Thông tin

HÒA THƯỢNG THÍCH VĨNH LƯU (1914-2010)

 

 

Hòa thượng thuộc Thiền phái Lâm Tế Liễu Quán đời thứ 42. Ngài pháp húy Trừng Phước, pháp hiệu Vĩnh Lưu, thế danh Trần Bá Ích, sinh năm Giáp Dần (1914), trong một gia đình Nho giáo trung lưu, tại làng Phụng Tường, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên.

Thân phụ và thân mẫu của ngài là cụ Trần Tiềm và Tạ Thị Hòa. Song thân sinh được 8 anh em trai, Hòa thượng là con trưởng. Mẹ mất khi ngài mới công thành danh toại, cha tục huyền sinh được 8 người con nữa, gồm 4 trai và 4 gái. Nội tổ và thân phụ của ngài là người của trường ốc, đã từng làm thầy dạy học thời bấy giờ. Hòa thượng được theo học chữ Nho, chữ Quốc ngữ và chữ Pháp.

Nhờ có túc duyên với Phật, nên năm 20 tuổi, ngài xuất gia đầu Phật với Thiền sư Xuân Trường, trụ trì chùa Dương Long, tại thôn Phú An, xã Hòa An và tu học ở đây được 8 năm. Sau đó, ngài được bổn sư đưa đến chùa Kim Cang thọ giáo với Hòa thượng Thanh Minh, hiệu Thiên Hòa, Viện chủ tổ đình Sắc tứ Kim Cang. Vì Hòa thượng Thiên Hòa không có người kế thế, thấy ngài đỉnh ngộ thông minh nên xin ngài làm đệ tử.

Ngài chuyên cần tham cứu học hỏi Giáo lý Kinh điển, Giới luật. Năm 1940, ngài được Hòa thượng bổn sư cho ra Huế học tại Phật học đường Báo Quốc. Học ở đây được 2 năm, qua năm 1942 tình hình ở Huế căng thẳng chiến tranh, nên trường phải đóng cửa, ngài trở về Phú Yên.

Năm 1942, Giáo hội Tăng già tỉnh Bình Định khai mở Đại giới đàn, thỉnh Hòa thượng Huệ Chiếu làm Đường đầu Hòa thượng. Ngài thọ Tam đàn cụ túc trong Giới đàn này.

Năm 1945-1946, Pháp tái chiếm đất nước ta, nên chùa cũng như đồng bào phải triệt để tản cư tiêu thổ kháng chiến. Ngài lánh nạn tại xã Hòa An. Chùa bị đập phá chỉ còn lại đống gạch vụn. Thầy trò phải ở đậu trong cái miếu hoang ở xã Hòa An.

Năm 1952, Hòa thượng bổn sư viên tịch, ngài thọ tang và làm lễ nhập tháp cho Thầy. Đến năm 1954, hiệp định Genève chia hai đất nước. Lúc đó, chùa tạm thời hồi cư, tái thiết tổ đình Sắc tứ Kim Cang. Ngài thừa kế chức trụ trì của bổn sư trông coi trùng tu tổ đình Kim Cang. Qua nhiều lần trùng tu về sau, chùa mới được khang trang tráng lệ, nhất là từ năm 2006 - 2007 - 2008.

Ngài có phong thái điềm đạm, giữ nếp tinh tấn tu hành, nên được Chư sơn kính ngưỡng cung cử vào nhiều chức vụ quan trọng trong giáo hội:

- Từ 1981-1991: Hòa thượng là Chánh Đại diện Phật giáo thị xã Tuy Hòa (Bắc Phú Khánh).

- Đại hội Phật giáo tỉnh Phú Yên lần 1 nhiệm kỳ 1991-1994: Ngài là Phó Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Phú Yên.

- Đại hội Phật giáo Toàn quốc lần III nhiệm kỳ 1992-1997: Ngài được tấn phong Hòa thượng cùng với các ngài: Trí Thành, Phước Trí, Diệu Quang, Huệ Thắng, là 5 vị giáo phẩm Hòa thượng cao đức tại tỉnh Phú Yên.

- Năm 1996, ngài đã cùng với quý Hòa thượng giáo phẩm lãnh đạo Phật giáo Phú Yên, như: Hòa thượng Trí Thành, Hòa thượng Phước Trí, Hòa thượng Tâm Thủy, Nguyên Đức, Đồng Tiến, Nguyên Từ... mở Trường Cơ bản Phật học Liễu Quán - Phú Yên tại chùa Bảo Lâm TP. Tuy Hòa. Sau trường này được Ban Giáo dục Tăng ni Trung ương nâng lên thành Trường Trung cấp Phật học Liễu Quán - Phú Yên.

- Đại hội Phật giáo tỉnh Phú Yên lần III nhiệm kỳ 1997-2002: Ngài được Đại hội suy cử Chứng minh Đạo sư Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Phú Yên cho đến cuối đời (suốt ba nhiệm kỳ: từ 1997 đến 2011).

- Năm 2001: Ngài được Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Phú Yên cung thỉnh làm Đường đầu Hòa thượng Đại giới đàn Liễu Quán II, khai mở tại tổ đình Bảo Tịnh.

- Đại hội Phật giáo Toàn quốc lần V nhiệm kỳ 2002-2007: Ngài được Đại hội suy cử là Thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trong sự nghiệp kế vãng khai lai, ngài đã thế độ được nhiều Tăng ni, nhưng hiện chỉ còn 5 vị tăng là:

1) Thượng tọa Thích Đồng Phương, pháp hiệu là Thích Minh Thể và được chọn là người kế thế trụ trì chùa Sắc tứ Kim Cang.

2) Thầy Thích Tâm Hội

3) Thầy Thích Tâm Lượng

4) Thầy Thích Tâm Nguyện

5) Thầy Thích Tâm Quảng.

Và 5 vị ni là:

1) Ni trưởng Thích Nữ Tâm Trang, trụ trì chùa Diệu Nghiêm, Phan Rang.

2) Ni sư Thích Nữ Tâm Dung, trụ trì chùa Bình Quang, TP Tuy Hòa.

3) Sư cô Thích Nữ Tâm Hòa, trụ trì chùa Phước Điền, Phan Rang.

4) Sư cô Thích Nữ Tâm Sanh, trụ trì chùa Thanh Hương, Hòa Phong, Tây Hòa.

5) Sư cô Thích Nữ Tâm Trọng.

Lúc sanh tiền ngài dạy: “Công đức tái thiết tổ đình Kim Cang, tôi xin dâng lên Tam bảo gia hộ độ trì vạn sự an lành cho đàn na tứ chúng”. Ngài có nguyện sau khi viên tịch được sanh về cõi Cực lạc của đức Phật A Di Đà và nguyện sớm trở lại cõi Ta bà để độ hết chúng sanh...

Hòa thượng đã an nhiên thâu thần thị tịch lúc 22 giờ ngày 29 tháng 12 năm 2010, nhằm ngày 24 tháng 11 năm Canh Dần, trong tư thái đầy hoan hỉ, miệng luôn niệm Phật. Hòa thượng trụ thế 97 tuổi đời, 68 Hạ lạp. Ngài mất đi để lại để nỗi kính tiếc thương cho Giáo hội Phât giáo Phú Yên, môn đồ pháp quyến và Tăng ni Phật tử xa gần.

NAM MÔ SẮC TỨ KIM CANG ĐƯỜNG THƯỢNG, TỪ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG TỨ THẬP NHỊ THẾ; HÚY THƯỢNG TRỪNG HẠ PHƯỚC, HIỆU VĨNH LƯU, ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG GIÁC LINH.

 


- Tiểu sử do môn đồ pháp quyến soan, Cư sĩ Võ Văn Bình cung cấp.

- Tỳ kheo Đồng Bổn biên tập lại.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 109
    • Số lượt truy cập : 6949830