Thông tin

HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN HOA

VỚI SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TĂNG TÀI

 

THÍCH ĐẠT MA QUANG TUỆ

 

 

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam từ cổ chí kim thời nào cũng có các bậc cao tăng thiền đức xuất hiện để hoằng pháp độ sanh. Nổi bật tiêu biểu nhất là vào các triều đại Đinh - Lê - Lý - Trần. Đã có các vị Thiền sư uyên thâm Phật pháp, tinh thông thế học, đem tài đức của mình mà cố vấn cho các vua trị dân giữ nước. Đến thời cận đại, các bậc tôn túc tiếp nối ra đời phục hưng Phật giáo Việt Nam, sau thời gian dài bị nhiều nhân duyên làm cho suy yếu. Những tấm gương sáng chói của phong trào phục hưng đó có thể kể đến như HT. Khánh Hòa, HT. Huệ Quang, HT. Khánh Anh, HT. Thiện Hoa... Với tâm nguyện hoằng pháp độ sanh, quý Ngài đã tham gia giảng dạy các lớp Phật học, đào tạo tăng tài, xây dựng tổ chức Giáo hội góp phần phục hưng làm cho Phật giáo Việt Nam phát triển như ngày nay.

Thân thế

Hòa thượng pháp danh Thiện Hoa, hiệu Hoàn Tuyên, thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 41. Sanh ngày 07 tháng 8 năm Mậu Ngọ (1918), tại làng Tân Quy, quận Cầu Kè, tỉnh Vĩnh Bình (nay là tỉnh Vĩnh Long). Tục danh là Trần Thiện Hoa. Đây là tên do tổ Chí Thiền ở chùa Phi Lai đặt từ ngày mới quy y, còn tục danh khai sinh thuở ấu thơ là Trần Văn Nở. Thân phụ - cụ ông Trần Văn Thế, pháp danh Thiện Huệ, làm Hương Cả làng Tân Quy. Thân mẫu - cụ bà Nguyễn Thị Sáu, pháp danh Diệu Tịnh. Hòa Thượng - con út (thứ chín) trong gia đình tám anh chị em. Toàn thể gia đình của Hòa Thượng đều quy y với tổ Chí Thiền. Dòng họ gia đình Hòa thượng vốn có truyền thống tu học, ngoài Hòa thượng ra còn có cậu, anh chị, cháu xuất gia như “người chị thứ bảy đã xuất gia lúc 17 tuổi chính là Sư bà Thích Nữ Diệu Kim, trụ trì chùa Bảo An tại tỉnh thành Cần Thơ. Người anh thứ tám, đồng thời xuất gia với tổ Khánh Anh được tổ đặt cho pháp danh là Tịnh Tâm (có chỗ gọi là Thiện Tâm), pháp hiệu là Hoàn Tâm cùng họ Hoàn với HT. Thiện Hoa, trụ trì chùa Phật Quang tại rạch Bang Chang, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ. Tiếp theo người anh thứ năm cũng xả tục xuất gia với pháp danh là Thiện Minh, trụ trì chùa Linh Quang tại Rạch Sung, Trà Ôn. Sau này lại cũng có những người cháu kêu Hòa thượng bằng chú như Tịnh Nghiêm, Tịnh Thuận và kêu bằng cậu như Bửu Châu, Hoàn Phú cũng lần lượt xuất gia1. Chính nền tảng tu Phật của gia đình mà Hòa thượng có duyên với Tam Bảo khá sớm.

Thời kỳ tu học

Sau khi thân phụ qua đời, Ngài được mẹ dẫn đến chùa Phước Hậu làm lễ cầu siêu và do chủng duyên sâu dày, Ngài đã xin mẹ cho phép vào chùa tu học và được mẹ chấp thuận. “Ngài phát nguyện xuất gia theo HT. Khánh Anh từ năm lên chín tuổi tại chùa Long An, quận Trà Ôn và được tổ đặt cho pháp hiệu là Hoàn Tuyên2. Sau khi cầu pháp với HT. Khánh Anh, được Hòa thượng dẫn theo cho tham học với các lớp Gia giáo - những nơi mà Hòa thượng được mời giảng dạy. Khởi đầu từ lớp Gia giáo chùa Đông Phước. Đến năm 1931, tổ Khánh Anh ở chùa Long An - Trà Ôn và khai giảng lớp Gia giáo. Tại đây, Ngài được nhập chúng tu học. Lúc này, Ngài mới 14 tuổi, thời gian học là 3 năm. “Năm 17 tuổi (1935), Hòa thượng bước chân vào Phật học đường Lưỡng Xuyên ở Trà Vinh. Một nơi đào tạo tăng tài nổi tiếng ở miền Nam và ngay năm ấy thọ giới Sa di tại đây3. Sau khi mãn khóa lớp Sơ đẳng 03 năm, với ý chí hiếu học và tâm cầu tiến, đến năm 1938, Hòa thượng (lúc này 20 tuổi) cùng một số tăng sinh khác như: thầy Thiện Hòa, Hiển Thụy, Hiển Không, Bửu Ngọc, Giác Tâm,... được Ban Giám đốc Phật học đường Lưỡng Xuyên chấp thuận giới thiệu ra Huế tiếp tục chương trình học Phật. “Khi ra Huế, Ngài được học tại Phật học đường Tây Thiên 2 năm. Sau đó Ngài vào chùa Long Khánh - Quy Nhơn học Phật pháp với tổ Phước Huệ chùa Thập Tháp Di Đà. Hết một năm, Ngài lại trở ra Huế dự học tại Phật học đường Báo Quốc trọn 4 năm4. Với tấm lòng chân thành học đạo, với ý chí xuất trần vững mạnh nên sự nghiệp đạo học của Ngài ở đây đã hoàn tất tốt đẹp. Sau đó, Phật học đường Báo Quốc được dời qua Tòng lâm Kim Sơn (Huế). Năm 1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, Phật học viện Kim Sơn không duy trì được, nên phần lớn giáo sư và học tăng được đưa vào Nam. Lúc bấy giờ, Hội An Nam Phật học ủy thác cho Hòa thượng dẫn một số học tăng trở vào Nam (lúc này HT. Thiện Hoa mới 27 tuổi). Năm 29 tuổi, Hòa thượng thọ giới tỳ kheo và Bồ tát giới tại Đại giới đàn Kim Huê tỉnh Sa Đéc.

Hoạt động giáo dục

Ngay khi trở về Nam, HT. Thiện Hoa đã cùng với HT. Trí Tịnh tổ chức khai giảng Phật học đường Phật Quang tại rạch Bang Chang - Trà Ôn. Số tăng sinh theo học lên đến 30. Đến năm 1946, 1947, Phật học đường bị dao động, vì một số tăng sinh đi theo tiếng gọi tổ quốc, tham gia phong trào chống Pháp cứu nước. Lúc bấy giờ, Phật học đường Phật Quang chỉ còn lại một mình HT. Thiện Hoa gánh vác tất cả mọi Phật sự. Vì thế, Phật học đường Phật Quang đã khó khăn lại gặp khó khăn hơn. Một mình Hòa thượng vừa dạy học, vừa lo đối phó với hoàn cảnh. Ngài đã khéo xoay xở theo phong trào mà không lệch chí hướng phụng sự đạo pháp và giữ vững tinh thần học đường.

Trong giai đoạn khó khăn này, bên ngoài xã hội, Hòa thượng đã đề xướng lớp học bình dân để chống nạn mù chữ, bằng tập sách “Vần chữ O” và những chương trình giáo khoa do Ngài biên soạn. Bên trong, Hòa thượng vẫn giảng dạy giáo điển  để đào tạo tăng chúng và duy trì Phật học đường Phật Quang cho đến năm 1952, tính ra tồn tại được 8 năm. “Phật Quang học đường được thành lập từ năm 1945 và duy trì đến năm 1952 là 08 năm. Những người bắt đầu vào học Phật Quang học đường hiện nay còn lại bên Tăng: TT. Bửu Huệ, TT. Tịnh Đức, Phước Cần, Thanh Từ, Hoàn Quan, Đại đức Phước Hảo, Tịnh Viên (Vũng Tàu),… Bên Ni như: Ni cô Diệu Hữu, Giáo Lưu, Trí Định, Trí Hòa, Trí Phát, Trí Thanh, Trí Huyền, Trí Nguyện và Diệu Ngộ…”5. Sau Phật học đường Phật Quang vài năm, TT. Trí Tịnh và thầy Quảng Minh mở Phật học đường Liên Hải. Ngoài việc dạy học, TT. Trí Tịnh còn có công đức dịch nhiều bộ kinh lớn như: Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Niết Bàn, Đại Bát Nhã... Tiếp theo Liên Hải, ĐĐ. Huyền Dung mở Phật học đường Mai Sơn và Sùng Đức. TT. Trí Hữu mở Phật học đường Ứng Quang. Các Phật tử ủng hộ đắc lực trong thời này có bà Dược sư Thái Văn Hiệp, và bà Ba Thân Hòa… Với sự tận tâm phụng sự đạo pháp của quý Hòa thượng đã gầy dựng được phong trào học Phật khá phát triển ở miền Nam trong giai đoạn này.

Mùa Hạ năm 1952 Hòa thượng Thiện Hoa bị bệnh nặng ở tay và phải đi bệnh viện ở Phong Dinh (nay là Cần Thơ) giải phẫu, trước khi giải phẫu Hòa thượng nói: “Phen này nếu có chết đi, tôi còn ân hận vì hoài bão truyền bá Phật pháp chưa xong6. Giữa năm này, HT. Thiện Hòa, Giám đốc Phật học đường Nam Việt; TT. Nhật Liên, Tổng thư ký Giáo hội Tăng già Nam Việt; TT. Quảng Minh, Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt, lần lượt đến thăm và mời Ngài về Sài Gòn hợp tác chung lo Phật sự và Hòa thượng đã hoan hỷ nhận lời.

Ngày mùng 08 tháng Giêng âm lịch năm 1953 vào đầu Xuân, Hòa thượng cùng hàng đệ tử mang hành lý lên Sài Gòn đến Phật học đường Nam Việt Ấn Quang (trong số đó có thầy Thích Thanh Từ). Sau cuộc họp của Giáo hội Tăng già Nam Việt, quý Hòa thượng đã đồng tình đề cử HT. Thiện Hoa cùng lúc giữ ba nhiệm vụ quan trọng: “Đốc giáo (Hiệu trưởng) Phật học đường Nam Việt, Trưởng ban giáo dục và Trưởng ban Hoằng pháp Giáo hội Tăng già Nam Việt7. Với trách nhiệm Đốc giáo Phật học đường Nam Việt, Hòa thượng đã tận tâm giảng dạy cho hai cấp nơi trường này: một lớp Cao đẳng và một lớp Trung đẳng. Đồng thời, Hòa thượng cũng dạy lớp Trung đẳng Ni chúng tại chùa Từ Nghiêm, sau dời về Phật học Ni trường Dược Sư. Kết quả sự giáo dục như sau: “Tại Phật học đường Nam Việt chùa Ấn Quang, lớp Cao đẳng và lớp Trung đẳng gồm những tăng sinh sau đây tuần tự ra trường: Đợt thứ nhất lớp đầu tiên gồm có: Thầy Bửu Huệ, Thiền Tâm, Tắc Phước, Tịnh Đức và Đạt Bửu. Đợt thứ hai tiếp nối ra trường gồm có: Thầy Thiền Định, Huyền Vi, Thanh Từ, Từ Thông, Chánh Tiến, Quảng Long, Hoàn Quan... Đợt thứ ba ra trường gồm có: Thầy Thắng Hoan, Đức Niệm, Liễu Minh, Như Huệ, Chơn Phát, Trí Quảng, Đồng Quy, Long Nguyệt... Đợt thứ tư ra trường gồm có: Thầy Nhựt Quang, Huệ Thới, Minh Thành...8. Ngoài ra, Hòa thượng đã cùng với HT. Thiện Hòa thành lập Phật học Ni viện Dược Sư. Tại Ni trường Dược Sư, các Ni chúng ra trường gồm có: Sư cô Như Huyền, Hải Triều Âm, Diệu Hoa, Minh Ngọc, Giác Nhẫn, Trí Hòa, Trí Định, Tịnh Thường... Số lượng Tăng ni sinh tốt nghiệp từ hai trường nói trên đều là những vị xuất sắc sau này phụ lực với Hòa thượng tiếp nối đảm đang các Phật sự của Giáo hội cũng như công tác hoằng pháp và giáo dục.

Đến năm 1956, Hòa thượng lãnh nhiệm vụ Ủy viên Hoằng pháp Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Thời gian này, Hòa thượng xuất bản tạp chí Phật giáo Việt Nam do HT. Thích Nhất Hạnh làm chủ bút và tổ chức phát thanh hàng tuần để phổ biến giáo lý trên đài phát thanh Sài Gòn. Năm 1957, Hòa thượng đã đứng ra mở khóa Như Lai sứ giả, mỗi khóa thời gian huấn luyện 03 tháng trong mùa Hạ và mùa Đông, để bồi dưỡng nhân lực trụ trì đi các nơi. Trung tâm đào tạo cho chư tăng đặt tại chùa Pháp Hội và chư ni đặt tại chùa Dược Sư. Kết quả: “Bên Tăng đã đào tạo được 52 vị gồm có: Thầy Trường Lạc, Bửu Lai, Trí Châu, Nhật Long, Hồng Tịnh, Hoằng Thông, Huyền Quý, Hiển Pháp, Thiện An, Huệ Thành, Từ Thông... Bên Ni đã đào tạo được 30 vị gồm có: Ni sư Vĩnh Bửu, Như Hoa, Phật Bửu, Giác Thiên, Như Huy, Như Chí... ”9. Những vị tốt nghiệp các khóa huấn luyện này được bổ về các chùa khắp lục tỉnh để tập sự hoằng pháp. Phong trào này làm dấy lên phong trào tu học của các tín đồ Phật tử và cũng là mơ ước của mọi Tăng ni muốn trở thành sứ giả Như Lai. Năm 1959, HT. Thiện Hoa nhận chức Trưởng ban giáo thọ Giáo hội Tăng già toàn quốc Việt Nam, Ủy viên giáo dục Tổng hội Phật giáo Việt Nam.

Trên lĩnh vực hoằng pháp, Hòa thượng đã tạo sinh khí và phát triển phong trào học Phật khắp nơi ở miền Nam. Từ những khóa giảng hàng tuần tại các tự viện lớn trong thủ đô, đến những khóa giảng 10 ngày tại các chùa Tỉnh hội Phật học. Chương trình và tài liệu học tập do Hòa thượng chủ xướng và soạn thảo kỹ càng lấy tên “Cây thang giáo lý” hay “Phật học phổ thông”. Những tập sách này từ trước đến nay vẫn còn lưu hành phổ biến rộng rãi trong giới Tăng ni và Phật tử. Ngài còn lập nên nhà xuất bản Phật giáo lấy tên là “Hương Đạo” và chủ trương lập “Phật học Tùng Thư” để phổ biến kinh sách. Nhờ vậy mà tinh thần học Phật ở miền Nam giai đoạn từ năm 1955 đến 1962 phát triển mạnh mẽ, khắp các Tỉnh hội và Hội Phật học đều cung thỉnh chư tăng sứ giả Như Lai về mở các lớp Phật học phổ thông tại trụ sở khắp các tỉnh thành.

Đến năm 1968, Hòa thượng Thiện Hoa được toàn thể đại biểu bỏ thăm lưu nhiệm chức Viện trưởng Viện Hóa đạo. Qua nhiệm kỳ thứ nhất các môn đồ thấy Ngài nhiều bệnh duyên đều sốt ruột, đồng yêu cầu Ngài từ chức trở về chùa Phước Hậu tịnh dưỡng. Hòa thượng dạy: “Tôi đặt đời tôi chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất chuyên học Phật pháp, giai đoạn thứ hai nỗ lực truyền bá, giai đoạn thứ ba tịnh dưỡng chuyên tu. Nhưng đạo pháp đang trong kỳ sóng gió mọi người đang trông cậy tôi, tôi đâu nỡ về ngồi yên tịnh dưỡng10. Chính Ngài cũng từng dạy Tăng ni: “Đạo pháp chỗ nào cần thì mình đến, chỗ nào mời thì mình đi, không nệ gian lao chẳng màng khó nhọc11. Ngài còn có những lời giáo huấn cho môn đồ pháp quyến vô cùng quý giá như: “Một con trâu cũng tốn một thằng chăn, cả bầy trâu cũng chỉ một thằng chăn. Tại sao khuôn mình trong chỗ hẹp mà quên việc lớn?12. Các lời dạy ấy xuất phát từ tâm lợi tha rộng lớn với lòng thương đạo vô bờ bến của Hòa thượng đối với nhân sinh.

Giai đoạn viên tịch

Với tấm lòng dành trọn cuộc đời mình phụng sự đạo pháp, sau thời gian dài miệt mài làm việc, đến ngày 17 tháng 11 năm Canh Tý (1973), Hòa thượng lâm trọng bệnh phải đưa vào bệnh viện điều trị phẫu thuật. Hòa thượng thường nói với các đệ tử thăm viếng: “Nếu kỳ đau này tôi phải chết, tôi rất hài lòng, vì đối với sự hoằng hóa tôi đã làm tròn nhiệm vụ. Đối với đạo pháp tôi đã gánh vác được một giai đoạn khó khăn13. Sau khi phẫu thuật, bệnh tình Ngài có chút thuyên giảm, mọi người cảm thấy nhẹ lòng. Tuy nhiên, ngày 17/ 12 âm lịch bệnh của Ngài tái phát trở lại. Đến 06 giờ 05 phút ngày 20 tháng Chạp âm lịch, nhằm ngày 23/01/1973, HT. Thích Thiện Hoa thu thần thị tịch, trụ thế 55 năm, hạ lạp 26 năm. Sự ra đi của Hòa thượng đối với Ngài đã tròn nghĩa vụ, nhưng để lại cho hàng Giáo phẩm trong Giáo hội bao nhiêu niềm mến tiếc.

Trong bài Điếu văn của Hội đồng Viện Tăng thống và Viện Hóa đạo đọc trong tang lễ HT. Thiện Hoa có viết: “Hòa thượng là một nhà giáo dục lỗi lạc, đã đào tạo hết lớp này đến lớp khác không biết bao nhiêu tăng tài cho miền Nam này. Trong địa hạt sáng tác và phiên dịch kinh điển, Hòa thượng đã đóng góp một phần lớn cho công cuộc xây dựng Tam tạng kinh điển Việt Nam. Hòa thượng là người đầu tiên trong giới tăng già đã có sáng kiến thành lập và điều hành một nhà xuất bản kinh sách nổi tiếng mà không một độc giả Phật tử thường niên nghiên cứu kinh điển nào lại không biết đến14. Trong lĩnh vực lèo lái con thuyền đạo pháp Việt Nam, Hòa thượng là người trong thời gian ngắn gần 3 năm mà giữ nhiều chức vụ quan trọng nhất như: Trưởng ban Hoằng pháp Hội Phật học Nam Việt, Giáo hội Tăng già Nam Việt, Trưởng ban giáo thọ Tăng già toàn quốc, Ủy viên Giáo dục Tổng hội PGVN, Phó Chủ tịch Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo. Sau khi GHPGVNTN được thành lập (1964), Hòa thượng là Phó đệ nhất, Viện trưởng Viện Hóa đạo và từ năm 1967 - năm Giáo hội bắt đầu gặp nhiều tai biến nhất cho đến năm 1973. Liên tiếp trong mấy nhiệm kỳ, Hòa thượng được cử giữ chức Viện trưởng và đã tận tụy làm tròn trách vụ lớn lao của mình, trong niềm tin yêu quý trọng của mọi người, mọi giới, trong cũng như ngoài Giáo hội.

Kết luận

Như vậy, trải qua quá trình tu học và hành đạo của người, HT. Thích Thiện Hoa có những đóng góp tích cực cho PGVN. Với đạo pháp, Ngài đã đào tạo trưởng thành rất nhiều bậc tăng tài đức độ mà hiện nay là các bậc tôn túc đã và đang lãnh đạo Giáo hội với những vị trí quan trọng. Ngài còn để lại một kho tàng giáo lý vô giá cho hàng Tăng ni, Phật tử làm hành trang đi trên con đường tu học. Với dân tộc, Ngài đã góp phần xây dựng nền hoà bình lâu dài hạnh phúc cho toàn dân tộc nói chung, cho tất cả người dân Sài Gòn nói riêng. Ngài là cây đại thụ đức độ với bao công hạnh đã thầm lặng cống hiến đến cả trọn cuộc đời, rồi lặng lẽ ra đi về cõi Phật khi hòa bình sắp đến với dân tộc Việt Nam. Hòa thượng còn có những di ngôn giáo huấn làm phương châm lãnh đạo: “Gánh vác Phật sự là việc tốt, nhưng khi lãnh nhiệm vụ lớn, phải tự xem mình như đứa con nít. Dù bị người chê khen khinh trọng vẫn không nao núng. Đừng nhớ mình có chùa to, có đệ tử nhiều, gặp việc trái ý là xách gói về chùa. Tâm niệm được như thế, mới nên đảm đang đại sự15. Điều đặc biệt, con người của Hòa thượng tràn đầy tấm lòng bao dung, hòa ái, khiêm cung trong mọi lĩnh vực hoạt động, nhưng rất cương nghị trong đường lối lãnh đạo và sáng suốt chỉ đạo theo đúng mục tiêu mà Hòa thượng đã vạch ra, dù khó khăn đến mấy cũng quyết thực hiện cho được. HT. Thiện Hoa là tấm gương tỏa rạng cho hàng hậu tấn noi theo.

 


1. Nhiều tác giả (2016), Thầy tôi, Nxb Trung Đạo (Hoa Kỳ), tr.16-17.

2. Thầy tôi, sđd, tr.16.

3. Tiểu sử cố Hòa thượng Thích Thiện Hoa, Viện trưởng Viện Hóa đạo G.H.P.G.V.N.T.N, lưu hành nội bộ, tr.2.

4. Thầy tôi, sđd, tr.18.

5. Thích Thiện Hoa (1973), 50 năm chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Viện Hóa đạo, tr.68.

6. Bát Nh. (1973), Tiểu sử Cố Hòa thượng Thích Thiện Hoa Viện trưởng Viện Hóa đạo, Tạp chí Bát Nhã, số 07, tr.12-13.

7. Sđd tr.13.

8. Nhiều tác giả (2016), Thầy tôi, Nxb Trung Đạo (Hoa Kỳ), tr.20-21.

9. Sđd tr.21.

10. Tiểu sử cố Hòa thượng Thích Thiện Hoa Viện trưởng Viện Hóa đạo

G.H.P.G.V.N.T.N, lưu hành nội bộ, tr.7.

11. Sđd, tr.7.

12. Nhiều tác giả (2016), Thầy tôi, Nxb Trung Đạo (Hoa Kỳ), tr.24.

13. Sđd, tr.16-17.

14. Bát Nhã (1973), Tiểu sử Cố Hòa thượng Thích Thiện Hoa Viện trưởng

Viện Hóa đạo, Tạp chí Bát Nhã, số 7, tr. 14-15.

15. Thầy tôi, sdd, tr.27.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 49
    • Số lượt truy cập : 6450151