Thông tin

HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN QUANG (1895–1953)

 

 

Hòa thượng pháp danh Thiện Quang, pháp húy Hồng Xưng, thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 40, thế danh là Nguyễn Văn Xứng, sinh năm Ất Mùi 1895, tại Giồng Keo, nay là ấp Tân Thuận, xã Tân Bình, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Thân phụ là ông Nguyễn Văn Chiếu và thân mẫu là bà Võ Thị Sáng, là một gia đình phú nông nhiều đời tích đức. Ngài là con thứ năm và là con trai duy nhất trong một gia đình có bảy anh chị em.

Lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị người Pháp đô hộ, thấm thía nỗi thống khổ của người dân nô lệ, thuở trai tráng, ngài đã âm thầm tụ tập bạn bè, luyện tập võ nghệ. Sau đó, ngài gia nhập tổ chức Thiên Địa Hội, tiền thân là tổ chức phản Thanh phục Minh của Trung Hoa vì bị đàn áp truy đuổi nên tỵ nạn sang Việt Nam và lâu ngày Việt hóa thành tổ chức chống Pháp.

Vào thời đó, những gia đình khá giả thường bị người Pháp buộc phải tham gia làm việc trong Ban Hương chức Hội tề. Gia đình ngài cũng không ngoại lệ. Cha ngài làm Hương Cả, tục gọi là Cả Chiếu. Bản thân ngài làm phó Hương Quản. Vì vậy, nên mãi đến năm 24 tuổi, khi gia đình thúc ép nhiều lần, ngài mới lập gia đình. Sau này có được hai người con: một trai một gái.

Lập gia đình chưa được bao lâu, ngài sinh bệnh. Thuốc men khắp nơi không hết. Một hôm, có vị sư cùng quê tu trên núi Két (Thất Sơn) về thăm. Gặp ngài, sư bảo: “Muốn hết bệnh, lên núi sư giúp!”.

Năm 1918, tổ chức Thiên Địa Hội nơi ngài tham gia bị lộ nên bị bắt rất nhiều, tuy nhiên mật thám chưa lần được ra ngài. Một hôm, trong làng có việc, Hương Quản đánh mõ triệu tập dân chúng. Ngài đang ăn cơm nên ra trễ. Ông Hương Quản bắt lỗi và sẵn cầm dùi, đánh ngài luôn. Ngài giật dùi đánh lại, xong bỏ về. Sự việc này xảy ra như giọt nước cuối cùng làm tràn ly. Ngay ngày hôm đó, ngài thu xếp gia đình, khăn gói lên đường, hướng về Thất Sơn, Châu Đốc lánh thân.

Tìm đến núi Két, gặp được vị sư ngày trước kể rõ sự tình, được sư cho ở lại trị bệnh và sau đó học nghề thầy thuốc. Bệnh duyên lần thuyên giảm. Ở đây, ngài có dịp gần gũi chư Tăng, tìm hiểu Phật pháp. Vốn sẵn căn lành, ngài nhận ra cảnh đời vô thường nên trong tâm nhen nhóm chí xuất trần. Thời gian sau, thấy yên ổn nên ngài về thăm nhà rồi lại lên núi, suốt nhiều năm như vậy. Lần hồi, đạo tâm ngày càng kiên cố, lại thêm vị sư khuyến khích, nhưng vì núi Két gần chợ, Phật tử thăm viếng thường xuyên nên ngài có ý tìm nơi khác tu hành.

Sau khi nghe núi Kỳ Hương có chùa Phi Lai, nơi trụ xứ của Hòa thượng Chí Thiền, một bậc chân tu đắc đạo, giới đức tinh nghiêm đang giáo hóa đồ chúng rất đông. Ngài tìm đến bày tỏ nguyện vọng và được Tổ cho quy y ở lại công quả tập sự.

Năm sau 1925, đầy đủ duyên lành, được Tổ cho thế phát xuất gia với pháp danh là Thiện Quang, pháp húy Hồng Xưng, nhập chúng tu học. Từ đó, ngài siêng năng tinh tấn, chuyên tâm học tập kinh luật. Ngài vốn người tính tình lặng lẽ, thâm trầm, thích ở nơi vắng lặng, ít người lui tới để dễ bề tu tập. Mùa an cư năm 1927, sau khi thọ đại giới tại tổ đình Phi Lai, ngài trình bày nguyện vọng của mình và được Tổ cho phép. Ngài lên núi Cấm tìm một nơi vắng vẻ dưới chân vồ Bồ Hông, không xa chùa Phật lớn bao nhiêu, cất am chuyên tu.

Ngài chuyên trì chú Đại bi và niệm danh hiệu đức Quan Âm, thuần thục đến độ khi đi ngủ vẫn niệm. Sinh thời, ngài có những hành tung kỳ đặc mà người thường khó biết. Trong chùa, những việc quan trọng ngài thường cho biết trước hoặc huyền ký như trường hợp Hòa thượng Vạn Đức-Thích Trí Tịnh khi gặp ngài xin quy y thế phát, ngài đã có những huyền ký về cuộc đời Hòa thượng mà sau này nghiệm lại rất đúng.

Ngài lại có tài trị bệnh, nhất là bệnh tà. Nhiều con bệnh chữa chạy khắp nơi không hết. Tìm đến, ngài chữa trị rất đơn giản bằng thuốc núi… Bệnh tà thì khuyên răn dạy bảo, khi xối nước hoặc mua dầu cúng Phật, vậy mà hết bệnh. Tiếng lành đồn xa, nên người tìm đến xin trị bệnh, hoặc học thuốc, học đạo. Rồi cảm ân đức ngài nên có người xin công quả, kẻ xin xuất gia. Am tranh chật chội, ngài cho xây thêm Chánh điện, Tăng phòng, kho bếp.

Năm 1941, nhờ Phật tử phát tâm ủng hộ, ngài cho xây dựng ngôi chùa Vạn Linh với quy mô bề thế nhất núi lúc bấy giờ.

Năm 1945, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, núi Cấm vốn là nơi hiểm địa nên những người yêu nước thường chọn làm căn cứ tổ chức chống Pháp. Năm 1946, chính quyền Pháp hay được việc này nên ra lệnh đuổi xuống núi không kể là Tăng hay tục. Vì lẽ ấy nên ngài cùng đồ chúng xuống núi, về tạm lánh tại nhà Phật tử ở Tri Tôn chờ xem tình hình ra sao.

Đầu năm 1947, thấy chiến sự ngày càng tăng, không hy vọng gì trở lại. Hòa thượng về chùa Linh Bửu, Cầu Bông, Bình Thạnh, Sài Gòn theo lời mời của một số Phật tử. Về ở trên gác, ngài cũng tinh tấn chuyên tâm tu tập, không lúc nào ngừng ngớt.

Ngày 20 tháng 11 năm Quý Tỵ (1953), sau khi đi dự lễ thượng lương cho bổn đạo về, ngài không chịu ăn, chỉ uống nước. Thị giả dâng cơm, ngài nói: “Ăn cũng vậy, không ăn cũng vậy. Ăn chi, để bụng cho nó sạch!”.

Đến ngày 23, đồ chúng lo sợ, mời thầy thuốc đến xem bốc thuốc. Thị giả dâng thuốc, ngài cũng không uống và nói: “Uống cũng vậy, không uống cũng vậy. Uống làm chi!”.

Qua ngày 24, ngài bảo với đại chúng: “Mấy con chuẩn bị, sáng mốt đưa thầy về!”. Đồ chúng tưởng ngài muốn về núi, thưa lúc này trên núi còn lộn xộn lắm chưa về được. Ngài nói: “Thôi, mấy đứa con có giỏi, cùng niệm Phật với thầy!”.

Từ đó, ngài chuyên niệm Phật cùng đại chúng. Đến sáng ngày 26 tháng 11, ngài ngồi trên giường đang cùng đại chúng niệm Phật. Sau khi niệm to đứt quãng: “Nam…Mô…A…Di… Đà…Phật” rồi tự nằm ngay thẳng xuống giường như người nằm ngủ. Mọi người coi lại thì Hòa thượng đã viên tịch. Lúc đó, đúng 8 giờ 15 phút sáng ngày 26 tháng 11 năm Quý Tỵ (31.12.1953). Ngài trụ thế 59 tuổi, hành đạo 24 năm.

Vì phải chờ môn đồ pháp quyến và thân nhân đến đông đủ, nên đến 3 giờ chiều ngày 27 tháng 11 mới tẩm liệm. Song nhục thân Hòa thượng vẫn mềm mại, da thịt vẫn như người sống. Sau đó, nhục thân của ngài được đưa về an táng ở sau chùa Vạn Đức, Thủ Đức.

Đến năm 1983, Hòa thượng Thiện Thành, trụ trì tổ đình Vạn Linh đời thứ hai, tổ chức thỉnh nhục thân ngài về núi nhưng sự việc không thành, đành đưa về thành phố hỏa táng. Tro cốt được thờ tại tháp Phổ Đồng, chùa Huệ Nghiêm, Bình Chánh.

Năm 1995, dưới sự chỉ đạo của Hòa thượng Vạn Đức-Thích Trí Tịnh, tổ đình Vạn Linh được trùng tu. Sau khi hoàn chỉnh cơ bản khu chánh điện, tháp Tổ được tiến hành xây dựng.

Ngày 24 tháng 11 năm Mậu Dần (1998), Hòa thượng Vạn Đức cho tổ chức thỉnh Phật về núi, đồng thời thỉnh linh cốt Hòa thượng khai sơn về làm lễ nhập tháp. Như vậy, sau đúng 45 năm, tâm nguyện về núi của Tổ đã được viên thành. Sự nghiệp của ngài đã được hàng môn hạ truyền đăng tục diệm một cách xán lạn với ngôi tổ đình Vạn Linh và vị cao tăng của Phật giáo Việt Nam là Hòa thượng Vạn Đức-Thích Trí Tịnh.

Hòa thượng Vạn Đức đã tóm lược cuộc đời ngài bằng bốn câu thơ:

“Thiện tự nội tàng thời hãn ngộ

Quang truyền ngoại hóa thế đa quy

Vạn Linh sơn trụ khai mông muội

Linh Bửu Tây quy hiển thoại tường”

Tạm dịch :

“Thiện ẩn bên trong đời ít biết

Quang độ người ngoài lắm kẻ quy (y)

Vạn Linh ở núi khai tăm tối

Linh Bửu về Tây hiển điềm lành”

 


- Tiểu sử đăng trong kỷ yếu Lễ khánh thành chùa Vạn Linh, Vạn Đức Tự ấn hành 1998.

- Tỳ kheo Thích Hoằng Chí cung cấp tư liệu.

- Tỳ kheo Đồng Bổn biên tập lại.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 141
    • Số lượt truy cập : 6949762