HÒA THƯỢNG THÍCH PHỔ THOẠI (1875-1954)
Hòa thượng thế danh Nguyễn Văn Thọ, sinh năm Ất Hợi (1875), tại làng Kim Bồng, xã Cẩm Kim, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Thái, pháp danh Chương Bằng và thân mẫu là cụ bà Lê Thị Trữ. Được sinh trưởng trong một gia đình nhiều đời theo Phật, nên ngài sớm có chí nguyện thoát trần.
Năm Đinh Hợi (1887), khi vừa tròn 12 tuổi, ngài cùng với người anh của mình được song thân đưa đến chùa Chúc Thánh lạy Tổ Chương Đạo-Tông Tùng-Quảng Viên xin xuất gia tu đạo. Ngài được Tổ ban cho pháp danh Ấn Nghiêm, pháp tự Tổ Thân, còn người anh có pháp danh là Ấn Hoa, pháp tự Tổ Đường. Như vậy, ngài nối pháp đời 39 dòng Lâm Tế và đời thứ 6 pháp phái Chúc Thánh.
Ngài vốn người thông minh, tính tình cương trực nhưng khiêm nhượng, nên Tổ Quảng Viên rất yêu mến. Vào tháng 4 năm Quý Tỵ (1893), Hòa thượng Từ Trí khai đàn truyền giới tại tổ đình Tam Thai-Ngũ Hành Sơn, ngài được bổn sư cho đăng đàn thọ Cụ túc giới. Năm này, ngài vừa tròn 19 tuổi.
Thọ giới xong, ngài về tiếp tục theo thầy học đạo. Nhưng bất hạnh thay, đến tháng Chạp cùng năm thì Hòa thượng Quảng Viên viên tịch. Sau khi cư tang 2 năm, ngài về tổ đình Phước Lâm y chỉ Hòa thượng Vĩnh Gia để tiếp tục chí nguyện "thượng cầu hạ hóa” và được Tổ Vĩnh Gia phú pháp hiệu là Phổ Thoại. Từ đây, ngài trụ lại Phước Lâm tinh tấn tu học kinh luật, đồng thời được Tổ Vĩnh Gia giao cho chức vụ Thủ chúng.
Năm Kỷ Dậu (1909), được một Phật tử hiến cúng khu đất tại ấp Hậu Xá, xã Thanh Hà, ngài xin phép Tổ Vĩnh Gia ra lập một thảo am nhỏ lấy tên là Long Tuyền để tiện việc tu niệm. Cũng trong năm này, ngài vận động đúc một đại hồng chung nặng 200kg dưới sự chứng minh của ngài Tăng cang Từ Trí. Từ đó, ngài lần lần xây dựng Long Tuyền thành một ngôi Phạm vũ nguy nga và được triều đình nhà Nguyễn ban sắc tứ vào năm Quý Dậu (1933), niên hiệu Bảo Đại thứ 8.
Năm Tân Dậu (1921), ngài đứng ra thành lập Bản Tỉnh Chư Sơn Hội nhằm mục đích củng cố Tăng già, chỉnh đốn Thiền môn. Ngài được chư sơn tín nhiệm cung thỉnh làm Trị sự đầu tiên. Cũng trong năm này, ngài kiến tạo một ngôi tháp trước chánh điện lấy tên là Đa Bảo tháp. Đây là di tích biểu hiện hạnh tu kinh Pháp Hoa và niệm Phật của ngài.
Năm Mậu Thìn (1928), ngài được cung thỉnh làm Giáo thọ A xà lê tại Đại giới đàn chùa Từ Vân-Đà Nẵng.
Năm Quý Dậu (1933), tỉnh hội Phật học Quảng Nam thành lập, ngài được cung thỉnh làm Chứng minh đạo sư cho hội.
Năm Nhâm Ngọ (1942), ngài đứng ra trùng tu hai ngôi chùa Hội Nguyên và Kim Bửu tại hai xã Kim Bồng Đông, Kim Bồng Tây, quê hương của ngài.
Hòa thượng Phổ Thoại là một người giới luật tinh nghiêm, chuyên cần tu niệm, thường trì tụng kinh Phạm Võng. Đạo phong của ngài được chư sơn trong bản tỉnh xưng tán với ba chữ “Phước Huệ Sanh” và “Thiền Lâm Long Tượng” nhân dịp chùa Long Tuyền nhận sắc tứ vua ban. Công đức và oai nghi của ngài được đệ tử là Chơn Ngọc-Long Trí ghi lại trong hồi ký của mình như sau:
“Đối với chư sơn tỉnh Quảng Nam, ngài có công rất lớn. Trong thời kỳ phong kiến và đô hộ, với tư cách Trị sự trưởng của sơn môn, ngài thường kẹp dù hết lên tỉnh rồi xuống tòa xin bổ nhiệm Kiểm Tăng ở chỗ này hay chỗ nọ, hết kiện đất chùa này lại trình quan việc kia.
Đến thời Pháp tái chiếm, ngài xuống tận đồn can thiệp cho mỗi chùa một bảng niêm yết để quân đội không vào chùa bắt bớ, phá phách. Với tướng mạo cao ráo, oai nghi lẫm lẫm, ngài quả là một bậc tượng vương, thể hiện được tinh thần đại hùng đại lực của Phật giáo. Đối với chùa Long Tuyền, ngài tu hành rất khắc khổ, ăn uống đơn giản, tiết kiệm từng đồng để mua ruộng tạo nên một nền kinh tế tự lập cho Tăng chúng”.
Ngoài tinh thần vì đạo pháp, ngài còn có một tinh thần dân tộc rất cao. Ngài thường nói: “Nước nhà mất thì đạo cũng không còn, nên cần phải có ý thức trách nhiệm đối với quốc gia”. Ngài khuyến khích nhân dân trong vùng ngoài việc tu đạo còn phải tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong thời gian từ năm 1945 đến 1954, nhân dân trong vùng bị chiến tranh làm đau khổ đói rách, ngài đi từng nhà để an ủi và tìm cách giúp đỡ để họ xây dựng lại cuộc sống.
Với đạo đức cao thâm, ngài đã cảm hóa rất nhiều người, trong đó có Tiến sĩ đệ Tam giáp Hồ Mộng Hàn. Ông này đã không hết lời ca ngợi công đức của ngài và cảnh trí chùa Long Tuyền như sau:
Âm:
Long Tuyền nguy nga
Nhựt xạ vãng hà
Kỳ viên chi thọ
Hằng hà chi sa
Tất tượng chú chung
Chế biển tạo tháp
Giác giác đăng truyền
Tiên tiên, hoa đạp
Trù thử quy y
Ấn Nghiêm thiền sư
Chúng sanh độ tận
Trường lặc, phong bi
Nghĩa:
Long Tuyền nguy nga
Mặt trời chói lòa
Rừng cây vườn kỳ
Bãi cát sông Hằng
Thép tượng đúc chuông
Chế biển tạo tháp
Truyền đèn giác ngộ
Nối gót người xưa
Đến đây quy y
Thiền sư Ấn Nghiêm
Chúng sanh độ hết
Bia ghi lâu dài.
Tối mồng 8 tháng 4 năm Giáp Ngọ (1954), sau khi cử hành lễ Phật Đản xong, ngài cùng các môn đệ ngồi đàm đạo và hóng mát trước sân chùa. Đến khoảng giờ Tý, ngài bảo các đệ tử đưa ngài vào trong yên nghỉ. Đến đây, ngài bảo thầy tri sự Long Chương mở cửa chánh điện, đốt trầm hương cúng Phật và bảo rằng ngài sắp vãng sanh. Trong khi chuông trống cử ba hồi thì giữa đêm tối bỗng sáng lòa và ngài chắp tay niệm Phật mà hóa.
Bảo tháp của ngài được an trí ở phía Tây Nam của chùa. Chư sơn đã phúng viếng ngài với câu đối:
Phật tổ tăng quang kim thế giới
Chư sơn tú mậu ngọc càn khôn.
Và hàng môn đồ cũng đã thờ ngài với câu đối:
Truyền đăng tục đạo, đức hạnh cao thâm thiên niên lưu phước địa,
Tạo tự chú chung, công năng hưởng thọ bát tuần vãng Lạc bang.
Với 80 năm trụ thế, 60 năm giáo hóa, công đức của ngài đối Phật giáo Quảng Nam thật bất khả tư nghì. Hàng đệ tử xuất gia của Hòa thượng phần lớn là những vị có tài đức, kế nghiệp bổn sư làm cho Phật giáo Quảng Nam ngày càng xán lạn.
- Tiểu sử do ĐĐ Thích Như Tịnh cung cấp.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết