HÒA THƯỢNG THÍCH VIÊN THÀNH
VỚI ĐẠI NGUYỆN PHÁP THÍ NHÂN GIAN
Thượng tọa THÍCH ĐỒNG BỔN*
Với tôi, cụ Viên Thành là người pháp lữ vong niên, gặp nhau trên con đường chí hướng, để rồi đồng hành làm sự nghiệp pháp thí, tâm nguyện phổ biến kinh sách chữ Việt trên khắp 3 miền đất nước quê hương.
Thầy là một vị chân sư trên hành trình tìm kiếm con đường tu tập đạo giải thoát qua pháp môn Chân Ngôn tông. Cũng tại chốn tổ chùa Thầy này, tôi được nghe Thầy say sưa kể về chuyện đi tìm học đạo với các vị Chủ pháp Latma ở Butan, và khuyên nhủ tôi thử tìm hiểu về pháp môn này, nếu muốn thì Thầy sẽ giúp tôi tìm đến các bậc chân sư ấy. Chúng tôi đi rảo bước quanh chùa, nhìn về phía hang Cắc Cớ như là mơ về thế giới quyền năng của tổ sư Từ Đạo Hạnh ngày xưa. Sự rung động thuở nào ấy tại chốn tổ này, đã truyền cảm hứng cho tôi tiếp bước Thầy, đi vân du nhiều xứ sở tìm về những cội nguồn Kim cương thừa ấy, để nghiên cứu về triết học và tìm hiểu về quyền năng tông phái này.
Rồi từng lúc, Thầy và tôi đồng tâm nguyện, cùng vài pháp lữ khác, người biên dịch, kẻ in ấn; người lưu truyền phương Bắc, kẻ phân bố trời Nam, cứ thế chúng tôi đã miệt mài từng đợt từng đợt, xin phép được đến đâu, góp tiền được đến đâu, thì ấn hành và mang đến các vùng miền thiếu thốn, đem lại niềm vui có được pháp bảo cho mọi người. Bước khởi đầu ấy từ cụ Viên Thành và tôi ở giai đoạn đầu còn sơ khai vì thời kỳ đất nước còn khó khăn. Chúng tôi khi ấy, kẻ gia công người lo tài chính, góp phần làm động lực cho thế hệ kế thừa có điều kiện phát triển hoằng bá hạnh nguyện pháp thí rộng rải hơn, đầy đủ hơn sau này.
Nhìn lại sự nghiệp hoằng truyền pháp thí ngày nay, dấu ấn của cụ Viên Thành vẫn in đậm trong tôi và các pháp lữ như lúc ban đầu. Nhớ lại thời kỳ sơ khai ấy, chí hướng chúng tôi gặp nhau khi phát tâm nguyện về hạnh pháp thí này. Khi ấy, khoảng năm 1990, bắt nguồn từ tâm nguyện của 4 vị: Thứ nhất là cố Hòa thượng Thích Chân Thường ở chùa Quan Âm nước Pháp, ngài muốn giúp kinh sách tiếng Việt truyền bá cho quê hương; Thứ hai là cụ Thích Viên Thành, là người đóng góp tài chính và lựa chọn kinh sách cấn thiết ở Việt Nam; Vị thứ 3 là Thượng tọa Thích Thanh Giác, người có công đức liên hệ với cố Hòa thượng Thích Chân Thường và phân bố cho khắp miền Bắc, miền Trung và thứ 4 là tôi, phụ trách xin phép và in ấn thành phẩm, vận chuyển ra đất Bắc.
Điểm lại suốt quá trình làm việc ấn tống của chúng tôi cho tới khi cụ Viện Thành về cõi Phật, chúng tôi đã làm được như sau :
1. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa trên 10.000 quyển
2. Chư Kinh Nhật Tụng trên 20.000 quyển
3. Kinh Địa Tạng trên 10.000 quyển
4. Bộ Mật Tông 5.000 bộ
5. Nghi thức trì Lục Độ Ta Ra trên 25.000 quyển
6. Đại Bi Sám Pháp trên 10.000 quyển
7. Sự Lý Lễ Tụng trên 10.000 quyển
8. Kinh Kim Cương Bát Nhã trên 10.000 quyển
9. Phật học Tinh Yếu trên 5.000 bộ
10. Kinh Thủ Lăng Nghiêm 5.000 quyển
11. Sơ Đẳng Phật học Giáo Khoa 5.000 quyển
12. Long Thư Tịnh Độ trên 10.000 quyển
Trong việc phổ biến Luật học, cụ Viên Thành rất tâm đắc với Tạng luật để làm giềng mối đạo đức cho người tu hành giải thoát, vì thế nên mỗi khi có nhân duyên in ấn sách luật nào, cụ Viên Thành đều bảo tôi phải cho cụ hay để cùng chung tay góp phần. Một lần đi công tác khi bị tắt đường, chúng tôi gặp nhau và cùng ngồi trên bờ đê đoạn qua cầu Phú Lương ở Hải Dương, sau câu chuyện thăm hỏi, tôi được cụ tâm sự và gửi gắm: “Làm ráng làm thêm sách luật cho miền Bắc quê mình nhé! Họ còn đang thiếu thốn rất nhiều, tăng ni không am tường luật học và như thế hành trì sai sót sẽ tội nghiệp cho họ”. Thế là không thiếu lần nào in sách luật mà không có dấu ấn của cụ cúng dàng tài chính để thêm phần lợi lạc cho miền Bắc.
Những sách Luật mà cụ Viên Thành và tôi cùng làm cúng dàng cho tăng ni như sau :
1. Yết Ma Chỉ Nam 4.000 bộ 2 quyển
2. Tứ Phận giới bổn Như Thích 2.000 bộ
3 Kinh Phạm Võng 5.000 quyển
4. Sa Di Luật giải 4.000 bộ
5. Tỳ Ni hương nhũ 2.000 quyển
Còn rất nhiều quyển kinh chú khác mà bản thân tôi thực hiện cho cụ cũng không sao nhớ hết được. Nghĩ đến một con người trọn đời hi sinh tất cả vì thành tựu đạo pháp, tôi xin có đôi lời tán thán như sau :
Pháp thí nhân gian đại nguyện
Viên Thành bổ xứ thiện duyên
Nhiếp hóa quần sinh bất quyện
Sài Sơn ẩn mật lưu truyền.
Tục diệm tòng lâm Hương Tích
Truyền đăng độ chúng Hà Tây
Phạm Vũ bồi công tú lệ
Già Lam tích đức Tăng tài.
Thập tải Sa môn vô trụ
Lưu danh tứ chúng tầm nguyên
Hội lễ niên niên kỷ niệm
Tôn sư ấn tích cổ huyền.
Tạm dịch:
Nhân gian pháp thí trọn đời
Viên Thành đại nguyện chờ người hóa duyên
Xứ Đoài nghiệp Tổ nối truyền
Quần sinh chuyển hóa bao phen Mật dồ.
Nối đèn Hương Tích tòng lâm
Tiếp người học Phật ấn tâm non Sài
Trùng tu chùa cổ rạng ngời
Già Lam nghiêm trác nhớ Người biết bao!
Mười năm vắng bóng Thầy xưa
Nhưng danh Thầy mãi in chưa phai mờ
Hằng năm lễ hội khai cờ
Ngước trông thoảng bóng Thầy về đâu đây…
Nay nhân dịp giỗ hội chùa Thầy và hội thảo kỷ niệm về sự nghiệp Hòa thượng Thích Viên Thành. Tôi xin có đôi dòng ghi lại kỷ niệm của mình với cụ Viên Thành khi còn sinh tiền, và xin thắp nén hương tưởng niệm người anh cả của đại nguyện pháp thí nhân gian. Tôi và những pháp lữ còn lại, vẫn tiếp bước của Thầy trên con đường đại nguyện pháp thí ấy, hình thành và hoạt động lâu nay dưới tên gọi là “Quỹ ấn tống Hoa Sen”, công việc theo tâm nguyện của Thầy hoài bão ngày xưa, là chuyển tải kinh sách ấn tống khắp mọi nơi có nhu cầu, để phục vụ người học Phật và lợi lạc nhân sinh.
Thành kính tưởng niệm.
Nam mô Ma Ha Sa môn Thích Viên Thành tác chứng.
Ngày 10 tháng 03 năm 2012
* Quyền trụ trì chùa Phật Học Xá Lợi; Trưởng ban Phật giáo Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.
Bình luận bài viết