HỌC PHẬT QUA BƯỚC ĐƯỜNG THÀNH ĐẠO CỦA NGÀI
LƯƠNG THỊ THU
Đến nay, nhiều chứng cứ lịch sử, khảo cổ đã xác định đức Phật là một con người có cha có mẹ, có gia đình, có tổ quốc, chứ không phải là một vị thần linh quyền năng phép cả do trí tưởng tượng của con người dựng nên. Lúc đức Phật còn là Thái tử, có đủ quyền thế, giàu sang, vợ đẹp con ngoan…, nhưng Ngài từ bỏ tất cả khi quan sát thấy cuộc đời là biển khổ, nên có chí hướng cứu khổ tất cả mọi loài chúng sanh. Ngài đã trốn khỏi hoàng cung, lên đường học đạo, tầm đạo…
Tu học với các đạo sĩ nổi tiếng đương thời
Vị thầy đầu tiên mà Thái tử tìm đến để học là đạo sĩ Àlkarà Kàlama. Vị thầy này đã chứng đắc “Vô hữu xứ định”. Chỉ trong một thời gian ngắn tu tập, Thái tử đã nhập vào cảnh giới “Vô hữu xứ định”. Thái tử đến trình với thầy và hỏi thầy còn pháp nào dạy cho Ngài nữa không? Đạo sĩ Àlkarà Kàlama rất hoan hỷ trước sự thành đạt của Ngài, nhưng ông không còn pháp gì cao hơn để dạy cho Ngài. Đạo sĩ Àlkarà Kàlama mời Ngài lưu lại để cùng hướng dẫn đồ chúng với ông. Ngay lúc đó, Ngài nghĩ rằng:
“Pháp này không hướng đến yễm ly, không hướng đến ly tham, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến an tịnh, không hướng đến thắng trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết bàn mà chỉ đưa đến sự chứng đạt Vô sở hữu xứ”1.
Vì thế, Người không thể chấp nhận, bác bỏ giáo pháp này,và tiếp tục đi tầm đạo.
Người tìm đến đạo sĩ Uddaka Ràmaputta, vị này đã chứng “Phi tưởng phi phi tưởng xứ định”. Trong thời gian ngắn Thái tử cũng đã nhập vào cảnh giới của tầng định “Phi tưởng phi phi tưởng xứ”. Nhưng một lần nữa, Thái tử quyết định từ tạ thầy ra đi, mặc dầu vị thầy thứ hai này đề nghị Ngài không phải đồng lãnh đạo mà là chức vụ lãnh đạo độc nhất trong hội chúng.
Theo Ngài, “Pháp này không hướng đến yểm ly, không hướng đến ly tham, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến an tịnh, không hướng đến thắng trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết bàn mà chỉ đưa đến sự Phi tưởng phi phi tưởng xứ”2. Cho nên, Ngài tiếp tục đi tầm đạo.
Thái tử tìm đến núi rừng Dungsiri. Đây là khu rừng rậm, đàng xa nhìn thấy có nhiều cây xanh mát mẻ, nhưng đến gần thì muỗi vây kín, cỏ gai lan tràn trên mặt đất. Nơi đây hiện có nhiều tu sĩ thực hành các lối tu khổ hạnh.
Thái tử quanh quẩn trong khu rừng già bên cạnh làng Uruvela này chưa biết phải tu tập ra sao thì gặp lại đạo sĩ Kiều Trần Như và bốn người khác. Hiện các vị này đang tu pháp môn khổ hạnh. Thái tử quyết định cùng tu pháp môn “khổ hạnh” với năm anh em Kiều Trần Như trong sáu năm liền. Ngài trở thành đạo sĩ đệ nhất khổ hạnh, đệ nhất bàn uế, đệ nhất yểm lỵ và đệ nhất độc cư thiền định. Cho đến khi thân chỉ còn da bọc xương, Ngài một lần nữa chối bỏ phái tu khổ hạnh và "Tự mình thắp đuốc lên mà đi".
Ngài ghi nhận cái mình đã đạt được và tiếp tục tự thân tìm ra con đường giải thoát - con đường trung đạo. Kinh nghiệm tu tập khổ hạnh này, từ chính miệng Ngài giải thích:
“Này Sariputta, dầu ta có theo cử chỉ như vậy, theo hành lộ như vậy, theo khổ hạnh như vậy, Ta cũng không chứng được các pháp thượng nhân, không có tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh. Vì sao vậy? Vì với những phương tiện ấy, không chứng được pháp Thượng nhân với Thánh trí tuệ. Chính Thánh trí tuệ này chứng được thuộc về bậc Thánh, có khả năng hướng thượng, có thể dẫn người thực hành diệt tận khổ đau”3.
Khám phá và nhận diện ra Chân lý thâm diệu
Sau khi nhớ lại kinh nghiệm thuở ấu thơ4 và đã nghi vấn: Có thể nào cách quán tưởng này chính là con đường đưa đến giác ngộ chăng? Một đạo lộ mới khai mở. Và Ngài cũng đã được hỗ trợ bằng kinh nghiệm thiền định mà Ngài đã chứng đắc dưới sự hướng dẫn của đạo sư Alara Kalama. Sau bốn giai đoạn nhập định5, trong canh đầu đêm, Ngài đạt được minh trí nhớ lại các đời sống quá khứ, canh giữa đạt minh trí thứ hai là luật Nhân quả về Nghiệp. Sau cùng, canh cuối, Ngài đạt tri kiến thứ ba, đó là tri kiến về Khổ và Tứ Thánh Đế (Tứ Diệu Đế) tạo nên căn bản giáo lý của Ngài sau này.
Đêm ấy, vào ngày trăng tròn tháng Năm, năm 578 TCN, lúc ấy Ngài 35 tuổi đã trở thành đấng giác ngộ, tỉnh thức,… giải thoát khỏi luân hồi sanh tử, gọi chung là Phật.
Tứ Diệu Đế6 là bức thông điệp vô giá mà Ngài khám phá và nhận diện ra nó đã cởi trói cho nhân loại, tìm đến hạnh phúc Tuyệt đối.
Với lộ trình tìm học đạo đó, đức Phật là một con người, không có một sự liên hệ nào đến Thần linh hay một lực lượng siêu nhiên nào mà Ngài là một con người toàn thiện. Những gì Ngài thành tựu là những gì Ngài thông hiểu, là thành quả của nỗ lực bản thân. Như vậy, chúng ta cũng là một chúng sanh, chúng ta đã và đang sống trong trạng thái ràng buộc về vật chất, về tinh thần trong mỗi hoàn cảnh không gian, thời gian khác nhau. Chúng ta đã không thể làm được những gì mà đức Phật dám từ bỏ, kham nhẫn, dám vượt qua những cám dỗ, mê hoặc đến đe dọa,…
Ngài là người đầu tiên trong lịch sử thế giới đã chứng minh tiềm năng giải thoát đang ngủ ngầm trong khả năng vô cùng tận của con người. Điều đó giúp chúng ta nhận ra rằng phương thức giải thoát chính là sự vận dụng Chánh pháp như thế nào để đạt được hiệu quả cho chính bản thân mình?
Từ lộ trình tu học của Ngài, chúng ta không có lý do gì đặt niềm tin tuyệt đối vào những tha lực mà “Hãy tự thắp đuốc lên mà đi” như Ngài đã dạy.
Đối với những tập tục truyền thống, là người tu học Phật, theo chúng tôi là không nên đả phá, không nên bình phẩm, không nên đưa tư kiến vào. Bởi, ở góc nhìn văn hóa, mỗi cá nhân, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều cần thiết bảo tồn những nét đặc trưng của dân tộc mình. Nói như Chánh Trí - Mai Thọ Truyền7 sau thời gian đi nghiên cứu tôn giáo ở các nước Âu Mỹ, cho rằng bánh mì và cơm là thực phẩm quan trọng nuôi sống con người, không thể xác quyết bánh mì có ích hơn cơm và ngon hơn cơm hoặc ngược lại.
Nhìn lại chặng đường tu học của Ngài, chúng ta thấy Ngài không trao gửi thân mạng, lý tưởng, mục đích sống cho bất cứ ai, chủ thuyết nào, ý thức hệ nào dù chúng đã trở thành truyền thống, tập tục. Chính Người là tấm gương soi sáng tư duy độc lập. Ngài không muốn chúng ta nhắm mắt tuân theo Ngài, vâng theo sự phán xét của Ngài một cách thụ động. Ngài đòi hỏi chúng ta một sự suy tư chín chắn, một ý thức kinh nghiệm bản thân. Vì lẽ đó, Cố Hòa Thượng Viện trưởng Thích Minh Châu8 trong Tuyển tập Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi (2012)9, có viết: Một lần… sau khi bậc Đạo sư viên tịch: “Vậy nên này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn của chính mình (atta-dipa-viharatha), hãy tự mình y tựa chính mình (attasarana), chớ y tựa một cái gì khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một cái gì khác…”10.
Viết ngày 22/3/2022
1. Toàn tập Thích Minh Châu - Tập 3 (2015), Kinh Trung Bộ, Kinh Thánh Cầu 26 (Ariyapariyesana Sutta), NXB. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr.354.
2. Toàn tập Thích Minh Châu - Sđd, tr.357.
3. Toàn tập Thích Minh Châu - Tập 3 (2015), Kinh Trung Bộ, Đại Kinh Sư Tử Hống 12 (Mahasihanada Sutta), NXB. Tổng hợp Thanh phố Hồ Chi Minh, tr. 185.
4. Nhiều năm trước kia, khi phụ vương ngài thân hành bước xuống cày ruộng, chính Ngài, thái tử Siddhattha, đang ngồi bên bờ ruộng, dưới bóng cây đào và đột nhiên nhập vào trạng thái ly dục, ly bất thiện pháp, một trạng thái thiền định (jihana) đi kèm với tầm, tứ, hỷ, lạc..
5. Sơ thiền: Cõi phát sinh do viễn ly; Nhị thiền: Cõi của hỷ và lạc; Tam thiền: Cõi của xả và lạc; Tứ thiền: Cõi của không lạc không khổ.
6. Tứ Diệu Đế có thể hiểu là bốn sự thật vi diệu; còn Tứ Thánh Đế có thể hiểu là bốn sự thật do một bậc Thánh phát hiện hay bốn sự thật thuộc bậc Thánh.
7. Cư sĩ Chánh Trí - Mai Thọ Truyền (1905-1973), thành viên sáng lập Hội Phật học Nam Việt, xây chùa Phật học Xá Lợi, Chủ nhiệm kiêm chủ bút Tạp chí Từ Quang, Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt từ 1955 cho đến 1973, đảm nhiệm chức vụ Tổng Thư ký Tổng Hội Phật giáo Việt Nam (1955-1958), Phó Hội Chủ Tổng Hội Phật giáo Việt Nam (1959-1963), sáng tác và biên dịch nhiều kinh sách Phật giáo.
8. Thích Minh Châu (1918-2012) nguyên Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.
9. Tuyển tập Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi tuyển chọn một số bài đã được Hòa thượng viết cho Tập san Giáo hội Phật giáo và một số bài thuyết giảng.
10. Dẫn theo Thích Minh Châu (2012), Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, NXB. Tổng hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, trang 36, 37.
Bình luận bài viết