HÒA THƯỢNG THÍCH PHƯỚC CẦN (1914–1991)
Hòa thượng Thích Phước Cần, thế danh là Lê Văn Dần, sinh năm Giáp Dần (1914), tại làng Long Đức, tỉnh Trà Vinh, nay là xã Long Đức, thị xã Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. Thân phụ ngài là cụ ông Lê Văn Lúa, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Ruộng; ông bà có 6 người con, ngài là con thứ 5.
Được sinh trong gia đình có truyền thống kính tin Tam bảo, nên tất cả 6 anh em ngài đều hết lòng quy ngưỡng Phật đạo và có chí hướng về đường giải thoát. Nhưng ngài bất hạnh sớm, khi mới lên 3 tuổi thì cha mẹ lần lượt qua đời. Từ đó, anh chị em được bà nội cưu mang nuôi dưỡng.
Năm 1935, lúc 21 tuổi, ngài rời gia đình vân du tầm sư học đạo, ngài đã quá bước đến chùa Vạn An-Sa Đéc, xin xuất gia đầu Phật với Hòa thượng Chánh Thành, Sư tổ chùa Vạn An và được Tổ ban pháp danh là Phước Cần, nối pháp Thiền phái Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 39. (1)
Năm Canh Thìn 1940, lúc này ngài đã 26 tuổi. Sau thời gian chuyên cần học đạo hầu cận với Tổ, thấy ngài thể hiện quyết chí tiến tu trên con đường đã chọn, vì thế Tổ Vạn An cho ngài đi Trường hương tại chùa Thiên Phước-Long An. Nơi đây, cuối mùa Hạ có mở Trường kỳ giới đàn do Hòa thượng Hoằng Khai-Kiểu Đạo làm đàn đầu và Hòa thượng Khánh Anh làm giới sư, ngài được thọ giới Sa di tại Trường kỳ này.
Năm Nhâm Ngọ 1942, sau thời gian tu học, nhận thấy ngài đạo hạnh trang nghiêm có thể đảm đang việc đạo, truyền đăng tục diệm, Hòa thượng bổn sư đã cho ngài đăng đàn thọ Tỳ kheo giới tại giới đàn chùa Vạn An, do đích thân Tổ làm đàn đầu truyền giới. Năm ấy, ngài được 28 tuổi.
Năm Bính Tuất 1946, Phật học đường Phật Quang tại Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ được thành lập do Hòa thượng Thiện Hoa làm Giám đốc, Hòa thượng Trí Tịnh làm Giáo thọ. Để mở mang kiến thức về Phật học nhằm làm tư lương trên tiến trình giải thoát lợi lạc chúng sanh, ngài được bổn sư cho theo học tại đây một thời gian. Ngài được cử chức Tri chúng, điều hành việc học tập và sinh hoạt của toàn chúng.
Năm Đinh Hợi 1947, vì tình hình chiến sự leo thang, lớp học bị ảnh hưởng. Hòa thượng Trí Tịnh cương quyết dời trường về Chợ Lớn và dắt theo một số Tăng sinh trong đó có ngài. Khi về đến Chợ Lớn, Hòa thượng Trí Tịnh đã hợp tác với Thượng tọa Huyền Dung thành lập Phật học đường Liên Hải, xã Bình Trị Đông, Hưng Long Thượng, Chợ Lớn. Trong thời gian theo học tại Phật học đường Liên Hải, ngài được cử làm Tri chúng trong một nhiệm kỳ.
Năm Canh Tý 1948, Hòa thượng Phước Bình - Hành Trụ mở Phật học đường Giác Nguyên tại Vĩnh Hội-Sài Gòn. Hòa thượng Hành Trụ mời ngài làm Quản học Tăng và giảng dạy cho Tăng ni sinh ở Phật học đường này trong 2 năm.
Năm Tân Mẹo 1951, Phật học đường Nam Việt chùa Ấn Quang được thành lập, Hòa thượng Thích Thiện Hòa được cử làm Chủ bổn, ngài góp phần đắc lực với Hòa thượng Thiện Hòa trong những ngày đầu mới thành lập Phật học đường Nam Việt.
Năm Nhâm Thìn 1952, đáp lời thỉnh cầu của Phật tử và Thượng tọa Quảng Minh - Hội trưởng Hội Phật hoc Nam Việt, ngài về trụ trì chùa Phước Hòa ở vùng Bàn Cờ-Sài Gòn, vốn là Hội quán của Hội Phật học Nam Việt trước khi chuyển về chùa Xá Lợi năm 1956.
Năm Quý Tỵ 1953, khi Giáo hội Tăng già Nam Việt được thành lập, Hòa thượng Thiện Hòa làm Trị sự trưởng, ngài được cử làm thủ quỹ cho Ban Tổng Trị sự trong những ngày đầu. Đồng thời, cảm kích giới đức trang nghiêm, hạnh tu nghiêm mật của ngài nên chư tôn giáo phẩm cử ngài vào chức vụ Trưởng Ban Giám Luật của Giáo hội từ năm 1953 đến năm 1963.
Trong thời gian mười năm nắm kỷ cương cho giáo hội, mô phạm cho Tăng ni, đã nói lên tinh thần hành trì giới luật, đạo hạnh trang nghiêm, sống trong giới luật của ngài, mà phong cách ấy chính là phụng sự cho đạo pháp và giáo hội.
Cuối năm 1953, Thượng tọa Huyền Dung chuẩn bị sang Anh quốc du học nên đã mời ngài về trụ trì chùa Phật Quang-Chợ Lớn, ngài nhận lời về đây trụ trì cho đến cuối đời.
Năm Giáp Ngọ 1954, trước khi hiệp định Genève ký kết, cảm kích giới đức trang nghiêm, chuyên tu luật học của Hòa thượng, Ban Trị sự Giáo hội Tăng già Bắc Việt đã cung thỉnh ngài ra miền Bắc bằng phi cơ để truyền trao giới pháp cho giới tử trong 2 tuần.
Năm Ất Mùi 1955, để mở tầm nhìn về các nước Phật giáo Nam phương và nghiên cứu Tam tạng Giáo điển Nam tông, trong những năm 1955 đến năm 1957, ngài đã cùng quý Hòa thượng Thiện Luật, Huệ Hưng, Hiển Khôi, Viên Ngộ sang Campuchia nghiên cứu một thời gian. Ngài rất khâm phục về tín tâm và truyền thống của dân tộc Khmer.
Trong sự nghiệp hoằng dương chánh pháp, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, Hòa thượng được cử làm Phó Thủ bổn trong Ban Chức sự các khóa Như Lai Sứ Giả do Phật học đường Nam Việt mở tại chùa Pháp Hội-Chợ Lớn từ năm 1955-1957.
Vào mùa Hạ năm Đinh Dậu 1957, ngài đã tham gia trong Ban Giáo thọ, giảng dạy luật học cho Tăng chúng, bên cạnh quý Hòa thượng Thích Hành Trụ, Thích Thiện Tường, Thích Huệ Hưng… trong các trường Hạ ở vùng Sài Gòn-Chợ Lớn.
Từ năm 1967 đến 1973, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã chọn chùa Phật Quang làm nơi bồi dưỡng giảng sư, huấn luyện cán bộ khóa Phú Lâu Na, ngài được cung cử làm Hóa chủ trong Ban tổ chức của khóa học. Bằng công đức hiến dâng và hộ trì khóa học, ngài đã góp phần vun bồi các giảng sư của giáo hội thành những cánh chim Ca Lăng Tần Già tung cánh khắp nơi, mang âm thanh giáo pháp truyền thông vào tâm thức mọi người.
Suốt thời gian từ năm 1937 đến 1967, Hòa thượng luôn được cung thỉnh vào hàng Thập sư truyền giới cho Tăng ni qua các giới đàn tại các chùa:
- Giác Nguyên (1957)
- Pháp Hội (1958)
- Ấn Quang (1960)
- Việt Nam Quốc Tự (1964)
- Phật học viện Huệ Nghiêm (1966 và 1969).
Với hiện thân của giới luật và hành trì nghiêm mật, Hòa thượng đã cống hiến rất lớn trong sự nghiệp truyền thừa giới pháp. Qua các giới đàn, bao lớp giới tử được tròn vẹn giới thể, tăng trưởng đạo nghiệp, nối thạnh dòng Thánh cho đạo pháp trường tồn, phát triển lớn dài lâu đến sau này.
Từ năm 1970 đến 1975, với tâm nguyện: “Nguyện đem xác thân này tô bồi cho đạo pháp, dựng xây đạo tràng, cúng dường Tam bảo nghiêm trang, làm Phạm vũ ngày càng trang nghiêm”, ngài đã nỗ lực trùng tu ngôi chùa Phật Quang xứng đáng là cơ sở quy hướng kính tin Phật pháp cho Tăng ni Phật tử tu học, thực hiện lợi lạc thế gian. Đây cũng là công hạnh của một vị trụ trì đúng nghĩa: “trụ Pháp vương gia, trì Như Lai tạng” được thể hiện nơi ngài.
Đối với môn đồ đệ tử trên đường tu học, ngài từng huấn thị: “Kim sanh bất khả độ, hà thời độ thử thân?”, phải cố gắng sống trong tinh thần thật tu giải thoát, tạo điều kiện tự độ và độ tha trong hiện tại và vị lai.
Năm Tân Mùi 1991, thân tứ đại với thời gian cũng biến dịch vô thường theo quy luật của vũ trụ vạn vật. Như một chiếc xe đã đến hồi hư hoại, cũng đến lúc ngài phải bỏ lại tất cả những pháp hữu vi giả tạm để trở về nơi miền lạc cảnh. Sau khi sắp xếp mọi việc xong xuôi, vào lúc 12 giờ 30 mùng 6 tháng 4 năm Tân Mùi (19.5.1991), Hòa thượng đã nhất tâm niệm Phật vãng sanh, trụ thế 78 năm, Hạ lạp 49 tuổi đạo.
Nhục thân của Hòa thượng được tôn trí tại trụ xứ chùa Phật Quang, đường Đào Duy Từ, phường 7, quận 10, TP. Hồ Chí Minh.
Ngài là một Luật sư khả kính đã dành trọn cuộc đời mình phụng sự cho Phật pháp và cho xã hội nhân sinh.
(1) Theo dòng kệ Lâm Tế Liễu Đạt Ngộ Chơn Không, Tổ Vạn An đời thứ 38 húy Đạt Thới-Chánh Thành, truyền xuống cho ngài là chữ Ngộ thuộc đời thứ 39, nhưng tiểu sử không thấy nói pháp húy của ngài là gì. Ngay cả trên long vị thờ tại chùa Phật Quang, vẫn không thấy ghi.
- Bản tiểu sử đánh máy của TT Thích Nhựt Minh, trụ trì chùa Phật Quang.
- Bản tiểu sử chép tay của Cư sĩ Trí Không ngày 20.5.91
- Lời kể của TT. Thích Minh Đức, trụ trì chùa Phước Long USA.
- Tư liệu Kỷ yếu khóa Như Lai Sứ Giả tại chùa Pháp Hội 1957
- Tỳ kheo Thích Đồng Bổn biên tập.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết