Thông tin

HÒA THƯỢNG THÍCH TỪ HÓA (1909-1966)

 

 

Hòa thượng pháp húy Bổn Từ, pháp tự Chơn Minh, pháp hiệu Từ Hóa, thế danh Nguyễn Văn Nhu, sanh năm Canh Tuất (1909), tại xã Phước Tường, tổng Bảo Hòa, quận Sóc Sải (nay là huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre).

Thân phụ ngài là ông Nguyễn Công Thành, thân mẫu ngài là bà Ngô Thị Nhuận. Ngài là con thứ ba trong một gia đình có sáu anh chị em. Thuở nhỏ, ngài thường hay bệnh hoạn và hay nằm mộng thấy tượng Phật bằng đất, mỗi khi thấy thì bị bệnh. Thân phụ ngài rất lo sợ vì chỉ có mình ngài là trai. Một hôm, nhân gặp thầy trụ trì chùa Phước Long, xã Phước Tường đi ngang nhà, ông bèn mời thầy ghé lại và thuật việc chiêm bao lạ của ngài. Thầy bảo đem ngài đến chùa tụng kinh. Ở chùa thì mạnh mà ở nhà thì cứ đau dây dưa như vậy mãi.

Năm lên 7 tuổi, thân phụ cho ngài theo học chữ Nho với thầy đồ Ngô Văn Quỳ ở trong làng. Năm 13 tuổi, thân phụ thấy bệnh của ngài lạ như vậy nên không dám để ở nhà, bèn cho theo học đạo với cậu là Yết ma Thích Chí Thiền, trụ trì chùa Sắc tứ Xoài Hột - Mỹ Tho, được bảy tháng thì ngài Chí Thiền viên tịch.

Đến năm 1924 (Giáp Tý), thầy Yết ma Thích Thiện Từ (xã Phước Tường) hướng dẫn ngài đi kiết hạ tại chùa Tuyên Linh, xã Minh Đức, quận Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Và tại trú xứ này, duyên thầy trò hội ngộ, ngài phát tâm quy y với Hòa thượng Lê Khánh Hòa (lúc này ngài vừa tròn 15 tuổi).

Sang năm 1925 (Ất Sửu), ngài được Hòa thượng bổn sư cho theo làm thị giả đến kiết hạ tại trường hương chùa Bình An, tỉnh Long Xuyên.

Năm 1926 (Bính Dần), ngài theo hầu bổn sư đến kiết hạ chùa Long Phước, xã Thanh Lệ, tỉnh Trà Vinh.

Năm 1927 (Đinh Mão), Hòa thượng Khánh Thông khai giới đàn tại chùa Thắng Quang - Giồng Tre, Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Trong đàn giới tử, ngài thuộc lòng bốn bộ luật được chấm đậu Thủ Sa di.

Năm Kỷ Tỵ (1929), ngài nhập hạ tại trường hương chùa Kiến Phước, xã Vĩnh Kim, tỉnh Mỹ Tho.

Năm Canh Ngọ (1930), ngài nhập hạ tại trường hương chùa Viên Giác, tỉnh Bến Tre và thọ Cụ túc giới tại đây.

Năm Tân Mùi (1931), Hòa thượng Khánh Hòa cùng các bậc cao tăng khác thành lập Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, đặt trụ sở tại chùa Linh Sơn, đường Dumond, Sài Gòn, ngài được Hòa thượng cho vào học tại đây suốt tám năm.

Năm 1939, ngài về Mỹ Tho học trường gia giáo Vĩnh Tràng. Trường này do Hòa thượng Thích Thiện Ngọc làm Pháp sư giảng dạy.

Năm Tân Tỵ (1941), ngài được 32 tuổi, nhân duyên ứng pháp đã đến, ngài được Phật tử thân thỉnh về trụ trì chùa Bửu Thành, xã Thành Triệu, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

Trong giai đoạn này, chùa còn nhiều khó khăn, thiếu trước hụt sau, bổn đạo rời rạc, ngài phải trồng mía, trồng kiệu để nuôi đệ tử.

Về phương diện hoằng pháp, ngài thường đi thuyết giảng trong những lễ húy kỵ, trai đàn nên Tăng ni, Phật tử đều gọi ngài là Pháp sư Thành Triệu.

Ngài đạo đức sâu dày, tâm hạnh lợi tha, lại chịu khó chịu khổ nên cảnh chùa ngày càng được khang trang, đồ chúng quy ngưỡng mỗi lúc một đông.

Năm Kỷ Sửu (1949), chùa Minh Đức, xã Phú Túc, Bến Tre, khai đàn truyền giới, ngài được ban tổ chức suy cử làm Yết ma A xà lê. Lúc này, ngài vừa được 40 tuổi.

Năm Canh Dần (1950), Giáo hội Tăng già thành lập tại tỉnh nhà, Tỉnh hội bầu ngài làm Trưởng Ban Hoằng pháp.

Năm Tân Mão (1951), ngài khai trường gia giáo, kiết hạ tại chùa Bửu Thành 3 tháng. Trường này, Hòa thượng Thích Thiện Hào làm Pháp sư; Hòa thượng Yết ma Thích Trí Linh làm Thiền chủ. Học chúng Tăng ni được 65 vị. Cũng trong năm này, cuối tháng 7, chùa Đức Thắng, xã An Khánh, khai trường kỳ 7 ngày, ngài được chư Đại đức Tăng công cử và giới tử suy tôn làm Hòa thượng Đàn đầu.

Năm Nhâm Thìn (1952), Giáo hội Tăng già tỉnh Bến Tre bầu ngài làm Trị sự trưởng tỉnh Giáo hội.

Năm Đinh Dậu (1957), hóa đạo ở chùa Bửu Thành viên mãn, ngài giao quyền trụ trì lại cho đệ tử là Ni sư Thích Nữ Giác Hạnh nối chí hoằng dương Phật pháp.

Sang năm Mậu Tuất (1958), Phật tử chùa Tân Long (Tân Thạch- Bến Tre) cung thỉnh ngài về hóa đạo tại trú xứ này. Lúc ấy, ngôi Tân Long rất u tịch, trên chánh điện hư mục, giảng đường xiêu dột, trước ngõ lối đi eo hẹp, sau vườn cỏ rậm mịt mù, trong chùa không người hương khói, ngoài cửa thiện tín vắng teo. Ngài về đây tự tay chấp tác, xới đất, bồi vườn. Khi quét dọn, lúc công phu thọ trì, bền lòng giữ chí suốt mấy năm liền, dần dần bá tánh gần xa quy ngưỡng trùng tu lại ngôi chánh điện Tân Long khang trang, rộng lớn hơn.

Ngài hóa duyên ở trụ xứ này vừa tròn 10 năm, giáo hóa Tăng ni, Phật tử vừa có phần khởi sắc thì duyên trần cũng vừa mãn. Thân tứ đại tới hồi ly tán, ngài lâm trọng bệnh và thâu thần tịch diệt vào lúc 12 giờ đêm, ngày 25 rạng 26 tháng 9 năm Bính Ngọ (tức ngày 8 rạng ngày 9 tháng 11 năm 1966). Trụ thế 58 năm, Hạ lạp 38 hạ.

Ngài một đời tu đạo, tiếp tăng độ chúng, hoằng truyền chánh pháp, lợi lạc quần sanh. Hóa duyên tuy ngắn mà đạo đức cao thâm, xứng đáng là Tòng lâm mô phạm, đời đời làm gương sáng cho hàng đệ tử noi theo.

 


- Tiểu sử do Tỳ kheo Thích Vân Phong cung cấp.

- Tỳ kheo Đồng Bổn biên tập lại.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 25
    • Số lượt truy cập : 6949614