Thông tin

HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ TÂM

TRONG SỰ NGHIỆP KẾ THỪA VÀ PHÁT TRIỂN

PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN MIỀN TRUNG

- ĐẾN GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 

Đại đức THÍCH THIỆN PHƯỚC
Phó Ban kiêm Chánh Thư ký
Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa

 

Hòa thượng Thích Trí Tâm (1934-2017) sinh tại làng Tảo Khê, xã Tảo Dương Văn, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây. Ngài là con trưởng trong một gia đình gia giáo khoa bảng. Nhờ có sẵn thiên tư, lại được thân phụ dày công rèn luyện nho học, nên con đường học vấn của Ngài tiến bộ nhanh chóng. Tuy nhiên, Ngài không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu nho học mà đi sâu hơn vào nghiên tầm Phật điển. Đây có thể nói là nguồn động lực rất lớn cho việc xuất gia sau này của Ngài.

Đến năm 19 tuổi, Ngài lặng lẽ từ biệt song thân, rời quê hương vào Nam, rồi dừng lại ở mảnh đất Nha Trang-Khánh Hòa. Khi duyên xuất trần đã chín muồi, Ngài đã quy y xuất gia với Tổ Bích Lâm-trụ trì Tổ Đình Nghĩa Phương. Chí xuất trần đã có nơi gieo mầm hạt giống, Ngài đã cúc cung tận tụy hầu thầy, trau dồi kinh điển. Năm 1955, Ngài được Bổn sư cho thọ giới Sa di, năm 1957, Đại Giới đàn tại Tổ Đình Nghĩa Phương ngài được Bổn sư cho đăng đàn thọ cụ. Giới thể chu viên, oai nghi đĩnh đạt, kể từ đây Ngài được Bổn sư tin tưởng giao phó những trọng trách phục vụ cho Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền tại Khánh Hòa.

Từ năm 1959 đến năm 1960, Ngài được Bổn sư giao phó làm người vận động xây dựng Tăng Học Viện Phật Giáo Cổ Truyền để làm nơi đào tạo Tăng tài cho Sơn môn pháp phái (nay là chùa Phước Huệ). Lúc bấy giờ có sự chứng minh và chỉ đạo của Hòa thượng Thích Phước Huệ-chùa Hải Đức, Hòa thượng Thích Trí Thắng-chùa Thiên Hưng, Phan Rang.

Năm 1969, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam (GHPGCTVN) được thành lập, tại Đại hội đã suy cử Hòa thượng Thích Minh Đức-Khai Sơn, trú trì chùa Thiên Tôn làm Viện trưởng Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam. Chùa Thiên Tôn là trụ sở của T.Ư GHPGCTVN. Lúc bấy giờ, Hòa thượng Thích Bích Lâm được suy cử Phó Viện Trưởng Viện Hoằng đạo, rồi Chánh đại diện Trung phần GHPGCTVN. Đây là một trọng trách to lớn mà cần phải có nhân sự hỗ trợ để dễ dàng phát huy Giáo hội. Xét thấy Hòa thượng Thích Trí Tâm là người có khả năng kế thừa phát huy đạo pháp, gieo hạt giống Đại thừa cho hậu thế. Năm 1965, Ngài được Bổn sư cho xuất dương cầu học tại xứ Phù tang. Nơi đỉnh Tỷ Duệ Sơn-Diên Lịch tự và Tướng Quốc Tự của Thiên Thai Tông cũng như Đại học Bukkyo tại Kyoto, suốt 7 năm ngài nghiên tầm giáo điển cũng như tham vấn cùng các bậc danh Tăng của Phật giáo Nhật bản, một đất nước mà lúc bấy giờ đạo Phật phát triển vô cùng rực rỡ.

Năm 1972, Ngài về thọ tang Bổn sư và nhận thấy duyên hành đạo đã đến thời chín mùi, Hòa thượng đã quyết định ở lại quê hương để phụng sự Phật pháp. Duyên lành hội đủ, Ngài được Giáo hội Phật giáo Cổ truyền và huynh đệ Môn phong pháp phái đề cử trú trì chốn Tổ Nghĩa Phương. Năm 1973, tại Đại hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam tổ chức tại Chùa Giác Lâm, Ngài được suy cử vào chức vụ Tổng thư ký Viện Hoằng đạo, kiêm Chánh Đại diện Trung phần Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam.

Đây có thể nói là bước tiến quan trọng để Ngài có thể vận dụng kinh nghiệm sẵn có và kiến thức Phật học vừa hấp thụ để phụng sự cho đạo. Dưới sự chứng minh và chỉ đạo của Đức Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam-Đại lão Hòa thường Thích Huệ Thành, Hòa thượng Thích Minh Đức, Viện chủ chùa Thiên Tôn, Hòa thượng Thích Thành Đạo,…cũng như sự hướng dẫn của chư Tôn đức Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền đương thời như Trưởng lão Hòa thượng Thích Bửu Ý-Viện trưởng Viện Hoằng đạo, cùng chư Tôn đức lãnh đạo GHPG Cổ Truyền, Ngài đã phát huy rất tốt mọi Phật sự của Giáo hội tại địa phương Khánh hòa cùng các tỉnh thành miền trung cao nguyên. Giáo hội Phật giáo Cổ truyền tại Việt Nam nói chung hay tại miền Trung – Trung phần nói riêng lúc bấy giờ phát triển lớn mạnh, được Tăng Ni, Phật tử tin tưởng, quy sùng.

Vì vậy, trong bài viết về Phật giáo Cổ Truyền với nhan đề: Phật Giáo Cổ Truyền Việt Nam trong truyền thống Tôn giáo và Dân tộc của TS. Thích Nguyên Hạnh, có đoạn tác giả viết:

“ …Từ ngày thành lập, Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam luôn đồng hành cùng Đạo pháp và Dân tộc trong phong trào đấu tranh kỳ thị tôn giáo; cùng tham gia vào mặt trận đấu tranh chống Mỹ cứu nước một cách rộng rãi và hiệu quả. Thật sự, Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam có một vai trò và vị trí trong truyền thống Tôn giáo và Dân tộc”.

Trong bối cảnh đất nước còn đang chiến tranh, việc đi lại vô cùng khó khăn, nhưng Hòa thượng Thích Trí Tâm đã không ngừng giao lưu gần gũi đồng hành Phật sự cùng chư Tôn đức thuộc GHPGCTVN tại miền Trung như Hòa thượng Thích Trí Giác, trú trì chùa Nghĩa Phú, nguyên Tăng trưởng GHPGCTVN tỉnh Phú Yên, Tăng cang Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Pháp, khai sơn Tổ đình Minh Tịnh, Chứng minh đạo sư GHPGCTVN miền Trung, Hòa thượng Thích Trí Giác, đương kim trú Tổ Đình Minh Tịnh tại Thành phố Qui Nhơn, Hòa thượng Thích An Ngọc trú trì Tổ Đình Liên Quang, Hòa thượng Thích An Điền trú trì chùa Hoa Nghiêm tại tỉnh Quãng Ngãi, Hòa thượng Thích Giác Đạo, Khai sơn trú trì Tổ Đình Minh Quang, Tăng Trưởng Giáo Hội Phật Giáo Cổ Truyền Việt Nam tỉnh Pleiku; Hòa thượng Thích Trí Thạnh đương kim trú trì Tổ Đình Minh Quang tại tỉnh Gia Lai, ... Tại Khánh hòa, Hòa thượng đã cùng Hòa thượng Thích Huệ Quang, Nguyên Tăng trưởng GHPGCTVN tại Khánh hòa-trú trì chùa Đông Phước, cùng chư huynh đệ các chùa Môn phong pháp phái Tổ Đình Nghĩa Phương, Ngài luôn chu toàn mọi Phật sự theo chỉ đạo của Trung Ương GHPGCT lúc bấy giờ.

Với tư cách là Chánh đại diện Trung phần GHPGCTVN, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính Phủ, ngày 22.03.1975, Hòa thượng đã có thư kêu gọi Quý ngài lãnh đạo các Cơ quan Tôn giáo, đoàn thể và đồng bào tại Nha Trang ủng hộ từ thiện cứu giúp đồng bào các Tỉnh như KonTum, Pleiku, Ban-Mê-Thuật đang về lánh cư tại Nha trang. Điều đó cũng đã nói lên rằng, Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam nói chung, miền Trung Trung phần nói riêng cũng đã góp phần không nhỏ vào công cuộc hộ quốc an dân mà Hòa thượng Thích Trí Tâm đã hấp thụ Giáo lý Đạo Phật và của chư Tôn đức lãnh đạo GHPGCTVN đương thời.

Sự đoàn kết, sự chia sẽ của Hòa thượng đối với các bậc tôn đức lúc bấy giờ là nguồn động lực vô cùng mạnh mẽ cho đàn hậu học trong Sơn môn hệ phái hiện nay. Môn phong Tổ đình Nghĩa Phương-Nha Trang, môn phong Tổ Đình Minh Tịnh-Quy Nhơn, môn phong Tổ đình Minh Quang-Gia lai, môn phong Tổ đình Long Thiền-Biên Hòa, chư Tôn đức tại các chùa, Tổ đình như Tổ Đình Giác Lâm, Tổ đình Long Thạnh, chùa Hạnh Nguyện, chùa Trường Thạnh, chùa Thiên Tôn, Tổ đình Hội Khánh… tại Thành phố Hồ Chí minh, chư Tôn đức lãnh đạo GHPGCTVN các tỉnh miền Đông và Miền Tây Nam bộ đã và đang có sự kết nối chặt chẽ trong các sinh hoạt Phật sự, đó là nhờ tinh thần hành đạo, tư tưởng kế thừa của chư Tôn đức lãnh đạo GHPG Cổ Truyền, trong đó Hòa thượng Thích Trí Tâm đã đóng góp một công sức không nhỏ.

Đối với Hòa thượng, niềm tin sắt son vào đạo, niềm tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội là sức mạnh vô hình để làm nên Phật sự. Đi đến đâu và bất cứ mọi Phật sự, Hòa thượng luôn thể hiện nếp sống lục hòa cộng trụ, không nề hà khó khăn thử thách, hòa mình vào công tác được khi chư Tôn đức giao phó, cùng pháp hữu nổ lực hoàn thành trọng trách. Đó là hơi thở là lý tưởng sống của Ngài. Với tinh thần ấy, ngài khuyên dạy các hàng đệ tử:

Tu hành ý chí nguyện,

Gian khổ chẳng luận bàn.

Nhân sinh gieo quả ngọt,

Tâm đạo phúc ngập tràn.

Khi đất nước hoàn toàn độc lập, các tổ chức hệ phái Phật giáo Việt Nam đều thống nhất về một mối vào năm 1981. Trong tinh thần đoàn kết hòa hợp, chung lưng đấu cật để Phật giáo Việt Nam cùng có hướng đi chung đồng hành với dân tộc. Hòa thượng đã cùng chư Tôn đức lãnh đạo Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam đã chào đón một kỳ Đại hội Phật giáo Việt Nam lịch sử trong niềm xúc cảm vô biên của Tăng Ni, Phật tử cả nước. Với cương vị là Tổng Thư ký GHPGCTVN, Ngài làm Phó Trưởng đoàn GHPGCTVN tham dự Đại hội Thống Nhất Phật giáo, Ngài đã trình bày tham luận của Phật giáo Cổ Truyền trước Đại hội. Trong tham luận có đoạn nói:

“…Đây là sự kiện làm cho hàng Giáo phẩm Tăng Ni, tín đồ Phật giáo trong cả nước đều phấn khởi, vui mừng vô hạn, vì đây là đáp ứng nguyện vọng thiết tha mong mỏi của toàn thể Tăng Ni và đồng bào Phật tử nói chung, cũng như hoài bảo ước mơ lâu nay của Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam chúng tôi nói riêng, nay đã trở thành hiện thực”.

Ngoài ra, trong tham luận Hòa thượng cũng đã khẳng định đã có sự đóng góp nhất định của GHPGCTVN trong công cuộc đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc, đem lại ấm no cho nhân dân.

Trong kỳ Đại hội đầu tiên Giáo hội Phật giáo Việt Nam diễn ra năm 1981 tại chùa Quán Sứ-Thủ đô Hà Nội, một số chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền cũng đã được Đại hội suy Tôn suy cử vào các chức vụ lãnh đạo tối cao trong Giáo hội như Hòa thượng Thích Minh Nguyệt (Chủ tịch Hội cứu quốc nam bộ tiền thân Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam) được suy tôn làm Phó Pháp chủ Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Hòa thượng Thích Huệ thành (Tăng thống Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam) được suy tôn làm Phó Pháp chủ Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Hòa thượng Thích Bửu Ý (Viện trưởng Viện hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam) được suy tôn làm Thành viên Hội đồng Chứng minh kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Thiện Hào (Hội trưởng Hội Lục Hòa Phật tử) được suy tôn làm Thành viên Hội đồng Chứng minh kiêm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Thiện Khải (Thành viên Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam) được suy tôn làm Thành viên Hội đồng Chứng minh, Hòa thượng Thích Trí Tấn (Tổng Thư ký Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam) được suy tôn làm Thành viên Hội đồng Chứng minh và ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam…Hòa thượng Thích Trí Tâm được suy cử vào Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Sau Đại hội Thống nhất Phật giáo cả nước, các tỉnh thành Phật giáo lần lượt tổ chức Đại hội. Tại Khánh hòa, lần Đại hội đầu tiên được tổ chức tại Tổ Đình Nghĩa Phương. Trong Đại hội này, trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu được suy cử vào ngôi vị Trưởng Ban Trị sự, Hòa thượng Thích Trí Tâm là một trong những vị được suy cử làm Phó Ban Trị sự. Đây có thể nói là bước chuyển mình lớn trong sự nghiệp phụng sự Đạo pháp của Ngài tại Trung ương Giáo hội cũng như địa phương Khánh hòa cho đến khi viên tịch.

Vừa phục vụ công tác Phật sự tại Trung ương Giáo hội và Phật sự tại tỉnh nhà, trong tinh thần đoàn kết, cống hiến tận tình, Hòa thượng luôn hoàn thành trọng trách.

- Từ năm 1981 đến năm 1985: Hòa thượng là Phó Hiệu trưởng kiêm giảng viên Trường Cao cấp Phật học tại Hà Nội. Đây là khóa đầu tiên đã đào tạo nhiều Tăng sinh xuất sắc hiện đang phục vụ cho Trung ương GHPGVN.

- Năm 1997, Ngài được tấn phong Giáo phẩm Hòa thượng tại Đại hội Đại biểu Phật Giáo toàn quốc NK. IV, và cũng trong Nhiệm kỳ này Hòa thượng được suy cử giữ chức vụ Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nghi Lễ Trung Ương GHPGVN.

- Năm 2002, tại Đại hội Đại biểu Phật Giáo toàn quốc NK.V, Hòa thượng được suy cử làm Trưởng ban Nghi lễ Trung ương. Với cương vị này, Hòa thượng đã tổ chức thành công hai Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc tại Khánh Hòa vào năm 2004 và 2010.

- Năm 2007, tại Đại hội Đại biểu Phật Giáo toàn quốc NK.VI, Hòa thượng được suy cử vào Thành viên Hội đồng chứng minh kiêm Trưởng ban Nghi lễ TWGHPGVN.

- Xét công lao đóng góp của Hòa thượng tại Trung ương GH cũng như Phật sự tại tỉnh Khánh Hòa, tại phiên họp nhân sự ngày 12.08.2017 của Ban Nhân sự Đại hội kỳ VIII - GHPGVN đã nhất trí cung thỉnh Hòa thượng lên ngôi vị Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh và Đức Trưởng lão Pháp chủ Thích Phổ Tuệ đã ấn chứng vào ngày 09/10/2017.

Tại Khánh Hòa, ngoài cương vị Phó Trưởng Ban Trị sự, rồi Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế, Hòa thượng đã cùng chư Tôn đức sáng lập Trưởng Cơ Bản Phật học. Khóa đầu tiên được học tại Tổ Đình Nghĩa Phương và liên tục được suy cử làm Hiệu trưởng từ khóa 1 đến khóa 6.

Tham gia công tác tổ chức Đại Giới đàn từ năm 1993 đến 2015, Ngài luôn giữ trọng trách Phó trưởng ban trực Ban tổ chức và Yết Ma A Xà Lê sư.

Ngài cũng đã từng được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu trong Đại Giới đàn Huệ Thành I do Ban Trị sự GHPGVN Tỉnh Đồng Nai tổ chức tại chùa Tổ đình Long Thiền vào năm 2004.

Đối với xã hội, thể hiện tinh thần Đạo pháp Dân tộc, Hòa thượng còn tham gia Thành viên Ủy ban Mặt Trận TQVN tỉnh Khánh hòa tổng cộng 5 khóa, từ năm 1989 - 2014; Tham gia Đại biểu HĐND tỉnh Khánh hòa từ năm 1985 đến năm 2016. Ngài đã được Nhà nước tặng nhiều bằng khen và huy chương cao quý.

Bên cạnh đó Hòa thượng cũng lưu tâm đến công tác đối ngoại, quan hệ với Phật giáo Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản, Ấn Độ để tiến cử các đệ tử du học, trau dồi kinh điển. Ngài cũng đã được thỉnh sang chứng minh Đại Giới đàn Văn Lang do Thiền sư Nhất Hạnh tổ chức tại Làng Mai-nước Pháp. Ngài cũng được Trung ương GHPGVN đề cử làm Trưởng đoàn tham dự Phật đản Vesak tại Thái Lan năm 2007, và nhận biểu tượng đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak năm 2008 tại Việt Nam. Ngoài ra Hòa thượng cũng đã cùng phái đoàn Trung ương Giáo hội thăm và dự Hội nghị Châu Á vì Hòa bình tổ chức tại Mông Cổ.

Chính vì vậy, để nêu bậc công hạnh vì một đời dấn thân phụng sự Đạo pháp và Dân tộc, trong bài Điếu văn Tang lễ Hòa thượng Thích Trí Tâm của Hội đồng Chứng minh - Hội đồng Trị sự, có đoạn viết:

“Dù ở cương vị nào, từ Tổng Thư ký Viện Hoằng đạo, kiêm Chánh Đại diện Trung phần GHPGCTVN, cho đến Phó Trưởng ban Thường Trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học Khánh Hòa, Hiệu phó Trường Cao cấp Phật học Hà Nội, hay Trưởng Ban Nghi Lễ Trung ương, hoặc tham gia công tác Mặt Trận, Hội đồng Nhân dân Tỉnh Khánh Hòa, Trưởng lão Hòa thượng đều thể hiện tinh thần đạo pháp, nghĩa đồng bào, góp phần xây dựng xã hội, đất nước phồn vinh, văn minh, hạnh phúc”.

Cũng như, trong lời mở đầu bài viết: Hòa thượng Thích Trí Tâm - Hiện thân của Từ Bi và Trí Tuệ của Ông Bùi Hữu Thành, Nguyên Phó Giám đốc Sở Nội Vụ-Trưởng ban Tôn Giáo Tỉnh Khánh Hòa có đoạn viết:

“Sự cống hiến to lớn của Ngài trong sự nghiệp xây dựng, củng cố và phát triển Phật giáo Việt Nam trong đó trực tiếp Phật giáo Khánh hòa rất đáng trân trọng nhất là trong những thập kỷ cuối thế kỷ XX đầy thử thách phải vượt qua. Ngài suốt đời hành đạo, chăm lo đào tạo Tăng tài, thuyết giảng giáo pháp, hướng dẫn tín đồ thực hành giáo lý đức Phật, hóa độ chúng sanh…là tấm gương sáng để các thế hệ Tăng Ni học tập, noi theo.”

Trong phạm vi của đề tài tham luận, chỉ lượt thuật đôi nét về hành trạng của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Tâm. Qua đây, nhìn lại suốt một cuộc đời phấn đấu không ngừng mệt mỏi, Hòa thượng Thích Trí Tâm đã quên mình vì Đạo pháp và Dân tộc. Hòa thượng thật sự là một tấm gương sáng cho đàn hậu học về quá trình nổ lực học Phật, nâng cao rèn luyện đạo hạnh.

Hòa thượng thật sự đã không làm uổn đi bao công khó mà chư Tôn đức tiền bối lãnh đạo Giáo hội đã dày công vun tưới. Trái tim từ bi, hòa hợp và nhiệt huyết của Hòa thượng đã cống hiến trọn vẹn cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung và Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam nói riêng vẫn còn vang vọng mãi.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 13
    • Số lượt truy cập : 6795701