HÒA THƯỢNG THÍCH VẠN PHÁP (1880-1945)
Hòa thượng họ Nguyễn, pháp húy Như Chương, pháp tự Giải Nghĩa, pháp hiệu Vạn Pháp, nối pháp Thiền phái Lâm Tế đời thứ 41, thế hệ thứ 8 pháp phái Chúc Thánh. Ngài sanh vào giờ Thìn ngày 23 tháng 11 năm Canh Thìn (1880), tại thôn Thạnh Phú (Vạn Lộc xưa), xã Hòa Mỹ, huyện Tuy Hòa (nay là huyện Tây Hòa), tỉnh Phú Yên.
Ngài xuất thân trong một gia đình nho phong mộ đạo Phật, thân phụ Nguyễn Chơn Tịnh, thân mẫu Trần Thị Như Liên. Chính song thân ngài phát tâm xây chùa Khánh Long nổi tiếng một thời. Ngài là là anh ruột của Hòa thượng Vạn Ân, chùa Hương Tích, Phú Yên.
Sau khi đậu Tam trường (Tú tài Hán học), ngài có ý chí xuất trần, nên từ biệt song đường đến cầu pháp với Hòa thượng Nguyên Đạt, tổ đình Long Tường, làng Phú Thọ, xã Hòa Mỹ, huyện Tuy Hòa (nay là huyện Tây Hòa), tỉnh Phú Yên. Đây là ngôi tổ đình lâu đời nhất ở phía Tây huyện Tuy Hòa trước năm 1945.
Ngài xuất gia làm đệ tử của Hòa thượng Chơn Trí, hiệu Phước Đạt tại chùa Phú Sơn, tỉnh Phú Yên. Hòa thượng thọ Cụ túc giới vào ngày 9 tháng 4 năm Bính Ngọ (1906), tại chùa Sắc tứ Từ Quang trong tỉnh do Hòa thượng Chơn Tâm-Pháp Tạng, trụ trì chùa Phước Sơn làm Hòa thượng Đường đầu truyền giới.
Cùng thọ giới với ngài còn có các vị mà ta được biết như sau:
- Hòa thượng Như Trà-Huệ Chấn: trụ trì chùa Hưng Long, quận 10, TP. Hồ Chí Minh.
- Hòa thượng Trừng Ngoạn-Chơn Nguyên: trụ trì chùa Thiên Hòa, Huế và khai sơn chùa Thiên Hòa, Nha Trang.
Năm Giáp Dần (1914), ngài hoàn thành việc trùng tu chùa Khánh Long, ngôi chùa do thân phụ lập nên để làm nơi tu tập.
Năm 1927, ngài Vạn Pháp và ngài Vạn Ân vân du vào Nam, đến Bạc Liêu làm giáo thọ một thời gian trong Ban Giáo thọ Ni viện do Hòa thượng Khánh Anh làm đốc giáo và Hòa thượng Phi Lai - Thích Chí Thiền làm giáo thọ.
Thời gian sau, trên đường trở về Phú Yên, hai ngài đến giảng dạy tại Phật học đường chùa Tây Thiên, tỉnh Ninh Thuận.
Năm Bảo Đại thứ 10 (Ất Hợi 1935), Hòa thượng làm Pháp sư giảng Kinh tại trường hạ Chùa Sắc Tứ Long Sơn Bát Nhã - Tuy Hòa (theo câu đối Chùa Kim Quang do Hòa thượng chủ hương Từ Nhãn cung chúc). Cùng năm này, Hòa thượng là một trong những vị tôn túc tỉnh Phú Yên sáng lập Phật học đường đặt tại chùa Bửu Lâm nhằm mục đích đào tạo Tăng tài, kế thừa mạng mạch chánh pháp. Ngài được cung thỉnh làm Luật sư của trường.
Năm 1936, Ni Sư Diệu Tịnh cung thỉnh hai Hòa thượng Vạn Pháp và Vạn Ân vào giảng dạy Ni chúng chùa Hải An.
Năm Bảo Đại thứ 12 (Đinh Sửu 1937), chư sơn Phú Yên làm lễ khánh chúc ngài lên ngôi vị Pháp sư trong lễ trùng tu chùa và được sơn môn đi câu đối như sau:
Thọ ấm Bồ đề nhất chi, vĩnh chấn thiên thu mậu
Hoa khai trí huệ ngũ diệp, lưu truyền bách thế phương.
Năm 1939, hai Hòa thượng huynh đệ lại vào Nam lần thứ hai, đến chùa Vạn An, tỉnh Sa Đéc và chùa Kim Sơn tỉnh Bến Tre hoằng hóa đạo pháp giảng dạy Kinh, Luật, Luận cho tăng chúng các trường.
Năm 1941, Hòa thượng Vạn Pháp kế thừa tổ khai sơn húy Thanh Hòa, hiệu Viên Trực, phái Lâm Tế đời thứ 41, chùa Kim Quang tại thôn Thượng Phú, xã Bình Kiến, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Ngày mồng 4 tháng 4 năm 1943, ngài được sơn môn toàn tỉnh cung thỉnh làm Tổng Trị sự sơn môn Phú Yên, nhằm mục đích chỉnh lý Tăng đồ, chấn hưng đạo pháp.
Ngài viên tịch vào giờ Dần, ngày mùng 5 tháng Giêng năm Ất Dậu (1945), hưởng thọ 65 tuổi đời, với hơn 40 năm hành đạo. Tháp Hòa thượng tại chùa Kim Quang có minh bia cung tán công hạnh của ngài:
Kim tướng quang trung tàng xá lợi
Hòa đồng thượng tọa ẩn chân dung
Dịch nghĩa:
Trong ánh sáng của thân vừa chứa cất xá lợi
Hòa chung với chỗ ẩn giấu chân dung thượng tọa.
Phiên âm:
Kim Quang cổ tự, sa môn Thích Như Chương, hiệu Giải Nghĩa Vạn Pháp hòa thượng
Cung văn
Khán Phật kinh, minh Phật lý, tọa Phật thiền, đăng Phật cảnh, phần ngũ thừa nhi thanh ngũ phần, khứ lục dục nhi chứng lục thông. Ngô vị cảm tất dã. Tuy nhiên tiên quân cầm thi tinh thông. Bình bát tu trì. Ngô dĩ kế linh thung chi phước quả, diệc dữ du hòe đồng hóa mông dã. Ngô tự nhi cung thừa phụ nghiệp tự hiệu Khánh Long. Lịch dĩ hữu niên cải cấu, sự hoàn tài ư Giáp Dần niên. Ngô phụ xứ ư bản tự, tự thi công xuất lực di cải cựu cơ tai, bồi pháp khí, mỗi mỗi hoàn long. Tư nhân quật chỉ niên ngoại thất tuần, bản tâm phát nguyện kiến tạo bảo tháp dĩ tàng xá lợi thứ biểu tương truyền ư đại đại.
Hữu kệ vân
Sơn cư nha ốc lưỡng tam gian
Lạc đạo vong tình tự yểm quan
Thước cáp nha minh đàm Bát Nhã
Thanh vân minh nguyệt bạn tăng nhàn
Thiên vận Ất Dậu niên.
Dịch nghĩa:
Chùa cổ Kim Quang, sa môn Thích Như Chương, hiệu Giải Nghĩa, Vạn Pháp hòa thượng
Cung kính nghe rằng,
Xem kinh Phật, rõ giáo lý Phật, ngồi nơi chùa Phật, lên cảnh Phật, đốt năm loại hương mà thấy rõ năm phần pháp thân, lánh xa sáu điều ham muốn mà chứng ngộ được sáu phép thần thông. Ta đâu dám cho rằng mình đã đạt được hết. Tuy nhiên, vị sư phụ trước tinh thông đàn thơ, bình bát chuyên lo tu niệm. Ta thừa kế quả phước của bậc rường cột, cũng giống như đang đi tìm cây hòe mà gặp được cây mông vậy. Ta nối dõi mà thừa hưởng sự nghiệp cha để lại một ngôi chùa hiệu Khánh Long. Trải qua một thời gian xây dựng, công việc vừa mới hoàn thành vào năm Giáp Dần. Ta quê quán gần kề chùa gốc, tự mình bỏ công ra sức dời cải ngôi chùa cũ, tu bổ pháp khí, mỗi thứ đều được mới mẻ đầy đủ.
Nay nhân bấm đốt tay thấy mình tuổi đã ngoài 70, tự nơi lòng phát nguyện xây nên ngôi bảo tháp dùng để cất giấu xá lợi, ngõ hầu truyền lại đời đời.
Có bài kệ rằng:
Ở núi, nhà tranh hai ba gian
Vui đạo quên tình lánh thế nhân
Cùng với chim khách, chim câu, chim quạ đàm luận kinh Bát Nhã
Mây xanh trăng sáng làm bạn với thiền sư nhàn nhã.
- Theo phái quy y thế độ của HT.Huệ Thẳng và phổ hệ chùa Khánh Sơn, Phú Yên sự truyền thừa từ tổ sư Minh Hải đến ngài Như Chương như sau:
- Đời 34: Minh Hải Đắc Trí Pháp Bảo: Chùa Chúc Thánh, Quảng Nam.
- Đời 35: Thiệt Dinh Chánh Hiển Ân Triêm: Chùa Phước Lâm, Quảng Nam.
- Đời 36: Pháp Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm: Chùa Từ Quang, Phú Yên.
- Đời 37: Toàn Đức Vi Cần Thiệu Long: Chùa Khánh Sơn, Phú Yên.
- Đời 38: Chương Thiện Tôn Hưng Quảng Hưng: Chùa Khánh Sơn, Phú Yên.
- Đời 39: Ấn Hậu Tổ Thị Viên Sơn: Chùa Khánh Sơn, Phú Yên.
- Đời 40: Chơn Trí Đạo Trưởng Phước Đạt: Chùa Phú Sơn, Phú Yên.
- Đời 41: Như Chương Giải Nghĩa Vạn Pháp: Chùa Kim Quang, Phú Yên.
Chùa Phú Sơn giờ không còn, không biết thuộc địa phương nào tại tỉnh Phú Yên.
- Tiểu sử do Đạo hữu Võ Văn Bình- Phú Yên cung cấp.
- Đối chiếu bổ sung tư liệu của Tỳ kheo Thích Như Tịnh.
- Tỳ kheo Đồng Bổn biên tập lại.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết