HÒA THƯỢNG THÍCH TÂM THANH (1931–2004)
Hòa thượng pháp danh Tâm Thanh, pháp tự Giải Tịnh, pháp hiệu Chơn Nghiêm, thế danh Lê Thanh Hải, sinh năm Tân Mùi (1931), tại xứ Mã Châu, xã Duy An, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Thân phụ là cụ ông Dương Cần, tự Lê Nghiêm, hiệu Viên Minh, pháp danh Thị Tịnh. Thân mẫu là cụ bà Trần Thị Qua.
Xuất thân trong một gia đình gia giáo, có thân phụ là Chánh Tổng nên ngài đã sớm tiếp thu Nho học và Tây học từ thuở ấu niên. Ngài tham gia tổ chức Gia đình Phật tử từ rất sớm để sinh hoạt và học hỏi giáo lý, và quy y thọ ngũ giới với Hòa thượng chùa Phổ Thiên, húy Trùng Kệ, tự Như Nhu, hiệu Tôn Thắng và được Hòa thượng ban cho pháp danh là Tâm Thanh.
Là thành viên nòng cốt của tổ chức Gia đình Phật tử Quảng Nam, ngài đã cống hiến hết mình cho tổ chức và trong mùa pháp nạn năm 1963, đồng cam cộng khổ cùng chư tôn đức cũng như các Gia đình Phật tử Quảng Nam đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo. Trong mùa pháp nạn này, ngài bị chính quyền Ngô Đình Diệm đánh đập dã man và vào tù ra khám không biết bao nhiêu lần cũng chỉ vì bảo vệ Đạo pháp và sự tự do bình đẳng tôn giáo.
Chính sự nhận thức đúng đắn trách nhiệm với đạo pháp đã thúc đẩy ngài chọn con đường xuất gia tu học. Cuối năm 1963, ngài được Hòa thượng Chơn Ngọc, hiệu Long Trí thế phát, trước sự chứng minh của chư tôn đức tại Quảng Nam và toàn thể Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Quảng Nam. Sau đó, Hòa thượng Long Trí đã gởi ngài tòng học tại Học viện Phổ Đà, thành phố Đà Nẵng.
Năm 1964, ngài thọ giới Sa di tại Phật học viện Phổ Đà, được Hòa thượng bổn sư ban pháp tự là Giải Tịnh. Sau đó, Hòa thượng Phổ Thiên cùng Hòa thượng Long Trí đã gởi ngài vào Sài Gòn cho theo học lớp Trung đẳng Phật học tại Phật học viện Huệ Nghiêm.
Năm 1966, Hòa thượng thọ Tỳ kheo giới tại Giới đàn Quảng Đức do Hòa thượng Thích Thanh Thạnh làm Đường đầu và được Hòa thượng Phổ Thiên cho pháp hiệu là Chơn Nghiêm. Trong thời gian này, Hòa thượng cũng theo học chuyên khoa Phật học tại Đại học Vạn Hạnh.
Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Huệ Nghiêm khóa đầu tiên, ngài đã trở thành một vị giảng sư của Giảng sư đoàn Viện Hóa Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, được Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo Thích Thiện Hoa đưa về chùa Ấn Quang để đi giảng dạy khắp các tỉnh thành. Đầu tiên, ngài được Hòa thượng Thích Trí Hữu, người khai sơn tổ đình Ấn Quang mời về quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng thuyết pháp. Những pháp âm đầy đạo vị bắt đầu vang vọng từ quê hương lan đến khắp các tỉnh thành từ Quảng Trị đến Cà Mau.
Năm 1969, ngài về nhận chức Chánh Đại điện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất khu Bảy Hiền, Gia Định, nơi các đồng bào Quảng Nam vào an cư lạc nghiệp. Nhờ đức độ, tài năng và làm việc không mệt mỏi, ngài đã trùng tu chùa Phổ Hiền, thành lập Gia đình Phật tử Đức Trung, vận động làm đường Hồ Tấn Đức (tức đường Võ Thành Trang ngày nay), xây dựng Trường Bồ Đề Hạnh Đức (tức Trường Võ Văn Tần ngày nay) và giữ chức điều hành toàn bộ trường học này. Vừa làm Chánh Đại diện khu Bảy Hiền, vừa làm Giám đốc trường Bồ Đề, Hòa thượng vẫn luôn đi giảng dạy các Phật học viện Dược Sư, Từ Nghiêm v.v… tại Sài Gòn và đi thuyết pháp ở các tỉnh.
Năm 1972, ngài lên Đại Ninh thăm Hòa thượng Thích Thiền Tâm - Giáo thọ trưởng Phật học viện Huệ Nghiêm, đang nhập thất tại trú xứ Hương Nghiêm, được Hòa thượng Thiền Tâm giới thiệu và nhận một quả đồi phía trên tu viện Hương Nghiêm do Phật tử Mười hiến cúng. Ngài bắt đầu xây dựng một thạch thất nơi núi rừng hoang vắng để tịnh dưỡng sau những ngày đi thuyết pháp và làm Phật sự khắp nơi. Sau lễ Phật đản năm 1973, ngài đã về Đại Ninh nhập thất tu tập thiền định, một mình lặng lẽ với công án tử sinh.
Đầu năm 1975, tình hình chính sự đất nước có nhiều biến đổi, Hòa thượng quyết định rời thất một thời gian về lại chùa Phổ Hiền, cùng với đồng bào Quảng Nam đồng cam cộng khổ vượt qua cơn lửa binh ly loạn. Chiến tranh chấm dứt, hòa bình lập lại, Hòa thượng trở lại núi rừng Đại Ninh vui với cỏ cây, muôn thú, gác ngoài tai mọi chuyện thế gian.
Tháng 10 năm 1975, ngài lại trở về vận động trùng tu chùa Phổ Hiền thành ngôi chùa khang trang tráng lệ, khánh thành vào tháng 7 năm 1976. Một tháng sau, ngài lại trở về xây cất tạm ngôi chùa Ba Phong tại quê hương. Từ đó về sau, ngài góp phần trùng tu rất nhiều ngôi chùa tại quê hương Duy Xuyên – Quảng Nam.
Năm 1981, ngài bắt đầu giảng Kinh Pháp Hoa tại chùa Linh Phong, thành phố Đà Lạt. Đây là thời kỳ mà pháp âm của ngài tuôn chảy như suối nguồn bất tuyệt.
Năm 1982, cụ thân sinh của ngài an tịch sau 47 năm trường trai Bồ tát giới và hơn 10 năm được ngài phụng dưỡng sớm hôm. Từ đó, ngài ít đi giảng ở phương xa, thường xuyên ở nhà ra mộ cụ thắp hương mỗi ngày 3 lần trước bữa ăn.
Năm 1983, nhận thấy duyên hóa độ có nhiều thuận lợi, ngài quyết định xây chùa ngay phía trên tịnh thất Chơn Nghiêm, lấy hiệu là Vĩnh Minh Tự Viện với ý xiển dương giáo pháp Tịnh độ của ngài Vĩnh Minh Diên Thọ – Tổ thứ 6 của Tịnh độ tông, một phần lấy ghép tên Tổ Vĩnh Gia – một vị Tổ sư cận đại tại Quảng Nam và Tổ Minh Hải – Tổ sư khai sơn phái Chúc Thánh. Ngôi chùa nhỏ nơi núi đồi Đại Ninh thơ mộng đã trở thành điểm tựa tinh thần cho dân chúng khắp các làng quê Đức Trọng – Lâm Đồng.
Năm 1993, ngài lại vận động đại trùng tu Vĩnh Minh Tự Viện. Từ đó về sau, cứ mỗi năm ngài lại khánh thành một công trình nhân ngày kỵ Tổ Phổ Thiên, từ Giảng đường, Khách đường, Tăng xá, Pháp bảo, các tượng đài, bảo tháp v.v… khiến Vĩnh Minh tự trở thành một Tòng lâm nổi tiếng với cảnh trí hài hòa, u nhã. Ngài còn xây dựng Ni viện Diệu Nhân để hóa độ Ni chúng. Đồng thời, Hòa thượng cũng vận động tráng nhựa hương lộ Phú An, làm cầu treo qua sông Thiện Chí, đóng góp hạ lưới điện từ quốc lộ vào chùa cùng rất nhiều hoạt động từ thiện phúc lợi nhân sinh. Ngoài ra, ngài còn thỉnh Đại tạng và Tục tạng kinh về tôn trí tại Pháp bảo của chùa, tổ chức cho tăng chúng soạn thảo mục lục Đại tạng.
Từ đó, pháp âm từ núi rừng Đại Ninh vang vọng, nên chư Tăng ni và Phật tử khắp nơi về thọ giáo quy y. Hòa thượng đã từng ra đảm nhiệm chức vụ Phó Ban Trị sự, kiêm Trưởng Ban Hoằng pháp Giáo hội tỉnh Lâm Đồng, Phó Hiệu trưởng, kiêm Giám luật Trường Cơ bản Phật học Lâm Đồng khóa I và II. Đồng thời, ngài còn đi giảng dạy, truyền đạt kinh nghiệm giảng sư cho Tăng ni khắp nơi.
Đầu năm 2003, Hòa thượng cảm thấy tuổi già sức yếu, nhân ngày kỵ Tổ Phổ Thiên, ngài tổ chức khánh thành bảo tháp xá lợi Minh Tích Ấn, công trình cuối cùng của đời ngài. Trước sự chứng minh của Hòa thượng Thích Từ Mãn - Trưởng Ban Trị sự tỉnh Lâm Đồng và chư tôn đức trong môn phái, ngài đã phó chúc cho Đại đức Thích Nguyên Hiền kế vị trụ trì Vĩnh Minh Tự Viện và phát nguyện nhập thất tĩnh tu quyết liễu sanh thoát tử. Lễ nhập thất của Hòa thượng được long trọng tổ chức vào ngày 20 tháng 4 năm Quý Mùi dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thích Pháp Chiếu - Phó Ban Trị sự tỉnh Lâm Đồng.
Tịnh thất Chơn Nghiêm tọa lạc sau khu Pháp bảo yên tĩnh, Hòa thượng bắt đầu hạ thủ công phu. Mỗi ngày dành thời gian tụng lại toàn bộ các kinh điển Đại thừa và Nikàya. Trong lúc trì tụng, ngài thấy có quá nhiều chi tiết đặc biệt mà hàng hậu thế khó lòng am đọc hết, nếu không có thời gian yên tĩnh. Với tâm lượng vị tha, vì lợi lạc quần sanh nên ngài đã rút tỉa các ý chính trong kinh điển và ghi chú từng phẩm mục, từng trang tiết và soạn thành tác phẩm “Những Đề Mục Quan Yếu Trong Kinh Điển Đại Thừa” (bao gồm Kinh Đại Bảo Tích, Hoa Nghiêm, Đại Bát Nhã, Đại Bát Niết Bàn) và tác phẩm “Những Phẩm Mục Thiết Cận Trong Các Kinh Nikàya” (các Kinh Trường, Trung, Tạp, Tăng Nhất A-Hàm và Tương Ưng Bộ). Suốt gần một năm, hoàn tất hai tạng kinh Đại thừa và Nikàya, ngài lại gia hạnh công phu niệm Phật. Tiếng niệm Phật vang vọng trong tịnh thất suốt ngày đêm.
Đêm 30 tháng 02 Giáp Thân 2004, Hòa thượng mộng thấy chư thiên thỉnh lên tầng trời thứ 33 giảng Kinh Kiến Chánh. Biết cơ duyên hóa độ của mình đã mãn nên ngày mồng 5 tháng 2 (nhuận) năm Giáp Thân, ngài bấm đốt tay tính ngày ra đi. Các đệ tử thân tín được vào thất hầu thăm và được ngài dạy bảo nhiều điều cặn kẽ.
Chiều ngày 12 tháng 2 (nhuận), khi đại chúng đang quỳ hầu xung quanh, Hòa thượng đọc kệ Bát Đại Nhân Giác và dạy bảo sách tấn đại chúng tu học. Sau đó, ngài bảo ra ngoài hết, chỉ gọi riêng trụ trì và tri sư của hai chùa Tăng ni vào để phó chúc. Phó chúc xong, ngài nói: “Thầy rất minh mẫn, Thầy rất sáng suốt, Thầy rất chu đáo, các con như thế mà làm”. Sau khi phó chúc xong mọi việc, Hòa thượng chắp tay niệm thật lớn câu Nam Mô A Di Đà Phật như một cách Yết ma. Câu cao thanh niệm Phật này là bài pháp cuối cùng của cuộc đời ngài.
Hòa thượng đã an nhiên xả báo thân vào lúc 6 giờ 15 phút sáng ngày 13 tháng 2 nhuần năm Giáp Thân, nhằm ngày 2 tháng 4 năm 2004, thọ 74 thế tuế và trải qua 40 mùa kiết hạ an cư.
Với hơn 40 năm tu học và hoằng pháp, Hòa thượng đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp hoằng dương chánh pháp. Ngài đảm nhận nhiều chức vụ Giáo thọ, Yết ma trong các giới đàn để truyền trao giới pháp cho Tăng ni Phật tử tu học, các băng giảng Pháp Hoa, Duy Thức v.v… của ngài là một kho báu cho những ai tìm cầu sự giải thoát. Hòa thượng không chủ trương viết sách, nhưng với những kinh nghiệm tu học, hoằng pháp cũng như nghiên cứu của mình, ngài đã để lại những tác phẩm như:
- Danh Từ Phật Học,
- Nghệ Thuật Diễn Giảng,
- Những Đề Mục Quan Yếu Trong Kinh Điển Đại Thừa,
- Những Phẩm Mục Thiết Cận Trong Các Kinh Nikàya.
Và nhiều bài viết trong các tập san Phật giáo cùng nhiều tài liệu giảng dạy khác.
Xuất thân từ Gia đình Phật tử, nhận thấy đây là một tổ chức giáo dục thanh thiếu niên rất lợi lạc cho đạo đức và văn hóa Phật giáo cũng như Dân tộc, nên Hòa thượng luôn quan tâm và gắn bó với Gia đình Phật tử. Như một tấm gương sáng về giới hạnh và đức độ, như một bóng cây đại thọ ấp ủ, chở che, ngài đã được suy tôn là Cố vấn Giáo hạnh Trung ương Gia đình Phật tử Việt Nam trong nhiều thập niên cho đến ngày viên tịch.
Chốn Huyễn Hóa Tám Vạn Khói Sương, Ly Hợp Sắc Danh, Chiếc Ao Nâu Sồng, Cửa Không Hương Điểm Hạnh.
Cõi Mộng Trần Ba Nghìn Bóng Bọt, Tụ Tan Thân Thế, Một Đài Sen Trắng, Xứ Tịnh Nguyệt Cài Thơ.
Tuy ngôn ngữ trầm phù của thế gian không chuyển tải hết được công hạnh của ngài, nhưng là tấm gương Sư Biểu cho hàng hậu thế luôn khắc chi thâm ân của một bậc lương đống trong ngôi nhà Phật pháp.
NAM MÔ TỰ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG TỨ THẬP TAM THẾ, KHAI SƠN VĨNH MINH TỰ VIỆN, HÚY THƯỢNG TÂM HẠ THANH, TỰ GIẢI TỊNH, HIỆU CHƠN NGHIÊM, LÊ CÔNG HÒA THƯỢNG GIÁC LINH.
- Tiểu sử đăng trên website quangduc.com
- 01 bản do môn đồ pháp quyến Vĩnh Minh Tự Viện cung cấp.
- Tỳ kheo Đồng Bổn, Cư sĩ Vu Gia biên tập lại.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết