HÒA THƯỢNG THÍCH QUANG LÝ (1918-1990)
Hòa thượng pháp hiệu Quang Lý, pháp tự Đạo Chánh, húy Chơn Khai nối dòng Lâm Tế đời thứ 40, pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh là Nguyễn Khắc Cát, sinh ngày 15 tháng Giêng năm Mậu Ngọ (1918) tại làng Hiệp Phổ Bắc, xã Nghĩa Hưng, quận Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, trong một gia đình Thích giáo lưu truyền.
Thân sinh ngài là Sư ông Nguyễn Quang Huy, Viện chủ chùa Khánh Long, thân mẫu là cụ bà Phan Thị Lễ, pháp danh Chơn Nghĩa thụ nghiệp danh gia.
Ngài là cháu nội cụ Sung Thiên Hộ Lãnh Phó Quản Cơ Nguyễn Văn Bân dưới triều vua Tự Đức, có rất nhiều công đức bố thí như: lập đình, lập chùa và lập chợ, công đức này nay vẫn còn di tích tại Hiệp Phổ, xã Nghĩa Hưng - Nghĩa Hành.
Đường thúc ngài là Hòa Thượng Thích Huệ Chiếu, Viện chủ chùa Phổ Chiếu - Quận 8 - Sài Gòn.
Bào huynh ngài là Hòa thượng Thích Minh Đức, Viện chủ chùa Linh Phước - Trại Mát - Đà Lạt.
Do túc duyên nhiều đời và hấp thu trong gia đình nên ngài được Hòa thượng Quang Bửu - trụ trì chùa Hòa Quang- quy y với pháp danh Như Khai năm 11 tuổi.
Năm 15 tuổi (1931-Nhâm Thân), ngài thọ Sa di giới, cầu pháp làm đệ tử Hòa thượng Hoằng Chí, trụ trì chùa Thiên Ấn - Quảng Ngãi. Hòa thượng đổi pháp danh Như Khai thành Chơn Khai và cho pháp tự Đạo Chánh. Ở đây, ngài nhập chúng tu học gần 2 năm. Mặc dù còn Sa di, nhưng ngài tỏ ra xuất chúng khác thường. Hòa thượng bổn sư cho ngài tham học với đức Tăng cang Hòa thượng Hoằng Tịnh tại chùa Phước Quang.
Năm 1934 (Giáp Tuất), đại giới đàn tại chùa Sắc tứ Thạch Sơn suy tôn Hòa thượng Hoằng Thạc vi Đường đầu Hòa thượng, ngài được bổn sư cho thọ tam đàn cụ túc và được phú pháp hiệu Quang Lý.
Năm 1936 (Đinh Sửu), ngài khai sơn đầu tiên ngôi chùa Bửu Long tại làng Hiệp Phổ Bắc- xã Nghĩa Hưng - quận Nghĩa Hành.
Năm 1938, ngài được chư sơn quận Nghĩa Hành công cử chức Thư ký quận hội.
Năm 1941 (Nhâm Ngọ), ngài an cư tại hạ trường chùa Sắc tứ Thạch Sơn, được khen thưởng ưu hạng. Nhân dịp này, trường hạ mở giới đàn, suy tôn Hòa thượng Diệu Nguyên làm Đường đầu truyền giới, ngài làm chức Đệ nhất dẫn thỉnh.
Cũng năm này, Hòa thượng được hội đồng Chư sơn toàn tỉnh công cử giữ chức Tuần kiểm Chư sơn quận Nghĩa Hành.
Suốt trong 10 năm chiến tranh Vịêt - Pháp, chùa chiền bị hư hại, đạo pháp suy vi nhưng ngài vẫn một lòng duy trì chánh pháp, lèo lái con thuyền đạo pháp đúng thiền gia quy củ. Thời gian này, ngài giữ chức Hội trưởng quận hội Phật giáo Nghĩa Hành, kiêm Ủy viên Hoằng pháp tỉnh hội.
Năm 1951 (Tân Mão), mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn, ngài vẫn khổ nguyện trùng hưng ngôi chùa Bửu Long trước ở làng Hiệp Phổ đem về tăng thiết tại làng Xuân Vinh, xã Nghĩa Chánh – quận Nghĩa Hành (trên sở đất do ngài tạo mãi).
Năm 1954 (Giáp Ngọ), Hòa thượng Tòng lâm Đạo Thống Thích Trí Hưng đương vi Chủ hương tổ đình Thiên Ấn tái lập sơn môn. Ngài trúng cử Trưởng ban Hoằng pháp tỉnh hội, đồng thời giữ chức Tòng lâm Chánh Chủ chư sơn quận hội Nghĩa Hành.
Trong 2 năm 1956-1957, dưới sự chứng minh của Hòa thượng Tăng cang Thích Trí Hưng Tòng lâm Đạo Thống Tổng hội, ngài được chư sơn bản tỉnh công cử Hội trưởng tỉnh hội Phật giáo Cổ Sơn Môn – Quảng Ngãi.
Cũng trong thời gian này, ngài hiệp cùng với các danh tăng thành lập các chi hội khắp nơi trong tỉnh nhà. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trở ngại, nhưng vết chân ngài vẫn lê tha trên khắp chốn, đem ánh đạo vàng đức hóa chúng sanh, nên đâu đâu cũng vang danh đức của ngài mà quay về với đạo pháp.
Năm này, ngài cùng chư sơn toàn tỉnh kiến tạo ngôi chùa Thiên Bút.
Năm 1959 (Kỷ Hợi), giới đàn tại chùa Nghĩa Phương - Nha Trang suy tôn Hòa thượng Huệ Pháp làm Đường đầu, thỉnh ngài làm Đệ nhất tôn chứng.
Năm 1961, tỉnh hội kiến khai hạ trường tại chùa Sắc tứ Từ Lâm, thỉnh ngài chức Giảng sư kiêm Bố tát.
Nhân ngày giải chế, tỉnh hội tổ chức đại giới đàn, suy tôn Hòa thượng Thích Trí Hưng Chủ hương tổ đình Thiên Ấn làm Đường đầu truyền giới, thỉnh ngài chức Phó Chủ Kỳ và Giáo thọ A xà lê sư.
Năm 1962, Đại hội chỉnh đốn Ban Quản trị Phật giáo Cổ Sơn Môn - Quảng Ngãi, ngài trúng cử Phó Tăng Trưởng Hành chánh, kiêm Trưởng Ban Hoằng pháp tỉnh.
Mùa hè năm này, tỉnh hội kiến khai hạ trường tại chùa Bửu Long, thỉnh ngài vào chức Chủ hương kiêm Pháp sư.
Cũng trong năm này, chư Tăng và toàn thể tín đồ chi hội An Năng, xã Tư Lương thỉnh ngài chủ trương trùng hưng chùa Tây Long.
Năm 1964, Đại hội đồng Sơn môn công cử ngài làm Đệ nhất Phó Tăng Trưởng, kiêm Trưởng Ban Hoằng pháp tỉnh.
Tháng 7 năm 1964 (11.6 Giáp Thìn), Hội đồng Sơn môn toàn tỉnh trên 500 Tăng chúng và Chư tôn Hòa thượng bản tỉnh, dưới sự chứng minh của nhị vị Tăng thống đồng công cử ngài trụ trì tổ đình Thiên Bút – Văn phòng Tỉnh hội. Nhân đó, ngài đứng ra hiệp cùng chư sơn trong tỉnh sáng lập nhà Tăng và tu chỉnh Phật tượng tại tổ đình thêm phần thẩm mỹ.
Vì cơ duyên Phật pháp, ngài tiếp tục khai sơn ngôi chùa Thiên Sơn tại ấp La Hà, xã Tư Duy, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi.
Cũng vào năm này, chùa Bửu Long – Nghĩa Hành và chùa Liên Quang - Bình Sơn, tỉnh hội kiến khai hạ trường thỉnh ngài làm chức Pháp sư.
Vào ngày 04 tháng 7 Giáp Thìn (1964), hạ trường Liên Quang tôn Hòa thượng Thích Phước Huy làm Đường đầu truyền giới, thỉnh ngài chức Chánh Chủ kỳ và làm Yết ma A xà lê.
Năm 1965, Phật hóa hữu duyên, ngài khai sơn chùa Bửu Quang tại ấp ven thị Gò Phú thuộc xã Tư Chánh, quận Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi (trên sở đất do đệ tử Trần Giải Quảng phụng cúng).
Năm 1966 (Bính Ngọ), tỉnh hội kiến khai hạ trường tại chùa Thiên Bút, Văn phòng Tỉnh hội thỉnh ngài chức Pháp sư và Bố tát. Đồng thời sơn môn quận Mộ Đức và môn phong chùa Đức Thắng thỉnh cầu tỉnh hội kiến khai đại lễ Chúc thọ giới đàn, tôn Hòa thượng Khánh Vinh làm Đường đầu truyền giới, thỉnh ngài làm chức Tuyên luật sư.
Năm 1967, hạ trường tại chùa Liên Quang (Bình Sơn) và Đông Sơn, huyện Mộ Đức do tỉnh hội chủ trương, thỉnh ngài vào chức Pháp sư.
Năm 1968 (Mậu Thân), tỉnh hội kiến khai hạ trường tại chùa Bửu Quang, thỉnh ngài làm chức Pháp sư và Bố tát, kiêm Hóa chủ.
Nhân ngày giải chế hạ trường 08 tháng 7 Mậu Thân (1968), tỉnh hội tổ chức kiến khai giới đàn, suy tôn ngài làm Đường đầu Hòa thượng.
Năm 1969, tại Đại hội sơn môn tỉnh nhà, ngài trúng cử Tăng trưởng Phật giáo Tỉnh hội, kiêm Trưởng ban Hoằng pháp tỉnh. Cũng năm này, Tổ đình Bửu Long tổ chức Đạo tràng an cư kiết hạ, thỉnh ngài Chủ hương kiêm Pháp sư và Bố tát.
Năm 1970, tỉnh hội tổ chức hạ trường tại chùa Bửu Quang thỉnh ngài Chủ hương, kiêm Pháp sư và Bố tát.
Nhân ngày giải chế hạ trường, tỉnh hội kiến khai giới đàn suy tôn Hòa thượng Thích Từ Minh làm Đường đầu truyền giới và thỉnh ngài làm chức Tuyên Luật Sư.
Năm 1971, ngài làm Chủ hương kiêm Pháp sư hạ trường Bửu Quang. Cũng năm này, nhân ngày giải chế hạ trường tổ đình Thiên Phước - Mộ Đức kiến khai giới đàn, suy tôn Hòa thượng Khánh Cẩm làm Đường đầu truyền giới, thỉnh ngài làm chức Tuyên Luật Sư.
Năm 1972, ngài đứng ra đại trùng tu ngôi tổ đình Thiên Bút – Văn phòng Giáo hội tỉnh nguy nga tráng lệ. Cũng trong năm này – vì đại sự nhân duyên đáp lời thỉnh cầu của Đại đức Thích Tâm Hồng (trụ trì chùa Tân Long - Chánh đại diện Phật giáo quận Nhà Bè), ngài làm Chứng minh đạo sư chùa Tân Long. Đồng thời năm này ngài cũng khai sơn ngôi Đệ nhị Bửu Quang Tự, tại xã Tân Quy Đông- Nhà Bè, tỉnh Gia Định.
Năm 1973, hạ trường tổ đình Thiền Lâm (Quận 6 - TPHCM), Văn phòng trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Cổ Sơn Môn tổ chức Đại giới đàn, Tái thí chúc thọ Hòa thượng Tăng cang Thích Trí Hưng - Phó Tăng Thống quản tăng, làm Đại lão Hòa thượng, thỉnh ngài làm chức Tuyên Luật Sư. Cũng năm này, Tỉnh hội tổ chức hạ trường tại Văn phòng Tỉnh hội, thỉnh ngài Chứng minh, kiêm Pháp sư.
Năm 1974, ngài làm Thiền chủ, kiêm Pháp sư hạ trường chùa Bửu Quang.
Năm 1975, nước nhà độc lập, hai tỉnh Quảng Ngãi - Bình Định sát nhập chung thành tỉnh Nghĩa Bình, ngài làm Chứng minh Đạo sư cho tỉnh giáo hội.
Năm 1976-1984, nhận thấy sức khỏe có phần kém nên ngài giao hết trọng trách cho đệ tử, ngài nhập thất 9 năm. Nhờ vào sự tu tập của ngài nên sức khỏe hồi phục. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn, thế nhưng không thể nhìn thời gian xóa mòn, ngài phát nguyện trùng tu ngôi tổ đình Bửu Long vào năm 1985.
Năm 1986, Thượng tọa Thích Như Nghĩa - Viện chủ chùa Liên Hoa (Quận 4, TP. Hồ Chí Minh) thỉnh ngài làm Chứng minh Đạo sư cho chùa Liên Hoa.
Năm 1987 và 1989 chùa Long Bửu (Quận 4, TP. Hồ Chí Minh) kiến khai hạ trường, thỉnh ngài làm Luật Sư.
Năm 1988, hạ trường Linh Sơn-Đà Lạt do Tỉnh hội Lâm Đồng tổ chức, thỉnh ngài làm Luật Sư.
Năm 1990 (Canh Ngọ), mặc dù niên cao lạp trưởng nhưng vì Phật pháp, đáp lời thỉnh cầu của Ban Trị sự Tỉnh hội Lâm Đồng, ngài đảm nhận Viện chủ chùa Linh Thứu - Đà Lạt. Vừa nhận nhiệm vụ viện chủ, ngài liền chỉnh trang và xây dựng thêm nhà tổ rộng rãi khang trang làm nơi quy hướng cho Phật tử xa gần.
Nhân mùa hạ tại tổ đình Linh Sơn-Đà Lạt, Ban Trị sự Tỉnh hội tỉnh Lâm Đồng thỉnh ngài chứng minh cho hạ trường.
Sáng ngày 15 tháng 6 năm Canh Ngọ (1990), toàn thể đạo tràng bát quan trai giới vì quý kính đức độ ngài nên cung thỉnh Hòa thượng hoan hỷ cho đạo tràng thời pháp. Chiều đến, ngài thấy trong người không được khỏe, tứ đại bất điều hòa. Rạng ngày 16, ngài lâm bệnh, toàn thể chư tôn đức Ban Trị sự Tỉnh hội cũng như thiền đường đại chúng chăm sóc và đưa ngài nhập viện. Mặc dù y bác sỹ tận tình cứu chữa nhưng không thuyên giảm, đại chúng đưa ngài về hạ trường.
Thế rồi định luật vô thường, ngài thuận thế vô thường thâu thần thị tịch lúc 5 giờ 45 ngày 19 tháng 6 năm Canh Ngo - nhằm ngày vía Đức Quán Thế Âm Bồ tát – trụ thế 73 năm – dự trên 50 kỳ hạ lạp. Nhục thân của ngài nhập tháp tại chùa Linh Phước - Trại Mát.
Suốt 50 năm hành đạo từ Trung phần cho đến tận thành đô và cao nguyên Đà Lạt, ngài đã để lại những thành quả tốt đẹp và lớn lao như khai sơn và chứng minh 33 ngôi chùa:
Chùa Bửu Long – Bửu Quang – Tây Long – Bửu Long – Bửu Long – Bửu Mỹ – Bửu Thanh – Bửu Khánh – Bửu Liên – Bửu Nghiêm – Bửu Phước – Bửu Khương – Bửu Điền – Bửu Thuận – Bửu Sơn – Bửu Minh – Bửu An – Bửu Phổ – Long An – Quang Minh – Bửu Thành – Bửu Tâm – Thanh Tịnh – Long Phước – Long Phước – Long Khánh – Bửu Nghĩa - Bửu Vinh – Bửu Lâm – Bửu Thắng – Bửu Phú – Thiên Sơn –Thiên Bút – Bửu Quang (Sài Gòn) – Bửu Đức (Bình Tuy). Và sau cùng là trụ trì chùa Linh Phước Đà Lạt.
Ngài đã thế độ cho 150 đệ tử xuất gia, quy y Tam bảo cho khoảng 30 ngàn Phật tử tại gia.
Ngoài ra, ngài còn là vị danh y đã thực hiện hạnh Bồ tát cứu chữa bệnh cho rất nhiều người qua khỏi cơn nguy khốn, về với đời sống bình thường. Nhiều người bệnh nan y, tưởng như sẽ chết nhưng qua bàn tay diệu dược của ngài đã được cứu sống.
Những người bệnh sau khi sau khi được ngài chữa khỏi đều trở về quy y Tam bảo. Đó là một trong những ngũ minh của vị đạo sư cứu độ chúng sanh.
Hòa thượng là một trong những Cao tăng thạc đức của lịch sử Phật giáo Việt Nam. Hình bóng ngài sống mãi trong lòng Tăng ni, Phật tử Việt Nam.
- Tiểu sử do đệ tử chùa Linh Phước cung cấp.
- Tỳ kheo Đồng Bổn biên tập lại.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết