Thông tin

HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG THẠC (1925 – 1995)

 

 

Hòa thượng Thích Quảng Thạc, pháp danh Quảng Thạc, đạo hiệu Tuấn Đức, thế danh Dương Đức Thắng, sinh năm Ất Sửu (1925), tại làng Quần Phương Hạ, xã Tây, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Thân phụ Ngài là cụ Đỗ Văn Khôi, hiệu Đa Sĩ, thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Khuyến hiệu Diệu Phương. Ngài là người con út trong gia đình gồm 6 anh chị em, 3 trai, 3 gái.

Vốn sinh trưởng trong gia đình có truyền thống nho học, trải nhiều đời gia tộc đều quy ngưỡng cửa thiền, nên song thân Ngài một lòng thuần kính Tam bảo. Lúc Ngài còn nhỏ, trong gia đình đã có người chị cả xuất gia – quy y nơi Sư cụ chùa Nghĩa Xá, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, là Ni trưởng Thích Nữ Đàm Soạn.

Năm lên 16 tuổi (1941), Ngài sớm nhận thấy cuộc đời ảo mộng, sanh, lão, bệnh, tử nên một lòng xin phép song thân cho xuất gia đầu Phật.

Buổi ban đầu khai tâm học đạo, Ngài được Hòa thượng Thích Trí Hải trụ trì chùa Mai Xá, tỉnh Hà Nam, một vị cao Tăng đức độ lúc bấy giờ thu nạp làm đệ tử và trao cho giới phẩm Sa di. Vốn có sẵn Phật tâm ngay từ thuở nhỏ và có tư chất thông minh, Ngài đã nhanh chóng tinh thông căn bản giáo lý Đại thừa.

Năm Canh Dần 1950, Hòa thượng Thích Trí Hải đưa Ngài lên chùa Quán Sứ tiếp tục chương trình Cao đẳng Phật học để nâng cao kiến thức tam tạng giáo điển và trau dồi giới hạnh. Suốt 3 năm tinh cần tu tập, Ngài luôn được biểu dương là một học Tăng gương mẫu, rường cột Phật giáo sau này.

Năm Quý Tỵ 1953, Ngài tháp tùng Hòa thượng Bổn sư về thành phố Hải Phòng, kiến tạo ngôi chùa lấy hiệu là chùa Phật Giáo để phát triển sự nghiệp hoằng dương Phật pháp tại đây (nay là chùa Nam Hải).

Năm Giáp Ngọ 1954, khi hiệp định đình chiến Genève được ký kết chấm dứt chiến tranh Việt Pháp, nhận thấy Ngài có pháp khí Đại thừa nên Hòa thượng Bổn sư quyết định cho phép Ngài di cư vào miền Nam đểõ tiếp nối sự nghiệp hoằng pháp. Vào đến nơi, bước đầu Ngài trú tại chùa Giác Hoa, quận Bình Thạnh – Gia Định để tu học dưới sự dẫn dắt của chư tôn đức cùng di cư vào Nam hoằng đạo.

Năm Ất Mùi 1955, Giáo hội Tăng Già Bắc Việt tại miền Nam ra đời, chùa Giác Minh được thành lập. Nhân dịp này chư tôn đức trong sơn môn miền Bắc tổ chức Đàn giới cho Ngài được lãnh thụ Đại giới, do Tổ Thanh Thạnh làm Hòa thượng Đàn đầu, Tổ Thanh Thái làm Yết ma và Tổ Yên Bình làm Giáo thọ A-Xà-Lê. Cũng trong năm này, Ngài được đề cử về trụ trì chùa Giác Hoa, tỉnh Gia Định để giáo hóa độ sanh.

Năm Đinh Dậu 1957, Ngài đến tham học tại Phật học đường Giác Nguyên, quận Tư – Sài Gòn và tái thụ giới pháp nơi Hòa thượng Thích Hành Trụ, được Hòa thượng tác chứng để hành trì đạo pháp.

Năm Canh Tuất 1970, Hòa thượng Thích Chân Thường vì Phật sự mới ở hải ngoại, đã giao lại cho Ngài trụ trì ngôi chùa An Lạc ở quận Nhất - Sài Gòn. Nhận thấy chùa còn nhỏ hẹp, Ngài đã vận động tín đồ đóng góp xây dựng lại ngôi Tam bảo bằng tâm huyết và ý tưởng của mình với tâm niệm “Phật pháp bất ly thế gian giác”. Đến năm 1973 chùa mới hoàn thành một cách uy nguy tráng lệ, khi bước vào cảnh chùa, mọi người có thể chiêm ngưỡng một cảnh quan Phật địa, an lành hạnh phúc tại thế gian này.

Song song với công việc Phật sự, giáo hóa độ sanh, nghiêm tầm Phật điển, Ngài còn nổi tiếng tinh tường về thư pháp, thi ca. Bằng những dòng thơ đạo, những câu đối thiền với nét bút tài hoa, khắp các đạo tràng trong chốn thiền lâm, nơi nơi đều có dấu ấn bút pháp của Ngài ghi đậm. Sự nghiệp sáng tác của Ngài còn có một số tác phẩm hơn 200 câu đối, thi vịnh Phật giáo (chưa xuất bản).

Năm Kỷ Dậu 1979, sau khi đất nước được thống nhất, Ngài đã cung thỉnh Hòa thượng Bổn sư Thích Trí Hải vào miền Nam thăm viếng các chốn Tổ và để được chăm sóc, báo đáp thâm ân giáo dưỡng Bổn sư sau thời gian dài xa cách. Như đã mãn nguyện, sau khi trở về miền Bắc, Hòa thượng đã viên tịch.

Năm Canh Thân 1980, Ban Vận động Thống nhất Phật giáo được thành lập, Tổ Hòe Nhai – Hòa thượng Thích Đức Nhuận đã vào miền Nam để vận động và lưu trú tại chùa Vĩnh Nghiêm - thành phố Hồ Chí Minh, Ngài đến khất cầu giới pháp và được Hòa thượng truyền trao Bồ Tát giới, ban cho pháp hiệu là Tuấn Đức.

Vào cuối năm Ất Hợi (1995), Ngài lâm trọng bệnh, và thị tịch vào lúc 0 giờ 20 phút ngày 25 tháng 01 năm 1996, nhằm ngày 06 tháng 12 năm Ất Hợi tại chùa An Lạc, đường Phạm Ngũ Lão, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Hòa thượng trụ thế 70 năm. Hạ lạp 40 tuổi đạo.

Trước khi thị tịch vài ngày, Ngài sai đệ tử lấy giấy bút để viết chữ đại tự “ Phật” và dặn dò các đệ tử câu kệ mà Ngài tâm đắc nhất lúc bình sinh:

Luyện tính bất dung văn vũ hỏa

Tham thiền tu thế lợi danh quan

Tạm hiểu:

Luyện tính tu tâm ấy đạo mầu

Võ văn lửa dữ gắng qua mau

Tham thiền yếu lý thường tu niệm

Cửa ải lợi danh chớ lún sâu.

Bằng tất cả trí tuệ, tài năng và sức lực, Ngài đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp tu hành. Với văn chương; bút pháp, Ngài không những khẳng định sự giác ngộ tâm linh sở tu, sở chứng, mà còn góp phần không nhỏ cho nền văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 51
    • Số lượt truy cập : 6950098