HÒA THƯỢNG THÍCH PHƯỚC TRÍ (1919-2002)
Hòa thượng Thích Phước Trí, pháp húy Thị Tín, pháp tự Hành Giải, pháp hiệu Phước Trí, thế danh Huỳnh Hữu Ân, nối pháp dòng Lâm Tế đời thứ 42, thế hệ thứ 9 pháp phái Chúc Thánh. Ngài sinh ngày 01 tháng 5 năm Canh Thân (1919), tại làng Phương Lưu, xã Xuân Thọ, huyện Đồng Xuân (nay là huyện Sông Cầu), tỉnh Phú Yên. Thân phụ là cụ Huỳnh Chánh, thân mẫu là cụ Phạm Thị Lơ, ngài là con thứ 5 trong 6 anh em.
Năm 1926, khi lên 7 tuổi, ngài được song thân cho đến học tại Trường Tiểu học Khoan Hậu ở Đồng Xụân. Năm 13 tuổi, ngài theo học chữ Hán với các cụ Đồ tại địa phương trong thời gian 3 năm. Nhân đọc quyển “Khuyến Tu” do chư tôn chùa Từ Vân, Đà Nẵng ấn tống, ngài phát tâm muốn xuất gia học đạo.
Năm 1935, nhân duyên đã đến, ngài được song thân cho phép và được Đại lão Hòa thượng Thích Phúc Hộ - là vị thúc phụ trong tộc họ - hướng dẫn đến bái yết với Tổ Thiền Phương tại chùa Phước Sơn (Đồng Tròn) thuộc thôn Tân Phước, xã Xuân Sơn, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, cầu xin xuất gia tu học và được Tồ chấp thuận. Lúc này, ngài được 16 tuổi.
Sau một năm tập sự tu học chuyên cần tinh tấn, nên ngài được Tổ Thiền Phương làm lễ thế độ và truyền thập giới Sa di. Tổ ban cho ngài pháp danh là Thị Tín, pháp tự Hành Giải trong giới đàn phương trượng.
Năm 1936, khi được 17 tuổi, được sự cho phép của Hòa thượng bổn sư, ngài ra Huế tham học nội điển tại Phật học viện Báo Quốc và Tây Thiên do Pháp sư Trí Độ làm giám đốc.
Năm 1944, sau 8 năm ở Phật học viện tại Huế, ngài đến Bình Định tham học với Quốc sư Phước Huệ tại chùa Thập Tháp Di Đà.
Năm 1947, khi được 27 tuổi, ngài được bổn sư cho thọ Cụ túc và Bồ tát giới tại chùa Bảo Sơn - Đồng Tre do Hòa thượng Vạn Ân - chùa Hương Tích làm Đường đầu. Sau khi thọ giới, ngài được Tổ Thiền Phương ban pháp hiệu là Phước Trí.
Về các hoạt động của Phật giáo trong phong trào yêu nước, từ năm 1945 cho đến năm 1954, ngài đảm nhận chức vụ Thư ký Phật giáo Cứu quốc tỉnh Phú Yên. Cũng trong năm 1954, Giáo hội Tăng già tỉnh Phú Yên cử ngài làm trụ trì tổ đình Phước Sơn.
Sau khi đất nước tạm dứt chiến tranh, từ năm 1955 đến 1963, ngài làm thư ký cho Giáo hội Tăng già tỉnh Phú Yên.
Năm 1961, ngài nhận thấy ngôi tổ đình Phước Sơn hư dột, ngài đã làm lễ đặt đá trùng tu ngôi Bảo điện vào ngày 02. 02 âm lịch, với sự chấp thuận của Giáo hội. Đến ngày 11.8 âm lịch thì công tác trùng tu hoàn thành, cũng là ngày húy kỵ của Tổ Thiền Phương, ngài long trọng tổ chức lễ Quy điện.
Lúc bấy giờ, tình hình chiến tranh khốc liệt, chính quyền nhà Ngô buộc mọi người phải rời chùa vào ấp chiến lược. Ngài phải dẫn đồ chúng di dời Kinh tượng, pháp khí, pháp cụ đến núi Kỳ Sơn (thôn Tân Long, xã Xuân Sơn, huyện Đồng Xuân) lập chùa Phước Sơn 2 để tu học. Tuy vậy, tình hình chiến tranh ngày càng ác liệt hơn. Đến năm 1965, tổ đình Phước Sơn bị máy bay ném bom sụp đổ hoàn toàn và Phước Sơn 2 cũng không thể duy trì lâu được.
Năm 1962, Hòa thượng Liên Tâm, trụ trì chùa Triều Tôn vào Sài Gòn kiết hạ rồi viên tịch. Do không có đệ tử kế thừa, Giáo hội tỉnh Phú Yên đã cử ngài kiêm nhiệm trụ trì chùa Triều Tôn.
Từ năm 1963, ngài giữ chức vụ Đặc ủy Giáo dục Tăng Ni, kiêm nhiệm Ủy viên kiểm soát Phật giáo Tăng già Phú Yên.
Năm 1964, sau khi chính quyền nhà Ngô sụp đổ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời, ngài được Giáo hội cử giữ chức Đặc ủy Tăng sự Phật giáo tỉnh Phú Yên.
Năm 1965, Hòa thượng Bảo Chí giao chùa Thiền Tịnh ở Thủ Thiêm - Thủ Đức - Gia Định cho 3 vị: Hòa thượng Phúc Hộ, Hòa thượng Phước Ninh, Hòa thượng Phước Trí làm trụ trì để tạo thuận lợi cho tăng sinh Phú Yên vào đây tu học. Ngài trực tiếp ở đây điều hành cho đến năm 1967.
Từ năm 1967 cho đến năm 1969, ngài trở về Phú Yên đảm trách Giáo thọ sư giảng dạy cho tăng ni sinh tại Phật học viện Bảo Tịnh - Tuy Hòa.
Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, ngài trở về chùa Triều Tôn tu tập hành đạo, nhưng phải đến năm 1981, hội đủ cơ duyên, ngài mới khởi công trùng tu ngôi Bảo điện và nhà Đông lang. Đến năm 1983 xây tháp Tổ và đến năm 1987 mới hoàn thành Hậu đường và cổng Tam quan.
Năm 1985, sau khi Hòa thượng Phúc Hộ viên tịch, ngài được ủy nhiệm quản lý thêm tổ đình Từ Quang - Tuy An.
Năm 1989, Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Phú Yên bầu ngài giữ chức vụ Ủy viên Giáo dục Tăng ni của tỉnh.
Năm 1993, ngài trở về nhận trách nhiệm khôi phục chốn tổ Phước Sơn, kêu gọi chư tôn đức trong sơn môn chung tay cùng ngài xây mới lại tổ đình Phước Sơn từ đống tro tàn của chiến tranh để lại. Sau khi được Giáo hội và chính quyền cho phép, lễ khởi công tái thiết ngôi Chánh điện vào ngày 16.01.1993. Đến ngày 11.8.1993 công trình được hoàn tất.
Năm 1998, Đại giới đàn Liễu Quán được mở tại chùa Bảo Tịnh - Tuy Hòa, nhằm ngày 19 tháng 12 năm Mậu Dần, ngài được Chư sơn cung thỉnh vào ngôi vị Chứng minh Đại giới đàn.
Trong cuộc đời tu hành, Hòa thượng là một bậc đạo hạnh chuyên trì Mật tông, thần chú chính mà ngài trì là Uế tích Kim Cương, đã trì được 25 vạn biến trong thời gian một năm rưỡi, nội lực của ngài lan tỏa khiến mọi người đến bái kiến đều một lòng kính phục.
Trong việc nhiếp hóa đồ chúng, ngài tiếp độ được 21 vị đệ tử xuất gia, có 5 vị đã thành danh trong việc hoằng pháp độ sanh như:
- Thượng tọa Thích Đồng Viên, pháp hiệu Viên Đức, khai sơn chùa Dược Sư, thành phố Buôn Ma Thuột.
- Thượng tọa Thích Đồng Tiến, pháp hiệu Viên Hạnh, kế thừa trụ trì chùa Triều Tôn, kiêm trụ trì tổ đình sắc tứ Từ Quang.
- Thượng tọa Thích Đồng Hạnh, pháp hiệu Viên Diệu, khai sơn chùa Hương Tích, quận 8 và kế thừa trụ trì chùa Thiền Tịnh, TP. Hồ Chí Minh.
- Thượng tọa Thích Đồng Phát, pháp hiệu Viên Đạt, khai sơn chùa Đa Bảo, quận 11, TP. Hồ Chí Minh.
- Đại đức Thích Đồng Hóa, pháp hiệu Viên Tuệ, kế thừa trụ trì tổ đình Phước Sơn - Phú Yên.
Hòa thượng lấy hạnh nguyện thực hành pháp môn Tịnh độ là chánh tu, Mật giáo là trợ tu. Hai pháp môn này là y nơi Phật lục gia trì và pháp lực hướng tu, tinh tấn như pháp để tu tập, quyết chắc đời này sẽ được giải thoát giác ngộ.
Thời gian trú xứ ở chùa Thiền Tịnh, ngày đêm sáu thời, ngài trì chú, tụng kinh, niệm Phật... không một niệm giải đãi, có thời gian nhập thất 49 ngày hoặc 100 ngày để chuyên tu mật chú. Tánh đức của ngài tuy khắc kỷ lại hỷ tha, bất cứ vị tăng hay Phật tử nào không luận thân sơ hay môn phong, pháp phái tìm đến thưa hỏi Phật pháp, ngài đều tận tâm tùy theo căn cơ chỉ vẽ tận tường lời kinh, câu kệ, nên rất được hết thảy gần xa kính ngưỡng.
Đầu tháng Tư Phật đản 2545, ngài vào Sài Gòn thăm lại chùa Thiền Tịnh, chùa Đông Hưng, chùa Từ Phong, chùa Đa Bảo, chùa Từ Hiếu, chùa Long Thành. Ngài cũng đến thăm hai vị pháp hữu đồng hương là Hòa thượng Diệu Tâm, chùa Phi Lai - Biên Hòa và Hòa thượng Thích Quang Liên - Tu viện Quảng Đức. Đó cũng là chuyến đi cuối cùng của Hòa thượng vào miền Nam.
Cuối năm 2001, Hòa thượng đi Buôn Ma Thuột, thăm lại chùa Dược Sư của trưởng tử ngài là cố Thương tọa Thích Viên Đức. Sau đó, trở về chùa Triều Tôn thì sức khỏe ngài yếu dần. Trước khi viên tịch, Hòa thượng bảo đồ chúng đưa ngài đi chiêm quan các vị tượng: Tỳ Lô Giá Na, Dược Sư, Chuẩn Đề do đệ tử Thích Đồng Tiến vừa tôn trí trên chánh điện. Lúc ấy, ngài xoay về hướng các ngôi tháp tổ chùa Triều Tôn để đảnh lễ từ biệt.
Hòa thượng thâu thần thị tịch vào lúc 16 giờ ngày 23 tháng 9 năm Nhâm Ngọ, tức ngày 28.10.2002 tại tổ đình Triều Tôn, trụ thế 83 năm, với 55 hạ lạp. Bảo tháp của ngài được tôn trí trong khuôn viên chùa Triều Tôn.
NAM MÔ TỪ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG, TỨ THẬP NHỊ THẾ, PHƯỚC SƠN, TRIỀU TÔN, THIỀN TỊNH TAM TỰ, HÚY THƯỢNG THỊ HẠ TÍN, TỰ HÀNH GIẢI, HIỆU PHƯỚC TRÍ HÒA THƯỢNG GIÁC LINH LIÊN TÒA.
- Tư liệu do Đại đức Thích Thanh Minh cung cấp.
- Bản tiểu sử do chùa Đa Bảo cung cấp.
- Tỳ kheo Đồng Bổn và Phước Định biên tập lại.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết