HÒA THƯỢNG THÍCH VIÊN THÀNH
NGƯỜI ĐẶT NỀN MÓNG CHO SỰ THÀNH LẬP
VÀ PHÁT TRIỂN CỦA TỈNH HỘI PHẬT GIÁO PHÚ THỌ
(1998 - 2012)
Đại đức THÍCH MINH THUẬN*
Kính bạch chư tôn Thiền đức
Kính thưa các quý vị đại biều khách quý
Kính thưa ban Tổ chức Hội thảo
Được Ban Tổ chức Hội thảo giới thiệu, chúng tôi xin trình bày tham luận: “Hòa thượng Thích Viên Thành - Người đặt nền móng cho sự thành lập và phát triển của Tỉnh hội Phật giáo Phú Thọ (1998 - 2012)”. Tham luận gồm các nội dung chính như sau:
I. Tình hình tổ chức Hội Phật giáo tỉnh Phú Thọ trước năm 1997.
II. Sự chỉ đạo trực tiếp của cố Hòa thượng Thích Viên Thành về việc thành lập Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Phú Thọ và ý tưởng xây dựng tổ chức hội Phật giáo theo mô hình 4 cấp ở địa phương, bao gồm “tứ chúng đồng tu”.
III. Một số thành quả nổi bật về công tác Phật sự của Tỉnh hội Phật giáo Phú Thọ qua các nhiệm kỳ (1998 – 2012).
I. TÌNH HÌNH TỔ CHỨC HỘI PHẬT GIÁO TỈNH PHÚ THỌ TRƯỚC NĂM 1997
1. Về tổ chức
Từ năm 1983 - 1997, tổ chức Hội Phật giáo tỉnh có 02 tổ chức hội Phật giáo tự nguyện.
* Tổ chức Hội chư già ở các chùa: Chủ yếu là nữ giới từ 60 tuổi trở lên, sinh hoạt theo mô hình như các đoàn thể, có Ban Chấp hành hội Phật giáo cấp xã, Ban Chấp hành chi hội ở thôn (xóm) và phân chi hội ở khu vực.
* Hội Phật giáo Miền Đông và Hội Phật giáo Miền Tây do một số cá nhân đứng ra thành lập.
- Hội Phật giáo Miền Đông gồm huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Yên và Yên Lạc;
- Hội Phật giáo Miền Tây gồm huyện Phong Châu, thị xã Phú Thọ, thành phố Việt Trì.
Thành phần tham gia vào hai tổ chức trên, ngoài chư già còn có một số Cư sĩ và Phật tử trẻ tuổi.
* Các tổ chức khác:
Ngoài hai tổ chức Phật giáo trên, còn có một số tổ chức tôn giáo sinh hoạt và truyền đạo trái phép như:
- Đoàn 18 Phú Thọ;
- Đạo Quang Minh;
- Đạo Long Hoa Di Lặc;
- Đạo Chân Không;
- Nhóm Phúc Âm Ngũ Tuần của Hội thánh Tin Lành.
Sự sinh hoạt và truyền đạo trái phép của các tổ chức trên đã phần nào ảnh hưởng đến tư tưởng và chi phối niềm tin đối với tín đồ Phật tử trong tỉnh.
2. Đặc điểm nổi bật
- Số người mộ đạo khá đông, thành phần đại bộ phận là nữ tuổi từ 60 trở lên, phần lớn đi lễ Phật theo truyền thống, lớp trước truyền cho lớp sau.
- Số sư trụ trì chỉ có 9 vị sư Ni tuổi từ 60 tuổi trở lên.
- Do thiếu người truyền giáo, thiếu kinh sách nên trình độ giáo lý của Phật tử rất thấp.
3. Chỉ đạo của Trung ương Giáo hội
Trước tình hình đó, cố Hòa thượng Thích Thanh Tứ đã về trực tiếp giáo hóa cho giới Cư sỹ, Phật tử tại huyện Phong Châu vào ngày 05/11/1992 với 03 nội dung:
- Giới thiệu giáo lý cơ bản của Đạo phật.
- Giới thiệu nội dung Hiến chương của Giáo hội.
- Mô hình tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ trung ương đến cơ sở.
Ngày 09/01/1993, Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Vĩnh Phú lần thứ I, nhiệm kỳ 1993 – 1997 chính thức diễn ra tại Hội trường Công đoàn tỉnh Vĩnh Phú đã thành công tốt đẹp. Đại hội đã suy cử 17 vị vào Ban Đại diện do sư thầy Thích Đàm Thái làm Trưởng ban. Đại hội này là một mốc son lịch sử của tổ chức hội Phật giáo tỉnh, là kết quả của việc tập hợp hai hình thức tổ chức tự nguyện, tự phát thành một tổ chức thống nhất là Hội Phật giáo, được Mặt trận tổ quốc tiếp nhận là thành viên của mặt trận, chính quyền công nhận tổ chức tôn giáo hợp pháp.
Từ khi thành lập được Ban đại diện, Phật giáo tỉnh đã hoạt động có sự đoàn kết và thống nhất cao hơn trước, chỉ đạo và hướng dẫn các tín đồ Phật tử trong toàn tỉnh tinh tiến tu học, thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của nhà Nước về tôn giáo cũng như các Thông tư, hướng dẫn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
II. SỰ CHỈ ĐẠO TRỰC TIẾP CỦA CỐ HT THÍCH VIÊN THÀNH VỀ VIỆC THÀNH LẬP BAN TRỊ SỰ VÀ Ý TƯỞNG XÂY DỰNG TỔ CHỨC HỘI PHẬT GIÁO THEO MÔ HÌNH BỐN CẤP Ở ĐỊA PHƯƠNG BAO GỒM “TỨ CHÚNG ĐỒNG TU”.
1. Nhân duyên Phật pháp và quá trình chuẩn bị cho việc thành lập Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Phú Thọ.
Cố Hòa thượng Thích Viên Thành vốn đã có nhân duyên với nhân dân, Phật tử vùng đất Tổ vua Hùng từ năm 1990. Năm 1993 sau chuyến công du sam học Mật pháp tại Buttan và một số nước khác trở về. Ý thức được trách nhiệm cao cả của một vị Tăng sĩ Phật giáo Đại thừa và phát huy truyền thống quý báu của chốn Tổ đình Hương Tích, Tổ đình chùa Thầy.
Nhận lời thỉnh mời của MTTQ tỉnh Vĩnh Phú, ngày 14/5/1995 cố Hòa thượng Thích Viên Thành lúc đó đang là Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Hà Tây, trụ trì chốn Tổ đình Hương Tích, xã Hương Sơn huyện Mỹ Đức và Tổ đình chùa Thầy, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (cũ) đã về làm việc với lãnh đạo Đảng, chính Quyền, MTTQ huyện Phong Châu. Ngài đã nghe MTTQ huyện báo cáo về tình hình tổ chức của Phật giáo huyện. Sau đó, được sự chấp thuận của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phú, Ngài đã cố vấn cho Ban Đại diện Phật giáo tỉnh mở Hội nghị tập huấn hướng dẫn về Nghi lễ Phật đản tại chùa Am Đường, xã Hy Cương, huyện Phong Châu vào ngày 15/05/1996. Hội nghị đã triệu tập 124 Phật tử tiêu biểu của các huyện Tam Thanh, Sông Thao, Yên Lập, thị xã Phú Thọ và TP. Việt Trì về tham dự.
Là một vị Tăng sĩ có phúc báo lớn, được trụ trì hai chốn Tổ đình lớn và linh thiêng nhất miền Bắc là chùa Hương, nơi ứng thế tu hành của Bồ tát Quan Thế Âm. Và chùa Thầy, nơi hạ thủ công phu tu hành đắc Mật pháp của đức Thánh tổ Từ Đạo Hạnh, công việc Phật sự tại hai chốn Tổ trên rất nhiều vì đang trong quá trình trùng tu tôn tạo. Hơn nữa, lại đang là Ủy viên Thường trực HĐTSTWGHPGVN, Phó Ban Giáo dục Tăng Ni TW, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Hà Tây (cũ), công việc Phật sự rất đa đoan. Nhưng Hòa thượng Thích Viên Thành đã liễu ngộ được hạnh nguyện lợi tha, từ bi cứu khổ của đức Quán Thế Âm Bồ Tát và đức Thánh tổ Từ Đạo Hạnh. Nên ngày đêm tinh cần tu học, chăm lo chu đáo hai chốn tổ đình và công việc của Tỉnh hội, của Giáo hội giao phó. Đồng thời, luôn đau đáu lo lắng cho tiền đồ Phật pháp tại những tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa. Đặc biệt là hướng về vùng đất Tổ vua Hùng, cái nôi của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, cũng là vùng mà Phật giáo từ Ấn Độ được truyền vào rất sớm.
Trong khoảng thời gian từ năm 1995 - 1998, Ngài đã khuyến tiến các đệ tử công đức hàng chục pho tượng bạch y Quán Thế Âm Bồ Tát lớn về các xã quanh khu vực đền Hùng. Thành lập nhiều tổ Đạo tràng chuyên hành trì pháp môn Mật tông như: tổ Đạo Nguyên, tổ Tịnh Đức, thành phố Việt Trì; tổ Pháp Quang, huyện Lâm Thao. Với sự chuyên cần, lòng thành kính của các Phật tử và sự gia trì của Bồ Tát Quán Thế Âm, sau một thời gian Phật giáo vùng đất Tổ đã có sự phát triển đáng khích lệ.
Đồng thời, cũng trong khoẳng thời gian này, HT Thích Viên Thành đã phối hợp với MTTQ và Hội chữ Thập đỏ tỉnh Vĩnh Phú và Phú Thọ (sau khi tách tỉnh) tổ chức làm nhiều đợt từ thiện cho các hộ gia đình nghèo, các đối tượng chính sách tại các huyện Yên Lập, Cẩm Khê, Thanh Ba, Hạ Hòa ... Trợ duyên cho nhân dân Phật tử vùng đất Tổ xây dựng và trùng tu tôn tạo lại nhiều ngôi chùa, tiêu biểu như:
- Chùa Tràng Đông, phường Thanh Miếu, thành phố Việt Trì;
- Chùa Tây Long, xã Tây Cốc, huyện Đoan Hùng;
- Chùa Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao;
- Chùa Phúc Long, phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì;
- Chùa Bảo Ngạn, xã Sông Lô, thành phố Việt Trì;
- Chùa Đại Bi, phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì.
Thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX, ngày 01/01/1997, tỉnh Vĩnh Phú chia tách thành 02 tỉnh là Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Trước tình hình đó, Hòa thượng đã khẩn trương bàn thảo với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ để thành lập Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Phú Thọ, nhằm giúp cho Phật giáo tỉnh Phú Thọ hoạt động tốt hơn, đóng góp nhiều hơn nữa cho đạo pháp và dân tộc.
Cảm phục tài đức và uy tín của Hòa thượng, ngày 04/06/1998 UBND tỉnh Phú Thọ đã có văn bản số 1180/HC về việc chấp thuận Ban trù bị Đại hội Phật giáo tỉnh Phú Thọ lần thứ I, nhiệm kỳ 1998 - 2003 gồm 07 thành viên do Hòa thượng làm Trưởng ban.
Ngày 20/06/1998, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn số 39/HĐTS về việc chấp thuận công văn số 784/HC ngày 28/04/1998 của UBND tỉnh Phú Thọ về việc thỉnh Hòa thượng về làm cố vấn cho Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Phú Thọ.
Trong 2 ngày 27, 28/06/1998, Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Phú Thọ lần thứ I, nhiệm kỳ 1998 - 2003 đã chính thức diễn ra tại Trung tâm Hội nghị tỉnh. Về phía Giáo hội, Đại hội đã vinh dự được cung đón HT Thích Thanh Tứ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng chư tôn Hòa thượng, Thượng toa, Đại đức tăng ni các tỉnh, thành lân cận và Văn phòng I Trung ương Giáo hội. Đồng thời, có 150 Phật tử tiêu biểu đại diện cho hơn 35.000.000 Phật tử trong toàn tỉnh đã về tham dự.
Về phía lãnh đạo Đảng và chính quyền, MTTQ tỉnh Phú Thọ có:
- Ông Nguyễn Hữu Điền, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy;
- Ông Trần Ngọc Tăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Ông Đặng Trần Luật, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh;
Cùng Đại biểu các Ban ngành, đoàn thể tỉnh Phú Thọ.
Tại Đại hội, Hòa thượng Thích Viên Thành đã được suy cử làm Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Phú Thọ nhiệm kỳ 1998 - 2003.
2. Sự chỉ đạo trực tiếp của cố Hòa Thượng đối với sự hoạt động và phát triển của Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Phú Thọ.
Việc tỉnh Phú Thọ thành lập được Ban Trị sự Phật giáo chỉ một thời gian ngắn sau khi tách tỉnh, có thể nói đây là một sự kiện đặc biệt, một nhân duyên thù thắng, một sự cố gắng rất lớn của cố Hòa thượng Thích Viên Thành. Đồng thời, là kinh nghiệm quý báu cho các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa nhân sự ít mà muốn thành lập Ban Trị sự Phật giáo.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cố Hòa Thượng, Tỉnh hội Phật giáo Phú Thọ bước sang một trang sử mới, phong trào tu học trong toàn tỉnh phát triển mạnh mẽ. Các cấp ủy Đảng - Chính quyền - MTTQ tỉnh Phú Thọ đã có sự nhận thức rõ hơn về Đạo Phật. Thật đúng là:
Hương Sơn truyền tâm ấn
Quốc Tổ thừa pháp âm
Về tổ chức hành chính, Ban Trị sự hoạt động theo 04 cấp như sau:
- Cấp tỉnh có Ban Trị sự.
- Cấp huyện, thành phố có Ban Đại diện.
- Cấp xã, phường, thị trấn có Đại diện.
- Thôn, xóm, khu phố có Chi hội Phật giáo và chùa không có sư trụ trì có Ban Hộ tự.
Hội viên Phật giáo gồm “Tứ chúng đồng tu” (Tăng, Ni, Cư sỹ, Phật tử).
Mô hình này phát triển hầu hết ở các cơ sở trong toàn tỉnh. Sau ba kỳ Đại hội từ năm 1998 – 2012, mô hình trên vẫn được duy trì, kiện toàn và ngày càng khẳng định được tính ưu việt tiên phong của nó.
Trong bài Tham luận kỷ niệm 20 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cố Hòa thượng Thích Viên Thành đã viết: “…Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần giúp đỡ Tăng Ni - Phật tử ở các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa còn gặp khó khăn thiếu thốn cả về vật chất cũng như tài liệu kinh điển, đào tạo khẩn trương và phân bổ giảng sư cho một số trường Phật học ... Hoàn thiện về tổ chức hành chính cho Phật giáo cấp quận, huyện và dưới huyện điển hình như Phật giáo tỉnh Phú Thọ, mặc dù chỉ có vẻn vẹn 09 vị sư ni nhưng cũng thành lập được Ban Trị sự và hoạt động tương đối sôi nổi. Ở đây đã thành lập được Ban liên lạc Phật giáo xuống các xã, lấy các Phật tử làm đơn vị cơ sở…”[1].
Đối với Đạo Phật vạn sự, vạn vật được hình thành và phát triển theo lý duyên khởi, còn duyên thì tụ, hết duyên thì tán. Do đó, sự đến và đi của cố HT Thích Viên Thành cũng không ra ngoài quy luật ấy. Vì vậy, vào hồi 18h15 ngày 20/4/âm lịch năm 2002, Ngài đã thuận theo lý nhân duyên thu thần thị tịch, để lại nỗi tiếc thương vô hạn đối với Tăng ni, Phật tử cả nước.
Tuy thời gian cố Hòa Thượng đảm đương cương vị Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Phú Thọ không dài, chưa đầy 01 nhiệm kỳ (1998 - 2003). Nhưng những gì Ngài đã làm, đã hoạch định thực sự là những bài học, những kinh nghiệm vô cùng quý báu, là kim chỉ nam đối với Tăng Ni - Phật tử tỉnh Phú Thọ và một số tỉnh thành bạn.
III. MỘT SỐ THÀNH TỰU NỔI BẬT VỀ CÔNG TÁC PHẬT SỰ CỦA TỈNH HỘI PHẬT GIÁO PHÚ THỌ TRONG BA NHIỆM KỲ QUA
1. Về công tác tổ chức
- Năm 1998, toàn tỉnh có 62/270 xã, phường, thị trấn có Đại diện Phật giáo; 3/12 huyện, thành thị có Ban Đại diện Phật giáo. Tập hợp được 35 nghìn hội viên Phật tử tham gia sinh hoạt chính thức (Được cấp giấy chứng nhận).
- Đến năm 2012 toàn tỉnh có 185/276 xã, phường, thị trấn có Đại diện Phật giáo; 12/13 huyện, thành thị có Ban Đại diện Phật giáo. Tập hợp được hơn 60 ngàn hội viên Phật tử tham gia sinh hoạt chính thức.
- Đến năm 2012 đã thành lập được 08 tiểu ban hoạt động chuyên trách theo hướng dẫn của Trung ương Giáo hội như: Ban Tăng sự, Ban Giáo dục Tăng Ni, Ban Hoằng pháp, Ban Nghi lễ, Ban Phật giáo Quốc tế, Ban Hướng dẫn Phật tử, Ban Văn hóa, Ban Từ thiện xã hội.
- Đến năm 2012 đã hoàn thiện hồ sơ xin cấp đất xây dựng trụ sở mới tại huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.
2. Về công tác chuyên nghành
* Công tác Tăng sự
- Năm 1998 tỉnh Phú Thọ chỉ có 9 vị sư ni, mùa An cư phải đi Hạ nhờ các trường Hạ của tỉnh bạn.
- Đến năm 2012 số Tăng ni trong tỉnh đã lên đến hơn 80 vị. Đồng thời, đã mở được 06 khóa An cư Kết hạ, tạo điều kiện thuận lợi cho Tăng ni trong tỉnh và một số tỉnh bạn về An cư, tu học.
- Từ 1998 – 2012 đã tổ chức được 04 Đại giới đàn trao truyền giới châu tuệ mạng cho gần 50 vị giới tử.
*Về giáo dục Tăng ni
- Hiện đã có 21 vị đã tốt nghiệp Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; 04 vị tốt nghiệp Cao đẳng Phật học. Tuy vậy, Phú Thọ là một tỉnh Phật giáo mới được thành lập nên còn thiếu nhân sự có trình độ chuyên môn. Vì vậy, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã khuyến tiến Tăng ni trẻ trong tỉnh tích cực đi học Trung cấp Phật học và Học viện Phật giáo.
- Đồng thời, nhằm đáp ứng nhu cầu tu học của Tăng Ni trong tỉnh, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Phú Thọ đã lập đề án xin mở trường Trung Cấp Phật Học. Đề án đã được TWGH và Chính quyền tỉnh Phú Thọ chấp thuận và đệ trình Chính phủ cho phép.
*Về Công tác Hoằng pháp
- Hoằng pháp là một trong những công việc Phật sự trọng tâm của Tỉnh hội Phật giáo Phú Thọ. Nhận thức rõ điều này hàng năm Ban Hoằng pháp Tỉnh hội đã tích cực tổ chức mở các khóa Bồi dưỡng kiến thức Phật học căn bản và phổ biến chính sách Tôn giáo của Đảng và Nhà nước cho quần chúng Phật tử ở tất cả các huyện, thị trong toàn tỉnh.
- Hai lần tham gia thi Hội thi giáo lý cấp trung ương do Ban Hoằng pháp trung ương tổ chức đều đạt giải.
* Công tác Nghi lễ
- Phú Thọ là một tỉnh trung du, có gần 300 ngôi chùa, số lượng Tăng ni đủ điều kiện và năng lực để trụ trì các chùa còn hạn chế. Vì vậy, phần lớn các chùa vẫn do Ban Hộ tự quản lý điều hành. Do đó, Ban Nghi lễ của Tỉnh hội đã mở các lớp hướng dẫn về nghi lễ cho thủ nhang, chủ xám ở các chùa không có sư trụ trì.
- Tổ chức tốt các ngày lễ trọng trong năm của đạo Phật, ngoài phần lễ có thêm phần hội nên ngày càng thu hút đông đảo tín đồ Phật tử tham gia.
* Công tác Văn hóa
- Từ năm 1998 đến 2012, toàn tỉnh đã khôi phục và xây dựng được 178 ngôi chùa, đưa tổng số chùa trong toàn tỉnh lên 296 ngôi. Trong đó có 10 chùa được Bộ Văn hóa cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia; 34 chùa được UBND tỉnh cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh; có 212 chùa đạt danh hiệu “Chùa tinh tiến”.
- Phong trào văn nghệ Phật giáo phát triển khá mạnh, đến năm 2012 đã có 63 tổ.
* Công tác Từ thiện xã hội
Từ thiện xã hội là một điểm mạnh của Tỉnh hội Phật giáo Phú Thọ, ngày càng thu hút được nhiều nguồn, nhiều người tham gia kết quả năm sau thường cao hơn năm trước với những nội dung sau:
- Thăm hỏi, động viên tặng quà cho hội viên và đối tượng chính sách xã hội. Thăm và ủy lạo các địa chỉ từ thiện như: Cơ sở nuôi dưỡng người già cô đơn, trẻ em mồ côi, tàn tật, cứu đói giáp hạt, quà tết cho người nghèo, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, số tiền hàng năm bình quân từ 1 tỷ đồng trở lên.
- Tích cực tham gia xây dựng các loại quỹ từ thiện xã hội như:
+ Quỹ ngày vì người nghèo.
+ Quỹ đền ơn, đáp nghĩa.
+ Quỹ hỗ trợ nạn nhân chất độc màu da cam.
+ Qũy khuyến học.
+ Quỹ nhân đạo của Hội chữ thập đỏ và hiến máu nhân đạo.
Bình quân hàng năm đạt 1,2 đến 1,5 tỷ đồng.
- Hưởng ứng cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” bằng việc làm cụ thể như:
+ Ủng hộ phong trào làm đường giao thông nông thôn.
+ Ủng hộ phong trào làm nhà văn hóa ở khu dân cư.
+ Ủng hộ phong trào làm nhà “Đại đoàn kết”.
Tổng số tiền bình quân hàng năm đạt từ 1,5 đến 2 tỷ đồng.
* Công tác Thi đua khen thưởng
Về tổng thể, khách quan mà nhận xét thì những thành tự công tác Phật sự và phong trào hoạt động từ thiện xã hội của Tỉnh hội Phật giáo Phú Thọ từ năm 1998 đến 2012 là đáng được biểu dương khen thưởng. Vì xét về mặt kinh tế, Phú Thọ là một tỉnh trung du nghèo, xét về mặt Giáo hội đều là Tăng ni trẻ (chưa có một vị Thượng nào).
Sự đoàn kết, tinh tiến nỗ lực của Tăng ni, Phật tử Tỉnh hội Phật giáo Phú Thọ đã được Chính quyền, MTTQ tỉnh Phú Thọ, TWGH và một số tổ chức chính trị xã hội ghi nhận và tặng thưởng nhiều bằng khen và tuyên dương công đức cho các cá nhân và tập thể, tiêu biểu như:
- Chủ tịch Nước tặng 01 bằng khen.
- Thủ tướng Chính phủ tặng 01 bằng khen.
- UBND tỉnh Phú Thọ tặng 03 bằng khen.
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ tặng 03 bằng khen.
- UBTW MTTQ Việt Nam tặng 01 bằng khen.
- TW Hội chữ thập đỏ VN tặng 03 bằng khen.
- Viện Huyết học Việt Nam tặng 01 giấy khen.
- TW GHPG Việt Nam 02 bằng Tuyên dương công đức.
KẾT LUẬN
Tỉnh hội Phật giáo Phú Thọ có được những thành tựu vẻ vang như ngày hôm nay, trước hết phải kể đến công lao to lớn của cố Hòa thượng Thích Viên Thành là người đặt nền móng và trực tiếp lãnh đạo Phật giáo tỉnh Phú Thọ trong thời gian đầu “khai sơn phá thạch” đầy gian nan, thử thách, có những lúc tưởng chừng không vượt qua được.
Tuy thuận thế vô thường, thân tứ đại không còn hiện hữu nơi trần gian, nhưng đạo hạnh và tâm nguyện của Ngài vẫn còn mãi với thời gian. Ngài đã lưu lại cho đời nhiều dấu ấn tốt đẹp, nhiều kỷ niệm khó phai. Với cương vị của mình, Ngài đã xây nền đặt móng cho nhiều Phật sự lớn lao của Giáo hội và Tỉnh hội Hà Tây (cũ). Đặc biệt là đối với Tỉnh hội Phật giáo Phú Thọ.
Ngày nay, Tỉnh hội Phật giáo Phú Thọ đang từng bước phát triển vững mạnh về mọi, xứng đáng là một thành viên tích cực trong khối đại đoàn kết dân tộc, xứng đáng là một Tỉnh hội Phật giáo ở miền đất cội của nguồn dân tộc Việt Nam. Bậc hậu tu đang thực hiện những ý tưởng tốt đẹp do cố HT. Thích Viên Thành khai nền đặt móng trước đó không ai khác chính là hàng đệ tử của Ngài.
Bình luận bài viết