HÒA THƯỢNG VÔ HẠI (AHIMSAKO MAHATHERO) (1931-2004)
Hòa thượng Vô Hại, thế danh Nguyễn Văn Thận, sinh ngày 5 tháng 7 năm 1931, tại làng Thanh Lương, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế, thân phụ là cụ Nguyễn Văn Để và thân mẫu là cụ bà Trần Thị Em.
Thân phụ mất sớm, ngài phải bỏ học ở nhà để phụ giúp mẹ chăm sóc em, cháu trong cuộc sống khó khăn gian khổ.
Năm 1948, khi ngài 18 tuổi, cũng là lúc các em của ngài đã khôn lớn, ngài xin phép mẹ hiền thế phát xuất gia để sống một cuộc đời phạm hạnh. Cụ bà vô cùng hoan hỷ, vì biết rằng kể từ đây gia đình đã có được bóng mát để nương nhờ.
Trong bước đầu xuất gia học đạo, ngài tu tập theo Phật giáo Bắc truyền, dưới sự dạy dỗ của Ôn Châu Lâm, trụ trì chùa Châu Lâm, Huế, một bậc danh tăng lúc bấy giờ. Nhờ bản tính siêng năng, cần mẫn hiếu học nên ngài được thầy hết mực yêu thương.
Sau đó, ngài có phước duyên được gặp Hòa thượng Giới Nghiêm, bậc khai sáng Phật giáo Nguyên thủy tại miền Trung, trong dịp đến Huế để hoằng pháp. Ngài đến cầu pháp với Hòa thượng, và được Hòa thượng cho thọ giới Sa di tại chùa Tam Bảo, Đà Nẵng (1953). Năm ấy, ngài được 19 tuổi. Nhận thấy ngài có tính siêng năng, hiền hòa, từ ái, Hòa thượng Giới Nghiêm ban cho pháp danh là Vô Hại (Ahimsako), lấy theo tên của một vị đại đệ tử của Đức Phật có đặc tính từ bi.
Năm 1958, ngài thọ đại giới Tỳ kheo tại chùa Pháp Quang (Dhammaransyarama), quận Bình Thạnh, Gia Định. Vị thầy tế độ là ngài Hòa thượng Hộ Tông. Ba năm sau, ngài hoàn tất khóa Phật học cao cấp tại Phật học viện Pháp Quang. Ngài bắt đầu cất bước vân du trên các nẻo đường để thực hiện lý tưởng tự độ, độ tha.
Chùa Châu Lâm, chùa Tam Bảo, chùa Pháp Quang, chùa Viên Giác, chùa Hạnh Phúc Tăng, chùa Phật Bảo, tịnh xá Ngọc Đạt, chùa Quảng Nghiêm... là những nơi từng lưu dấu chân và hình bóng từ ái, khoan hòa, độ lượng của một bậc chân tu khả kính. Nếp sống giản dị, đức độ của ngài mãi mãi xứng đáng là bậc tôn túc trưởng lão của Phật giáo Việt Nam và của chư Tăng tín đồ của Phật giáo Nam tông.
Từ thành thị đến chốn thôn quê, xa xôi hẻo lánh, nơi nào có Phật sự, Tăng sự cần thiết, là ngài tự quang lâm đến, chẳng phải phiền người đón đưa. Tuy ở vị trí trưởng lão, cả đời ngài chẳng có chút của riêng dành lại, thật là một bậc chân tu, luôn xả ly và từ bỏ, quả đúng giá trị sa môn hạnh.
Năm 2002, trong Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ V, ngài được tấn phong lên hàng giáo phẩm Hòa thượng và được suy cử chức vụ Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Ngài lâm bệnh nặng trong năm 2003, và trong suốt thời gian điều trị, ngài luôn được chư tăng và đệ tử túc trực săn sóc, tâm trí ngài luôn bình tĩnh, sáng suốt.
Sáng ngày 30 tháng 11 năm 2004, ngài thu thần thị tịch vào lúc 11 giờ tại chùa Quảng Nghiêm, xã Phước Tân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Tang lễ của Hòa thượng được cử hành trọng thể tại chùa Quảng Nghiêm ngày 4 tháng 12 năm 2004, lễ trà tỳ tại chùa Bửu Long-Thủ Đức, và sau đó nhập tháp tại chùa Quảng Nghiêm.
- Trích Tuần báo Giác Ngộ số ra ngày 09-12-2004
- Website Buddhist Sasana www.binhanson.org
- Tỳ kheo Đồng Bổn biên tập lại.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết