HÒA THƯỢNG THÍCH TỪ MẪN (1932-2007)
Hòa thượng thế danh là Nguyễn Hữu Độ, sinh ngày 01 tháng 11 năm Nhâm Thân (nhằm ngày 28.11.1932), tại thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong, huyện Thuận Hóa, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Hữu Oai, thân mẫu là cụ bà Đặng Thị Kiếm. Ngài là người con thứ 5 trong gia đình có 6 anh em.
Để tạo điều kiện thuận lợi trong việc học hành sau này, song thân đã cho ngài vào Đà Nẵng ở nhà người bạn thân là cụ ông Trần Văn Thuần và cụ bà Nguyễn Thị Đắc (pháp danh Tâm Kế, tự Từ Lưu). Sau một thời gian ở với ông bà Trần Văn Thuần, với bản tánh thuần lương hiếu đạo và ý chí ham học hỏi, ngài được ông bà Trần Văn Thuần yêu mến, nên đã xin với song thân của ngài cho được làm con nuôi của mình. Cũng từ đó, ngài được song thân nuôi dưỡng đặt lại tên là Trần Văn Độ. Ngài thường cùng song thân nuôi dưỡng đến chùa, theo tháng năm căn duyên Phật pháp được huân tập.
Đến năm 1942, khi được 10 tuổi, ngài phát đại tâm xuất gia và được song thân nuôi dưỡng chấp thuận cho làm đệ tử của Hòa thượng Thích Tôn Thắng, trú trì Sắc tứ Phổ Thiên. Song thân nuôi dưỡng ngài đã phát tâm cúng dường đất cho Hòa thượng xây dựng một ngôi chùa, nay là chùa Diệu Pháp ở phường Bình Thuận.
Năm lên 18 tuổi (1950), ngài được bổn sư cho thọ giới Sa di tại chùa Sắc tứ Phổ Thiên với pháp danh Tâm Lượng, pháp tự Từ Mẫn, nối pháp đời thứ 43 Thiền phái Lâm Tế Chánh tông.
Năm 1951, theo chủ trương của Giáo hội Tăng già Trung phần, cần đào tạo người tài đức để lo việc hoằng dương chánh pháp, ngài được bổn sư cho ra Huế tham học tại Phật học đường Báo Quốc do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Giám viện.
Năm 1956, ngài được truyền giới cụ túc tại đại giới đàn chùa Báo Quốc do Hòa thượng Thích Giác Nhiên, trú trì tổ đình Thuyền Tôn làm đàn đầu và được Hòa thượng bổn sư cho kệ phú pháp và đặt pháp hiệu là Chơn Giác với bài kệ:
Độ nhơn đắc độ tiên tự độ
Tâm lượng tam thiên quảng vô biên
Từ tế chúng sanh đồng chí mẫn
Chơn giác quang minh hiện thân tiền.
Năm 1958, ngài tốt nghiệp Trung đẳng Phật học tại tổ đình Báo Quốc- Huế và phát nguyện thọ Bồ tát giới tại Đại giới đàn của Viện Cao đẳng Phật học Nha Trang tổ chức. Cùng khóa này có các vị đồng học, đồng phạm hạnh với ngài như: Hòa thượng Chánh Trực, Hòa thượng Thiện Bình, Hòa thượng Thiện Hạnh, Hòa thượng Đức Chơn... Cũng năm này, tuy ngài đang học tại Phật học viện Hải Đức-Nha Trang, nhưng được sự tín nhiệm của Giáo hội cử ngài làm giảng sư tại các Tỉnh giáo hội như: Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên...
Năm 1962, chùa Phổ Thiên, nay là chùa Phổ Đà tại thành phố Đà Nẵng được Đại lão Hòa thượng Thích Tôn Thắng phát nguyện cúng dường cho Giáo hội làm cơ sở đào tạo Tăng tài. Đây là một trong 3 cơ sở lớn của hệ thống Phật học viện Trung phần. Hòa thượng được cử về làm Giáo thọ và nơi đây ngài tận tâm giáo dục Tăng ni trau dồi giới tuệ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc tu học của học tăng chúng.
Năm 1963, trước chính sách kỳ thị tôn giáo của chế độ Ngô Đình Diệm, ngài đã tham gia với các vị tôn túc trong Giáo hội Phật giáo Đà Nẵng, tích cực hướng dẫn Tăng ni bảo vệ chánh pháp. Mặc dầu bị bắt bớ, giam cầm, hành hạ... ngài vẫn thường răn dạy tín đồ: “Đã hiến thân cho Đạo thì không ngại gian khổ, hiểm nguy, vì sống chết là lẽthường, chỉ có Chánh pháp mới là lẽsống đích thực”.
Năm 1964, cuộc tranh đấu bảo vệ Chánh pháp thành công, Giáo hội trở lại sinh hoạt bình thường, ngài được cử làm Đặc ủy Pháp sự, kiêm Giám đốc Trung tâm Văn hóa Phật giáo Đà Nẵng.
Năm 1965, ngài làm Phó đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành phố Đà Nẵng, kiêm trưởng Ban Quản trị Trường Trung học tư thục Bồ Đề Đà Nẵng và giảng dạy Giáo lý cho cấp Trung học.
Năm 1967, ngài được cử làm Phó Giám viện Phật học viện Phổ Đà, kiêm Giám học. Với phương pháp giảng dạy đầy tính sư phạm nên ngài đã giúp cho học Tăng của Phật học viện và học sinh Phật tử Trường Bồ Đề tiếp thu giáo lý một cách dễ dàng.
Năm 1970, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tổ chức Đại giới đàn tại Phật học viện Phổ Đà do Hòa thượng Thích Tôn Thắng làm Chánh Chủ đàn. Giới đàn được đặt tên là “Giới đàn Vĩnh Gia” và được Hòa thượng Thích Mật Nguyện, Chánh Đại diện miền Vạn Hạnh hỗ trợ. Đại giới đàn được tổ chức một cách trọng thể, trên hai ngàn giới tử kể cả giới tử tại gia thọ Thập thiện tại chùa Pháp Lâm. Tại giới đàn này, ngài được cử vào Hội đồng Giám khảo, kiêm Tri sự Đại giới đàn.
Năm 1971, Cao đẳng Phật học viện Hải Đức- Nha Trang khai mở Đại giới đàn Phước Huệ, ngài được cung thỉnh vào Ban giám khảo.
Năm 1972, ngài trùng tu tổ đình Diệu Pháp là ngôi chùa mà Hòa thượng bổn sư đang trú trì để ngôi chùa được khang trang và tín đồ có nơi tụng kinh lễ bái.
Năm 1975, đất nước hoàn toàn độc lập thống nhất, trong buổi giao thời khó khăn này, ngài vẫn cố gắng hoàn thành trách nhiệm của một tu sĩ và được suy cử làm Phó Đại diện Tỉnh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Năm 1976, ngài được Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất suy cử trú trì chùa Phổ Đà. Trong giai đoạn này, ngài đã cùng với Giáo hội tổ chức tu học để ổn định đời sống hành trì cho chư Tăng Đà Nẵng, như tổ chức an cư kiết hạ, Tự tứ và Bố tát tại trú xứ Phổ Đà. Cũng trong năm này, ngài được mời làm Ủy viên Mặt trận Tổ quốc thành phố Đà Nẵng, nhiệm kỳ 1976 và đắc cử làm Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng khóa 2. Việc đời, việc đạo gánh nặng hai vai, nhưng ngài vẫn tổ chức lớp giáo lý cho tín đồ có thiện duyên học Phật pháp vào các tối thứ bảy và sáng chủ nhật hàng tuần.
Năm 1979, ngài đã cùng sư huynh là Hòa thượng Thích Chơn Ngộ trùng tu chùa Tịnh Độ do Hòa thượng bổn sư kiến tạo năm 1956 tại thị xã Tam Kỳ- Quảng Nam.
Năm 1981, Phật giáo cả nước đã ngồi lại trong ngôi nhà chung có tên là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trong tổ chức mới này, ngài được cử làm Phó Ban Tri sự Tỉnh hội Phật giáo Đà Nẵng cho đến ngày viên mãn.
Năm 1982, nhờ các khóa an cư kiết hạ và sự sinh hoạt của chư Tăng mà Phật giáo Đà Nẵng trở nên khởi sắc, tín đồ càng ngày càng đông đảo, chánh điện chùa Phổ Đà đã trở nên chật hẹp và ngài đã đứng ra trùng tu.
Năm 1992, do nhu cầu xuất gia tu học của Tăng ni trẻ mỗi ngày một đông, với cương vị Trưởng Ban Giáo dục Tăng ni tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, ngài đã trình lên Giáo hội để xin mở Trường Cơ bản Phật học cho tỉnh nhà. Tuy gặp rất nhiều trở ngại trong công việc mở trường, phần thì kinh tế hạn hẹp và rất nhiều nghịch cảnh khác, nhưng với lòng quyết tâm truyền trao sở học của mình cho đàn hậu tấn, cuối cùng Trường Cơ bản Phật học tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng cũng được Giáo hội và chính quyền cấp giấy phép sinh hoạt và ngài được suy cử làm Hiệu trưởng. Về sau trường đã được đổi tên thành Trường Trung cấp Phật học thành phố Đà Nẵng và ngài tiếp tục được cung thỉnh giữ chức vụ Hiệu trưởng của trường.
Năm 1994, sau cơn bạo bệnh, Hòa thượng bị tai biến và bị liệt một bên mình, nhưng trí tuệ vẫn minh mẫn sáng suốt, thân bệnh mà tâm không bệnh, cho nên trong các nhiệm kỳ của Giáo hội, ngài vẫn được suy cử làm Phó Ban Trị sự Tỉnh, kiêm Trưởng Ban Giáo dục Tăng ni và Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học Đà Nẵng.
Năm 2001, mặc dù tật bệnh, lại thêm tuổi cao sức yếu, nhưng với nhu cầu tu học của Tăng tín đồ Phật giáo Đà Nẵng, ngài cùng với chư huynh đệ phát tâm trùng tu chánh điện chùa Phổ Đà. Nhờ đó mà ngôi chùa Phổ Đà trở thành một ngôi phạm vũ huy hoàng như hiện nay.
Ngoài sự nghiệp hoằng hóa lợi sanh, ngài còn là một vị Thích tử xứng đáng trong việc tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức. Chúng đệ tử xuất gia của Hòa thượng phần lớn được đào tạo với phẩm hạnh kiêm ưu như các vị: Hòa thượng Thích Thanh Châu, Chánh Đại diện Phật giáo Quận 12 – TP. Hồ Chí Minh và là Giảng sư, Giáo thọ sư nổi tiếng của Trung ương Giáo hội, Đại đức Thích Nghiêm Quang là Tiến sĩ Phật học, thuộc Học viện Phật giáo Việt Nam và các đệ tử đã tốt nghiệp Cử nhân, Cao đẳng Phật học hiện đang phụ trách giảng dạy và hoằng pháp tại địa phương.
Đầu hạ năm 2007, hóa duyên đã mãn, Phật sự độ sanh đã viên thành, Hòa thượng đã an nhiên thị tịch lúc 20 giờ 25 phút, ngày 28 tháng 05 (nhằm ngày 12 tháng Tư năm Định Hợi).
Với 76 tuổi đời, 52 tuổi đạo, Hòa thượng đã một đời hiến mình cho đạo pháp và dân tộc.
NAM MÔ TỰ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG TỨ THẬP TAM THẾ PHỔ ĐÀ, DIỆU PHÁP NHỊ TỰ TRÚ TRÌ, HÚY THƯỢNG TÂM HẠ LƯỢNG TỰ TỪ MẪN HIỆU CHƠN GIÁC HÒA THƯỢNG GIÁC LINH.
- Tiểu sử được in trong quyển “Kinh Phật Tạng” do chính HT dịch, được Tỳ kheo Thích Nghiêm Quang thực hiện và cung cấp tư liệu.
- Tỳ kheo Đồng Bổn biên tập lại.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết