Thông tin

HÒA THƯỢNG THÍCH TẮC THÀNH (1930-2009)

 

 

Hòa thượng Thích Tắc Thành, pháp húy Lãng Công, pháp hiệu Tắc Thành, thuộc dòng phái Thiên Thai Giáo Quán tông đời thứ 23. Ngài thế danh Lê Văn Mười, sinh năm Canh Ngọ (1930), tại xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Thân phụ là cụ Lê Văn Nhất, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Lai. Hòa thượng sinh trưởng trong một gia đình trung nông, phúc hậu, kính tin Tam bảo. Ngài có 9 anh chị em, 4 trai, 5 gái. Hòa thượng là người con út trong gia đình.

Vốn đã có duyên lành với ngôi Tam bảo, nên khi vừa tròn 7 tuổi (1937), ngài được cha mẹ cho quy y và xin xuất gia với Hòa thượng pháp húy Đạt Lai (1896-1966), trụ trì chùa Pháp Môn, xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An; được Hòa thượng bổn sư ban pháp danh là Lãng Công. Ngài bẩm tánh thông minh, học hành chăm chỉ, tinh tấn tu hành theo sự hướng dẫn của bổn sư, luôn được thầy khen bạn mến.

Năm 1940, ngày 19 tháng 2 năm Canh Thìn, ngài được bổn sư cho thọ giới Sa di tại chùa Tôn Thạnh - Cần Giuộc - Long An. Khi được lãnh thọ pháp giới, Hòa thượng càng tinh tấn nỗ lực tu tập, gia công lập hạnh hơn nữa trên bước đường giải thoát trong ngôi Tam bảo.

Thông minh vượt hơn thường tình và do yêu cầu học luật tại tại các trường hương, tuy mới 18 tuổi, nhưng Hòa thượng được Ban Chức sự và bổn sư xem xét đặc cách cho thọ giới Tỳ kheo, tại Đại giới đàn chùa chùa Tôn Thạnh năm 1948. Ngày 19 tháng 2 năm Canh Dần (1950), Hòa thượng được đăng đàn thọ đại giới Tỳ kheo lần thứ 2, cũng tại chùa Tôn Thạnh, do Tổ Liễu Thiền (1885-1956) làm Đàn đầu hòa thượng, Hòa thượng Từ Nhẫn làm Yết ma A xà lê, Hòa thượng Thích Đạt Lai làm Giáo thọ A xà lê.

Năm Giáp Ngọ (1954), để tăng trưởng về mặt trí tuệ Phật pháp, làm đống lương cho đạo mạch, ngài được bổn sư cho theo học tại Trường Phật học Lục Hòa - chùa Giác Viên, Chợ Lớn, do Hòa thượng Huệ Chí làm giám đốc. Ngài là một tăng sinh xuất sắc về trường hàng luật, có hoài bão phát triển hệ phái Thiên thai Giáo Quán tông Việt Nam.

Năm Canh Dần (1959), để đáp ứng nguyện vọng của đồng bào Phật tử địa phương, Hòa Thượng đã về trụ trì chùa Đông Phước, số 374, Bến Bình Đông, Quận 8 (nay thuộc TP Hồ Chí Minh) cho đến ngày viên tịch.

Năm Tân Hợi (1971), tại Đại hội khoáng đại kỳ I Phật giáo Việt Nam Thiên Thai Giáo Quán tông, tổ chức tại chùa Pháp Hội - Quận 10, Hòa thượng được đại hội suy cử làm Tổng Thư ký suốt nhiều nhiệm kỳ, cho đến ngày thống nhất Phật giáo cả nước năm 1981.

Năm Nhâm Tý (1972), Hòa thượng mở phòng thuốc Tây y khám và chữa bệnh cho người nghèo tại chùa Đông Phước.

Nhằm thể hiện tinh thần hòa hợp, chung lo Phật sự, phát huy đạo pháp, năm Quý Sửu (1973), Hòa thượng đã đảm nhận chức vụ Phó Tổng Vụ trưởng Tổng Vụ Tăng sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, do Hòa thượng Thích Tắc Phước (1922- 2012) làm Tổng Vụ trưởng.

Và trong thời gian này (1973), ngài mở lớp học cắt may, dạy nghề miễn phí cho người dân nghèo ở địa phương.

Năm Giáp Dần (1974), Hòa thượng được Giáo hội bổ nhiệm làm Chánh Đại diện Phật giáo Liên quận 7 và quận 8 thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Năm Ất Mẹo (1975), sau ngày thống nhất đất nước, Hòa thượng đảm nhận chức vụ Cố vấn Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã Pháp Quang tại chùa Pháp Quang - Quận 8, đồng thời làm Chứng minh Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Quận 8.

Năm Nhâm Tuất (1982), sau ngày thống nhất Phật giáo cả nước, Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập, Hòa thượng được cung thỉnh làm Chứng minh Ban Đại diện Phật giáo quận 8.

Năm Đinh Sửu (1997), Hòa thượng được Đại hội kỳ V Giáo hội Phật giáo Việt Nam suy cử làm Ủy viên Tăng sự Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh.

Năm Nhâm Ngọ (2002), tại Đại hội Phật giáo Thành phố lần thứ VI, Hòa thượng được suy cử làm Trưởng Ban Tăng sự, kiêm Trưởng Ban Kiểm Tăng Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh; đồng thời là Ủy viên Ban Tăng sự Trung ương. Cũng trong năm 2002, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ V, Hòa thượng được đại hội suy tôn làm thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật gáao Việt Nam cho đến ngày viên tịch.

Năm Đinh Hợi (2007), tại Đại hội Phật giáo Thành phố lần thứ VII, Hòa thượng được suy cử làm Phó Ban Trị sự, kiêm Trưởng Ban Tăng sự cho đến ngày xả bỏ báo thân.

Với công đức trang nghiêm thanh tịnh, mô phạm chốn thiền lâm, cho nên trong suốt thời gian thừa hành Phật sự, từ năm 1973, Hòa thượng được cung thỉnh làm Yết ma A xà lê trong các Đại giới đàn do Giáo hội Thiên Thai Giáo Quán tông khai mở tại các chùa trong hệ phái.

Từ năm 1976 cho đến ngày viên tịch, Hòa thượng đã được cung thỉnh làm Tôn chứng sư các Đại giới đàn:

- Đại giới đàn Quảng Đức, chùa Ấn Quang, năm 1976;

- Đại giới đàn Thiện Hòa, chùa Ấn Quang, năm 1980.

Làm Yết ma A xà lê các Đại giới đàn:

- Đại giới đàn chùa Ấn Quang, quận Mười, năm 1988;

- Đại giới đàn Phổ Quang, quận Tân Bình, năm 2004;

- Đại giới đàn Khánh Phước, chùa Thiên Khánh, năm 2002;

- Đại giới đàn Chánh Tâm, chùa Kim Cang, năm 2005;

- Đại giới đàn Pháp Lưu, chùa Thiên Khánh, năm 2007.

Đồng thời, theo sự thỉnh cầu của Giáo hội, Hòa thượng đảm nhận làm Đường đầu Hòa thượng của Đại giới đàn Phổ Chí và Nguyệt Chiếu do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bạc Liêu tổ chức.

Trong tinh thần trách nhiệm, hằng năm, Hòa thượng đều đảm nhận chức vụ Thiền chủ, Phó Thiền chủ Trường hạ do Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh tổ chức tại chùa Phổ Quang - quận Tân Bình.

Theo lời thỉnh cầu của Giáo hội, Hòa thượng đã tham gia Ban Giảng huấn, giảng dạy cho các khóa Bồi dưỡng Trụ trì và Hành chánh do Giáo hội và các tỉnh, Thành hội tổ chức, như Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ, Tỉnh hội Phật giáo An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long... không mệt mỏi và đem hết tâm huyết để truyền đạt lại cho Tăng ni các khóa học một cách có hiệu quả.

Trong công tác trang nghiêm Tịnh độ tại nhân gian, Hòa thượng đã cùng Tăng ni, Phật tử hệ phái nỗ lực trùng tu ngôi Tam bảo Pháp Môn được trang nghiêm tú lệ, xứng đáng là cơ sở của Giáo hội tại địa phương huyện Cần Giuộc.

Trên bước đường phụng sự đạo pháp, phục vụ chúng sanh, Hòa thượng luôn là bóng cây đại thọ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh, Ban Đại diên Phật giáo quận 8, và Tăng ni, Phật tử. Nhưng thế rồi, thân tứ đại theo duyên tăng giảm, sau cơn bệnh nhẹ, Hòa thượng đã thuận thế vô thường, thu thần viên tịch tại trú xứ chùa Đông Phước, quận 8, TP. Hồ Chí Minh, vào lúc 11 giờ, ngày 26 tháng Chạp năm Mậu Tý (21.01.2009). Trụ thế 80 năm, hạ lạp trải qua 60 mùa an cư kiết hạ.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Đại diện Phật giáo quận 8, hệ phái Thiên Thai Giáo Quán tông Việt Nam và môn đồ tứ chúng tổ chức lễ tang trang nghiêm long trọng, di nhục thân nhập bảo tháp, phía trước bên trái chùa Pháp Môn, tại xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc.

Tuy báo thân của Hòa thượng không còn nữa, nhưng công đức và đạo hạnh của Hòa thượng sẽ mãi mãi lưu lại trong trang sử vàng son của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại.

NAM MÔ THIÊN THAI GIÁO QUÁN TÔNG, ĐÔNG PHƯỚC TỰ TRỤ TRÌ, NHỊ THẬP TAM THẾ, PHÁP HÚY LÃNG CÔNG, HIỆU TẮC THÀNH, HÒA THƯỢNG GIÁC LINH.

 


- Tiểu sử do Tỳ kheo Thích Tắc Huê cung cấp

- Đối chiếu bổ sung qua bản viết của TT Thích Tắc Phi.

- Tỳ kheo Thích Đồng Bổn biên tập.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 115
    • Số lượt truy cập : 6949861