Thông tin

HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN ĐẠO (1910–1974)

 

 

Hòa thượng húy Bùi Văn Trung, tự Huyện, pháp danh Thiện Đạo, pháp tự Hồng Trung, pháp hiệu Hoàng Tín. Ngài sanh năm Tân Hợi (1910), tại xã Bình Hòa, quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên. Thân phụ ngài là ông cụ Bùi Kim Thơ, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Tạng. Thuở thiếu thời, ngài được song thân cho theo học Nho học với cụ đồ Nguyễn Kim Trân tại xã Bình Yên, quận Thốt Nốt, Long Xuyên.

23 tuổi, theo nhu cầu của địa phương, ngài ra nhận chức Hương Văn. Trong thời gian ấy, ngài bắt đầu sưu tầm, nghiên cứu giáo lý Phật đà. Cơ duyên này đã làm cho ngài sanh ra ý định lìa tục xuất trần.

Năm 30 tuổi, ngài từ bỏ tình cốt nhục phụ mẫu xin xuất gia theo học với Hòa thượng trụ trì chùa Vĩnh Khánh, xã Vĩnh Trinh, Thốt Nốt, An Giang. Do đức hạnh khả kính của ngài có được từ thuở thiếu thời, nên được Hòa thượng bổn sư phú pháp truyền y kế ngôi trưởng tử.

Năm 1942, chùa Long Phước, xã Long Điền, tỉnh Bạc Liêu mở giới đàn, ngài được đăng đàn thọ Cụ túc giới. Trong giới đàn này, Hòa thượng Nhật Minh làm Giáo thọ A Xa Lê, lúc ấy ngài được 32 tuổi.

Sang năm 1944, ngài được bổn đạo tín đồ cung thỉnh về trụ trì chùa Phước Thạnh, thị trấn Gạch, Long Xuyên.

Bản nguyện của ngài là nơi nào chúng sanh cần thì ngài đến. Do đó năm 1945, ngài đến giảng đạo giáo hóa tại chùa Quang Đế, Cù Lao Ông Hổ, Long Xuyên.

Năm 1946, ngài trở về chùa Phước Thạnh, đồng thời kết tình đạo nghĩa với Hòa thượng Thích Định Quang (Giám đốc Phật học viện Huệ Quang-chùa Huỳnh Kim-Gò Vấp) - nguyên thời đó trụ trì chùa Từ Quang, Linh Thứu, hai ngôi tổ đình lớn nhất An Giang và đồng phát nguyện đem thân này phụng sự chánh pháp.

Đường đi hành đạo giáo hóa hoằng truyền trải qua mấy năm, ngài về lại tổ đình tham học thêm thiền định với bổn sư. Sau những ngày đêm tu duy thiền định, Hòa thượng có viết một bài văn vần thật đầy ý nghĩa:

Tiết Đông khí trời trong gió mát

Sông Tiền Giang rào rạt mây thu

Kiếp con người sánh tợ phù du

Nền triết lý không tìm khó biết

Mấy đám trúc lá xanh biếc biếc

Mấy cành mai hoa tiếc tiếc cười

Sĩ, nông, công, cổ những nguời

Thảy đều trầm hứng một trời hạ ngươn

Thầm tưởng lại phận mình hạnh phúc

Kể sơ qua những lúc công phu

Hỡi ai là kẻ chưa tu

Cũng nên mau kiếp mây mù vạch ra

Ra cho khỏi lưới trời vân vướng

Ra cho ngoài cái tướng hữu vi

Thích Ca Phật Tổ tiên tri

Thương ta để lại thuốc gì quá ngon

Mới vừa nếm mùi cay lờ lợ

Lâu ít ngày ờ ợ thấm ngon

Thấm ra má phấn môi son

Nở xương cứng thịt mạnh luôn tinh thần

Cả thân thể không từng đau nhức

Điển linh quang thái cực sáng lòa

Bấy lâu lầm tuởng cái ta

Bây giờ mới biết Thích Ca là Thầy

Long Hoa hội là ngày gặp mặt

Chốn Mâu - An tạm biệt giã từ

Nhất tâm đảnh lễ tôn sư

Chúc cầu an lạc Đại từ Đại bi.

(Mạnh Đông 1947)

Rồi một lần nữa, ngài từ giã thầy tổ ra đi vân du đây đó. Năm 1950 ở Mỹ Tho, năm 1953 ở Lấp Vò, năm 1956 ở Phú Quốc, nơi nào ngài cũng đến, chỗ nào ngài cũng đi kể cả trường Hương, trường Kỳ, Giới đàn...

Cuối năm 1963, sau kỳ Pháp nạn, theo lời thỉnh cầu của Thượng tọa Thích Định Quang, ngài về trú tại chùa Huỳnh Kim- Thông Tây Hội, Gia Định. Tại đây, ngài cùng với Thượng tọa Định Quang gia công Phật sự, bằng cách mở phòng Đông y Nam duợc miễn phí, chẩn trị giúp đồng bào địa phương thoát bao bệnh tật hiểm nghèo.

Nhìn thấy Phật pháp suy đồi, Tăng ni thiếu học, nên năm 1965, ngài phối hợp cùng các Hòa thượng: Thích Nhật Minh, Thích Từ Thông, Thích Hoàn Quan, Thích Định Quang, Thích Thiện Lạc, Thích Huệ Quang, Thích Thiện Thông cùng lập Phật học viện Huệ Quang và ngài giữ chức vụ Giám luật.

Năm 1970, Hòa thượng lại được cung thỉnh về trụ trì chùa Sắc tứ Tam Bảo - Rạch Giá. Tuy tuổi cao sức yếu nhưng ngài vẫn không từ nan.

Công hạnh Bồ tát của Hòa thượng không làm sao kể xiết, mọi cử chỉ hành động đều nói lên ý nghĩa của tâm lượng từ bi, không từ gian lao chẳng nệ khó nhọc, luôn vì sự nghiệp hoằng dương chánh pháp, vì lợi ích cho Tăng đoàn, cho hàng hậu học và cho tha nhân.

Sự nghiệp văn tài của Hòa thượng để lại rất nhiều chưa được thâu nạp, đây những phần đại khái như:

Về Phật học:

- Tập văn tế cúng thập loại cô hồn (Văn Nôm).

- Vài mươi bài giảng khuyên người đời học Phật, tu nhơn.

- Một số bài thơ Đường luật và song thất lục bát.

- Các câu liễn đối để những chùa nơi ngài trụ trì.

- Hội Liên Trì khuyến người niệm Phật vãng sanh.

Về Y Dược:

- Sách cứu khổ bịnh nhơn (vận văn)

- Phòng thuốc Nam từ thiện.

Thời gian vô thường lại đến, Hòa thượng từ bỏ cảnh trần, lìa thân tứ đại. Ngài đã an nhiên thị tịch vào lúc 2 giờ sáng ngày 08 tháng 02 năm Giáp Dần (nhằm ngày 11.3.1974), thọ 64 tuổi đời, 25 tuổi đạo.

 


- Tiểu sử do môn đồ pháp quyền ghi lại.

- Đăng trên trang nhà Phật giáo Việt Nam.

- Tỳ kheo Đồng Bổn sưu tầm và biên tập lại.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 137
    • Số lượt truy cập : 6949757