Thông tin

HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN TÀI (1912-1985)

 

 

Hòa thượng Thích Thiện Tài, pháp húy Hồng Thanh, pháp tự Ngộ Tài, pháp hiệu Pháp Bửu, thế danh Trần Văn Tài, sinh năm Nhâm Tý (1912), tại làng Phong Nẫm, quận Cao Lãnh, hạt Sa Đéc. Hòa thượng sinh ra trong một gia đình nho phong, thân phụ là Trần Văn Tần, thân mẫu là Bùi Thị Ơn. Gia đình chỉ có hai chị em, thuở nhỏ ngài thường đau yếu. Nghe danh Hòa thượng Phổ Lý, hiệu Như Liễn, thuộc dòng Lâm Tế Đạo Bổn, đời thứ 39, trụ trì tổ đình Bửu Lâm, làng Bình Hàng Trung, là bậc đạo cao đức trọng, lại có tài trị lành bệnh, cha mẹ đem ngài gởi vào chùa nương tựa đến khi hết bệnh mới đem về nhà, vì hai ông bà chỉ có ngài là con trai duy nhất.

Có lẽ thiện căn đã vun bồi từ nhiều kiếp, nên khi trở về nhà, ngài đòi trở lại chùa và xin xuất gia tu học khi vừa tròn 7 tuổi, lúc ấy vào năm 1919.

Năm tháng dần trôi, qua 10 năm tu học với Hòa thượng bổn sư, chú tiểu đau yếu ngày nào đã được 17 tuổi, chí nguyện rộng lớn cao xa cho nên ngài xin Hòa thượng bổn sư đến tham học với Pháp sư Bửu Chung - Như Kim, chùa Phước Long, Sa Đéc và Hòa thượng Chánh Thành, chùa Vạn An, Sa Đéc, cho đến năm Nhâm Ngọ (1942).

Bấy giờ, phong trào Chấn hưng Phật giáo miền Nam diễn ra sôi nổi dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Khánh Hòa và chư tôn túc, để sau đó, Trường Phật học Lưỡng Xuyên khai giảng, đào tạo thế hệ Tăng tài kế thừa mạng mạch Phật pháp. Với chí cả tham phương cầu học, Hòa thượng lại quảy gói hành trang, đến cầu học tại Phật học đường Lưỡng Xuyên. Suốt những năm tháng tu học, Hòa thượng luôn luôn lưu tâm, không ngừng tìm tòi nghiên cứu ba tạng kinh điển.

Năm 1943, Hòa thượng làm Chánh na, kiêm Pháp sư tại Trường hương chùa Hội Phước, Nha Mân, Sa Đéc.

Đến năm 1945, đất nước gặp lúc chiến tranh tàn khốc nên lớp gia giáo chùa Hội Phước ngừng sinh hoạt, ngài cùng Hòa thượng Hành Trụ, Hòa thượng Thiện Tường lên Sài Gòn mở chùa Tăng Già và Giác Nguyên tiếp Tăng độ chúng. Ngài luôn giữ nhiệm vụ Pháp sư cho những khóa an cư tại đây. Ngưỡng mộ tài đức của ngài, Hòa thượng Đạ Tỷ - Hoằng Đức mời ngài kế truyền Tổ vị tại chùa Bình Hòa và ban pháp hiệu Ngộ Tài - Pháp Bảo, đời thứ 30 Thiền phái Lâm Tế - dòng Tổ Đạo.

Năm 1947, Hòa thượng Phổ Lý vì tuổi cao, Phật sự tại chùa Tổ lại quá nhiều nên Hòa thượng gọi ngài về, không bao lâu Hòa thượng viên tịch, ngài kế thừa trụ trì chùa Tổ Bửu Lâm, đời thứ 10.

Vừa tham phương cầu học, vừa lo hoằng pháp độ sanh, chư tăng bấy giờ tôn xưng ngài là bậc “Giá na bất khuyết” bởi lý sự viên dung nơi ngài.

Năm 1951, Giáo hội Tăng già Nam Việt được thành lập, Hòa thượng được cử làm Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già Nam Việt tỉnh Kiến Phong, suốt sáu nhiệm kỳ.

Sau thời pháp nạn 1963, Phật giáo Việt Nam bước vào giai đoạn mới. Năm 1964, Hòa thượng được suy cử làm Chánh Đại diện Phật giáo tỉnh Kiến Phong suốt ba nhiệm kỳ cho đến ngày thống nhất đất nước.

Sau năm 1975, chư tôn đức Phật giáo trên cả ba miền họp lại tiến tới thống nhất Phật giáo Việt Nam, với phương châm: “Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức”.

Sau Đại hội Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam tại thủ đô Hà Nội năm 1981, Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Tháp cũng được thành lập vào năm 1982, Hòa thượng được Tăng ni Phật tử suy tôn làm Chứng minh Tỉnh hội Phật giáo Đồng Tháp nhiệm kỳ I (1982-1986). Với giới hạnh trang nghiêm xứng ngôi long tượng, ngài đã được thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng của nhiều Giới đàn trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh.

Ngoài việc giáo dưỡng đồ chúng tu học tại chùa Bửu Lâm, Hòa thượng còn trùng tu rất nhiều ngôi Tam bảo:

- Năm 1964, ngài đã kiến tạo từ một ngôi thảo am đơn sơ ở cạnh “Miếu Trời Sanh” do Hòa thượng Thoại dựng, trở thành ngôi chùa Hòa Long (Trụ sở Văn phòng Tỉnh hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Kiến Phong – cạnh Lăng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc) trang nghiêm thanh tịnh và bổ nhiệm Thượng tọa Thiện Hiếu làm trụ trì.

- Năm 1965, ngài khai sơn chùa Phát Quang (xã Phú Ninh, huyện Tam Nông) và chùa Long Bửu (thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình), rồi cùng với đệ tử của ngài là Hòa thượng Nhật Trung - Minh Chánh xây dựng Tòng lâm.

- Năm 1968, ngài tiếp nhận chùa Linh Phước (làng Tân Vĩnh Hòa, Sa Đéc, nay thuộc xã Tân Bình, huyện Châu Thành).

- Năm 1969, Hòa thượng nhận chùa Vạn Phước (xã Tân Khánh Đông, Sa Đéc) và trùng tu thành ngôi Phạm vũ huy hoàng, Hòa thượng bổ nhiệm thầy Thiện Hạnh về tiếp nhận trụ trì.

- Năm 1970, ngài nhận chùa Thiền Lâm (xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành).

Năm 1972, ngài tiếp nhận chùa Linh Phước (xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh) và nhiều chốn Phạm vũ như: chùa Phước Thạnh, chùa Hưng Thiền, chùa Hải Huệ... được ngài tiếp nhận trùng tu xây dựng.

Trong chiến tranh, ngôi chùa Tổ bị tàn phá hoàn toàn, Hòa thượng đã xây dựng lại ngôi chánh điện năm 1956, lần thứ hai năm 1976, tiếp tục trùng tu hậu Tổ năm 1984...

Năm 1977, Hòa thượng giao quyền trụ trì chùa Bửu Lâm cho Hòa thượng Chơn Hỷ, hiệu Nhật Quang (là đệ tử chót của Hòa thượng Bửu Thành - Hồng Đệ, chùa Bồng Lai núi Cô Tô, An Giang, thuộc hàng pháp điệt của Tổ Như Liễn - Phổ Lý). Từ đó, Hòa thượng nhập thất tịnh tu và biên dịch tài liệu giảng dạy cho chư Tăng ni gần xa quy tụ về Tổ đình Bửu Lâm tu học, như:

- Tòng Lâm Quy Thức, 5 quyển

- Tòng Lâm Thanh Quy, 5 quyển

- Di Giáo kinh giảng giải, 5 quyển

- Tứ thập nhị chương giảng giải, 1 quyển

- Quy Nguyên trực chỉ giảng giải, 3 quyển

- Nhị thời khóa tụng giảng giải, 2 quyển

Qua bao mùa mưa nắng, qua mấy lần thời cuộc đổi thay, Phật giáo Việt Nam suy thịnh theo biến thiên của lịch sử nước nhà, nhưng ở Hòa thượng vẫn một mực từ hòa, dung hợp mọi đạo tình, cống hiến cuộc đời phụng sự Giáo hội, phục vụ chúng sanh.

Với quy luật sinh diệt vô thường, Hòa thượng sau 7 ngày lâm bệnh, đã an nhiên thâu thần nhập diệt tại Trường hạ chùa Phước Hưng, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp vào lúc 05 giờ chiều ngày 14 tháng 6 Âm lịch năm 1985, trụ thế 73 tuổi, 52 mùa hạ lạp.

Ngài ra đi để lại vô vàn kính tiếc cho Giáo hội, Tăng ni Phật tử trong tỉnh Đồng Tháp nói riêng và miền Tây Nam bộ nói chung.

 


- Môn đồ pháp quyến chùa Bửu Lâm biên soạn.

- Tỳ kheo Thích Vân Phong cung cấp.

- Tỳ kheo Thích Đồng Bổn biên tập lại.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 43
    • Số lượt truy cập : 6949633