HÒA THƯỢNG THÍCH THANH HIỀN (1918-2001)
Hòa thượng Thích Thanh Hiền, pháp hiệu Minh Tâm, thế danh Phạm Thanh Huyên, sinh ngày 08 tháng 10 năm Mậu Ngọ 1918, tại thôn Lăng Tĩnh, xã Nam Chính, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ngài sinh ra và lớn lên trong một gia đình kính tin Tam bảo. Thân phụ là cụ Phạm Văn Tụy, tự Phúc Hòa, thân mẫu là cụ Trần Thị Thơm, hiệu Diệu Phúc. Ngài là con trai út trong đình có 3 anh chị em; chị gái đã xuất gia đầu Phật và viên tịch tại chùa Trà Lũ Trung, tỉnh Nam Định.
Mồ côi cha từ khi lên 4 tuổi, ngài đã thấy được nhân mệnh vô thường, cuộc đời tạm bợ, năm 16 tuổi (1934) được phép của mẫu thân, ngài xuất gia tu đạo tại tổ đình Trà Lũ Trung, xã Xuân Trung, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, cầu đạo với Sư tổ Thích Quảng Quyết, một cao tăng thời bấy giờ.
Trong quá trình tu học, ngài siêng năng tinh tiến, phụng Phật kính Sư, cần mẫn hầu thầy, học đạo. Sau hai năm chấp sự, làu thông quy củ thiền gia, ngài được đăng đàn trao truyền Sa di giới pháp năm 18 tuổi (1936).
Với ngài, những khi chấp tác việc chùa cũng như thời gian học tập kinh điển, lúc nào cũng thành tâm thiết chí, không nề lao nhọc công việc gì mà thầy giao phó, nên ngài luôn được bậc trưởng thượng thương yêu, chư pháp hữu huynh đệ quý mến, xứng danh là một Sa di “Cần Sách”.
Năm 20 tuổi (1938), ngài được Sư tổ cho đăng đàn thọ Tỳ kheo giới tại tổ đình Trà Lũ Trung, tỉnh Nam Định. Giới đàn này do Sư tổ Thích Nguyên Thái làm Hòa thượng đàn đầu, Hòa thượng Thích Thanh Nghị làm thầy Yết ma, Hòa thượng Thích Quảng Lãm làm thầy Giáo thọ. Từ đó, ngài ý thức trách nhiệm to lớn đặt lên đôi vai của người tu sĩ còn non trẻ.
Được phép của bổn sư, ngài đã tham học ở các chốn tổ đình lớn, như: chùa Quảng Bá-Hà Nội, chốn tổ Lãng Lăng, chốn tổ Cồn-Nam Định, chốn tổ Trung Hậu-Vĩnh Phúc… Ở đâu, ngài cũng chăm chỉ tiếp thu những tinh hoa của đạo pháp từ các bậc minh sư, trau dồi đạo nghiệp làm hành trang cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh sau này. Với đạo phong đĩnh đạc, thầy nghiệp sư đặt kỳ vọng rất lớn tương lai Phật pháp ở ngài.
Năm 1945 (27 tuổi), ngài đã được nghiệp sư giao cho trụ trì chùa Nguyệt Lũ, xã Tây Tiến, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Thời gian này, hoàn cảnh đất nước đang lúc loạn lạc, nhân dân đói kém vất vả lầm than, với lòng từ bi rộng lượng của người đệ tử Phật, ngài đã áp dụng một cách khéo léo đạo Phật vào thực tại tùy thời, tùy cơ mà cứu độ chúng sanh. Ngài vận động nhân dân đoàn kết đấu tranh chống giặc ngoại xâm và đẩy lùi nạn đói, đem đạo từ bi bình đẳng vô ngã vị tha để khuyến hóa nhân dân đùm bọc lẫn nhau, bớt phần cơm áo của mình để nhân dân vượt qua cơn khốn khó.
Với cương vị trụ trì chốn tổ đình lớn, sơn môn pháp phái rộng gồm các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Tây, trách nhiệm của ngài càng nặng nề chăm lo cho Phật giáo và Sơn môn. Trong hai cuộc chiến tranh cứu nước, ngài đã cùng Tăng ni Phật tử tỉnh Thái Bình chung sức đồng lòng phục vụ kháng chiến, che chở đùm bọc cho bộ đội, thương binh, vệ quốc. Lúc ấy, ngài là thành viên của Phật giáo Tăng già Cứu quốc tỉnh Thái Bình.
Năm 1960, ngài được cử làm Thư ký chi hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Thái Bình.
Năm 1965, Hòa thượng Thích Thanh Châu, người kế đăng chốn tổ do tuổi già sức yếu, nên ngài được mời về trụ trì chốn tổ Trà Lũ Trung, gánh vác công việc nặng nề của chốn tổ, từ đó duy trì và phát huy chốn tổ đình ngày thêm hưng thịnh.
Năm 1975, ngài được cử làm Phó Hội trưởng Chi hội Phật giáo Thống nhất tỉnh Thái Bình.
Năm 1977, ngài được bầu làm Hội trưởng Chi hội Phật giáo Thống nhất tỉnh Thái Bình.
Sau khi đất nước thống nhất, Phật giáo cũng từng bước hội nhập quy tụ về một mối. Năm 1980, Ban Vận động thống nhất Phật giáo thành lập, ngài là thành viên của Ban Vận động Phật giáo thống nhất miền Bắc.
Tháng 11 năm 1981, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ I tại Hà Nội, ngài được bầu vào Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, kiêm Trưởng Ban Hướng dẫn nam nữ cư sĩ Phật tử.
Năm 1982, ngài đảm nhiệm trọng trách Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Thái Bình.
Năm 1988, tại Đại hội kỳ II Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngài được bầu làm Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, giữ chức vụ Ủy viên Ban Kiểm soát.
Ngoài việc tổ chức Phật giáo, ngài luôn luôn canh cánh trong lòng bổn phận của một vị sứ giả của Như Lai “Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sinh vi sự nghiệp”. Suốt từ năm 1965 tới cuối đời, ngài luôn là bậc thầy mô phạm cho Tăng ni tỉnh Thái Bình. Ngài thường xuyên dạy Kinh-Luật-Luận cho Tăng ni huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình tại tổ đình Nguyệt Lũ, nơi ngài đang trụ trì.
Khi Trường hạ tổ đình Trà Lũ Trung, tỉnh Nam Định thành lập, Hòa thượng được Tăng ni tỉnh Nam Định thỉnh về giảng kinh, thuyết pháp tại các khóa an cư kiết hạ. Hằng năm, trên các giới đàn tỉnh Thái Bình, ngài luôn là bậc thầy giới sư, chủ đàn mẫu mực, là ngọn đèn trí tuệ soi sáng cho Tăng ni giới tử trên bước đường tiến tu đạo nghiệp.
Kính ngưỡng công đức cao dày, tuệ căn rộng lớn của ngài, mỗi khi có đàn tràng lớn, trong cũng như ngoài tỉnh, ngài đều được chư Tăng ni thỉnh về giảng kinh, thuyết pháp.
Song song với việc mở mang trí tuệ, đạo nghiệp cho Tăng ni tỉnh Thái Bình, ở chốn tổ Nguyệt Lũ, ngài đã cùng nhân dân tín đồ trùng tu kiến thiết ngôi chùa khang trang tố hảo; ở chốn tổ Trà Lũ Trung- Nam Định, ngài ra công tu sửa Tam bảo, trang hoàng tượng Phật, xây dựng tam quan, đào hồ bán nguyệt… Tổng thể cảnh quan ngôi chùa bề thế ngày nay là kết tinh công đức vô cùng to lớn của Hòa thượng.
Ngoài ra, ngài còn tu sửa, xây dựng chùa Thanh Châu, Lưu Phương, Linh Sơn, Minh Châu, Nguyệt Lâm, Tam Bảo, Phong Lai, Đồng Châu, Tây Thành, Nam Điền, Kiên Hành (Nam Định)…
Năm 1977, ngài được nhân dân tỉnh Thái Bình bầu vào Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa 8 và khóa 9 (1977-1985).
Năm 1981, tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thái Bình, ngài được bầu làm Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thái Bình. Cũng trong năm này, ngài được bầu vào Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
Trong công cuộc xây đựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ngài khéo phương tiện đưa đạo vào đời, góp phần xây dựng đất nước làm sáng đạo trong đời, theo truyền thống Phật giáo Việt Nam. Với công đức của một đời phục vụ cho đạo pháp và dân tộc, Hòa thượng đã được trao tặng:
- Bằng Tuyên dương công đức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
- Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Và nhiều bằng khen, giấy khen của Mặt trận Tổ quốc, các cấp chính quyền tỉnh Thái Bình.
Trong những năm cuối đời, mặc dù tuổi cao sức yếu, nhưng ngài đều bình thản gia hạnh tu trì. Song luật vô thường đâu có hẹn, ngài lâm bệnh nặng và an nhiên thâu thần thị tịch vào lúc 22 giờ 30 phút ngày 09.4.2001, tức ngày 16 tháng 3 năm Tân Tỵ, trụ thế 83 năm, hạ lạp 62 năm.
Với cuộc đời tu hành giản dị, đạm bạc đơn sơ, tính tình hiền từ đôn hậu, độ lượng vị tha, Hòa thượng là hiện thân của một vị cao tăng thạc đức, là cây đại thọ tỏa bóng mát cho Tăng ni Phật tử tỉnh Thái Bình nói riêng và lòng ngưỡng mộ của Tăng ni cả nước soi chung.
NAM MÔ VIỆT NAM PHẬT GIÁO, HỘI ĐỒNG CHỨNG MINH, HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ, QUANG TRUNG BẢO THÁP, MA HA SA MÔN TỲ KHEO BỒ TÁT GIỚI PHÁP HÚY THÍCH THANH HIỀN, HIỆU MINH TÂM, THIỀN HÒA GIÁC LINH, TÁC ĐẠI CHỨNG MINH.
- Tiểu sử do Thượng tọa Thích Thanh Giác, môn đồ pháp quyến chốn tổ Trà Lũ Trung soạn và cung cấp.
- Tỳ kheo Đồng Bổn biên tập.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết