HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG LIÊN (1926-2009)
Hòa thượng pháp danh Quảng Liên, pháp tự Bi Hoa, pháp hiệu Trí Hải, thế danh Nguyễn Văn Chính, sinh năm Bính Dần 1926, tại huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên; thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Phân, pháp danh Nhựt Minh và thân mẫu là cụ bà Võ Thị Dưỡng, pháp danh Nhựt Sanh. Ngài sanh trong một gia đình tiểu thương, giàu lòng kính tin Tam bảo.
Ngài là con thứ 8 trong gia đình với 9 anh chị em, được giáo dục trong khuôn phép truyền thống, nề nếp gia phong trên nền tảng giáo lý Phật đà, là chất liệu để di dưỡng tứ vô lượng tâm, hình thành nơi ngài tinh thần hướng thượng, hướng thiện.
Ấu thời, ngài được song thân cho học tiểu học ở địa phương. Sau đó, ngài được gởi đi học Trường Pháp Việt ở tỉnh lỵ Phú Yên. Đây là cơ duyên để thăng tiến tự thân, cũng chính thời gian này, ngài tham gia đoàn Đồng ấu Phật tử, thường lui tới viếng thăm, tu học tại chùa Tỉnh hội Phật học Phú Yên, khuôn Tịnh độ địa phương. Chí nguyện xuất trần thượng sĩ cũng bén rễ từ đây, khơi dậy trong ngài chủng tử thiện lành từ vô lượng kiếp.
Năm 1940, tại chùa Vĩnh Long, ngài được Hòa thượng Vĩnh Thọ trao truyền Tam quy ngũ giới với pháp danh là Quảng Liên. Nhân cơ duyên hạnh ngộ này, ngài đã trình bày tâm nguyện xuất gia của mình được Ân sư hứa khả. Nhưng lúc ấy, song thân không cho phép nên sở nguyện của ngài chưa được thành tựu.
Năm 1941, trước tâm nguyện tha thiết được trở thành trưởng tử Như Lai của ngài, Hoà thượng Vĩnh Thọ hoan hỷ cử hành nghi thức thế phát cho ngài, được bổn sư ban cho pháp hiệu là Trí Hải, pháp tự là Bi Hoa, nhưng ngài được tu học mà không cạo tóc để chờ sự cho phép của song thân.
Mùa trăng tròn giữa thu năm 1942, khi chư Tăng tỉnh Phú Yên do Hòa thượng Quảng Đạt hướng dẫn sắp vào miền Nam tu học, thì ngài cũng được song thân cho phép chính thức xuống tóc và theo đoàn Tăng lữ lên đường thực hiện hạnh nguyện của mình. Vào đến miền Nam, ngài được tham học tại Phật học đường Lưỡng Xuyên - Trà Vinh.
Năm 1943, Phật học đường Lưỡng Xuyên mở giới đàn cho các Tăng sinh thọ giới. Ngài đã được thọ giới Sa di tại giới đàn này, do Hòa thượng Khánh Anh, Khánh Hòa, Huệ Quang truyền trao giới pháp.
Năm 1947, sau 4 năm chuyên cần học tập, ngài đến lưu trú tại chùa Phật Quang, Trà Ôn vài tháng, sau đó về tu học tại Phật học đường Liên Hải - Chợ Lớn. Nơi đây, ngài phát tâm đảm nhiệm công việc phụ trách tài chánh, chăm lo kinh tế cho Phật học viện. Đến giữa năm 1947, nhận thấy thời thế không yên nên ngài cùng với Hòa thượng Trí Minh kết nghĩa, cùng nhau lên đường ra Huế học lớp Cao đẳng Phật học tại Phật học đường Báo Quốc - Huế.
Năm 1949, sau 2 năm tham học tại đất Thần kinh, ngài trở về Liên Hải Phật học đường tiếp tục tu học, và tại giới đàn do Phật học đường tổ chức, ngài đăng đàn thọ cụ túc giới do Đại lão Hòa thượng Liễu Thoàn làm Đàn đầu truyền trao giới pháp.
Năm 1950, ngài cùng với Hòa thượng Thích Thiện Hòa, Thích Quảng Minh, Thích Huyền Dung, Thích Trí Huệ thành lập Phật học đường Nam Việt, cũng trong năm này, ngài đã cùng với cụ Chánh Trí- Mai Thọ Truyền, thành lập Hội Phật học Nam Việt, ngài được cung thỉnh làm Trưởng Ban Hoằng pháp đầu tiên của Hội. Đến năm 1951, Giáo hội Tăng già Nam Việt ra đời cũng ghi nhận công đức sáng lập của Hòa thượng. Đây là một trong những hội Phật học đầu tiên tại miền Nam được tổ chức quy củ, thực hiện công cuộc chấn hưng Phật giáo.
Năm 1951, Tổng hội Phật giáo Việt Nam hòa mình gia nhập cùng Phật giáo Thế giới, ngài được Tổng Trị sự Phật giáo Việt Nam cử đại diện cho Hội Phật học Nam Việt cùng với 2 ngài Hòa thượng Thích Minh Châu, đại diện cho Hội Phật giáo Trung Việt, Hòa thượng Thích Quảng Độ, đại diện cho Phật giáo Bắc Việt đi du học tại Trường Phật giáo Thế giới Colombo - Tích Lan (Sri Lanka) và Trường Đại học Quốc Gia Kandy - Tích Lan. Ngài tốt nghiệp học vị Cử nhân tại đây năm 1956.
Cuối năm 1956, ngài nhận được học bổng của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liên kết với Cơ quan Văn hóa Hoa Kỳ tiếp tục xuất ngoại học tại Đại học Yale, một trường đại học danh tiếng của Mỹ. Đến năm 1960, ngài trình luận án tốt nghiệp chuyên ngành nghiên cứu về vấn đề văn hóa xã hội Đông Nam Á, và được nhận học vị Tiến sĩ.
Sau khi nhận học vị Tiến sĩ, Hòa thượng trở về Việt Nam tiếp tục công hạnh hoằng dương chánh pháp, với tinh thần “Nhiêu ích hữu tình, lợi lạc quần sanh”.
Trong giai đoạn 1960-1975, ngài được mời giữ chức vụ Cố vấn cho Ủy ban Văn hóa châu Á, Giáo sư Đại học Văn Khoa.
Năm 1962, ngài về đất Thủ Đức khai sơn ngôi chùa Liên Hải làm nơi tịnh tu.
Năm 1963, mùa Pháp nạn của Phật giáo Việt Nam, ngài tham gia Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo trong vai trò Ủy viên Dân sự, thực hiện nhiệm vụ tổ chức nam nữ thanh niên, sinh viên, học sinh để tranh đấu chống lại bạo quyền nhà Ngô để bảo vệ Phật pháp. Trong cuộc bố ráp Tăng ni Phật giáo đấu tranh ngày 20.8.1963, ngài bị bắt cùng chư Tôn đức lãnh đạo Phật giáo, đến ngày 24.10.1963 mới được về chùa.
Cuối năm 1963, đầu năm 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời, ngài giữ chức vụ Tổng Vụ trưởng Tổng Vụ Pháp sự (Văn hóa - Giáo dục - Xã hội), ngài sáng lập và xây dựng hệ thống trường Bồ Đề trên khắp miền Nam và giữ nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường Trung học Bồ Đề Sài Gòn - Chợ Lớn (nay là Trường Đồng Khởi).
Năm 1965, ngài đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tham dự Đại hội thành lập Giáo hội Tăng già Thế giới tại Colombo (Tích Lan) và được cử làm Ủy viên Giáo dục Phật giáo Thế giới. Với tâm nguyện xây dựng nền hòa bình dân tộc, đem lại an lạc cho đồng bào thân thương, nên năm 1965, ngài sáng lập Tổ chức sáng kiến Hòa bình Việt Nam và giữ chức vụ Chủ tịch.
Năm 1967, ngài khai sơn tu viện Quảng Đức làm cơ sở đào tạo Tăng tài, hoằng dương chánh pháp. Trải qua nhiều giai đoạn trùng tu, tu viện này là ngôi Tam bảo trang nghiêm, là thắng tích được Tăng ni, Phật tử trong ngoài nước biết đến.
Đến năm 1970, ngài tham dự Hội nghị thành lập Hiệp hội Phật giáo Thế giới, tổ chức tại Hàn Quốc, ngài được mời giữ chức vụ Ủy viên Giáo dục. Cùng năm đó, ngài dự Hội nghị Giáo sư tự do Thế giới tại Colombo (Tích Lan), và được nhận chứng chỉ Giáo sư Quốc tế.
Từ năm 1964 đến năm 1975 tròn một thập niên, ngài đóng góp nhiều cho sự nghiệp giáo dục trong nhiều vai trò như: Cố vấn Hội Việt Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Tư thục Việt Nam, Ủy viên Hội đồng cải tổ cập nhật hóa chương trình giáo dục, giảng viên Đại học Văn Khoa Sài Gòn, Giáo thọ sư tại các Giảng đường Phật học.
Sau năm 1975, vì tuổi cao sức yếu ngài lui về an trú tại tu viện Quảng Đức-Thủ Đức và tiếp tục công hạnh của mình bằng việc trước tác, biên dịch Tam tạng kinh điển, hoằng truyền giáo pháp Thích tôn. Trong giai đoạn này, ngài được cung thỉnh Chứng minh Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh, Chứng minh Ban Đại diện Phật giáo Quận Thủ Đức, Quận 2, Quận 9.
Năm 1996, ngài thay mặt Hòa thượng Đàn đầu Thích Trí Nghiêm truyền trao giới pháp cho các giới tử tại Đại giới đàn Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Ngài còn là đương vi Đàn đầu Hòa thượng tại các giới đàn phương trượng ở các chốn Tổ, Già lam và các trú xứ; hàng ngàn giới tử được đắc giới thể, nương nơi ngài tấn tu đạo nghiệp.
Giai đoạn từ năm 1998 đến năm 2003, là giai đoạn mà ngài thực hiện những chuyến hành hương, chiêm bái, và hoằng pháp tại các nước châu Á, châu Âu. Đây là thời điểm mà pháp âm của ngài đồng vọng trên khắp năm châu.
Với bản hoài của người xuất gia, suốt cuộc đời tu hành, ngài đã thực hiện thành tựu công đức khai sơn tạo tự, tiếp Tăng độ chúng, truyền trao giới pháp... Dù nhiều Phật sự, tuổi cao sức yếu nhưng ngài không bao giờ xao lãng việc trùng hưng các ngôi Tam bảo như:
- Trùng tu chùa Quảng Đạt - Phú Yên.
- Khai sơn tịnh xá Quảng Liên.
- Trùng tu các tự viện trực thuộc tổ đình.
- Trùng tu, xây dựng chốn tổ Trà Cú - Bình Thuận.
- Góp phần trùng tu chùa Hoa Yên - thắng tích Yên Tử Quảng Ninh.
Một trong những Phật sự mà Hòa thượng thực hiện thành tựu đó là Phật hóa gia đình, trong đó tiếp độ 2 người anh là ngài Chơn Ngộ, Chơn Điển xuất gia, cùng các hậu bối tiếp bước con đường của ngài phụng sự Tam bảo, hóa độ chúng sanh.
Đức độ của ngài lan tỏa khắp nơi, Hòa thượng là vị ân sư, y chỉ sư của hơn 200 tăng ni đang là những sứ giả Như Lai trong và ngoài nước, là vị thầy khả kính của hàng ngàn Phật tử luôn tâm niệm nương đức hạnh của ngài để tu học, cần cầu giải thoát.
Ngài còn chăm lo đến mầm non của đạo pháp bằng tất cả đức từ, dang rộng vòng tay thương yêu chở che cho áo lam Gia đình Phật tử Việt Nam nương chốn Tổ đình tu học.
Năm 1971, nhân lễ Khánh thành tu viện Quảng Đức, ngài đã kiến khai giới đàn truyền trao giới pháp cho hàng xuất gia. Tại giới đàn này, Hòa thượng Thích Trí Thủ được cung thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng. Với giới châu minh tịnh, nghiêm túc oai nghi, ngài được cung thỉnh làm Giới sư truyền Đại giới, Bồ Tát giới tại giới đàn Hàn Quốc năm 1971.
Biên phiên dịch Tam tạng kinh điển là Phật sự mà suốt cuộc đời ngài thực hiện, góp phần lưu truyền chánh pháp với các tác phẩm:
- Kinh Dược Sư
- Kinh Viên Giác
- Kinh Nhật Tụng (nghĩa)
- Kinh Vu Lan - Báo Hiếu
- Tu Bát Quan trai giới
- Đại thừa Khởi Tín luận
- Phật giáo hiện đại
- Tư tưởng Phật giáo
- Bổn phận người Phật tử
- Hai bài thuyết pháp Phật giáo Anh-Việt
- Phật giáo và triết học Tây phương
- Sử cương triết học Ấn Độ
- Duy thức học
- Trung Quán luận
Ngoài ra, còn nhiều tác phẩm, nhiều công trình của ngài chưa được xuất bản, đã nói lên công hạnh của ngài đối với đạo pháp - dân tộc.
Theo định luật vô thường, thân tứ đại của ngài theo ngày tháng cũng bị chi phối, pháp thể khiếm an vì bệnh duyên, tuổi cao sức yếu nhưng Hòa thượng vẫn an nhiên, hoan hỷ sách tấn đệ tử tu học, tiếp tục con đường của ngài.
Vào ngày 19 tháng 3 năm Kỷ Sửu 2009, Hòa thượng mộng thấy trời Đế Thích cung thỉnh ngài thuyết pháp, hôm sau đó, ngài nhuốm bệnh và phải nhập viện vì tứ đại khiếm an. Sau thời gian điều trị, Hòa thượng nhận biết cơ duyên hóa độ nơi cõi Ta bà sắp mãn, ngài dạy chúng đệ tử đưa ngài về tu viện để tịnh dưỡng.
Tối ngày 23.03 năm Kỷ Sửu, Hòa thượng phó chúc Phật sự, khuyến tấn tu trì đệ tử xuất gia. Sau đó, ngài yêu cầu đại chúng đồng nhiếp tâm niệm Phật, và kể từ lúc 00g00 ngày 24.3, ngài không dùng thuốc, không thở bằng bình oxy, nhiếp tâm niệm danh hiệu Phật A Di Đà cầu vãng sanh Tịnh độ.
Thuận thế vô thường, Hòa thượng an nhiên thu thần thị tịch vào lúc 12 giờ 15, ngày 5 tháng 5 năm Kỷ Sửu (nhằm ngày 28 tháng 05 năm 2009), trụ thế 84 năm, hạ lạp 60 năm.
Khép lại 84 năm hiện hữu cõi Ta bà, 70 năm tu học, hoằng dương chánh pháp, Hòa thượng Thích Quảng Liên ghi đậm dấu son trong lịch sử Phật giáo nước nhà, với hình ảnh của nhà giáo dục mô phạm, vị Pháp sư tinh thông nội ngoại điển, thạch trụ giữa thiền môn, là cội Bồ đề cao cả, tỏa bóng mát che chở đàn hậu tấn.
NAM MÔ TỪ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG TỨ THẬP NGŨ THẾ, KHAI KIẾN QUẢNG ĐỨC TU VIỆN TỔ ĐÌNH, PHÁP HUÝ QUẢNG LIÊN, PHÁP TỰ BI HOA, PHÁP HIỆU TRÍ HẢI, NGUYỄN CÔNG HÒA THƯỢNG GIÁC LINH.
- Tiểu sử đăng trong Nhân vật Phật giáo Việt Nam, website quangduc.com
- Biên tập: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn, cư sĩ Vu Gia.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết