Thông tin

HÒA THƯỢNG THÍCH THÁI HÒA (1901-1969)

 

 

Hòa thượng pháp danh Thái Hòa, thế danh là Đỗ Trân Bảo, sinh năm Tân Sửu 1901, tại xã Mai Xá, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Xuất thân từ một gia đình nhà Nho nghèo, từ nhỏ ngài đã được thân phụ kèm cặp chữ Hán.

Năm 9 tuổi (1910), ngài xuất gia tại chùa làng, được sự dạy dỗ của Hòa thượng Thích Thông Dũng. Sau đó, ngài theo học tại tổ đình Tế Xuyên, Hà Nam.

Năm 17 tuổi (1917), ngài thụ Sa di giới. Ít lâu sau, ngài ra làm Phật sự ở chùa Yên Tử (An Tử Sơn).

Tháng 01 năm 1927, trên tờ Khai Hóa Nhật Báo Đông Pháp, sư ông Lai, trụ trì chùa Hang (Tiên Lữ động tự) ở Đồng Bẩm, Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ, ngài viết bài ủng hộ nhiệt liệt.

Năm 1931, ngài về trụ trì chùa Tú Uyên, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Nghe tin sư Trí Hải ở chùa Mai Xá, huyện Lý Nhân tổ chức Đoàn thanh niên Tăng lấy tên là Lục Hòa Tịnh Lữ, ngài hết lòng ủng hộ, từ đó hai người trở thành đồng chí trong sự nghiệp chấn hưng Phật giáo Bắc kỳ.

Năm 1932, ngài cùng các sư ông Trí Hải, Hải Châu (Vũ Đình Ứng, sơn môn Yên Linh, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) lên Hà Nội đi các chùa vận động thành lập Hội Phật giáo. Việc này quá mới nên không được các sơn môn Hà Nội tán thành. Nhóm ba người liền tìm tới các cư sĩ Lê Toại, Trần Văn Giác, Nguyễn Hữu Kha bàn kế hoạch chấn hưng Phật giáo mà trước mắt là thành lập Ban Phật học Tùng thư, chuyên phiên dịch và biên soạn, ấn hành kinh sách nhằm hoằng dương Phật pháp trong nhân dân, khi nào duyên thuận sẽ tiếp tục công cuộc vận động.

Năm 1934, trong một lần lên Hà Nội chuẩn bị in kinh sách, ngài giới thiệu sư Trí Hải với sư thầy Nguyễn Thị Đoan, trụ trì chùa Quán Sứ, lúc bấy giờ đang chuẩn bị bàn giao chùa cho sở Đốc Lý để làm công viên. Thấy vị trí chùa rất thuận tiện cho các cuộc hội họp bàn việc chấn hưng Phật giáo, hai vị ngỏ lời xin giữ chùa lại. Sư thầy nhất trí bàn giao chùa cho Ban Phật học Tùng thư làm trụ sở đi lại. Chùa trở thành nơi gặp gỡ của các bậc cao Tăng và trí thức Hán học cũng như Tân học cùng mục đích là chấn hưng Phật giáo Bắc kỳ.

Tháng 11 năm 1934, Hội Phật giáo Bắc kỳ được phép thành lập, ngài được giao giúp việc soạn thảo các văn bản chữ Hán cho Tổ Vĩnh Nghiêm-Thích Thanh Hanh, Trưởng Ban Chứng minh Đạo sư và là Thuyền gia Pháp chủ. Ngoài ra, ngài còn tham gia Ban Biên tập báo Đuốc Tuệ.

Năm 1940, dân làng Hương Hải, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương tình nguyện cúng chùa làng cho Hội, ngài được Hội cử về trụ trì tùng lâm Hương Hải, góp phần vào sự nghiệp đào tạo Tăng tài cho Hội. Sau đó, ngài về trụ trì chùa Lôi Động, huyện Thủy Nguyên, tỉnh Kiến An và tham gia hoạt động Việt Minh ở vùng này.

Ngày 30 tháng 8 năm 1945, tại chùa Phương Mỹ, Hội Phật giáo Cứu quốc phủ Thủy Nguyên, tỉnh Kiến An được thành lập, do ông Lương Ngọc Trụ làm Chủ tịch, Thượng tọa Thái Hòa làm Trưởng Ban Chấp hành. Đây là Phủ bộ đầu tiên thành lập Phật giáo Cứu quốc. Từ tháng 9 năm 1945 đến tháng 12 năm 1946, ngài là Chủ tịch Hội Tăng già Cứu quốc tỉnh Hải Dương và có nhiều hoạt động vận động chư Phật tử ủng hộ chính quyền, xây dựng chế độ mới.

Trong kháng chiến chống Pháp, ngài cùng các quý Thượng tọa Giám Sinh, Đại Nguyên hoạt động Phật giáo Cứu quốc vùng Hải Dương, Quảng Yên.

Hòa bình lập lại, ngài về làm Phật sự tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Ngài cùng các Hòa thượng: Thích Thanh Chân, Thích Đức Nhuận, Thích Trí Độ, các Thượng tọa Thích Tâm An, Thích Thế Long, vận động thành lập Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam.

Tháng 3 năm 1958, Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam thành lập, ngài được suy cử làm Phó Hội trưởng, kiêm Tổng Thư ký Hội. Ngài có nhiều công lao trong vận động Tăng ni Phật tử tham gia công cuộc xây dựng miền Bắc, ủng hộ cách mạng miền Nam kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ngài là Tăng sĩ nhập thế vào công cuộc đấu tranh giành độc lập cho nước nhà, cũng như tham gia kháng chiến chống Pháp. Với công lao như thế, Hòa thượng đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng ba.

Năm 1968, do bệnh duyên ngài phải nghỉ mọi Phật sự. Mặc dù được Chính phủ và Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam quan tâm, các thầy thuốc hết lòng cứu chữa, nhưng Hòa thượng đã thị tịch hồi 18 giờ ngày 27 tháng 01 năm 1969 tại bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, trụ thế 69 năm, hoằng đạo 50 năm. Tang lễ của Hòa thượng được cử hành hồi 15 giờ ngày 28 tháng 01 năm 1969 tại chùa Quán Sứ.

Hòa thượng Thái Hòa là một bậc chân tu, có công trong phong trào chấn hưng Phật giáo Bắc kỳ. Ngài còn có tài sáng tác, diễn nghĩa kinh điển thành văn vần chữ quốc ngữ, ngày nay nhiều bản diễn nghĩa của ngài vẫn lưu hành thông dụng trong các sơn môn Phật giáo miền Bắc.

Một trong những dấu ấn của Hòa thượng còn để lại, đó chính là những câu đối liễn ở các chùa, các chốn sơn môn miền Bắc bằng nét bút tài hoa của ngài lưu tích muôn thuở với thời gian.

 


- Nhà nghiên cứu Nguyễn Đại Đồng cung cấp tiểu sử.

- Tỳ kheo Đồng Bổn biên tập.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 44
    • Số lượt truy cập : 6949634