng với Tăng ni trong Ban Trị sự thường hội họp để khơi lên ngọn đuốc Chánh pháp, bằng cách mở Trường Cơ bản Phật học và các khóa An cư cho Tăng ni trong tỉnh.
Năm Mậu Dần (1998), ngài được Tỉnh hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long tôn vinh lên hàng Giáo phẩm Chứng minh Tỉnh hội; ngài cũng được suy tôn làm thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho đến khi viên tịch.
Trong thời gian sinh hoạt và làm Phật sự, ngài luôn tích cực. Tuy già bệnh nhưng Hòa thượng vẫn tham dự lễ Chứng minh cho Tăng ni trong tỉnh An cư năm 2008. Ngài tuổi đã 90 mà vẫn ngồi ghế Chứng minh từ đầu cho đến cuối. Đến ngày mùng 9 tháng 7 giải Hạ, ngài cũng ngồi suốt cả buổi lễ. Việc này đã gây xúc cảm cho hầu hết Tăng ni có mặt. Ngài quả là một vị đại Tăng đầy đức hạnh, sống đoàn kết hòa hợp trong Tăng đoàn, là một tấm gương lớn cho hàng tứ chúng noi theo.
Thuận thế vô thường, ngài từ giã từ cõi tạm cát bụi phù du, xả huyễn thân, thể nhập chân thường vào lúc 07 giờ sáng ngày 23 tháng 7 năm Mậu Tý (23.8.2008). Trụ thế 91 Xuân, 70 Hạ lạp, trụ trì 60 Đông với cao danh Hòa thượng Trưởng lão.
- Tiểu sử do Tỳ kheo Thích Vân Phong biên soạn và cung cấp.
- Tỳ kheo Thích Đồng Bổn biên tập lại.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết