HÒA THƯỢNG THÍCH THANH TỨ (1927-2011)
Hòa thượng Thích Thanh Tứ, thế danh Trần Văn Long, sinh năm 1927, tại thôn Miêu Nha, xã Song Mai, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, trong một gia đình nông dân nghèo. Ngài là con thứ ba của cụ ông Trần Văn Đáo và cụ bà Nguyễn Thị Trỏ; trên ngài còn có 2 người anh trai.
Năm lên 3 tuổi, thì cụ bà mất. Với lòng thành kính Tam bảo, hàng ngày cha con lên chùa làng để làm công quả tích phúc tạo duyên, nhờ đó mà ngài đã sớm có duyên với Phật pháp. Năm lên 6 tuổi, ngài được Ni trưởng Thích Đàm Ân, trụ trì chùa Nho Lâm, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên nhận về nuôi và cho đi học tại các trường trong vùng.
Năm lên 12 tuổi, Ni trưởng Thích Đàm Ân cho đến thụ giáo Hòa thượng Thích Thanh Hồ, trụ trì chùa Đống Long, xã Hùng An, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Với đạo hạnh và tu trì cẩn mật, ngài đã được thụ giới Sa di năm 1939 và năm 1947 ngài được thụ Đại giới Tỷ khiêu tại chùa Đống Long do tổ đình chùa Pháp Quang, thôn Thọ Ngãi, xã Tân Minh, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây cũ nay là thành phố Hà Nội tổ chức.
Sống trong cảnh thực dân phong kiến đô hộ, nhân dân lầm than đau khổ, ngài đã sớm nhận thức rằng: nước mất thì đạo cũng bị hủy hoại, nhân dân tín đồ Phật tử cũng không có cuộc sống an lạc, Phật pháp không được xiển dương. Chính vì vậy, ngài đã liễu nghĩa được mối quan hệ mật thiết không thể tách rời Đạo - Đời và đây chính là tiền đề quan trọng đối với con đường tu hành phụng sự đất nước và giác ngộ quần sinh mà ngài đã lựa chọn.
Thấm nhuần tư tưởng: "Phật pháp bất ly thế gian giác" với truyền thống yêu nước "Hộ quốc an dân" của Phật giáo Việt Nam suốt cả ngàn năm hiện diện và đồng hành với dân tộc, ngài đã sớm có lý tưởng Cách mạng, tích cực tham gia các hoạt động bí mật trong Mặt trận Việt Minh. Ngài đã hóa thân Bồ tát, lúc làm tu sĩ, lúc làm dân thường, lúc là người chiến sĩ Cách mạng với bầu nhiệt huyết ưu đời mẫn thế.
Tháng 03 năm 1945, được sự chỉ đạo của tổ chức Cách mạng, ngài đã lên kế hoạch để cùng với nhân dân địa phương tổ chức phá kho thóc của phát xít Nhật đặt tại chùa Đống Long nơi ngài đang tu hành, nhằm cứu giúp đồng bào đang lâm vào cảnh đói khổ bi thương, rồi tập hợp quần chúng nhân dân, Phật tử trong vùng đấu tranh và giành chính quyền năm 1945 tại quê hương.
Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước lại bước vào thời kỳ Toàn quốc kháng chiến, ngài tiếp tục tham gia các phong trào phụng đạo yêu nước của giới Tăng ni, Phật tử tỉnh Hưng Yên. Từ năm 1947 đến năm 1949, ngài được suy cử làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Hưng Yên, tổ chức thành viên của Hội Liên Việt (nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam).
Từ tháng 01 năm 1950 đến tháng 9 năm 1951, ngài đã trực tiếp tham gia lực lượng vũ trang bí mật tỉnh Hưng Yên, làm công tác dân vận, thúc đẩy Tăng ni, Phật tử tích cực tham gia các phong trào lao động sản xuất ủng hộ kháng chiến, bảo vệ Cách mạng. Với những hoạt động tích cực đó, thực dân Pháp đã đưa tên ngài vào danh sách những người "đặc biệt quan tâm".
Từ tháng 10 năm 1951 đến tháng 4 năm 1953, ngài đã bị thực dân Pháp bắt giam và tra tấn, giải qua nhiều trại giam, nhà tù: Bốt La Tiến, bốt Lực Điền ở thị xã Hưng Yên; nhà thờ Kẻ Sặt, nhà giam ở tỉnh Hải Dương; Nha công an, nhà tù Hỏa Lò, trại giam Thanh Liệt, tỉnh Hà Đông (nay thuộc thành phố Hà Nội).
Trong cảnh giam tù, thực dân Pháp đã sử dụng nhiều thủ đoạn tra tấn điều tra, hòng làm lu mờ ý chí Cách mạng đang lắng đọng trong ngài. Song với tinh thần đại hùng, đại lực, đại từ bi, ngài đã thể hiện rõ bản lĩnh của người trượng phu phụng sự đất nước, ngài luôn thản nhiên trước sự tra tấn cực hình của cai ngục và cuối cùng thực dân Pháp đã phải trả tự do cho ngài cùng hơn 100 chiến sĩ Cách mạng khác. Ra khỏi nhà lao, ngài lại tiếp tục tham gia hoạt động Cách mạng cho đến ngày miền Bắc được hoàn toàn giải phóng.
Từ năm 1955 đến năm 1957, ngài chăm lo Phật sự tại chùa Đống Long, chùa Nho Lâm, chùa Phó Nham, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên và trực tiếp cùng Tăng ni, Phật tử và nhân dân địa phương tham gia lao động sản xuất.
Từ năm 1958 đến năm 1967, ngài tham gia thành lập Tùng Lâm Phật giáo tỉnh Hưng Yên và được suy cử làm Chánh Thư ký. Trong thời gian này, ngài đã cùng Chư tôn đức Phật giáo tỉnh tập trung kiện toàn hệ thống tổ chức Phật giáo tại Hưng Yên và hướng dẫn lao động sản xuất, giúp đỡ Tăng ni tại các cơ sở tự viện giải quyết những khó khăn về đời sống tu tập trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh.
Năm 1968, hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương hợp nhất thành tỉnh Hải Hưng, Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam tỉnh Hải Hưng được thành lập, ngài được suy tôn làm Chánh Thư ký tỉnh hội (từ 1969-1973).
Từ năm 1974 đến năm 1980, ngài được suy cử Ủy viên Ban Trị sự, kiêm Chánh Văn phòng Trung ương Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, chính thức làm việc tại chùa Quán Sứ, trụ sở Trung ương Hội. Với trọng trách của mình, ngài đã cùng chư tôn giáo phẩm thành viên Ban Trị sự Trung ương, xây dựng nhiều chương trình hoạt động Phật sự ích đạo lợi đời, củng cố hệ thống tổ chức từ trung ương đến địa phương, tạo nền tảng và tiền đề cho việc phát triển tổ chức Giáo hội Phật giáo toàn quốc khi đất nước hoàn thành sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.
Năm 1975, Nam Bắc chung một nhà, non sông liền một dải, Trung ương Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam đã chủ động thành lập các phái đoàn vào thăm các tổ chức hệ phái Phật giáo miền Trung và miền Nam để tạo mối liên hệ pháp lữ và chia sẻ tâm nguyện của Tăng ni Phật tử giữa các vùng miền sau nhiều năm đất nước chia cắt.
Trong các chuyến viếng thăm đó, ngài được cử làm Thư ký đoàn để tham vấn Chư tôn đức trong việc xây dựng nội dung và chương trình làm việc tiếp xúc với chư tôn đức lãnh đạo các tổ chức hệ phái Phật giáo ở miền Trung và miền Nam.
Cuối năm 1979 đầu năm 1980, đoàn Phật giáo miền Bắc do Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận - Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thế Long - Phó Hội trưởng kiêm Tổng Thư ký và ngài lúc đó là Chánh Văn phòng đã vào Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Huế, gặp gỡ chư tôn giáo phẩm lãnh đạo các tổ chức, hệ phái Phật giáo ở miền Trung và miền Nam, làm công tác vận động tổ chức hội nghị hiệp thương xúc tiến thành lập Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam.
Sau một thời gian chuẩn bị, Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam được thành lập và ngài được cử làm Phó Thư ký Ban vận động. Với trọng trách của mình, ngài đã đi thăm nhiều cơ sở tự viện, gặp gỡ nhiều chư tôn Giáo phẩm thuộc các tổ chức, hệ phái Phật giáo, trên cơ sở đó ngài đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, giúp chư tôn giáo phẩm của các tổ chức, hệ phái Phật giáo đồng thuận, hòa hợp để sớm đi đến sự hợp nhất tổ chức thành lập Giáo hội toàn quốc.
Với sự gia trì của Tam bảo, sự nhất tâm của Tăng ni, Phật tử, Hội nghị Thống nhất Phật giáo Việt Nam đã được long trọng tổ chức từ ngày 04 đến ngày 07/11/1981 tại chùa Quán Sứ - Hà Nội, Trụ sở Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam. Sau 04 ngày làm việc trong tinh thần đoàn kết, hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm tổ chức, Hội nghị đã quyết nghị thống nhất các tổ chức hệ phái Phật giáo Việt Nam, với danh xưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thông qua Hiến chương, chương trình hoạt động Phật sự và nhân sự Ban lãnh đạo trung ương: Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự. Và ngài được suy cử làm Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng I Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho đến tháng 11 năm 1997.
Tháng 11 năm 1997, Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV (1997-2002) thành công, ngài được suy cử làm Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự. Năm 2001, ngài được suy cử làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội. Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ V (2002-2007) và lần thứ VI (2007-2012), ngài được suy tôn là thành viên Hội đồng Chứng minh và suy cử làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Học Viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.
Trải qua các chức vụ từ Chánh Văn phòng, Phó Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngài đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với Đạo pháp, đặc biệt là sự phục hồi các hoạt động Phật sự của Phật giáo miền Bắc sau ngày đất nước được thống nhất. Nhiều di tích lịch sử văn hóa của Phật giáo được tôn tạo và mở hội truyền thống, giữ gìn bản sắc dân tộc, Phật pháp được xiển dương và hạn chế hủ tục không phù hợp với chính pháp.
Trong quá trình kiện toàn tổ chức nhân sự Giáo hội địa phương, một số Tỉnh/ Thành hội Phật giáo lúc mới thành lập gặp nhiều khó khăn, ngài đã trực tiếp đảm trách ngôi Chứng minh đạo sư hoặc làm Trưởng Ban Trị sự để cho Tăng ni, Phật tử địa phương nương tựa, như Tỉnh hội Phật giáo Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Nam.
Bên cạnh đó, ngài còn trao truyền giới châu tuệ mệnh cho hàng ngàn Tăng ni mới xuất gia và hàng vạn Phật tử tại gia thông qua các đại giới đàn do Ban Trị sự và các Tổ đình tổ chức.
Sự nghiệp giáo dục đào tạo Tăng ni có đủ tài đức là một trong những Phật sự được ngài quan tâm đặc biệt. 30 năm xây dựng và trưởng thành của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội luôn gắn liền với tên tuổi và công lao to lớn của ngài. Ngài đã đảm trách các Phật sự từ Chánh Văn phòng đến Phó Viện trưởng và Viện trưởng, ngài đã dành nhiều tâm lực và trí tuệ với một mong muốn Phật giáo miền Bắc phải có một tuyển Phật trường xứng tầm với lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Sau hơn 20 năm, với bao vất vả, ngài đã tìm được nơi đắc địa tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội để đặt đá xây dựng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội và đến năm 2006 đã làm lễ khánh thành giai đoạn I, với một cơ ngơi to đẹp, trang nghiêm, đủ điều kiện nội trú để Tăng ni sinh yên tâm tu học.
Năm tháng cứ trôi đi, tuổi ngài một cao hơn, sức khỏe lại yếu thêm, nhưng ngài vẫn thường xuyên về Học viện thăm hỏi động viên cán bộ, giảng sư, Tăng ni sinh, rồi ngài trực tiếp giảng dạy cho Tăng ni sinh những bài học đầu tiên, hàng tháng ngài chủ trì và chỉ đạo các phiên họp của Hội đồng điều hành Học viện.
30 năm xây dựng và trưởng thành của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngài đã có nhiều đóng góp to lớn cho những thành tựu Phật sự chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngài trở thành cầu nối giữa đạo với đời, giữa Phật giáo miền Bắc với Phật giáo miền Trung và Phật giáo miền Nam. Là thành viên tích cực trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ngài được tín nhiệm cử tham gia Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Tôn giáo của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Với tinh thần phụng sự chúng sinh là thiết thực cúng dàng chư Phật, ngài đã thường xuyên đến thăm hỏi và tặng quà động viên các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi khuyết tật, ảnh hưởng chất độc da cam, các trung tâm nuôi dưỡng người không nơi nương tựa, những gia đình gặp hoạn nạn, khó khăn, xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà tình thương, tham gia các hoạt động xóa đói giảm nghèo. Ngài còn trực tiếp tham gia Ban Chấp hành Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam, Hội Người Cao tuổi Việt Nam để cùng đóng góp, tham mưu xây dựng chính sách xã hội ngày một hiệu quả hơn.
Đối với công tác Phật sự quốc tế, ngài đã đi thăm, làm việc và tham gia nhiều Hội nghị tôn giáo quốc tế được tổ chức ở các nước châu Mỹ, châu Âu, châu Á, và Liên Xô (trước đây). Ngài chủ trì nhiều buổi làm việc, tiếp nhiều vị chính khách quốc tế đến thăm và làm việc với Giáo hội. Những nơi ngài đến, những vị khách được ngài tiếp đều nhận được tình cảm thân thiết thắm tình. Thông qua đó, hình ảnh và đất nước con người Việt Nam, Phật giáo Việt Nam đã được bạn bè quốc tế hiểu hơn và đánh giá cao. Với những khả năng bộc lộ trong quá trình tu tập, hoằng dương chánh pháp, ngài được mời tham gia Ban Chấp hành Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị Hòa bình Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Hữu Nghị Việt Nam - Nhật Bản.
Với những đóng góp to lớn đối với đạo pháp và dân tộc, ngài luôn được Tăng ni, Phật tử, nhân dân quý mến và tin tưởng. Ngài được Trung ương Giáo hội công cử làm đại diện giới Tăng ni, Phật tử tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và được cử tri bầu trúng cử hai khóa Quốc hội khóa XI, XII, và là thành viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội. Là một đại biểu lớn tuổi nhất trong Quốc hội, song ngài vẫn luôn tích cực tham gia đầy đủ các kỳ họp, thực hiện chức năng nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng tại các kỳ họp, các phiên thảo luận của Quốc hội, tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp được Quốc hội và cử tri đánh giá cao, với tấm lòng kính trọng một vị cao Tăng luôn vì dân vì nước. Đúng như Anh hùng Lao động, Giáo sư Vũ Khiêu đã tặng ngài đôi câu đối: “Chính Đại Quang Minh Tâm Hướng Phật – Từ Bi Hỷ Xả Chí Ưu Dân”.
Dù ở vị trí cương vị nào, ngài luôn nhận được tình cảm kính trọng đặc biệt của Tăng ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như cộng đồng xã hội. Nhà nước đã trao tặng ngài nhiều phần thưởng cao quý:
- Huân chương Kháng chiến hạng nhất, hạng nhì;
- Huân chương Độc lập hạng hai;
- Huân chương Đại đoàn kết toàn dân tộc;
- Kỷ niệm chương Chiến sỹ Cách mạng bị địch bắt và tù đày tại Hòa Lò.
Các bộ ngành và các đoàn thể xã hội trao tặng ngài nhiều kỷ niệm chương, bằng khen. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tặng nhiều Bằng Tuyên dương công đức. Và đặc biệt, ngày 12 tháng 10 năm 2011, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định trao tặng Trưởng lão Hòa thượng Huân chương Hồ Chí Minh, phần thưởng cao quý của Nhà nước, vì đã có công lao to lớn, có nhiều thành tích xuất sắc, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Từ tháng 6 năm 2010, giữa mùa an cư kết hạ Phật lịch 2554, sức khỏe của ngài có phần suy giảm, các đệ tử xuất gia và tại gia của Hòa thượng đã mời nhiều giáo sư, bác sĩ trong nước và quốc tế đến thăm khám, điều trị và có sự chuyển biến tích cực.
Trong thời gian này, ngài đã dành nhiều thời gian cho việc chỉ đạo một số công tác Phật sự quan trọng, đặc biệt trong việc kiện toàn nhân sự, chuẩn bị mọi mặt cần thiết cho việc thành lập tổ chức giáo hội tại một số địa phương. Bên cạnh đó, ngài vẫn thường xuyên lên thăm và động viên Tăng ni sinh Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, thăm và động viên chư Tăng ni tham gia an cư kết hạ tại các trường hạ tập trung của các Tỉnh, Thành hội Phật giáo khu vực phía Bắc và tham gia Hội đồng giới sư trao truyền giới châu tuệ mệnh cho Tăng ni hậu học tại các giới đàn.
Và theo quy luật vô thường vốn có, Hòa thượng đã an nhiên thu thần thị tịch vào hồi 08 giờ 15’ ngày 26 tháng 11 năm 2011 (nhằm ngày 02 tháng 11 năm Tân Mão), trụ thế 85 tuổi, giới lạp 54 năm.
Ngài viên tịch đã để lại cho môn đồ tứ chúng, các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam niềm tiếc thương vô hạn. Hòa thượng mãi mãi là tấm gương sáng về tình thần phụng sự đạo pháp và dân tộc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
NAM MÔ VIỆT NAM PHẬT GIÁO GIÁO HỘI HỘI ĐỒNG CHỨNG MINH
HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THƯỢNG THANH HẠ TỨ GIÁC LINH.
- Tiểu sử đăng trên trang nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
- Tỳ kheo Thích Đồng Bổn biên tập lại.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết