Thông tin

HÒA THƯỢNG THÍCH TỪ VĂN VỚI TỔ CHỨC

“HỘI LỤC HÒA LIÊN XÔ Ở TỈNH THỦ DẦU MỘT (1920-1931)

 

TS. NGUYỄN VĂN THỦY

 

1. Bối cảnh hình thành tổ chức Lục Hòa Liên Xã ở tỉnh Thủ Dầu Một

Bối cảnh xã hội đất nước Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX trở đi, toàn dân tộc đồng lòng chung sức tham gia kháng chiến, các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp lần lượt ra đời, khởi đầu là phong trào Cần Vương, tiếp theo là phong trào Duy Tân, Đông Du, phong trào chống sưu thuế… Sau khi phong trào Cần Vương thất bại, ở Nam Kỳ, tổ chức Thiên Địa Hội bắt đầu hình thành và nhanh chóng phát triển tại Gia Định, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu... Lúc bấy giờ, những người có tư tưởng yêu nước ở Nam Kỳ đã hăng hái tham gia vào Thiên Địa Hội với mục đích chống lại sự thống trị của thực dân Pháp.

Đến đầu thế kỷ XX, tỉnh Thủ Dầu Một kinh tế - xã hội có nhiều bước phát triển nhiều công trình, đường sá, nhà cửa được xây dựng và lỵ Phú Cường trở thành một trung tâm thương mại lớn của tỉnh. Nhiều lò gốm, lò đường, trại mộc…cửa hàng buôn bán đồ mộc, đồ gốm, đan lát phát triển…Người dân ở khắp nơi đến làm ăn sinh sống và tổ chức nhiều hoạt động yêu nước của tầng lớp trí thức, thợ thủ công, nông dân, tiểu thương tham gia chống Pháp qua việc tham gia phong trào “Thiên Địa Hội” của Nguyễn An Ninh, lực lượng này đem lại luồng sinh khí mới trong phong trào đấu tranh yêu nước ở Thủ Dầu Một.

Lúc bấy giờ, ở Nam Kỳ phong trào chấn hưng Phật giáo bắt đầu manh nha với sự góp mặt của một số nhà sư yêu nước như sư Khánh Hòa của chùa Tiên Linh (Bến Tre), giáo thọ trẻ Thiện Chiếu chùa Linh Sơn (Sài Gòn)…Hoạt động chủ yếu của phong trào lúc đầu là đăng đàn thuyết pháp. Sau đó Hòa thượng Khánh Hòa cho ra tờ “Pháp Âm”, có trụ sở ở chùa Chúc Thọ (Xóm Thuốc, Gia Định), Thiện Chiếu cho ấn hành tờ “Phật hóa Tân Thanh niên”, mục đích động viên Tăng Ni trẻ và thanh niên hướng về đạo pháp và dân tộc. Ngoài ra Thiện Chiếu còn xuất bản một số sách giáo lý, gọi là “Phật học tùng thư”.

Nhìn lại lịch sử, trước ngày có Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, hễ nói đến các hoạt động yêu nước tại Thủ Dầu Một, không thể không nhắc đến quá trình đồng hành của Phật giáo tỉnh Thủ Dầu Một, tinh thần yêu nước được che đậy dưới lớp bình phong hoạt động tôn giáo.

Chùa Hội Khánh, vốn là ngôi chùa cổ của tỉnh Thủ Dầu Một, là trung tâm giảng dạy giáo lý, cũng như điều hành Phật sự trong toàn tỉnh, nơi cư trú của nhiều Phật tử. Tại đây có nhiều nhân duyên và điều kiện thuận lợi để xây dựng tổ chức yêu nước, do có sự hỗ trợ của Hòa thượng Từ Văn, lúc đó đang là trụ trì chùa. Hòa thượng Từ Văn có công rất lớn trong phong trào chấn hưng Phật giáo diễn ra vào những năm đầu thế kỷ 20. Ngài là người đầu tiên đứng ra mở các lớp dạy giáo lý, quy tụ tất cả Tăng sĩ trong tỉnh Thủ Dầu Một lúc bấy giờ đến tham dự khóa học, cách dạy của Hòa thượng Từ Văn là đọc từng chữ rồi dịch và giảng, đồng thời ngài phân tích nghĩa lý thâm sâu của từng đoạn kinh hay từng bộ luật. Nhờ vậy đã tạo nên nền tảng vững chắc về kiến thức kinh Phật cho giới Tăng sĩ Thủ Dầu Một. Ngài đã khơi dậy ý chí cho giới Tăng sĩ trong công cuộc chấn hưng Phật giáo và các phong trào đấu tranh bảo vệ bản sắc dân tộc. Có thể nói đây là một trong những nguyên nhân sâu xa hình thành nên tổ chức Lục Hòa Liên Xã của tỉnh Thủ Dầu Một.

2. Hòa Thượng Từ Văn với tổ chức Lục Hòa Liên Xã ở tỉnh Thủ Dầu Một

Đại lão Hòa thượng Thích Từ Văn, pháp hiệu Chơn Thanh, thế danh là Nguyễn Văn Tầm, thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 40, là Hòa thượng trụ trì đời thứ 6 chùa Hội Khánh. Ngài sinh năm Đinh Sửu (1877) tại làng Phú Cường, Thủ Dầu Một (nay là phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương).

Hòa thượng sinh trưởng trong một gia đình sùng kính Tam bảo, thân phụ và thân mẫu đều là người quy y Tam bảo. Được nuôi dưỡng từ truyền thống gia đình, ngài sớm có lòng hướng Phật. Được sự cho phép của song thân, ngài xuất gia học đạo tại chùa Hội Khánh với Đại lão Hòa thượng Ấn Long – Thiện Qưới vào năm 1887, lúc ngài chỉ vừa tròn 11 tuổi.

Tuy còn nhỏ nhưng chú tiểu Tầm rất thông minh lanh lợi và tinh tấn công phu bái sám nên rất được sư phụ và Tăng chúng trong chùa thương mến. Sau năm năm học đạo, ngài đã thông thuộc nhiều kinh luật và tỏ rõ ngộ tính. Hòa thượng Ấn Long thấy đệ tử Từ Văn thông minh vượt trội, hơn hẳn các chúng Tăng trong chùa nên quyết định gửi ngài xuống học đạo với Tổ Huệ Lưu ở Thủ Đức. Sau khi Tổ Huệ Lưu viên tịch năm 1898, ngài tham dự nhiều khoá Hạ tại chùa Sùng Đức (Chợ Lớn) cùng theo học nhiều vị cao Tăng nổi danh lúc bấy giờ.

Năm 1906, chư sơn thiền đức và môn đồ pháp quyến Tổ đình Hội Khánh đồng nhất trí công cử Hoà thượng Từ Văn đảm nhiệm chức vụ trụ trì để điều  hành Phật sự trong chùa sau khi Hòa thượng Ấn Long – Thiện Qưới viên tịch (1906). Trong thời gian trụ trì chùa (1909 – 1931), ngài đã chăm chút cho phần trang trí nội thất chùa Hội Khánh, để lại những tác phẩm điêu khắc, chạm trổ…giá trị thẩm mỹ vượt thời gian cho chùa.

Tiếng tăm và uy đức của Hòa thượng Từ Văn ngày càng vang khắp trong và ngoài tỉnh. Năm 1909, Hòa thượng được cung thỉnh đứng trong hàng chứng minh để trùng tu lại ngôi bảo tháp Tổ Nguyên Thiều tại chùa Kim Cang (Biên Hoà). Hòa thượng Từ Văn, là một danh Tăng uyên thâm cả Phật học lẫn thế học, không chỉ nổi tiếng ở Thủ Dầu Một mà còn vang danh khắp cả vùng Nam Bộ, được nhà cầm quyền Pháp kính trọng và tôn vinh ngài là Hòa thượng Cả từ năm 1911. Uy tín của Hòa thượng Từ Văn đối với cả giới Phật giáo lẫn giới chính quyền Pháp lúc bấy giờ là rất lớn.

Đến năm 1913, ngài lại được quý Hòa thượng miền Tây Nam Bộ cung thỉnh làm Pháp sư tại Trường Hương chùa Tam Bảo, Rạch Giá. Năm 1922, ngài làm chủ kỳ thi tại Trường Hương chùa Giác Lâm – Gia Định. Năm 1924, ngài là Pháp sư chùa Chúc Thọ, giới đàn chùa Giác Thiên.

Uy đức của hòa thượng cũng tạo được sự kính trọng của chính quyền thực dân lúc bấy giờ. Năm 1920, để làm dịu tình hình cuộc đấu tranh đòi chính sách đối với những gia đình có con đi lính thuê cho Pháp nổ ra ở Thủ Dầu Một, chính quyền Pháp đã quyết định tổ chức một buổi lễ cầu siêu tại thành phố Marseille (Pháp). Chính quyền Pháp đã mời hòa thượng sang Pháp làm sám chủ cuộc lễ này. Với năng khiếu mỹ thuật bẩm sinh, nhân dịp này ngài đã quản lý và chỉ đạo nhóm thợ thủ công ở Thủ Dầu Một mang mô hình chùa Hội Khánh và một số tượng Phật của chùa sang Marseille để triển lãm. Từ đây, ở cương vị Tăng thống, ngài đóng một vai trò chủ đạo trong giới Phật giáo nước nhà, các nhà chức trách cũng như Tăng tín đồ đều gọi ngài là Hòa thượng Cả.

Đặc biệt, vai trò tiên phong trong các hoạt động yêu nước của Phật giáo Thủ Dầu Một lại bắt nguồn từ Hòa thượng Từ Văn. Phải nói vai trò của Hòa thượng Từ Văn đối với Phật giáo Nam Kỳ lúc bấy giờ là vô cùng quan trọng, bởi ngài không chỉ là vị lãnh đạo tối cao của Phật giáo Nam Kỳ, mà còn là một vị sáng lập Hội Lục Hòa Liên Xã vào năm 1922 (tiền thân của Phật giáo cứu quốc Nam Bộ và Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng) nhân Trường Hương tại Tổ đình Giác Lâm, hiện tại Tổ đình Giác Lâm còn lưu giữ cặp liễn đối của Hội Lục Hòa Liên Xã, Hòa thượng Từ Văn, Chánh chủ kỳ một tổ chức yêu nước có sức ảnh hưởng lan tỏa khắp miền Đông Nam Bộ.

Ngài đã góp phần xây dựng và định hướng cho sự phát triển của Phật giáo Thủ Dầu Một nói riêng và miền Đông Nam Bộ nói chung, đưa sinh hoạt Phật giáo ở Thủ Dầu Một đi vào nề nếp, tổ chức.

Không chỉ chăm lo Phật sự, ngài còn là một nhà sư yêu nước với tư tưởng đạo phải gắn với đời. Ngài đã khởi xướng các phong trào yêu nước ngay trong chính hàng ngũ tăng chúng. Ngay từ năm 1922, ngài đã đứng ra thành lập Hội Lục Hòa Liên Xã – tiền thân của tổ chức Phật giáo Nam Bộ nhằm tập hợp lực lượng Tăng chúng trong cả vùng vừa cổ suý tinh thần chấn hưng Phật giáo vừa dấy khởi lòng yêu nước của chư Tăng và quần chúng. Hòa thượng đã đào tạo được nhiều thế hệ Tăng sĩ nổi danh, trong đó có Hòa thượng Từ Tâm, Hòa thượng Thiện Hương, Hòa thượng Mỹ Định... Thời gian này Thủ Dầu Một lại có thêm 13 ngôi chùa Phật giáo lần lượt ra đời ở Lái Thiêu, An Thạnh, An Sơn, Tân Phước Khánh, Phước Hòa, Bình Chuẩn, Yên Hưng.

Năm 1923, tại chùa Hội Khánh, Hòa thượng Từ Văn cùng với cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, cụ Tú Cúc Phan Đình Viện đàm đạo về tinh thần yêu nước, về lý tưởng giải phóng dân tộc rất khế hợp, tại đây hai tư tưởng lớn gặp nhau. Nhờ vào uy tín và sức ảnh hưởng của mình, Hòa thượng Từ Văn đã cùng cụ Sắc đứng ra thành lập Hội Danh dự yêu nước. Sở dĩ cụ Sắc tham gia thành lập Hội Danh dự yêu nước vì cụ nhận thấy, ý nghĩa và mục đích của Hội Danh dự yêu nước hoàn toàn không khác với mục đích của Hội Lục Hòa Liên Xã, đó là truyền bá tư tưởng yêu nước trong mọi tầng lớp nhân dân, đóng góp cho các hoạt động cứu quốc và đẩy mạnh công cuộc chấn hưng Phật giáo tại Thủ Dầu Một.

Gắn bó, tâm huyết với Phật sự giáo dục Tăng Ni, hòa thượng vẫn tiếp tục được mời chủ trì những trường hạ, những nghi lễ quan trọng khắp Nam Kỳ lục tỉnh: năm 1926, Hòa thượng làm pháp sư ở Trường Hạ chùa Hội Phước (Mỹ Tho); năm 1929 làm chứng minh tại Trường Hương chùa Long Phước.

Năm 1930, Hòa thượng cho khắc mộc bản kinh để ấn tống cho khắp cả vùng Đông và Tây Nam Bộ. Hiện nay bút tích của ngài còn lưu lại tại nhiều chùa ở thành phố Hồ Chí Minh như chùa Giác Lâm, Giác Viên, Sắc Tứ Từ Ân, Trường Thạnh...

Hòa thượng Từ Văn xả xác thân giả huyễn, an nhiên thị tịch vào lúc 11 giờ ngày 26 tháng 11 năm Tân Mùi (1931). Tăng chúng lập tháp thờ trong chùa Hội Khánh. Tinh thần nhiệt thành vì đạo, vì đời và sự uyên thâm Phật học của Hòa thượng Từ Văn đã được chư sơn thiền đức khắp vùng và tứ chúng đồng cung kính. Niềm tôn kính đã bộc lộ rõ qua bài minh của chúng đồ đệ và cặp câu đối, cả hai đều được khắc trên tháp thờ của ngài.

Năm 1932, sau khi Hòa thượng Từ Văn viên tịch, trưởng lão chùa Từ Ân cùng chư sơn thiền đức đứng ra lập Ban trụ trì chùa Hội Khánh, Hòa thượng Từ Tâm là chánh trưởng tử. Thời gian này, ngài vẫn tiếp tục các hoạt động yêu nước nên luôn bị mật thám theo dõi. Mọi Phật sự của chùa Hội Khánh ngài phải giao lại cho Hòa thượng Ấn Bửu và Hòa thượng Thiện Hương giải quyết.

Tóm lại, tinh thần yêu nước, uy tín và sức ảnh hưởng rất lớn của Hòa thượng Từ Văn đối với chính quyền Pháp và cả Phật giáo Nam Kỳ thời bấy giờ, nhất là mục đích cao cả Hội Danh dự yêu nước cũng như tinh thần yêu nước, đoàn kết, hòa hợp, tích cực tham gia vào các phong trào đấu tranh chống Pháp của người dân Thủ Dầu Một, là những nguyên nhân giữ chân cụ Sắc lại với mảnh đất Thủ Dầu Một và cư trú lâu dài tại chùa Hội Khánh từ năm 1923 đến năm 1926.

Phong trào chấn hưng Phật giáo cũng chịu sự tác động của phong trào Duy Tân. Tuy là một phong trào tôn giáo nhưng tôn giáo là một bộ phận của văn hóa dân tộc. Vận động chấn hưng đạo Phật tức là vận động chấn hưng văn hóa – một hành động yêu nước. Đó là chưa kể qua phong trào chấn hưng đạo Phật, tư tưởng yêu nước được phổ biến rộng khắp, vận động phong trào chống ngoại xâm.

3.Nét đặc thù của tổ chức Lục Hòa Liên Xã ở tỉnh Thủ Dầu Một

- Nét đặc thù của Hội Lục Hòa Liên Xã là nhân những ngày hiệp kỵ (kỵ Tổ) chư Tăng khắp các nơi lần lượt tụ về chùa thầy tổ, mang theo gạo nếp bánh trái, cùng hùn vào nấu nướng dâng lên cúng Tổ. Đây cũng là dịp để chư tôn đức lợi dụng việc giỗ kỵ tụ họp quây quần bên nhau bàn việc đạo pháp, trao đổi tin tức thời sự, nhân đó phát huy tinh thần yêu nước. Nhờ lễ kỵ tổ mà quý Hòa thượng qua mặt được mật thám luôn rập rình theo dõi và Hội Lục Hòa Liên Xã đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy. Ngày kỵ tổ thực sự là ngày hội của chư sơn môn khắp vùng khu vực Nam Bộ. Tại Thủ Dầu Một, Hội kỵ tổ vẫn còn duy trì đến tận ngày nay và trở thành nét văn hóa đặc thù của Phật giáo Bình Dương.

- Có thể nói nhờ Hội kỵ Tổ mà Hội Lục Hòa Liên Xã đã tạo được mối liên hệ mật thiết giữa chư Tăng các tông môn, hệ phái ở các chùa, tổ đình. Chính tôn chỉ, mục đích, phương pháp làm việc và sự tập hợp có tổ chức của Hội Lục Hòa Liên Xã là một môi trường hoạt động yêu nước, nhờ đó mà đẩy mạnh công cuộc chấn hưng Phật giáo ở tỉnh Thủ Dầu Một và Nam Kỳ.

- Lúc bây giờ chùa Hội Khánh là trung tâm điều hành Phật giáo của tỉnh Thủ Dầu Một, tổ chức nhiều hoạt động yêu nước thông qua các buổi thuyết pháp, giảng đạo, diễn thuyết, mở các lớp dạy chữ nho, dạy bắt mạch, hốt thuốc, kinh dịch.... tạo nên nguồn cảm hứng khiến cho cụ Nguyễn Sinh Sắc rất hoan hỷ khi đến chùa Hội Khánh và tham gia thành lập Hội Danh dự yêu nước.

Khoảng cuối năm 1923, cụ Nguyễn Sinh Sắc từ Thủ Đức đi đến nhà của Gaston và từ đây cụ đến chùa Hội Khánh để gặp người đồng chí của mình là Phan Đình Viện tức Tú Cúc (quê Hà Tĩnh, tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục bị Pháp truy lùng phải trốn vào Nam và ở chùa Hội Khánh từ năm 1922). Và từ đây cùng với Hòa Thượng Thiện Quới, Hòa Thượng Từ Văn, thầy Ký Cội... thành lập Hội Danh dự yêu nước, lấy chùa làm trụ sở. Hoạt động của hội truyền bá, phổ biến và chấn hưng đạo Phật, nhưng bên trong thực chất là tuyên truyền kích động phong trào yêu nước thông qua các buổi thuyết pháp, giảng đạo, diễn thuyết, mở các lớp dạy chữ nho, dạy bắt mạch, hốt thuốc, kinh dịch.... (Cụ đến chùa Hội Khánh sau khi ra viện ngày 9-12-1923 đã được mật thám Sài gòn nhận tin báo cáo số 879: “...Nguyễn Sinh Huy sau khi ra viện sẽ tập trung ở Thủ Dầu Một để vượt biên. Chúng xin khâm sứ Trung Kỳ một chỉ thị bắt ngay”. Do sự truy tìm khắt khe của mật thám, nên cụ ít ở một nơi cố định mà thường xuyên đi lại nhiều nơi như Thủ Dầu Một, Tân Khánh, Tương Bình Hiệp...

Cụ Sắc hội ngộ với cụ Tú Cúc và Hòa thượng Từ Văn, một nhà sư uyên thâm Phật học và có tinh thần yêu nước. Họ đã gặp nhau và cùng chung lý tưởng bảo vệ quê hương Tổ quốc. Cuộc hội ngộ này đã quy tụ được những nhà yêu nước tại địa phương như: ông Khôi, ông Nhẫn, thầy Ký Cội; giáo thọ Qưới, thầy Từ Tâm… Từ đây, Hội Danh dự yêu nước được thành lập tại chùa Hội Khánh. Cụ Sắc âm thầm xây dựng phong trào yêu nước nơi đây như cụ đã từng làm ở chợ Gạo, Vĩnh Kim, Sớm Dầu (Tiền Giang), chùa Hòa Khánh, chùa Giồng Thành và nhiều nơi khác ở Campuchia. Đặc biệt là ở chùa Hội Khánh, do ảnh hưởng uy tín của Hòa thượng Từ Văn nên các vị đã tổ chức thành lập được Hội Danh dự yêu nước thành công tốt đẹp.

Có thể nói, từ phong trào Hội Danh dự yêu nước do cụ Nguyễn Sinh Sắc và Hòa thượng Từ Văn thành lập tại chùa Hội Khánh để truyền bá tư tưởng yêu nước, chấn hưng Phật giáo thông qua các buổi thuyết giảng giáo lý, mở lớp dạy chữ Nho, dạy bốc thuốc… đã có sức lan tỏa trong giới yêu nước và đồng bào Thủ Dầu Một. Những việc làm, những cử chỉ thân thiện và sự đóng góp âm thầm, tích cực của vị thân sinh Hồ Chủ tịch. Hình ảnh cụ đồ xứ Nghệ đã để lại ấn tượng tốt đẹp và tình cảm sâu sắc cho giới Phật giáo cũng như đồng bào đất Thủ. Cụ đã xây dựng nên những tấm lòng yêu nước nồng nàn của người dân nơi đây, cụ không những là tấm gương sáng cho hậu thế, cho đất nước dân tộc, mà còn là một người rất có công trong việc tuyên truyền giáo lý nhà Phật trong phong trào chấn hưng Phật giáo lúc bấy giờ.

Chính vì vậy mà sự kiện cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tham gia thành lập Hội Danh dự yêu nước tại Thủ Dầu Một đã trở thành một điểm nhấn quan trọng trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Thủ Dầu Một. Đồng thời qua đó đã nêu bật lên quá trình đồng hành gắn bó keo sơn của Phật giáo Bình Dương trong các hoạt động yêu nước vào những năm 20 thế kỷ trước.

Hội Danh dự yêu nước là tổ chức yêu nước duy nhất mà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tham gia sáng lập với vai trò lãnh đạo và chùa Hội Khánh là ngôi Tam Bảo duy nhất mà cụ Sắc đã lưu lại với thời gian lâu nhất. Điều này đã mang lại niềm vinh dự không chỉ cho người dân Bình Dương có truyền thống yêu nước, mà còn là niềm tự hào của Phật giáo Thủ Dầu Một nói chung và chư Tăng của chùa Hội Khánh nói riêng qua nhiều thế hệ.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 23
    • Số lượt truy cập : 6131232