Thông tin

HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ NGHIÊM (1911-2003)

 

 

Hòa thượng thế danh Phan Diệp, sinh ngày 09 tháng Giêng năm Tân Hợi (1911), tại thôn Chánh Lộc, xã Xuân Lộc, huyện Đồng Xuân (nay là Sông Cầu), tỉnh Phú Yên. Thân phụ là cụ ông Phan Châm, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Tham. Ngài là người con thứ hai trong gia đình có năm anh chị em.

Sinh trưởng trong một gia đình nhiều đời quy tín Tam bảo, năm 15 tuổi (1926), ngài đã xuất gia thọ giới với Vĩnh Hảo đại sư (cũng là cậu ruột của ngài) tại chùa Phước Long, xã Xuân Lộc, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.

Năm 22 tuổi (1933), ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Bảo Sơn - Phú Yên, do Hòa thượng Vạn Ân - tổ đình Hương Tích làm Đàn đầu, với pháp húy là Tâm Bổn, tự Truyền Lai, hiệu Trí Nghiêm, thuộc Thiền phái Lâm Tế đời thứ 43, dòng kệ Liễu Quán.

Năm 27 tuổi (1938), ngài được trúng tuyển và tu học tại Phật học đường Báo Quốc - Huế. Tại đây, ngài được sự truyền dạy của Hòa thượng Thích Trí Độ làm Đốc giáo thời bấy giờ. Đây cũng chính là nơi đào tạo nhiều vị tăng tài lỗi lạc cho Phật giáo nước nhà. Ngài tu học tại Phật học đường này trong suốt 8 năm.

Sau khi mãn học, ngài bắt đầu công việc hoằng hóa, lưu hành diễn giảng giáo lý tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Năm 35 tuổi (1945), ngài về trụ trì chùa Thiên Tôn ở Tuy An trong 9 năm. Thời gian này chiến tranh Việt Pháp xảy ra, ngài tham gia tổ chức Phật giáo Cứu quốc Liên khu 5.

Kể từ 1955, là một Giảng sư kỳ cựu của Hội Phật học miền Trung, ngài tiếp tục công cuộc hoằng hóa tại các Tỉnh hội Phật học Khánh Hòa, Phú Yên... Năm 1956, ngài chủ trương xây dựng Trường Bồ Đề Tuy Hòa và Cô nhi viện Phước Điền ở Tuy Hòa, Phú Yên.

Năm 1957, theo thỉnh cầu của Giáo hội, ngài ra giữ chức Hội trưởng Hội Phật học Thừa Thiên Huế.

Năm 1960, sau 3 năm làm việc tại Huế, ngài trở vào thường trú tại chùa Long Sơn, thành phố Nha Trang - trụ sở Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa.

Năm 1964, kể từ đây, nhiều trọng trách Phật sự của Giáo hội được đặt lên đôi vai đảm đương của bậc thạc đức. Ngài được cung cử vào thành viên Hội đồng Giáo phẩm Trung ương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Năm 1966, ngài giữ chức Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Khánh Hòa.

Năm 1968, ngài là Chứng minh Đạo sư của Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa và thành phố Nha Trang. Cùng năm này, ngài được cung thỉnh làm Đệ nhị Tôn chứng trong Đại giới đàn Hải Đức, tổ chức tại thành phố Nha Trang lần thứ hai.

Năm 1973, ngài được cung thỉnh làm Giáo thọ A xà lê tại Đại giới đàn Phước Huệ, tổ chức tại Phật học viện Hải Đức, Nha Trang.

Năm 1974, ngài làm Giám luật Ban Quản trị Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức - Nha Trang.

Năm 1977, ngài được Đức Đệ nhị Tăng thống tấn phong hàng giáo phẩm Hòa thượng.

Năm 1980, trước yêu cầu thống nhất Giáo hội, ngài được mời làm thành viên Ban Vận động thống nhất Phật giáo toàn quốc, rồi là thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khi giáo hội được thành lập vào cuối năm 1981. Với lòng từ bi và luôn chăm lo cho tiền đồ Phật Pháp, ngài liên tục được mời làm Hòa thượng đàn đầu trong ba Đại giới đàn mang tên vị cao tăng tiền bối: Giới Đàn Trí Thủ I, II, III - Nha Trang.

Mặc dù gánh vác nhiều trọng trách lãnh đạo, hoằng hóa nhưng để tiếp dẫn hậu lai, ngài vẫn tinh tấn chăm lo việc phiên dịch các kinh luận, như:

- Kinh Lời Vàng, nguyên danh là Phật Giáo Thánh Kinh, 01 quyển, do nữ cư sĩ Trung Hoa là Dương Tú Hạc biên soạn.

- Luận Thành Thật, 20 quyển, do Ngài Ha Lê Bạt Ma Tát soạn.

- Kinh Phổ Môn Giảng Lục, do Bảo Tịnh Pháp Sư giảng (dịch năm 1969).

- Kinh Pháp Hoa Giảng Lục, 1 bộ, 7 quyển, 2 tập, do Thái Hư đại sư giảng (dịch năm 1969).

- Quan trọng nhất, là bộ Đại Bát-nhã Ba-la-mật-đa, gồm 24 tập, 600 quyển, 5 triệu chữ, do pháp sư Huyền Trang dịch sang Hán ngữ.

Khởi dịch Việt ngữ từ năm 1973 đến năm 1980 mới hoàn tất.

Đáng lưu tâm hơn là những tư tưởng, những tinh túy, những cốt tủy tinh thần trong toàn bộ kinh đã được ngài tiếp thu, thể nghiệm và làm chất sống trong suốt cuộc đời truyền đăng tục diệm của mình.

Năm 1996, tứ đại huyễn thân của Hòa thượng đã thọ cơn bạo bệnh, có lẽ đối với ngài đây là cơ hội để tạm gác các Phật sự, đình chỉ sự dao động thân tâm bởi trần cảnh. Tinh thần tự tại của Hòa thượng thể hiện không thể nghĩ bàn hơn trong thời gian thọ bệnh. Môn đệ về viếng thăm bệnh, ngài dạy: “Thời gian trước, Thầy cũng đã tu và hành đạo, song hành đạo nhiều hơn tu. Còn bây giờ đang thọ bệnh, Thầy có thời gian nhiều hơn để phản quan tự kỷ, để mình được sống với chính mình”. Quả thật, trải sáu năm sàng ngọa, thế mà tinh thần và nghị lực ngài vẫn đầy đủ, sáng suốt; diện mạo luôn lạc quan, không não phiền, than thở. Ngài luôn tịch mặc tự nhiên cho đến giờ phút tịch diệt.

Hơn 6 năm để chiêm nghiệm thật tướng các pháp thật là một thời gian khá dài. Lúc này, ngài vẫn tiếp tục dùng thân giáo để chỉ bày các pháp thật tướng bằng những bài pháp vô ngôn trường kỳ, miên mật. Đến ngày 13.01.2003 (tức 11 tháng 12 năm Nhâm Ngọ), Hòa thượng đã an nhiên thị tịch, trụ thế 92 tuổi, 70 hạ lạp.

Trong suốt cuộc đời mình, ngài đã để lại trong tâm thức của đàn hậu bối biết bao nhiêu hình ảnh cao quý, tuyệt vời: khi thuyết pháp lúc dịch kinh, khi trang nghiêm giáo giới hay lúc dí dỏm vui tươi với những ngôn từ toát ra những tiếng cười nhẹ nhàng thanh thoát, trước thực tại đầy nhiễu loạn giữa cái giả và cái chân. Ngài lại là một người hết sức bình dân, giản dị, bình đẳng thương yêu ngay cả loài vật cũng được làm bạn thân và được chia phần cơm mỗi ngày. Những hình ảnh ấy cho đã nói chúng ta rằng: Ngài là một bậc tu hành giới đức viên dung, lòng từ bi và đức độ bao dung diệu kỳ, một trí tuệ giải thoát luôn theo mạng mạch Phật pháp để trở về với nguồn cội Niết bàn tịch diệt.

 


- Tiểu sử do Tỳ kheo Thích Nguyên Tạng soạn năm 2001.

- Một bản khác soạn sau khi HT viên tịch, đăng trên trang nhà PGVN.VN

- Tỳ kheo Đồng Bổn biên tập lại.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 27
    • Số lượt truy cập : 6949616