HOẠT ĐỘNG CỦA PHẬT GIÁO XỨ ĐOÀI TỪ 1934 ĐẾN 1953
NGUYỄN ĐẠI ĐỒNG
Chùa Thầy
Vào thập niên 1930, phong trào chấn hưng Phật giáo ở nước ta khởi đầu bằng sự ra đời của Hội Nghiên cứu Phật học Nam Kỳ (1931) rồi lan ra Trung Kỳ với sự thành lập Hội An Nam Phật học và Bắc Kỳ với Nghị định số 4283 của nhà cầm quyền Bắc Kỳ ký ngày 6 tháng 11 năm 1934, cho phép thành lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ.
Ngày 18 tháng 11 năm 1934, Đại hội đồng họp dưới sự chủ tọa của ông Nguyễn Năng Quốc, bầu Ban Quản trị chính thức do Hiệp tá trí sĩ Nguyễn Năng Quốc làm Chánh Hội trưởng; Phó Hội trưởng là các ông Nguyễn Quốc Thành và Nguyễn Văn Ngọc. Trưởng ban Chứng minh Đạo sư là Hòa thượng Thích Thanh Hanh (Tổ Vĩnh Nghiêm), trụ sở đặt tại chùa Quán Sứ, Hà Nội; Thành viên sáng lập gồm 27 cư sĩ và 5 Tăng sĩ. Tháng 12 năm 1935, Hội ra tạp chí Đuốc tuệ để hoằng dương Phật pháp.
I. Phật giáo xứ Đoài trong phong trào Chấn hưng Phật giáo
Việc Hội Phật giáo Bắc Kỳ ra đời để dẫn dắt phong trào chấn hưng Phật giáo được các sơn môn Phật giáo xứ Bắc nhiệt liệt hưởng ứng và ủng hộ.
Tiếp sau các địa phương: Kiến An, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương thành lập Ban Đại lý Phật giáo, ngày 1 tháng 12 năm 1935 (Ất Hợi), Ban Đại lý Phật giáo tỉnh Sơn Tây thành lập.
Trưởng Ban bên Tăng là sư cụ Như Tùng trụ trì chùa Thiên Phúc, (tức chùa Thầy) ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai; Trưởng ban bên Tại gia là Tổng đốc trí sĩ Nguyễn Văn Bân, Hội quán đặt tại chùa Linh Sơn, phố Mới, thị xã Sơn Tây, trường học đặt tại chùa Mỹ Hội, phố Mỹ Hội, Sơn Tây.
Ngày 28 tháng 8 năm 1936 (12-8 Bính Tý), Ban Đại lý Phật giáo Sùng Nghiêm thành lập, Hội quán đặt tại chùa Mía (chùa làng Sùng Nghiêm), Đường Lâm, Sơn Tây. Tiến sĩ Nguyễn Văn Bân về dự.
Ngày 4 tháng 9 năm 1936, Ban Đại lý Phật giáo chùa Bách Lộc, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây thành lập, Hội quán đặt tại chùa Thiên Phúc. Trưởng ban bên Tại gia là Chánh hương hội Nguyễn Duy Viện, nhà văn Sở Cuồng Lê Dư đại diện Ban Quản trị Trung ương Hội về dự. Tiến sĩ Nguyễn Văn Bân, Chánh Đại lý Ban Đại lý Hội Phật giáo tỉnh Sơn Tây chủ toạ buổi lễ.
Cùng ngày, làng Nghĩa Hưng, huyện Quốc Oai, Sơn Tây được Trung ương Hội Phật giáo Bắc Kỳ cho phép mở giảng đường Phật giáo tại chùa làng. Chánh Hội trưởng cử Phó bảng Bùi Kỷ về khai giảng lớp đầu. Sư cụ chùa Bộc ở Ban Đạo sư Trung ương, ông Cung Đình Bính, Quản lý báo Đuốc tuệ về dự lễ. Ông Tổng sư Trạch là người chủ trương giảng đường này.
Trong buổi lễ khánh thành Chi hội Phật giáo tỉnh Sơn Tây tại chùa Hội quán, Sư cụ trụ trì chùa Thầy là Hòa thượng Như Tùng - Trưởng ban bên Tăng của Chi hội đã đọc bài diễn văn kêu gọi Phật giáo xứ Đoài ủng hộ công cuộc chấn hưng Phật giáo do Hội Phật giáo Bắc Kỳ lãnh đạo. Hòa thượng nêu rõ: “Nay ta muốn chấn hưng Phật giáo thì có 2 đường mật thiết: 1. Chấn hưng tinh thần của Phật giáo (gồm sự học, sự tu, dịch kinh sách, sự truyền giáo phải cho thực hành). 2. Chấn hưng hình thức của Phật giáo (là làm chùa, tô tượng, xây tháp, đúc chuông phải cho chính đáng).
Ngày 20 tháng 2 năm 1937 (Đinh Sửu), khánh thành Chi hội Phật giáo Bảo Lộc, tỉnh Sơn Tây, Hội quán đặt tại chùa Long Hoa. Trưởng ban bên Tăng là sư cụ Giám viện Trần Văn Hộ, Trưởng ban bên Tại gia là ông Nguyễn Hữu Quẩy. Sư ông Trí Hải, các ông Lê Toại, Nguyễn Trọng Thuật ở Ban Trị sự Trung ương Hội về dự.
Ngày 19 tháng 5 năm 1940 (Canh Thìn), thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) thay cho Mặt trận dân tộc phản đế Đông Dương. Việt Minh tập hợp lực lượng toàn dân thực hiện hai điều mà nhân dân ta mong ước:
- Đánh Pháp đuổi Nhật làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập;
- Làm cho dân Việt Nam được sung sướng tự do.
Chương trình cứu nước của Việt Minh được đúc kết thành 10 chính sách lớn.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 5 năm 1941, sau khi phân tích tình hình quốc tế và Đông Dương, đã rất đúng đắn khi đề ra nhiệm vụ trước mắt là giải phóng các dân tộc ở Đông Dương ra khỏi ách thống trị của Pháp - Nhật. Để thực hiện được nhiệm vụ đó, công việc cốt yếu của Đảng là liên minh tất cả các lực lượng của các giai cấp, đảng phái, các nhóm cách mạng cứu nước, các tôn giáo, các dân tộc kháng Nhật1.
Ngày 3 tháng 4 năm 1941 (7-3 Tân Tỵ), tại lễ hội chùa Thầy, huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây, cờ đỏ búa liềm phấp phới bay trên núi Thầy đã gây được ảnh hưởng rộng rãi trong đông đảo nhân dân và động viên phong trào đấu tranh cách mạng trong tỉnh.
Ngày 25 tháng 5 năm 1941 (30-4 Tân Tỵ), Hội Phật giáo Bắc Kỳ đã họp Đại hội đồng thường niên tại chùa Quán Sứ2.
Sư cụ Trần Thông Chỉnh, trụ trì chùa Thọ Cầu, huyện Hoài Đức (Hà Đông) và đại biểu các Chi hội Phật giáo Bách Lộc, Bảo Lộc, Cung Thuận, thị xã Sơn Tây (Sơn Tây); cùng một số đông nam nữ hội viên ở Hà Nội và các tỉnh tới dự Đại hội đồng. Hội nghị đã biểu dương Chi hội Phật giáo Bảo Lộc (Sơn Tây), đã làm được giảng đường để diễn giảng giáo lý đạo Phật cho Tăng Ni Phật tử và tô tượng.
Chủ nhật 13 tháng 9 năm 1942 (4-8 Nhâm Ngọ), Hội Phật giáo Bắc Kỳ đã họp Đại hội đồng thường niên tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.
Bên Tăng có: sư cụ chùa Thọ Cầu, huyện Hoài Đức (Hà Đông). Và một số đông chư Tăng ở Hà Nội và các tỉnh.
Đại biểu Chi hội Phật giáo tỉnh Sơn Tây có các vị: Hạ Thương Trung (Bách Lộc), Nguyễn Hữu Quảng (Bảo Lộc).
Tờ trình của Phó Hội trưởng Bùi Thiện Cơ tại Đại hội đồng họp ngày 13 tháng 9 năm 1942 cho biết trong năm qua Chi hội Phật giáo Bảo Lộc đã làm được mấy gian hành lang hết gần 500$00. Chi hội Phật giáo huyện Đan Phượng đã mời Thượng tọa Tuệ Chiếu về giảng “Tam quy và Ngũ giới” cho hàng trăm Phật tử địa phương.
Ngày 13 tháng 9 năm 1944, thành lập Chi hội Phật giáo Phù Long, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây.
Tháng 2 năm 1945 (Ất Dậu), chùa Diên Phúc (chùa Thượng) ở xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, tỉnh Sơn Tây là địa điểm hoạt động của cán bộ Việt Minh địa phương3.
Ngày 19 tháng 5 năm 1945, Hội Phật giáo Bắc Kỳ họp Đại hội đồng thường niên cho biết tới tháng 5 năm 1945, số trụ trì hội viên của Hội là 33.247 vị, Chi hội Phật giáo Bảo Lộc, tỉnh Sơn Tây đã tậu được một nghĩa trang rộng 5 sào góp phần mai táng người chết trong nạn đói năm Ất Dậu. Đại hội đồng đã bầu Hòa thượng Thanh Thuyên (Tuệ Tạng) làm Chủ tịch, cư sĩ Bùi Thiện Cơ, Tổng đốc trí sĩ và Thượng tọa Tuệ Chiếu làm Phó Chủ tịch Hội và quyết định đổi tên là Hội Việt Nam Phật giáo.
II. Hoạt động của Phật giáo xứ Đoài sau Cách mạng tháng 8 năm 1945
Đầu tháng 8 năm 1945, khí thế cách mạng cả nước sôi sục nhất là sau khi phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện ngày 15 tháng 8 năm 1945. Ngày 17 tháng 8 năm 1945 giành chính quyền ở huyện lỵ Quốc Oai. Ngày 19 tháng 8 năm 1945 Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội và các huyện Đan Phượng, Hoài Đức tỉnh Hà Đông thành công, tiếp đó là các huyện lỵ Thạch Thất, Phúc Thọ (18-8), thị xã Sơn Tây (20-8), Tùng Thiện (21-8), Quảng Oai (22-8) và cuối cùng là huyện lỵ Bất Bạt (25-8) của tỉnh Sơn Tây4.
Ngày 28 tháng 8 năm 1945, một cuộc họp trọng thể được tổ chức tại trụ sở Hội Khai Trí Tiến Đức (gần chùa Bà Đá, phố Nhà Thờ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) gồm trên 100 nhà sư đại diện cho các sơn môn ở Hà Nội, Sơn Tây, Hà Đông, Hưng Yên... do Hòa thượng Thanh Thao (Đỗ Văn Hỷ) chủ trì, có các ông Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt, đại diện Mặt trận Việt Minh tham dự. Hội nghị giơ cao tay nhiệt liệt hoan nghênh và ủng hộ Việt Minh. Sau đó bàn bạc rồi quyết định thành lập một tổ chức của Phật giáo yêu nước lấy tên là Hội Phật giáo Cứu quốc. Một Ban Chấp hành được bầu gồm 9 người do Hòa thượng Thanh Thao làm Chủ tịch, Thượng tọa Thanh Đặc và Bác sĩ Nguyễn Hữu Thuyết làm Phó Chủ tịch5.
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình, trước hàng chục vạn đồng bào Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà.
Ngay trong ngày Độc lập 2-9, Phật giáo Hộ quốc đoàn (tức Phật giáo Cứu quốc) đã gửi “Lời chúc từ Chính phủ Lâm thời”. Sau khi nhắc lại những trang sử đau thương dưới ách áp bức thực dân và những ngày đấu tranh trước cách mạng, người Phật tử đã đoàn kết cùng đồng bào cả nước khi bát cháo, lúc lưng cơm chay, chia cay sẻ ngọt. Bài chúc từ tỏ lời cầu mong: “Chính phủ Lâm thời chóng thu xếp ổn thỏa vấn đề trị nội, đối ngoại để có thể tiến hành mau chóng chương trình kiến thiết quốc gia của Mặt trận Việt Minh mà 4 - 5 năm nay chúng tôi đã từng ghi sâu trong tâm khảm, chúng tôi tuy bất tài nhưng cũng xin hết sức hi sinh để giúp đỡ Chính phủ mỗi khi cần đến”6.
Ngày 3 tháng 9 năm 1945, một ngày sau khi tuyên bố nước Việt Nam độc lập, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời, chương trình 10 điểm do Quốc dân đại hội thông qua ngày 16-8-1945 ở Tân Trào, Tuyên Quang được Hồ Chủ tịch cụ thể hoá bằng 6 nhiệm vụ (vấn đề) cấp bách. Trong đó có 2 vấn đề liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng. Hồ Chủ tịch nêu rõ: “Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử, bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, giòng giống... (vấn đề 3); Người chỉ rõ: “Thực dân và phong kiến tiến hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương để dễ bề thống trị, tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: “Tín ngưỡng tự do và Lương Giáo đoàn kết”(vấn đề 6)7.
Tháng 11 năm 1945, đại biểu Tăng già các tỉnh Bắc Bộ, trong đó có Phật giáo xứ Đoài cùng đại biểu ba Hội: Phật giáo Cứu quốc, Phật tử Việt Nam, Việt Nam Phật giáo đã họp và quyết nghị thành lập một Ủy ban Chấp hành Tăng già Phật giáo trước khi đi đến đại hội nghị toàn quốc. Ủy ban có trách nhiệm liên hiệp hết thảy các sơn môn, các Hội Phật giáo cùng chung chủ nghĩa “Từ bi cứu khổ” của đức Phật Thích Ca để thực hiện việc:
1- Hoằng dương Phật pháp và phụng sự Tổ quốc.
2- Cứu khổ cứu nạn.
Chánh Chủ tịch Ủy ban là Hòa thượng Thích Mật Ứng trụ trì chùa Quảng Bá, Hà Nội; Phó Chủ tịch là Thượng tọa Tố Liên, chùa Quán Sứ, Hà Nội; trụ sở đặt tại chùa Quán Sứ, số 73 phố Quán Sứ, Hà Nội.
Ngày 6 tháng 1 năm 1946, Tăng Ni Phật tử xứ Đoài lại hòa vào dòng người với các khẩu hiệu: “Ủng hộ Tổng tuyển cử”, “Đoàn kết chống xâm lăng”, nô nức cầm lá phiếu đi bầu những đại biểu chân chính của mình vào cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước.
Sau ngày bầu cử Quốc hội, Phật tử xứ Đoài lại cùng nhân dân địa phương tham gia bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp. Thắng lợi của hai cuộc bầu cử đã khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, ý thức làm chủ và nghĩa vụ của mỗi người công dân (trong đó có Phật tử) đối với Nhà nước cách mạng.
Trên báo Cứu quốc ra ngày 14 tháng 1 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Công giáo hay không Công giáo, Phật giáo hay không Phật giáo đều phải nên nỗ lực đấu tranh cho nền độc lập của nước nhà. Nhiệm vụ của đoàn thể chúng ta là phải giữ vững nền độc lập. Trong Công giáo có câu “Tam vị nhất thể”, nhà Phật có câu: “Vạn chúng nhất linh” nên chúng ta phải hy sinh cho nhân loại và chúng sinh”.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Chính phủ và Hội Phật giáo Cứu quốc, ngày 18 tháng 1 năm 1946, Chi hội Phật giáo Cứu quốc Bách Lộc, tỉnh Sơn Tây, ủng hộ Quỹ Nam Bộ kháng chiến 100$00, Quỹ Độc lập 50$00.
Ngày 17 tháng 2 năm 1946, tại động Hoàng Xá, huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây, Hội Phật giáo Cứu quốc tổ chức nói chuyện về đạo Phật, bài trừ mê tín dị đoan, được toàn thể đồng bào hoan hô.
Nguyệt san Diệu Âm - cơ quan hoằng pháp của Uỷ ban Tăng già Bắc Bộ số ra tháng 6 năm 1946, đăng bài “Tăng già muốn nâng cao trình độ thời phải nhiệt liệt tham gia vào việc Bình dân học vụ” của Thượng tọa Tố Liên viết: “Các chiến sĩ quyết hy sinh tính mệnh ra nơi chiến địa, chiến đấu với quân thù để giữ vững non sông đất nước, thì đằng này các giáo viên hy sinh hết tâm lực thì giờ để tiễu trừ giặc dốt cho quốc dân, hai đường đều có công ân cứu quốc cả. Riêng tôi, thì tôi nhận thấy việc Bình dân học vụ còn mật thiết hơn... toàn cõi Việt Nam mỗi chùa đều lập 1 trường Bình dân học vụ, trường học đó lại là trụ sở tuyên truyền báo chí, đó là một phương pháp cải tổ nhân tâm rất giản dị mà có rất nhiều hiệu quả. Hầu khắp nước Việt Nam, làng nào cũng có chùa, vị sư chủ chùa nào cũng gắng gỏi, cũng nhiệt liệt với công cuộc Bình dân học vụ như vậy thì chẳng cần phải bỏ bút mặc chiến bào mà vẫn thành công tiễu trừ giặc dốt xóa cái nạn dân ngu như vậy chả là một biện pháp cứu quốc có hiệu lực ư?”.
Phật giáo xứ Đoài là một trong những đơn vị đầu tiên thực hiện lời kêu gọi nói trên: Ngày 21 tháng 3 năm 1946, sư ông Nguyễn Đạt, trụ trì chùa Quan, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây, đã tổ chức và khai giảng lớp cán bộ Bình dân học vụ tại chùa. Theo lớp huấn luyện này có đủ các giới bô lão, thanh niên, phụ nữ và bộ đội Vệ quốc đoàn ở khu Lạc Tự, gồm 76 anh chị em ở 10 xã. Sau đó, số cán bộ này đã tỏa về các nơi đóng vai trò nòng cốt trong phong trào diệt “giặc dốt” ở xứ Đoài.
Ngày 28 tháng 3 năm 1946 (25-2 Bính Tuất), đã làm lễ sát hạch và bế mạc lớp Bình dân học vụ tại chùa Phù Long, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây. Lớp này khai giảng ngày 24 tháng 12 (20-11 âm lịch) nhằm xóa nạn mù chữ cho chị em phụ nữ thôn quê thất học. Sau 8 tuần mãn khóa, chị em đã biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện Nguyễn Quân cùng Ban phụ trách Bình dân học vụ và đông đảo các giới đã đến dự lễ phát giấy chứng nhận cho các chị em.
Ngày 18 tháng 4 năm 1946 (17-3 Bính Tuất), Chi hội Phật giáo Bách Lộc, tỉnh Sơn Tây tổ chức truy điệu chiến sĩ trận vong Nam Bộ. Tối có diễn kịch do Ban Tăng già Hội Phật giáo Sơn Tây tổ chức, tiền thu được bao nhiêu đều ủng hộ anh em tự vệ mua vũ khí. Trước khi mở màn, sư ông Nguyễn Đạt lên diễn thuyết hô hào Tăng già và các giới đoàn kết chặt chẽ để ủng hộ Chính phủ về mọi phương diện8.
Ngày 8 tháng 5 năm 1946 (8-4 Bính Tuất), nhân ngày nước nhà giành được quyền độc lập, Chính phủ dân chủ cộng hòa công nhận ngày Khánh đản đức Phật Thích Ca là ngày đại lễ của tôn giáo, Chi hội Phật giáo tỉnh bộ Sơn Tây tổ chức lễ Khánh đản đức Phật Thích Ca rất trọng thể. Đến dự có ông Chủ tịch Uỷ ban Hành chính thị xã và rất đông đại biểu các giới. Ông Cát Văn Nam – Thư ký Hội Phật giáo Bắc Kỳ đọc 2 bài diễn văn:
Một bài nói về lịch sử Phật tổ, một bài truy điệu trận vong chiến sĩ Nam Bộ.
Cùng ngày 8 tháng 5, Chi hội Phật giáo Bách Lộc làm lễ khánh đản đức Phật Thích Ca Mâu Ni rất trọng thể tại chùa Bách Lộc. Đến dự lễ có nhân viên Uỷ ban Hành chính tỉnh và đủ các giới. Trong ngày hành lễ có 3 bài diễn văn:
1. Nói về lịch sử đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tinh thần Phật giáo với nền Dân chủ Cộng hòa do Sa môn Nguyễn Đạt giảng;
2. Lời hô hào thanh niên Phật giáo do một đại biểu thanh niên đọc;
3. Lời hô hào phụ nữ do một đại biểu phụ nữ đọc.
Được công chúng hoan hô nhiệt liệt và cương quyết ủng hộ.
Ngày 23 tháng 5 năm 1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa ký Quyết định số 158 NV-PG cho phép thành lập lại Hội lấy tên là “Hội Việt Nam Phật giáo”, mục đích, tôn chỉ không có gì thay đổi. Chùa Quán Sứ vẫn là trụ sở của Hội.
Ngày 31 tháng 5 năm 1946 (1-5 Bính Tuất), Chi hội Phật giáo Phù Long, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây tổ chức diễn thuyết về nguyên nhân thành lập Hội Phật giáo Việt Nam (Hội Phật giáo Bắc Kỳ đổi tên ngày 19 tháng 5 năm 1945), nguyên nhân thành lập Hội Phật giáo Cứu quốc. Diễn giả là sư ông Nguyễn Đạt đã thiết tha hô hào hai Hội nên hiểu nhau và thành thực đoàn kết để cho sự hợp nhất được dễ dàng.
Ngày 14 tháng 6 năm 1946 (15-5 Bính Tuất), nhân dịp sư ông Nguyễn Đạt, trụ trì chùa Quan lên giáo hóa cho gần 200 hội viên tại chùa Phù Long, Hội Phật giáo Phù Long (Sơn Tây) đã tổ chức Lễ truyền thụ quy giới cho hội viên.
Ngày 11 tháng 7 năm 1946, báo Cứu quốc số 289 đăng tin: Hội Phật giáo Cứu quốc Việt Nam nhắc lại để các Tăng Ni thiện tín biết rằng Ngày Nam Bộ 9 tháng 6 năm 1946 do Hội Phật giáo Cứu quốc Hà Nội tổ chức, phụ trách các chùa đền đã hái được kết quả sau đây: Chi hội Đan Phượng 678$30 còn nhiều nơi ủng hộ nhưng chưa nhận được tin nên chưa đăng.
Ngày 23 tháng 7 năm 1946, toàn thể anh chị em Phật giáo Cứu quốc xã Phú Thứ, khu Liên cơ quan huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây, đã trích 100$00 tiền quỹ ủng hộ Quỹ Đảm phụ Quốc phòng9.
Ngày 14 tháng 8 năm 1946 (16-7 Bính Tuất), tại chùa Sùng Nghiêm (chùa Nưa), huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây đã tổ chức lễ cầu nguyện cho Hồ Chủ tịch và phái đoàn Việt Nam đi dự cuộc đàm phán tại Phongtennơblô bên Pháp được dũng mãnh tinh tiến, mọi sự thắng lợi. Toàn thể các giới trong hạt Phúc Thọ tới dự lễ và nghị quyết:
Triệt để ủng hộ Hồ Chủ tịch và phái đoàn Việt Nam.
Tuyệt đối vâng theo mệnh lệnh của Chính phủ.
Việt Nam Độc lập muôn năm! Tinh thần Phật giáo muôn năm!
Hồ Chủ tịch muôn năm!
Ngày 10 tháng 11 năm 1946, Hồ Chủ tịch về thăm khu vực chùa Thầy (Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây) nói chuyện với đồng bào, Người căn dặn cán bộ và nhân dân địa phương phải đoàn kết, đại đoàn kết, sản xuất tốt, công tác tốt và bảo vệ thắng cảnh.
III. Hoạt động của Phật giáo xứ Đoài từ 1947 đến 1953
Trước sự gây hấn ngày càng tăng của Pháp đối với Việt Nam, ngày 19 tháng 12 năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Sáng ngày 20 tháng 12 năm 1946, Hồ Chủ tịch ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến:
Hỡi đồng bào toàn quốc.
Chúng ta muốn hòa bình. Chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào!
Chúng ta phải đứng lên!
Bất kỳ đàn ông đàn bà không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, bất kỳ người già, người trẻ. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc.
Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm. Không có gươm thì dùng cuốc thuổng gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước...
Ngày 3 tháng 2 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở chùa Một Mái chân núi Thầy ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây để chỉ đạo các mặt trận đánh Pháp lúc này. Người ở đây tới ngày 2 tháng 3 năm 1947, trong thời gian này, các ông Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp đã thường xuyên đến đây báo cáo tình hình và xin ý kiến chỉ đạo của Người. Cũng tại chùa này, Hồ Chủ tịch đã viết nhiều văn kiện quan trọng như “Lời kêu gọi đồng bào phá hoại để kháng chiến”, “Thư gửi đồng bào tản cư”, “Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ”.
Ngày 30 tháng 8 năm 1947 (15-7 Đinh Hợi), nhân lễ Vu Lan, từ chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Hội Phật tử Việt Nam. Người nói:
“Đức Phật là đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn. Muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn, Người phải hy sinh tranh đấu, diệt lũ ác ma.
Nay đồng bào ta đại đoàn kết, hy sinh của cải xương máu, kháng chiến đến cùng, để đánh tan thực dân phản động, để cứu quốc dân ra khỏi khổ nạn, để giữ quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc. Thế là chúng ta làm theo lòng đại từ đại bi của Đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ. Trong cuộc kháng chiến cứu quốc, đồng bào Phật giáo đã làm được nhiều. Tôi cảm ơn đồng bào, và mong đồng bào cố gắng thêm, cố gắng mãi, cho đến ngày trường kỳ kháng chiến thắng lợi, thống nhất và độc lập thành công”.
Hưởng ứng thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các chùa Phật giáo xứ Đoài đã có những đóng góp cho kháng chiến trong năm 1948 như: chùa Sùng Giáo ở Thanh Chiểu, xã Phú Cường, huyện Ba Vì là trụ sở họp bàn của chính quyền cách mạng, nơi nuôi giấu cán bộ hoạt động bí mật. Khi quân Pháp tiến đánh xã Phú Cường, cả làng bị càn quét lớn, nhà cửa bị đốt cháy, ngôi chùa bị tàn phá.
Chùa Thượng (Diên Phúc tự) xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức có hầm bí mật dưới Tam bảo là địa điểm hoạt động bí mật của Chính quyền cách mạng địa phương, trong kháng chiến chống Pháp.
Chùa Hương Khánh thôn Khánh Tân, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, có hầm bí mật dưới Tam bảo che giấu và nuôi dưỡng cán bộ Việt Minh từ 1947-1954. Sư cụ Đàm Thuận, trụ trì chùa và 3 đệ tử là các sư Đàm Hiền, Đàm Thìn và Đàm Mùi đều tham gia kháng chiến chống Pháp. Có kẻ chỉ điểm, quân Pháp bắt được sư Đàm Hiền đưa sang bắn chết ngay tại nhà Xã đội trưởng Lê Xuân Nhĩ. Sư cụ Đàm Thuận và sư Đàm Thìn chạy thoát sang chùa Đồng Phú. Sư Đàm Mùi ở chùa bị bắt và tra tấn dã man, mất năm 1978, được xếp là bệnh binh.
Tại vùng tạm bị chiếm
Đến năm 1948, nhân tình thế trong nước tạm ổn, những hoạt động Phật giáo bị một thời gian gián đoạn, được tiếp tục lại mạnh mẽ.
Ngày 18 tháng 5 năm 1949, sau một thời gian chuẩn bị Hội Tăng Ni chỉnh lý Bắc Việt ra đời, Ban Chấp hành Lâm thời do Thượng tọa Tố Liên làm Hội trưởng.
Cũng trong thời gian này, Hội Việt Nam Phật giáo tái thành lập do Tổng đốc trí sĩ Bùi Thiện Cơ làm Hội trưởng, Thượng tọa Tố Liên làm Phó Hội trưởng, cư sĩ Viên Quang làm Tổng Thư ký, Hội quán cũng đặt tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.
Ngày 16 tháng 8 năm 1951 tức rằm tháng 7 năm Tân Mão, Chi hội Phật giáo thị xã Sơn Tây cử hành lễ Vu Lan rất trọng thể, trong dịp này chi hội đã phát quà bánh cho các đồng bào trong trại giam. Chi hội đã tổ chức một tối kịch vào tối 2-6 âm lịch để lấy tiền gây quỹ chi hội. Hiện chi hội có một nghĩa trang riêng do Chi hội Phật giáo Lạc Sơn nhượng lại.
Ngày 24 tháng 9 năm 1951, Chi hội Phật giáo Sơn Đồng, huyện Đan Phượng, được phép thành lập.
Ngày 11 tháng 10 năm 1951, Chi hội Phật giáo Từ Vân, quận Đan Phượng được phép thành lập;
Ngày 20 tháng 10 năm 1951, Chi hội Phật giáo Bách Lộc, huyện Tùng Thiện làm lễ khánh thành chi nhánh tại xã Trạch Lôi có trên 3000 tín đồ đến dự.
Ngày 28 tháng 10 năm 1951, báo Tin tức Phật giáo đưa tin:
Trường học bảo trợ do Chi hội Phật giáo Bảo Lộc, tỉnh Sơn Tây mở tại chùa Hội quán từ năm 1949 đến nay đã thu lượm được kết quả khả quan: trường có 5 lớp từ lớp năm đến lớp nhất, có trên 90 học sinh do các hội viên chi hội điều khiển, kinh phí do các vị hội viên hảo tâm chu cấp.
Ngày 28 tháng 10 năm 1951, lễ khánh thành Chi hội Phật giáo xã Đan Phượng Thượng đã được tổ chức tại chùa của xã. Ban Quản trị Trung ương cử một đoàn về dự và thuyết pháp hơn 2 tiếng. Đáng chú ý là nơi đây tuy mới thành lập nhưng các tín đồ đã học kinh và tụng niệm rất có quy củ. Hơn 300 em kể cả các xã lân cận đã gia nhập Gia đình Phật hóa phổ và thực hiện mỗi chủ nhật đều ra chùa lễ Phật và chơi các trò chơi có ý nghĩa về đạo Phật.
Ngày 8 tháng 11 năm 1951, Chi hội Phật giáo Đan Phượng Hạ được phép thành lập.
Ngày 13 tháng 11 năm 1951 (12-10 Tân Mão):
- Chi hội Phật giáo Hát Môn, quận Phúc Thọ, làm lễ khánh thành và lễ quy cho 100 hội viên, có đại diện chư Tăng và Hội Việt Nam Phật giáo về dự.
- Chi hội Phật giáo Bảo Lộc, Sơn Tây, đã làm lễ đúc chuông do các vị hội viên tuỳ hỷ. Thượng tọa Vĩnh Tường, Đại đức Tâm Giác, các đạo hữu Tô Văn Đức và Nguyễn Khánh Vân Ban Quản trị Trung ương đã về dự.
Ngày 2 tháng 12 năm 1951 (4-11 Tân Mão), Chi hội Phật giáo Phương Canh, huyện Hoài Đức, làm lễ khánh thành và lập đàn quy cho hội.
Ngày 13 tháng 12 năm 1951 (15-11 Tân Mão), Chi hội Phật giáo Đan Phượng Thượng đã làm lễ khánh thành Thư viện đặt tại chùa hội quán ở làng Đại Phùng. Thượng tọa Giác Hải đại diện Hội Việt Nam Phật giáo đã về dự thuyết pháp và mở cửa lần đầu tiên cho thư viện khai mạc.
Ngày 25 tháng 12 năm 1951 (25-11 Tân Mão), Chi hội Phật giáo Đan Phượng Hạ (gồm 7 xã với 4-5000 hội viên) làm lễ khánh thành, trụ sở Hội quán đặt tại chùa Thụy Ứng ngay bên đường rất thuận lợi.
Ngày 20 tháng 3 năm 1952, Chi hội Phật giáo xã Bảo Vệ, Phi Long, quận Phúc Thọ, làm lễ khánh thành.
Ngày 6 tháng 4 năm 1952, Chi hội Phật giáo Bảo Lộc, Sơn Tây, đã thỉnh Thượng tọa Trí Hải ở Ban Quản trị Trung ương Hội về chùa Hội quán làm lễ truyền thụ Tam quy cho hội viên.
Từ 1 đến 8 tháng 5 năm 1952, Chi hội Phật giáo Bách Lộc, Sơn Tây đã mở lớp huấn luyện giáo dục phổ thông và kết nạp thêm nhiều hội viên.
Ngày 6 tháng 7 năm 1952 (15-5 nhuận âm lịch), được sự cổ động của đạo hữu Cù Đình Hanh, Chi hội Phật giáo Thượng Hội gồm 3 xã: Thượng Hội, Thụy Hội và Vĩnh Ký đã làm lễ khánh thành. Đây là Chi hội Phật giáo thứ 11 tại quận Đan Phượng. Ban Quản trị Trung ương đã cử một đoàn gồm các Thượng tọa Giác Hải và Thanh Trọng, các đạo hữu Nguyễn Văn Bách, Tô Văn Đức, Nguyễn Thiện Thái về chứng lễ. Thượng tọa Giác Hải thuyết pháp, kết thúc buổi lễ bằng cuộc phát điệp công đức cho 2 đạo hữu cao tuổi đã hết sức giúp đỡ tài lực cho Chi hội.
14h00 ngày 11 tháng 7 năm 1952, toàn thể Tăng già quận Hoài Đức đã họp tại trường Tây Tựu để thảo luận về sự thành lập Giáo hội Tăng già toàn quốc và sự suy tôn Tăng thống sắp tới. Sau khi nghe Thượng tọa Thanh Tùng, Tổng Thư ký Giáo hội Tăng già Bắc Việt trình bày những quan điểm cần thiết trong việc thống nhất Tăng già toàn quốc, toàn thể hội nghị đều tỏ ý hoan nghênh và mong muốn việc tổ chức Viện Tăng thống Việt Nam sớm được thực hiện.
Ngày 29 tháng 8 năm 1952, Chi hội Phật giáo Dương Liễu, quận Đan Phượng được phép thành lập.
Ngày 4 tháng 9 năm 1952, Chi hội Phật giáo Yên Sở, quận Đan Phượng được phép thành lập.
Ngày 18 tháng 9 năm 1952, Chi hội Phật giáo Hậu Ái, quận Hoài Đức được phép thành lập.
Ngày 23 tháng 9 năm 1952, Chi hội Phật giáo Thọ Lão, quận Đan Phượng được phép thành lập.
Ngày 26 tháng 9 năm 1952, Chi hội Phật giáo Đắc Sở, quận Đan Phượng được phép thành lập.
Ngày 3 tháng 10 năm 1952, Chi hội Phật giáo Kim Hoàng, quận Hoài Đức (tới ngày 5-10 làm lễ khánh thành) và Chi hội Phật giáo Văn Lập, quận Quảng Oai (Sơn Tây) được phép thành lập.
Ngày 12 tháng 10 năm 1952, Chi hội Phật giáo Dương Liễu, quận Đan Phượng làm lễ khánh thành. Ban Quản trị Trung ương cử một phái đoàn gồm Thượng tọa Thanh Tùng, Thượng tọa Nguyên Ân và hai cư sĩ Nguyễn Hữu Lộc, Nguyễn Văn Hách về dự.
Ngày 8 tháng 11 năm 1952, Chi hội Phật giáo Hậu Ái, quận Hoài Đức làm lễ khánh thành. Trung ương Hội cử một phái đoàn gồm sư cụ Giám viện Trung ương và sư cụ giảng sư chùa Quán Sứ, cư sĩ Lê Toại, Nguyễn Hữu Lộc về dự.
Ngày 2 tháng 12 năm 1952, Chi hội Phật giáo Văn Tập, quận Quảng Oai làm lễ khánh thành. Cụ Giám viện và sư cụ Giảng sư chùa Quán Sứ về chứng lễ và truyền thụ Tam quy cho các hội viên.
Ngày 8 tháng 12 năm 1952, Chi hội Phật giáo Hương Ngải, quận Hoài Đức được phép thành lập.
Ngày 2 tháng 1 năm 1953, Chi hội Phật giáo thị xã Sơn Tây, Lai Xá, Mậu Hòa quận Hoài Đức đã tổ chức đàn quy cho các hội viên.
Ngày 11 tháng 1 năm 1953, Chi hội Phật giáo Yên Sở, quận Đan Phượng làm lễ khánh thành, Ban Quản trị Trung ương cử một phái đoàn về dự.
Ngày 18 tháng 1 năm 1953, đại biểu các liên chi Bách Lộc, thị xã Sơn Tây đã tham gia Đại hội đồng thường niên các đại biểu Liên chi thị xã và Ban Trị sự Trung ương Hội Việt Nam Phật giáo tại chùa Quán Sứ với sự chứng minh của Hòa thượng Thích Mật Ứng-Pháp chủ Giáo hội Tăng già Bắc Việt.
Ngày 2 tháng 2 năm 1953, Chi hội Phật giáo Kim Quan, quận Thạch Thất được phép thành lập. Đây là Chi hội Phật giáo thứ 350 hoạt động trên toàn cõi Bắc Việt.
Ngày 5 tháng 3 năm 1953, Chi hội Phật giáo Tiền Lệ, quận Đan Phượng được phép thành lập. Cùng ngày, Chi hội Phật giáo quận Đan Phượng tổ chức lễ Thượng Nguyên một cách đơn giản và tiết kiệm. Đại đức Tâm Giác ở Trung ương Hội về dự lễ và thuyết pháp. Sau thuyết pháp, Chi hội tổ chức khóa lễ tụng kinh Dược sư bằng quốc văn.
Tháng 12 năm 1953, Chi hội Phật giáo Kim Quan, quận Thạch Thất làm lễ khánh thành.
Tại các vùng hồi cư xứ Đoài, điều kiện đã có đủ cho sự tạo dựng lại cơ sở. Các tăng sĩ và cư sĩ tìm về với nhau để tổ chức lại sự tu học. Một số lớp học giáo lý đạo Phật được mở ra, và các Chi hội Phật giáo được tái lập dưới sự điều hành của Hội Việt Nam Phật giáo. Công việc Phật sự tiến hành mau chóng vì quần chúng Phật tử đi chùa và tham dự Phật sự rất đông đảo (ý của Nguyễn Lang trong sách Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3). Phật giáo đã làm dịu đi nỗi đau mất mát do chiến tranh và hướng Phật tử đoàn kết khắc phục khó khăn trong cuộc sống.
Kết luận
Phật giáo xứ Đoài không chỉ đồng hành cùng dân tộc trong những năm tháng đấu tranh cách mạng giành chính quyền và kháng chiến chống thực dân Pháp mà còn tích cực tham gia phong trào chấn hưng Phật giáo từ năm 1934 tới năm 1953.
Đây là thời kỳ không thể nào quên của Phật giáo xứ Đoài.
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, (1940-1945), Nxb Chính trị quốc gia, 2000.
2. Trích lục Biên bản Đại hội đồng thường niên Hội Phật giáo Bắc Kỳ ngày 25 tháng 5 năm 1941.
3. Hà Nam Ninh chống thực dân Pháp 1945-1954, NXB QĐND và BCH quân sự tỉnh xuất bản, 1979.
4. Dương Trung Quốc, Việt Nam những sự kiện lịch sử (1919-1945), NXB Giáo dục, 2006, tr413.
5. Nguyễn Đại Đồng, Biên niên sử Phật giáo miền Bắc (1920-1953), NXB Tôn giáo, 2008.
6. Báo Cứu quốc ra ngày 2 tháng 9 năm 1945.
7. Báo Cứu quốc ra ngày 17 tháng 9 năm 1945.
8. Nguyễn Đại Đồng, Biên niên sử Phật giáo Miền Bắc (1920-1953), NXB Tôn giáo, 2008, tr254.
9. Báo Cứu quốc số 312 ra ngày 6 tháng 8 năm 1946.
Bình luận bài viết