Thông tin

HOÀI CẢM

 

Sa môn TRÍ HẢI

 

May mắn thay! Nhưng cũng rất đau đớn và thương tiếc lắm thay: Không ngờ đến nay tôi lại được gặp quyển “Nghiên cứu Duy thức theo khoa học” của soạn giả Thiều Chửu, lại cũng chính tay chú Thanh Tuấn đã chép ra.

Soạn giả với tôi là bạn đồng tâm, đồng nguyện, ước nguyện cùng nhau lo việc chấn hưng Phật giáo nước nhà. Tuy chưa phải nằm gai nếm mật, nhưng cuối năm 1933, hàn thử biểu ở Hà Nội xuống tới 7-8 độ mà hai chúng tôi chỉ có một cái chiếu với một cái chăn mỏng trải nằm ở nền nhà trong phố Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến), Hà Nội trong lúc tổ chức lập Hội Phật giáo lần thứ nhất bị thất bại.

Chuyển sang lập Phật học tùng thư (PHTT), cho đến ngày vào nhận chùa Quán Sứ, Hà Nội năm 1934, tôi chỉ có 0$40, nhờ được Tam bảo gia hộ thập phương hưởng ứng cho tới khi thành lập được, Hội có đủ cả nhà in, trường học, xuất bản được kinh sách báo chí v.v... Việc làm chùa Quán Sứ trắc trở mãi tới năm 1938 lại chuyển Ban Hưng công cho chúng tôi thì tiền gây quỹ làm chùa chỉ còn 6$00. Công việc tiến hành cho tới thành tựu lại thêm nghĩa trang, chùa Tế Độ, trường Phổ Quang v.v... Trong đó chính ông đã góp một phần công lao rất lớn như tôi đã ghi rõ trong tập "Hồi ký thành lập Hội Phật giáo Việt Nam" (1934-1958).

Về phần biên tập, phiên dịch, trước thuật, soạn giả của ông những ai đã được đọc các kinh điển và báo chí: Đuốc Tuệ, Diệu Âm và Tinh Tiến đều đã thấy rõ. Ngoài ra cũng còn nhiều thứ chưa được ấn hành như tập "Nghiên cứu Duy thức theo khoa học" này ở trong tập sách mà chú Thanh Tuấn chép lại được là 707 trang khoảng hơn 300.000 chữ gồm 13 tác phẩm, quyển này chiếm 1/3 số trang.

Tông Pháp Tướng chuyên bàn về nghĩa lý danh tướng của hết thảy mọi pháp ở thế gian và xuất thế gian, tức là nguyên lý vũ trụ vạn vật, cấu tạo sinh hoá như thế nào và sự biến chuyển ra sao. Cho đến nay phương pháp tu hành cho tới thành Phật cao siêu huyền diệu rộng lớn vô cùng. Cho nên kinh sách cũng rất nhiều mà lại rất khó. Chính Ngài Huyền Trang học được ở Ấn Độ đưa về Trung Quốc thành lập hẳn một tông. Nhưng chỉ thịnh được có một thời vì nghĩa lý khó quá, nên dần dần đi đến hầu như biệt tích. Gần đây khoảng 6, 70 năm qua mới thấy giáo nghĩa này rất phù hợp với khoa học, nhiều chỗ còn vượt cả khoa học, nên được rất nhiều học giả trên thế giới chú ý tới. Các học giả Trung Quốc mới lại phải sưu tầm ở Nhật Bản đưa về hoằng dương lại.

Ở nước Việt Nam ta cũng nhờ ảnh hưởng đó mới lại có người để tâm nghiên cứu bởi vì nghiên cứu về tông này ít ra cũng phải là những người có kiến thức cao mới đủ sức hiểu biết và cũng phải tốn thời gian hàng bao năm mới thông suốt được. Chính soạn giả quyển này cũng phải tốn công nghiên cứu hàng chục năm trời, ông mới lại vận dụng theo phương pháp khoa học, so sánh với khoa học mà biên soạn thành tài liệu đem ra giảng dạy cho các người học trong suốt một năm trường, mới thành tập sách này. Ông đã tìm ra phương hướng giảng dạy học tập khác hẳn với lề lối cũ, vạch ra một đường tắt nghiên cứu, đưa người đọc tới ngay chỗ hiểu biết đúng. Cũng như người dẫn một số người đi tắt thẳng qua một khu rừng rậm rộng lớn bao la. Nhưng đi tới đâu là ông chỉ rõ cho từ thấp lên cao, từ gần tới xa, nhận rõ ngay được tất cả mọi cảnh vật từ chim muông hoa cỏ đất đá khe suối, chông gai hiểm trở, cho đến vàng ngọc châu báu, đường lối bằng phẳng hay hiểm trở v.v... không gì là không chỉ rõ thứ tự mạch lạc tất tinh tường từ đầu chí cuối, đi tới đâu hiểu tới đó, mỗi nơi đều có tác dụng khác nhau, không bị trùng điệp trở đi lộn lại.

Nếu ai để ý đọc kỹ tập này rồi lại nghiên cứu lại các kinh sách nói về Duy thức, thì không khác chi người có sức khỏe mang nổi nghìn cân rồi mà nay chỉ cầm một vật rất nhẹ trong tay.

Nhận thấy sự lợi ích giúp đỡ cho những ai muốn hiểu rõ nghĩa "Duy tâm" (Duy thức) của đạo Phật mà quyển sách này có thể giúp đỡ cho một cách dễ dàng, mà không ngờ đâu tôi lại được gặp. Vì tôi với soạn giả xa cách nhau từ năm 1946 rồi soạn giả xa lánh cõi đời. Còn chú Thanh Tuấn khi mới xuất gia ở với tôi, năm 1946 tôi cho theo ông để học tập, nhưng sau chú ấy theo tiếng gọi của non sông hồi tục đi kháng chiến, gần đây chú ấy đã hy sinh vì Tổ quốc.

Nay tôi mới thấy được tác phẩm của bạn hiền, thấy chữ viết của trò giỏi, không nén nổi lòng cảm xúc, xiết nỗi ngậm ngùi thương tiếc, nên tôi cố gắng đánh máy lại để làm kỷ niệm, và mong vị nào đọc cũng giúp ích thêm được phần nào kiến thức. Trong khi đánh máy có nhiều lúc trông thấy sách thấy văn lại nhớ đến người soạn người viết, đã làm cho tôi ứa hai hàng nước mắt, làm cho mắt mờ đi, lòng se lại, mãi lâu mới mở mắt ra. Nên trong này chắc không sao tránh khỏi sự mất dấu sai vần, rất mong độc giả cũng thông cảm cho.

Cầm lòng không nổi, nói chẳng hết lời, tạm ghi lại mấy hàng, tỏ tình đồng “Nguyện”

Hải Phòng, ngày 19 tháng 5 năm Nhâm Tý (1972)

 

 


Ghi chú:

Hoà thượng Thích Trí Hải (1906 - 1979) tên đời là Đoàn Thanh Tảo quê ở Hải Hậu, Nam Định, xuất gia từ nhỏ. Khi tu học tại chùa Mai Xá, Lý Nhân, Hà Nam, Ngài lập tổ chức Thanh niên Phật giáo tại địa phương lấy tên là Lục Hoà Tịnh Lữ. Năm 1932, Hòa thượng lên Hà Nội vận động thành lập Hội Phật giáo nhằm chấn hưng Phật giáo xứ Bắc. Ngài và các sư Thái Hoà, Hải Châu cùng các cư sĩ Lê Toại, Trần Văn Giác, Nguyễn Hữu Kha thành lập Phật học Tùng thư. Cuối năm 1934, Phật học Tùng thư cùng các cao tăng như Tổ Bằng Sở, Tổ Trung Hậu, Tổ Tế Cát và các nhân sĩ trí thức Dương Bá Trạc, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Vĩnh.... thành lập Hội Phật giáo Bắc kỳ. Hoà thượng Trí Hải là người có công đầu trong cuộc vận động này.

Sau ngày quân ta rút khỏi Hà Nội tháng 2 năm 1947, HT Trí Hải đã xuống Đan Thầm, Thanh Oai, Hà Đông nhận đưa một nửa số trẻ Tế Sinh (trên 10 tuổi) mà cụ Thiều Chửu đã đưa về đây khi toàn quốc kháng chiến. Hòa thượng đưa đoàn theo hướng Hưng Yên, Thái Bình rồi về Mai Xá, Hà Nam.  Trong khi đó cụ Thiều Chửu đưa một nửa trẻ em còn lại (dưới 10 tuổi) theo hướng ngược lên Sơn Tây sang Phúc Yên, Vĩnh Yên, qua Thái Nguyên. Từ đó hai người xa nhau.

Hòa thượng tịch tại Hải Phòng năm 1979.

Bài này là lời Tựạ của Hòa thượng Trí Hải trong bản đánh máy tác phẩm Nghiên cứu duy thức theo khoa học của Thiều Chửu.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 13
    • Số lượt truy cập : 6126860