Thông tin

HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN THANH (1935–1995)

 

 

Hòa thượng pháp danh Thiện Thanh, pháp tự Không Sắc, pháp hiệu Nhất Thanh, nối dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 41. Ngài thế danh Nguyễn Văn Sắc, sinh năm Ất Hợi 1935, nguyên quán làng Phú Nhuận, Nha Mân, tỉnh Sa Ðéc. Song thân ngài là cụ ông Nguyễn Văn Xướng và cụ bà Huỳnh Thị Thâu.

Ngài là bậc đồng chơn học đạo. Lúc 8 tuổi, ngài được Tổ Bửu Chung tiếp độ tại chùa Phước Long cổ tự, tỉnh Sa Ðéc với pháp danh là Thiện Thanh. Sau đó, Tổ Bửu Chung giao lại cho Hòa thượng Huệ Hòa làm bổn sư của ngài vì Tổ đã già. Hòa thượng Huệ Hòa thay Tổ thế độ cho ngài pháp tự Không Sắc, pháp hiệu Nhất Thanh.

Năm Bính Thân 1952, khi lên 17 tuổi, bổn sư cho ngài thọ Sa di giới với Hòa thượng Chánh Quả, tại giới đàn tổ đình Kim Huê, tỉnh Sa Ðéc. Sau khi thọ giới, ngài ở lại cầu học kinh luận tại tổ đình Kim Huê.

Năm Bính Thân 1956, ngài được bổn sư gửi lên Sài Gòn theo học tại Phật học đường Nam Việt, chùa Ấn Quang.

Năm Canh Tý 1960, khi được 25 tuổi, ngài thọ Cụ túc giới tại giới đàn Phật học đường Nam Việt, chùa Ấn Quang. Giới đàn này do Hòa thượng Thiện Hòa làm đàn đầu truyền giới.

Năm Tân Sửu 1961, ngài học xong chương trình Hán ngữ tại Phật học đường Nam Việt. Ngài chính thức ra giảng pháp lần đầu tiên tại chùa Long Quang, đường Nguyễn Huỳnh Ðức, quận Phú Nhuận.

Năm Giáp Thìn 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập, ngài được Giáo hội bổ nhiệm phụ trách ngành Tăng tịch và kiêm nhiệm Trưởng Ban Tăng tịch trong Tổng vụ Tăng sự.

Năm Ất Tỵ 1965, ngài đậu tú tài toàn phần, sau đó bắt đầu giảng dạy Pháp văn tại Trường Bồ Ðề, Chợ Lớn.

Năm Bính Ngọ 1966, ngài được học bổng và lên đường du học tại Thái Lan do Chính phủ Thái đài thọ.

Năm Đinh Mùi 1967, từ Thái Lan ngài tiếp tục sang Ấn Ðộ nghiên cứu các đề tài thuộc Phật giáo Nguyên thủy tại Viện Nalanda Pali Research Insti­tute, bang Bihar.

Năm Mậu Thân 1968, ngài tốt nghiệp Cao học về Cổ ngữ (Palyacharya) tại Ðại học Sankrit Darbhanga.

Năm Tân Hợi 1971, ngài tốt nghiệp cử nhân ngành Anh văn và tiếp tục học lên chương trình cao học.

Năm Bính Thìn 1976, ngài bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Ðại học Magadha Gaya với đề tài: “A Comparative Study of the Pali Digha Nikaya and China Agama” (So sánh Trường Bộ Kinh với Kinh Trường A Hàm).

Trong thời gian lưu học tại Ấn Độ, ngài còn dành thời gian biên soạn nhiều tác phẩm nghiên cứu có giá trị như:

1- Phật Giáo Ấn Ðộ Ngày Nay.

2- Phật Giáo trong Việt Nam, Ấn Ðộ hay Trung Hoa.

3- Hoàng Ðế Asoka.

4- Bốn Ðức Tánh Cao Quý của Giác Ngộ.

Ở Ấn Ðộ, ngài được mời dạy ngữ học và lịch sử tại Ðại học Sri VekaTesvana, Tirapati.

Năm Mậu Ngọ 1978, ngài xin từ nhiệm ở Ðại học Sri VekaTesvana, Tirapati, rời Ấn Độ sang Hoa Kỳ theo lời mời của Hòa thượng Thích Thiên Ân, Viện trưởng Đại học Đông Phương. Sang đến Hoa Kỳ, ngài được bổ nhiệm làm giảng sư của University of Oriental Studies tại Los Angeles. Đồng thời, ngài được mời nhận chức Phó Chủ tịch Tổng hội Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ (tháng 12 năm 1978).

Ngài là một bậc cao tăng đầy đủ mọi đức tính từ bi hỷ xả, luôn luôn tận tình vì đạo, sống đơn giản, đạm bạc, nghiêm với mình và khoan dung với người, không chấp nhận xa hoa hay cẩu thả, tuy khiêm nhường từ tốn nhưng vẫn hài hước trào phúng mà không mất lòng ai.

Kể từ năm 1980, ngài về thành phố Long Beach, thành lập Hội Phật giáo Long Beach và xây dựng chùa Phật Tổ. Với ý chí phục vụ đạo pháp và hướng dẫn Phật tử sống xa thành phố Los Angeles, ngài không quản khó khăn, tận tụy hoằng hóa độ sanh, nhưng niềm lo lớn nhất của ngài là công việc nghiên cứu và dịch thuật vẫn chưa hoàn tất.

Chùa Phật Tổ là một ngôi chùa tôn, chật hẹp, tối tăm, oi bức mùa hè, ẩm thấp mùa đông, nằm giữa một khuôn viên “Chung cư bàn Cờ”. Bao nhiêu thù lao dạy học gom với tịnh tài thí chủ, thay vì xây chùa cao cổng rộng, ngài chuyển sang mục phiên dịch và ấn tống kinh sách nên luôn luôn túng thiếu. Mãi cho đến giờ lâm chung, đệ tử mới biết ngài mặc áo quần vá tại xứ Hoa Kỳ.

Mười lăm năm cuối cùng, ngài sống trong cảnh giới kinh Hoa Nghiêm tại chùa Phật Tổ khi phát nguyện dịch bộ kinh này, chính lại là giai đoạn quan trọng nhất của cuộc đời tại thế độ sanh của một bậc đồng chơn nhập đạo. Công trình biên soạn của ngài để lại gồm có:

1- Quyển “Nghi Thức Tụng Niệm Hằng Ngày” ngắn gọn và dễ hiểu, phù hợp với nhu cầu thiết yếu của các giới Phật tử.

2- Hai tập đầu của kinh Ðại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm in khổ lớn, trình bày hết sức mỹ thuật, tổng cộng gần nghìn trang.

Ngài viết: “Khi dịch, dịch giả đã cân nhắc cẩn thận sợ rằng: “Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan, Ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết”. Vì vậy, mất quá nhiều thì giờ, dịch giả phải so sánh bản chữ Hán này với bản Sanskrit…”. Với sự hiểu biết uyên thâm về Phật pháp của một tu sĩ công phu thiền tập với Lục Diệu Pháp Môn, với một căn bản cổ ngữ và ngoại ngữ phong phú của một học giả nghiêm túc, ngài biết trước công việc mình cần phải làm nên thường nói: "Tôi cần phải phiên dịch bộ Hoa Nghiêm vì không còn sống bao năm".

Năm Ất Hợi 1995, vào lúc 10 giờ 40 ngày 18 tháng 7 âm lịch, ngài thu thần viên tịch tại bệnh viện sau một thời gian điều trị vì chứng viêm gan, đối với một cơ thể từ lâu suy nhược vì quá chăm lo Phật sự. Ngài trụ thế 61 năm, giới lạp 35 mùa Hạ.

 


- Môn đồ pháp quyến chùa Phật Tổ cung cấp.

- Website www.thuvienhoasen.org, www.quangduc.com

- Tỳ kheo Đồng Bổn biên tập lại.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 104
    • Số lượt truy cập : 6949699