Thông tin

HÒA THƯỢNG THÍCH VIÊN THÀNH (1950–2002):

VỊ TRÙNG HƯNG TỔ ĐẠO

 

Tỳ khưu THÍCH GIÁC DŨNG

 

Cổ đức dạy : “Đạo do con người mà được phát triển”[1]. Trong Phật giáo, người xuất gia đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ mối đạo. Vì vậy, tăng bảo được xem là những vị tôn kính trong quần chúng: Chúng trung tôn. Phật pháp có được tồn tại và phát triển hay không đều tùy thuộc vào khả năng và sự hoạt động của Chư tăng. Về mặt thể tánh thì đạo không sinh không diệt nhưng về mặt hình tướng thì đạo không thoát khỏi vòng thịnh suy. Thời nào và bất cứ địa phương nào có những bậc cao tăng thạc đức thị hiện, dấn thân phụng sự đạo pháp thì Phật pháp hưng thịnh, nhân dân an lạc. Ngược lại, thời nào và địa phương nào không có những bậc chân tu thực học xuất thế thì đạo pháp suy vi, nhân tâm bất ổn. Hòa thượng Thích Viên Thành là một trong những vị cao tăng của thế kỷ 20, góp phần rất lớn trong việc phục hưng danh thắng chùa Hương và đặc biệt đã làm sống lại truyền thống Kim cương thừa tại danh lam chùa Thầy nói riêng, Phật giáo Việt Nam nói chung.

Trước khi nhắc đến công hạnh của Hòa thượng Thích Viên Thành, thiết nghĩ cần nói đến một vùng địa linh nhân kiệt: Đất thiêng sinh hào kiệt. Hương Sơn là cảnh Phật nơi Phật Việt Nam thác tích tu hành, đắc đạo, cứu độ dân Nam. Cảnh Phật linh thiêng cộng thêm sơn thủy hữu tình, Hương Sơn là địa chỉ hành hương tâm linh của hàng triệu người con Phật mỗi năm. Vùng đất linh thiêng này đã sản sinh ra không biết bao nhiêu bậc cao tăng thạc đức - những vị đã hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp phụng sự đạo pháp và dân tộc. Hãy đọc lại Thiền phả của Hương Sơn trong 100 năm gần đây. Đầu thế kỷ 20 có đại sư Thích Thanh Quyết - Tổ sư đời thứ 8 của Hương Sơn, tham gia phong trào khởi nghĩa Yên Thế, tham mưu cho nhà ái quốc Hoàng Hoa Thám chống thực dân Pháp. Khi phong trào khởi nghĩa thất bại, bị thực dân bắt, bị đánh đập, tra tấn nhưng đại sư vẫn giữ vững lòng trung thành với dân tộc, được đương thời xưng tụng là “Tăng trung hào kiệt”. Tổ sư đời thứ 9 của Hương Sơn có đại sư Thích Thanh Tích (1881 - 1964) - một bậc kỳ túc trong rừng Thiền, đã tham gia tích cực trong việc xây dựng chùa Quán Sứ nói riêng và phong trào chấn hưng Phật giáo miền Bắc nói chung. Có thể nói, ngài là một bậc “Tùng lâm thạch trụ”. Trong số các đệ tử của đại sư Thanh Tích, chúng ta không thể không kể đến đại sư Thích Tố Liên (1903 - 1977) mà tên tuổi của ngài gắn liền với phong trào chấn hưng Phật giáo miền Bắc vào những năm 40 của thế kỷ 20. Ngài là một bậc tài đức vẹn toàn nhưng cuộc đời của ngài phải chịu chìm nổi cùng với những thăng trầm của đạo pháp và dân tộc. Nhưng ở bất cứ hoàn cảnh nào, giai đoạn nào, ngài vẫn luôn giữ vững chánh tín của người đệ tử Phật, giữ vững tiết tháo của chánh nhân quân tử, thật xứng đáng với danh xưng “Hào khí lăng vân”. Tổ sư đời thứ 10 của Hương Sơn là đại sư Thích Thanh Chân (1905 -1989), người nhận lãnh vai trò trụ trì khi Hương Sơn chỉ còn là một đống gạch vụn hoang tàn, đổ nát (chùa bị giặc Pháp bỏ bom phá hoại liên tục trong ba năm: 1947, 1948 và 1950); thêm vào đó là ít sự quan tâm của chính quyền địa phương lúc bấy giờ. Nhưng với tấm lòng đôn hậu, hiền lành, nụ cười từ ái khoan dung, Ngài đã ẩn nhẫn chịu đựng mọi gian khổ, giữ gìn mạng mạch để cho đèn Thiền mãi sáng. Ngài là bậc “Từ ái đôn hậu”. Nay nói đến Tổ sư đời thứ 11 của Hương Sơn: Hòa thượng Thích Viên Thành (1950-2002), vị “Trùng hưng Tổ đạo”.

Hòa thượng Thích Viên Thành xuất gia vào giai đoạn khó khăn nhất, có thể nói là pháp nạn của Phật giáo miền Bắc. Thời kỳ đó, người xuất gia như Ngài phải chịu đựng không biết bao nhiêu gian nan, nghịch cảnh. Noi gương nhẫn nhục của thầy mình - đại sư Thích Thanh Chân, Hòa thượng đã ẩn nhẫn, chịu đựng bao khó khăn, thử thách để hành đạo lúc bấy giờ. Công đức lớn lao nhất mà Ngài đã đóng góp cho chốn Tổ là việc thành lập Ban Xây dựng chùa Hương. Năm 1989, Ngài kế thừa y bát của thầy tổ, làm trụ trì đời thứ 11 của Hương Sơn. Ngay năm này, Ngài thành lập Ban Xây dựng chùa Hương và nắm phần quyết định từ tài chánh cho đến thiết kế, thi công. Đây là một việc làm hết sức khó khăn vào giai đoạn bấy giờ khi Phật giáo chưa được nhìn nhận một cách đầy đủ. Còn một việc khó khăn và đáng ghi nhớ hơn mà Hòa thượng Thích Viên Thành đã làm. Đó là trùng hưng Mật tông tại Việt Nam.

Mật tông là một trong những tông phái của Phật giáo Đại thừa, mục đích là thể nghiệm cảnh giới chứng ngộ của đức Phật bằng chân ngôn, mật chú; và thông qua chân ngôn, mật chú làm những việc lợi ích hiện thế. Phật giáo Việt Nam ngày xưa truyền thừa ba tông phái: Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông. Nhưng theo thời gian, Mật tông bị mai một, không còn được truyền thừa. Năm 1984, Hòa thượng Thích Viên Thành về đảm nhận chùa Thầy, một ngôi chùa gắn liền với tên tuổi và những hành trạng thần kỳ của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, hành giả của Mật tông. Chính nơi đây, Hòa thượng Thích Viên Thành đã ấp ủ hoài bão trùng hưng Tổ đạo, phát triển Mật tông. Do đó, năm 1992, Ngài đã vân du sang vương quốc Bhutan - một trong những đất nước vẫn truyền thừa một cách liên tục Mật tông, và Ngài đã được thọ pháp quán đảnh từ bậc Kim Cương thượng sư của truyền thừa Drukpa là đức Giáo chủ Je Khenpo. Từ đó, Ngài dấn thân không biết mệt mỏi trên con đường hoằng dương Mật tạng. Song song với việc hành trì giới luật một cách nghiêm mật, Ngài đã thực hiện các nghi quỹ Mật tông, đem lại lợi ích, an lạc cho rất nhiều người. Phật giáo Mật tông nhờ vào công lao của Ngài mà được hồi sinh, phát triển trên đất Việt.

 Vùng địa linh như Hương Sơn đã sản sinh ra những bậc cao tăng như Hòa thượng Thích Viên Thành, và rồi bằng vào tâm Bồ đề của mình, Ngài đã thắp sáng đèn Thiền cả hai chốn Tổ lớn, danh tiếng của xứ Đoài là chùa Hương và chùa Thầy. Đặc biệt, với công hạnh cao cả của bồ tát, Ngài đã làm sống dậy truyền thừa Mật tông tại Việt Nam, đem lại lợi ích, an lạc cho nhiều người. Ngài đã để lại dấu ấn vàng son trong trang sử Phật thời cận đại và Phật tử Việt Nam không thể nào quên bi nguyện hoằng pháp độ sinh của Ngài.

Chùa Núi Một, Côn Đảo, ngày 13 tháng 2 năm 2012
Tỳ khưu Thích Giác Dũng



[1] Hoằng Minh Tập, Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh, tập 52, số 2102, tr.1a24.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 8
    • Số lượt truy cập : 6115582