Thông tin

HỘI ĐOÀN KẾT SƯ SÃI KHMER YÊU NƯỚC

MỘT TỔ CHỨC GẮN ĐẠO VỚI ĐỜI

CỦA PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER VIỆT NAM

 

PGS.TS. NGUYỄN HỒNG DƯƠNG(*)

 

I. BỐI CẢNH RA ĐỜI

Trong ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có Phật giáo Nam tông Khmer. Dù là một hệ phái biệt truyền nhưng Phật giáo Nam tông Khmer trong quá trình hành đạo luôn thực hiện đạo pháp “nhập thế”, gắn đạo với đời. Tồn tại trong lòng dân tộc Việt Nam, Phật giáo Nam tông Khmer trong lịch sử cũng như hiện tại đã và đang có những đóng góp thiết thực cho việc xây dựng và phát triển đất nước theo phương châm hành đạo mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đặt ra ngay từ ngày đầu thành lập (11/1981). Đó là ĐẠO PHÁP – DÂN TỘC – CHỦ NGHĨA XÃ HỘI.

Trong thời kỳ dân tộc Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ở miền Tây Nam Bộ, Việt Nam, nơi cư trú tập trung của đồng bào Khmer, xuất hiện một tổ chức yêu nước mang tính đặc thù trong Phật giáo Nam tông Khmer, đó là: Hội đoàn kết sư sãi Khmer yêu nước (Hội ĐKSS KM YN). Hội ra đời do tự thân vận động của hệ phái nhằm chống lại sự chia rẽ, phá hoại nội bộ của Mỹ-ngụy(1), đồng thời còn là một tổ chức có vai trò làm trung tâm đoàn kết, vận động sư sãi, Phật tử Khmer yêu nước đứng lên kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bảo vệ đạo pháp, bảo vệ khóm ấp, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trên cơ sở Ban Sãi vận được thành lập trong thời kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp, năm 1964 khi hội đủ điều kiện, Hội ĐKSS KMYN chính thức được thành lập. Hội do Hòa thượng Thạch Som làm Hội trưởng. Tổ chức của Hội chia thành 3 cấp (Khu, tỉnh, huyện). Vai trò của Hội là tuyên truyền, vận động sư sãi, Phật tử Khmer ủng hộ, tham gia phong trào cách mạng. Để hoạt động này mang tính hiệu quả, Hội gia nhập và là thành viên của Mặt trận giải phóng miền Tây Nam bộ.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với trên 10 năm hoạt động Hội ĐKSS KMYN đã làm tròn sứ mệnh của mình. Hội trở thành trung tâm đoàn kết chức sắc, tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer trong Mặt trận giải phóng, chống sự chia rẽ của Mỹ-ngụy, tạo nên sức mạnh tiềm tàng. Phần lớn chức sắc, tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer tham gia vào Hội. Xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu anh dũng hy sinh của chức sắc, tín đồ trong việc bảo vệ, giải phóng phum sóc, chống địch càn quét, tiêu biểu như Hòa thượng Hữu Nhem sinh năm 1929 tại ấp Mũi Đước, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, hy sinh ngày 10-7-1966.

Sau năm 1975 Hội ĐKSS KMYN tiếp tục hoạt động, tập hợp sư sãi, tín đồ khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng quê hương mới với những việc làm thiết thực.

Tháng 11/1981 Hội ĐKSS KMYN (do Hòa thượng Dương Nhơn) làm trưởng đoàn cùng với 8 tổ chức, hệ phái Phật giáo cả nước vân tập về Thủ đô Hà Nội, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Như vậy đến thời điểm này Hội ĐKSS KMYN chính thúc chấm dứt hoạt động. Mặc dù thế, tỉnh Hậu Giang (cũ) do nhu cầu nhiệm vụ và thực tế tại địa phương vẫn tiếp tục duy trì tổ chức này.

Song, những năm 1980 của thế kỷ XX tình hình chính trị - xã hội cả nước nói chung và Tây Nam Bộ nói riêng nảy sinh một số vấn đề phức tạp. Đồng thời nhận thấy trong tình hình mới, Hội ĐKSS KMYN cần thiết phải được khôi phục nhưng với một vai trò, chức năng mới, từ năm 1993 các tỉnh miền Tây Nam Bộ lần lượt thành lập Hội ĐKSS KMYN. Đến nay có 8/9 tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ lần lượt thành lập (trừ tỉnh An Giang).

II. MÔ HÌNH HỘI ĐOÀN KẾT SƯ SÃI YÊU NƯỚC(2)

1.2.1. Cơ cấu tổ chức và cơ quan lãnh đạo nhìn một cách tổng thể

Về cơ cấu tổ chức: Với hai tỉnh Kiên Giang và Trà Vinh, Hội được tổ chức ở 3 cấp, gồm cấp tỉnh (Hội ĐKSS KMYN tỉnh), cấp huyện (Hội ĐKSS KMYN huyện) và cấp cơ sở (Chi hội ĐKSS KMYN), nhưng tại tỉnh Kiên Giang, chi hội được tổ chức theo chùa, còn ở tỉnh Trà Vinh, chi hội tổ chức theo xã, phường, thị trấn, ở chùa thì có tổ hội, phân hội. Tỉnh Sóc Trăng được tổ chức theo hai cấp, tỉnh và huyện (Hội ĐKSS KMYN tỉnh và Chi hội ĐKSS KMYN huyện). Thành phố Cần Thơ và các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang và Vĩnh Long, Hội chỉ tổ chức ở cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở không có.

Về cơ quan lãnh đạo: Hội ĐKSS KMYN ở các địa phương dù là được tổ chức ở các cấp khác nhau nhưng ở từng cấp đều có Ban Chấp hành hội. Hầu hết các địa phương không quy định số lượng Ủy viên Ban Chấp hành các cấp trong Điều lệ, mà do Đại hội cấp đó quyết định. Riêng Trà Vinh, quy định số lượng tối đa ủy viên Ban Chấp hành các cấp ngay trong Điều lệ. Tuy nhiên do số lượng sư sãi trong Phật giáo Nam tông Khmer mỗi tỉnh một khác, nên số lượng ủy viên Ban Chấp hành từng cấp ở mỗi địa phương cũng khác nhau. Hầu hết tại các địa phương những vị tham gia Ban Chấp hành Hội ĐKSS KMYN các cấp đều là sư sãi, chỉ riêng tỉnh Kiên Giang trong Ban Chấp hành Hội ĐKSS KMYN ở tất cả các cấp đều có Phật tử tham gia (cấp tỉnh

4 vị, cấp huyện 22 vị). Đa số cấp tỉnh tại các địa phương không bầu Ban Thường vụ, không thành lập các ban chuyên môn trực thuộc Ban Chấp hành tỉnh hội mà chỉ suy cử hoặc bầu Thường trực hội gồm Chủ tịch (Hội trưởng), các Phó chủ tịch (Phó Hội trưởng) và Ủy viên thư ký (Chánh thư ký). Riêng tại tỉnh Kiên Giang, Ban Chấp hành bầu Ban Thường vụ. Hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng có thành lập các ban chuyên môn trực thuộc Ban Chấp hành tỉnh hội. Đứng đầu Ban Chấp hành hội cấp tỉnh là Chủ tịch hội (Trà Vinh, Kiên Giang, Vĩnh Long) hoặc Hội trưởng (Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Hậu Giang). Chức danh Chủ tịch (Hội trưởng), các Phó chủ tịch (Phó Hội trưởng) và Ủy viên thư ký hội (Chánh Thư ký), có nơi do Ban Chấp hành bầu hoặc suy cử, có nơi do Ban Thường vụ (Kiên Giang) hoặc Thường trực Ban Chấp hành hội (Trà Vinh) suy cử. Các vị Chủ tịch (Hội trưởng), các Phó Chủ tịch (Phó Hội trưởng) phần lớn là các vị cao tăng (Hòa thượng, Thượng tọa) và đang giữ các vị trí quan trọng, chủ chốt (trưởng ban, phó trưởng ban) trong Ban Trị sự Phật giáo tại địa phương, nhiều vị là đại biểu hội đồng nhân dân, Ủy viên Ban Chấp hành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Hầu hết các địa phương đều quy định nhiệm kỳ của Đại hội ở cấp tỉnh và cấp huyện là 5 năm. Đối với cấp chi hội, tỉnh Kiên Giang quy định là 2,5 năm. Tỉnh Trà Vinh quy định là 5 năm và cấp tổ, phân hội là 2,5 năm. Hầu hết các địa phương đều quy định Ban Chấp hành hội cấp tỉnh và huyện 3 tháng họp một lần, cấp chi hội 1 tháng họp một lần, 6 tháng và 1 năm đều có sơ, tổng kết để đánh giá hoạt động, và củng cố kiện toàn tổ chức.

Về hội viên: Việc quy định ở mỗi địa phương có sự khác nhau. Một số địa phương quy định tất cả các vị sư sãi từ bậc sadi trở lên trong Phật giáo Nam tông Khmer tại địa phương đương nhiên là hội viên Hội ĐKSS KMYN (Sóc Trăng). Một số địa phương lại quy định chỉ những vị sư sãi từ 18 tuổi trở lên có trình độ Phật học cơ bản, không bị kỷ luật đạo, không vi phạm pháp luật của Nhà nước, nếu tán thành Điều lệ, tự nguyện làm đơn xin gia nhập Hội thì được kết nạp vào Hội (Trà Vinh, Kiên Giang, Vĩnh Long). Tuy nhiên đặc thù của Phật giáo Nam tông Khmer việc nhập tu và hoàn tục của các vị sư, nhất là sư trẻ diễn ra thường xuyên, số lượng sư sãi biến động liên tục, do đó hầu như Hội ĐKSS các tỉnh thành phố không nắm được số hội viên của mình(3).

2.2. Mô hình hóa Hội Đoàn kết sư sãi

Sơ đồ hệ thống tổ chức Hội Đoàn kết sư sãi trước năm 1975:

 

 

Sơ đồ hệ thống tổ chức Hội đoàn kết sư sãi Khmer yêu nước hiện nay:

 

 

 

Nhìn vào sơ đồ ta thấy, nếu như Giáo hội Phật giáo Việt Nam là thành viên của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, thành phố là thành viên của Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố. Sơ đồ cũng cho thấy Hội ĐKSS KMYN không phải là một tổ chức thế tục mà là một tổ chức đặc thù của Phật giáo Nam tông Khmer miền Tây Nam Bộ Việt Nam.

III. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA HỘI ĐKSS KMYN

Tài liệu của TT. Lý Hùng và Bạch Thanh Sang cho biết. Do yêu cầu của mỗi địa phương xác định chức năng, nhiệm vụ có sự khác nhau. Nhưng tựu chung lại gồm những chức năng, nhiệm vụ sau:

- Tuyên truyền vận động chức sắc, tín đồ đoàn kết thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước, chú trọng chính sách dân tộc, tôn giáo, tham gia phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

- Hướng dẫn chức sắc, tín đồ sinh hoạt tôn giáo theo phong tục tập quán, thực hiện tốt phương châm Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

- Chăm lo vật chất của hội viên, chức sắc, tín đồ, đặc biệt là người nghèo, đối tượng chính sách, thực hiện xóa đói giảm nghèo.

- Tham gia vào việc xóa mù chữ phổ thông và chữ Khmer. Phối hợp hướng dẫn khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế. Giáo dục nâng cao nhận thức của các sư sãi và hội viên về đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát huy tinh thần đoàn kết, giữ gìn an ninh trật tự.

- Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đi đôi với cải tiến các lễ hội, phong tục tập quán, nghi lễ tôn giáo, xóa bỏ dần các hủ tục. Vận động chức sắc tín đồ thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng nông thôn mới trong vùng đồng bào Khmer.

- Phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo địa phương quản lý tăng sự trong từng địa phương và cơ sở của chùa Khmer theo Hiến chương, nội quy tăng sự và chính sách pháp luật hiện hành.

Tuy phân chia ra làm 6 nhiệm vụ cụ thể, nhưng tựu chung lại nhiệm vụ của Hội là thực hiện Đạo pháp và gắn bó với dân tộc. Trong thực hiện Đạo pháp bao gồm cả việc duy trì đúng đắn nghi lễ tôn giáo với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Vì với đồng bào Khmer, Phật giáo và văn hóa dân tộc gắn quyện với nhau.

3.1.Hội Đoàn kết sư sãi Khmer yêu nước – các kỳ đại hội

Từ năm 1993, Hội ĐKSS KMYN dần dần được tái lập ở các cấp trong từng tỉnh. Do không có quy định nên tổ chức Hội ĐKSS KMYN có những mô hình giống và khác nhau (như phần trên đề cập). Vả lại do Hội được khôi phục ở mỗi tỉnh theo thời gian khác nhau nên các kỳ đại hội của Hội ĐKSS KMYN ở mỗi tỉnh có sự khác nhau về thời gian.

Tài liệu của TT. Lý Hùng và Bạch Thanh Sang viết: “Các tỉnh Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ thực hiện củng cố, kiện toàn lại, tiếp tục phát huy vai trò của Hội. Tính đến năm 2013, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Cần Thơ tổ chức được 5 kỳ đại hội; Trà Vinh tổ chức 6 kỳ đại hội, nhiệm kỳ VI (2013-2018); Sóc Trăng tổ chức 7 kỳ đại hội, nhiệm kỳ VII (2012-2017).

Hội ĐKSS KMYN tỉnh Hậu Giang thành lập năm 2006, Vĩnh Long thành lập 2009. Hai tỉnh này Hội vẫn đang ở nhiệm kỳ I. Tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ I kết thúc cách đây 2 năm vẫn chưa tổ chức nhiệm kỳ II.

Tổ chức theo từng tỉnh, thành phố nên Điều lệ cấp tỉnh do đại hội cấp tỉnh thông qua và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ra quyết định. Vì vậy về chi tiết có sự khác nhau đôi chút nhưng về cơ bản nội dung giống nhau gồm các phần: Tên gọi – tôn chỉ - mục đích – tính chất, chức năng – nhiệm vụ - quyền hạn, hội viên, hệ thống tổ chức, nguyên tắc làm việc, tư cách pháp nhân, khen thưởng, kỷ luật, tài chính, sửa đổi Điều lệ Hội”(4).

Bảng thống kê nhiệm kỳ của Hội ĐKSS KMYN một số tỉnh, thành phố vùng Tây Nam Bộ

 

TT

 

Địa phương

 

Nhiệm kỳ

Số thành viên
Ban Chấp hành

 

Người đứng đầu

1

Kiên Giang

V (2009-2014)

35

HT. Danh Nhưỡng

2

Sóc Trăng

VII (2012-2017)

48

HT. Dương Nhơn

3

Bạc Liêu

V (2008-2013)

15

HT. Lý Sa Mouth

4

Trà Vinh

V (2009-2014)

24

HT. Thạch Oai

5

Vĩnh Long

I (2009 – 2014)

15

TT. Sơn Ngọc Huynh

6

Cà Mau

V (2011-2016)

37

TT. Thạch Hà

7

Cần Thơ

V (2011-2016)

25

HT. Lý Sâm

8

Hậu Giang

II (2011-2016)

15

ĐĐ. Lý Vệ

 

3.2. Cơ chế hoạt động của Hội Đoàn kết sư sãi Khmer yêu nước

Mối quan hệ giữa Hội với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp

Phần trên chuyên đề mô hình hóa hệ thống tổ chức của Hội ĐKSS hiện nay cho thấy cơ chế hoạt động của Hội ĐKSS KMYN. Tổ chức Hội ở mỗi tỉnh là thành viên của Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố. Vì vậy Hội chịu sự chỉ đạo của Mặt trận Tổ quốc tỉnh và thành phố. Hội tham gia các phong trào do Mặt trận Tổ quốc tỉnh phát động và đề xuất. Đồng thời Hội luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện từ phía Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Hội cử những vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức tham gia vào Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp.

Mối quan hệ của Hội với Ban Trị sự Phật giáo các cấp ở địa phương

Do đặc thù của Phật giáo Nam tông Khmer mang tính biệt truyền và một số đặc thù riêng nên phần lớn sinh hoạt của Phật giáo gắn liền với Hội ĐKSS KMYN hơn là Ban Trị sự tỉnh, thành. Hội được xem là tổ chức đặc thù của hệ phái. Vì vậy mọi hoạt động như thuyên chuyển, bổ nhiệm sư trụ trì, tổ chức thọ giới, tấn phong giáo phẩm, kỷ luật, bồi dưỡng và đào tạo sư sãi… đều do Hội xem xét, quyết định. Hội và Ban Trị sự chủ yếu kết hợp giải quyết việc chung của Giáo hội.

Mối quan hệ giữa Hội ĐKSS KMYN và Ban Trị sự Phật giáo ở từng địa phương nhìn chung là tốt và thuận lợi. Hầu hết các vị trí lãnh đạo của Ban Trị sự cấp tỉnh và cấp huyện đều do các vị lãnh đạo Hội ĐKSS KMYN đảm nhiệm. Đây là một trong điều kiện để Hội và Ban Trị sự gắn bó, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong hoạt động. Các phần việc liên quan đến vai trò, trách nhiệm của từng tổ chức, về cơ bản đều được sự bàn bạc dân chủ, đồng thuận, tạo được sự an tâm, ổn định để các thành viên hoạt động.

Mối quan hệ của Hội với các tổ chức chính trị - xã hội

Từ khi lập Hội luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy các cơ sở, sự trợ duyên, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, sự chỉ đạo của Ban Dân vận, Ban Tôn giáo về hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên, kinh phí tổ chức đại hội, đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất. Hỗ trợ xây dựng, trùng tu chùa, xây nhà hỏa táng, xây dựng phòng học, trang bị sách giáo khoa tiếng Khmer, sách song ngữ Việt – Khmer.

Về phía Hội, giới thiệu các vị hòa thượng, chủ tịch, phó chủ tịch Hội tham gia Đại biểu Quốc hội, Đại biểu hội đồng nhân dân các cấp.

Chức năng, nhiệm vụ, các kỳ đại hội, cơ chế hoạt động, mối quan hệ của Hội ĐKSS KMYN với Ban Trị sự và với các tổ chức chính trị xã hội – Trường hợp tỉnh Cần Thơ(5).

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 1963 khi Mặt trận Giải phóng miền Nam ra đời, khu ủy, khu Tây Nam Bộ có chủ trương thành lập Hội ĐKSS KMYN, nhằm vận động đồng bào, sư sãi Khmer tham gia phong trào cách mạng, góp phần cùng toàn dân giành độc lập, tự do cho đất nước, nhiều chư tăng và Phật tử tham gia trong đội ngũ kháng chiến. Nhiều cơ sở thờ tự của Phật giáo Nam tông Khmer Cần Thơ là nơi chứa bảo vệ cán bộ cách mạng. Thông qua Hội ĐKSS KMYN, các địa phương đã tập hợp được đông đảo đồng bào, sư sãi Khmer tham gia, ủng hộ cách mạng, đấu tranh chống địch rất mạnh mẽ, tham gia nhiều cuộc biểu tình, tuyệt thực để phản đối chiến tranh, đòi hòa bình góp phần cùng toàn dân kháng chiến thắng lợi vào Mùa Xuân 1975.

Thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đến năm 1993, Hội ĐKSS KMYN tỉnh Cần Thơ được thành lập, căn cứ vào những quy ước của Đại hội sư sãi và Achar lần thứ nhất. Từ khi thành lập, Hội ĐKSS KMYN thành phố Cần Thơ luôn là một thành viên đáng tin cậy trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt Hội đã tổ chức, quản lý và điều hành các lớp học tại điểm chùa, tạo nên phong trào học tập cả kiến thức dân tộc lẫn kiến thức phổ thông, góp phần tích cực trong việc nâng cao dân trí trong đồng bào dân tộc Khmer. Sau hơn 30 năm giải phóng thống nhất đất nước. Hội ĐKSS KMYN Cần Thơ tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, nhiều cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể các cấp phát động, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố Cần Thơ.

- Về cơ cấu tổ chức, nhân sự: Hội ĐKSS KMYN thành phố Cần Thơ đã kết thúc nhiệm kỳ IV, tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Hội ĐKSS KMYN nhiệm kỳ V (2011-2016) gồm 26 thành viên, trong đó có 01 cố vấn, 01 Hội trưởng, 04 Phó Hội trưởng, 01 chánh văn phòng,

01 Phó Chánh văn phòng, 01 Thư ký và 1 ủy viên. Hội xác định rõ tôn chỉ, mục đích, tính chất: “Hội ĐKSS KMYN thành phố Cần Thơ là tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là tổ chức giới sư sãi gắn bó mật thiết với đồng bào dân tộc Khmer.

Có mối quan hệ mật thiết với Ban Trị sự Phật giáo, đoàn kết rộng rãi với tôn giáo bạn, nhằm chăm lo quyền lợi và lợi ích của sư sãi và đồng bào Phật tử Khmer, kịp thời giúp đỡ về đời sống vật chất lẫn tinh thần cho từng thành viên trong Ban Chấp hành HĐKSS KMYN”.

Mối quan hệ giữa Hội Đoàn kết sư sãi Khmer yêu nước với Mặt trận, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội và cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo Hội ĐKSS KMYN yêu nước thành phố Cần Thơ là một tổ chức thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; Một số thành viên của Hội tham gia các đoàn thể chính trị - xã hội như: Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia, Hội Chữ thập đỏ, Hội Khuyến học… Bên cạnh đó có 01 Hòa thượng là đại biểu HĐND cấp phường, xã.

Nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, nhất là chính sách dân tộc, tôn giáo đối với các vị sư sãi và đồng bào dân tộc Khmer, Hội ĐKSS KMYN phối hợp vận động tham gia các lớp sinh hoạt chính sách, pháp luật do Ban Tôn giáo, Ban Dân tộc tổ chức hằng năm, đồng thời phối hợp với Ban Tôn giáo, Ban Dân tộc trong việc xem xét cử tuyển các vị tăng sinh vào học Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ.

Mối quan hệ giữa Hội Đoàn kết sư sãi Khmer yêu nước với các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Ban Chấp hành Hội ĐKSS KMYN có nhiều vị được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tín nhiệm bầu vào Ban, Viện Trung ương và Ban Trị sự Phật giáo thành phố Cần Thơ, gồm: Hòa thượng Đào Như: Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, Trưởng ban Trị sự Phật giáo thành phố Cần Thơ. Hòa thượng Lý Sâm: Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Ban Trị sự Phật giáo thành phố Cần Thơ. Thượng tọa Lý Hùng: Ủy viên dự khuyết Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Thư ký kiêm Chánh văn phòng Ban Trị sự Phật giáo thành phố Cần Thơ. Thượng tọa Mai Xẹ: Ủy viên phân ban Tăng sự đặc trách Phật giáo Nam tông Khmer thuộc Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy viên Ban Trị sự Phật giáo thành phố Cần Thơ, Chánh Đại diện Phật giáo huyện Thới Lai. Thượng tọa Dương An: Ủy viên Ban Trị sự Phật giáo thành phố Cần Thơ, Chánh đại diện Phật giáo huyện Cờ Đỏ.

IV. NHỮNG THÀNH TỰU MÀ HỘI ĐOÀN KẾT SƯ SÃI KHMER YÊU NƯỚC ĐẠT ĐƯỢC

Bám sát vào chức năng, nhiệm vụ, kể từ khi thành lập đến nay, Hội ĐKSS KMYN các tỉnh miền Tây Nam Bộ đạt được những thành tựu căn bản sau đây:

- Là thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, trực tiếp là Ban Dân vận và Ban Tôn giáo tỉnh, Hội làm tốt công tác tuyên truyền đường lối chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước giáo dục lòng yêu quê hương đất nước. Hội thực hiện tốt vai trò là trung tâm đoàn kết. Nhờ đó chức sắc, tín đồ thấm nhuần, tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, yên tâm tu học chăm lo phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ phát huy lòng yêu quê hương đất nước, đoàn kết trong cộng đồng chức sắc, tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer nêu cao tinh thần cảnh giác, chống các luận điệu xuyên tạc lịch sử cũng như hiện tại góp phần giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội  ở một vùng đất trong lịch sử và hiện tại có những diễn biến phức tạp về an ninh trật tự. Chức sắc tín đồ nhận thức rõ vai trò công dân của mình. Tham gia, hợp tác với các cơ quan chức năng giải quyết tốt những vụ việc phức tạp về chính trị.

- Nét đặc trưng của Phật giáo Nam tông ở miền Tây Nam Bộ gắn chặt với cộng động dân tộc, vì vậy được gọi là Phật giáo Nam tông Khmer. Ở đó văn hóa phong tục của dân tộc Khmer gắn liền với nghi lễ, đời sống đạo đến độ khó lòng bóc tách bởi chúng hòa trộn với nhau như sữa với nước. Vì vậy Hội ĐKSS KMYN rất chăm lo với việc bảo tồn phong tục, tập quán của dân tộc, việc làm này góp phần quan trọng vào việc duy trì bản sắc văn hóa tộc người nhưng cũng là củng cố nền đạo. Việc bảo tồn, phát huy thể hiện cụ thể nhất là Hội ĐKSS KMYN các địa phương tổ chức trọng thể, theo đúng truyền thống của Phật giáo Nam tông Khmer các lễ hội lớn hằng năm như Chol Chnam Thmay, Sen dol ta, Ok om bok, lễ Dâng y, lễ Phật đản, lễ hội đua ghe ngo.

Với người Khmer ngôi chùa có vị trí hết sức quan trọng, mỗi tín đồ đều gắn cuộc đời mình với chùa từ khi sinh ra, lớn lên, qua đời (đưa xác đến chùa thiêu); không chỉ là nơi sinh hoạt Phật sự, chùa còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa – xã hội của cư dân. Chính vì vậy Hội dưới sự trợ duyên của Nhà nước và các nhà hảo tâm chăm lo đến việc trùng tu, tôn giáo, xây dựng các cơ sở thờ tự mới. Cùng với thời gian đã có những ngôi chùa được xây dựng, các ngôi chùa cũ được tôn tạo, khang trang để chức sắc, Phật tử, có điều kiện thuận lợi hơn trong tu tập và thực hành nghi lễ. Điều này làm cho chức sắc, Phật tử phấn khởi, thêm tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp.

Hội thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho sư sãi, hành trì, tu học, in ấn hàng ngàn cuốn kinh sách bằng chữ Khmer, chữ Pali cấp phát đến tận chùa. Hằng năm Hội cử các vị sư đi học ở các trường trong nước như trường Bổ túc văn hóa trung cấp tỉnh Sóc Trăng, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại thành phố Cần Thơ, Học viện Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh và đi du học, tu nghiệp ở nước ngoài. Một số vị đạt học vị Thạc sĩ. Việc làm này góp phần đào tạo tăng tài cho Giáo hội. Khi chức sắc có học vấn cao việc truyền giảng Phật pháp sẽ tốt hơn, tránh được những lệch lạc thậm chí là những sai lầm.

Phối hợp hướng dẫn, vận động đồng bào Khmer phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật tăng năng xuất chất lượng; xây dựng cơ sở hạ tầng làm thay đổi bộ mặt nông thôn mới góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, còn vận động các chùa, các Phật tử có nhiều đất ruộng chia sẻ cho các hộ nghèo mượn hoặc cho thuê với giá thấp để có điều kiện sản xuất. Nhờ đó đời sống của người dân ngày một nâng cao, góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo một cách có hiệu quả.

Là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội hưởng ứng tích cực các phong trào do Mặt trận Tổ quốc phát động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” hay “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư trong giai đoạn mới gắn với xây dựng nông thôn mới”. Phong trào thi đua được thực hiện dưới nhiều hình thức sáng tạo. Trước hết chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao dân trí. Tổ chức dạy chữ Khmer cho thanh thiếu niên. Vận động chức sắc, tín đồ giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, xóa bỏ hủ tục. Hội kết hợp với các chùa và cư dân tổ chức các hoạt động văn hóa, mỹ thuật, thể dục thể thao có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giáo dục cho sư sãi và Phật tử nâng cao ý thức giữ gìn góp phần xây dựng phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Một trong những mục tiêu mà phong trào hướng tới thực hiện xây dựng ấp, khóm, gia đình văn hóa, xây dựng chùa cảnh khang trang, nền nếp.

Hoạt động từ thiện xã hội luôn được Hội quan tâm. Trọng tâm của công tác này là giúp đỡ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, phong trào xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình thương, cứu trợ đồng bào bị lũ lụt, thiên tai… Với giá trị vật chất hằng năm đến hàng tỷ đồng. Nhiều vị cao tăng, những tấm gương tiêu biểu, đi đầu trong công tác từ thiện xã hội. Tiêu biểu như Hòa thượng Trần Nhíp ở Kiên Giang, đã vận động sư sãi, Phật tử, nhà hảo tâm tham gia sửa chữa, bắc cầu mới và bê tông hóa 15km đường nông thôn với số tiền trên 6 tỷ đồng. Hòa thượng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng III.

Ra đời trong phong trào chống Mỹ cứu nước của dân tộc, Hội ĐKSS miền Tây Nam Bộ góp phần to lớn vào công cuộc đoàn kết chức sắc, tín đồ trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tạo nên sức mạnh dân tộc để chiến thắng kẻ thù. Xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu anh dũng hy sinh của chức sắc, tín đồ góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Được tái lập từ năm 1993 Hội ĐKSS KMYN thực hiện tốt vai trò của mình là thành viên của Mặt trận Tổ quốc, cùng chung ngôi nhà với Phật giáo Việt Nam. Từ khi thành lập đến nay Hội ĐKSS KMYN luôn quán triệt, thực hiện tốt phương châm: Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thực hiện tốt Hiến chương, Điều lệ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nối tiếp truyền thống “Hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam và tư tưởng nhập thế của Phật giáo Việt Nam Hội ĐKSS KMYN vận động chức sắc, tín đồ “sống tốt đời, đẹp đạo”, tham gia các chương trình hành động cách mạng ở địa phương, góp phần xây dựng đất nước với mục tiêu “Dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Mạnh Cường, Phật giáo Khmer Nam bộ những vấn đề nhìn lại, Nxb Tôn giáo và Nxb Từ điển bách khoa.

2. Nguyễn Mạnh Cường, Phật giáo Khmer Nam bộ, Nxb Tôn giáo, 2008.

3. Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Minh Ngọc, Tôn giáo, tín ngưỡng của cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Phương Đông.

4. Báo cáo của các Ban Dân vận tỉnh, thành ủy vùng Tây Nam Bộ có đông đồng bào Khmer theo kế hoạch số 26-KH/BDVTW, ngày 20 tháng 5 năm 2013 của Ban Dân vận Trung ương về khảo sát thực trạng tổ chức và hoạt động của Hội ĐKSS yêu nước trong Phật giáo Nam tông Khmer và theo tinh thần công văn số 2163-CV/BCĐTNB ngày 11/6/2013 về báo cáo thực trạng, các tổ chức, hoạt động của Hội ĐKSS yêu nước trong Phật giáo Nam tông. Bao gồm 9 báo cáo của 9 Ban Dân vận tỉnh, thành phố miền Tây Nam bộ.

5. Báo cáo của các ban, ngành chức năng tỉnh, thành phố vùng Tây Nam Bộ có đông đồng bào Khmer theo công văn số 2563-CV/ BCĐTNB, ngày 29 tháng 10 năm 2008 của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ về việc báo cáo tình hình Phật giáo. Bao gồm 9 báo cáo của 8 Sở Nội vụ Tây Nam Bộ và một báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang.

6. Nguyễn Thanh Xuân, Một số tôn giáo ở Việt Nam, tái bản bổ sung lần thứ X, Nxb Tôn giáo, 2010.

7. Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ, Báo cáo tổng quan khảo sát toàn diện vê Phật giáo Nam tông Khmer ở Việt Nam, 2004.

8. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Từ Đại hội đến Đại hội, Nxb Tôn giáo, 2012.

9. Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Dân tộc và tôn giáo, Nxb Khoa học xã hội, 2005.

 


(*). Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

1. Một trong những nguyên nhân ra đời của Hội nhằm đối trọng với tổ chức Giáo hội Phật giáo Khemarani Khai và Giáo hội Phật giáo Theravađa do Mỹ-ngụy lập để chia rẽ, phá hoại nội bộ Phật giáo Nam tông Khmer.

2. Viết về phần này chúng tôi dựa theo tư liệu bài viết “Phát huy vai trò của Hội Đoàn kết sư sãi Khmer yêu nước ở Tây Nam Bộ trên con đường hội nhập và phát triển hiện nay” của TT.Lý Hùng và Bạch Thanh Sang, trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học: Phật giáo Nam tông Khmer đồng hành cùng dân tộc, Kiên Giang, 6/2014.

3. TT.Lý Hùng và Bạch Thanh Sang, “Phát huy vai trò của Hội Đoàn kết sư sãi Khmer yêu nước ở Tây Nam Bộ trên con đường hội nhập và phát triển hiện nay”, đd, tr.319.

4. TT.Lý Hùng và Bạch Thanh Sang, “Phát huy vai trò của Hội Đoàn kết sư sãi Khmer yêu nước ở Tây Nam Bộ trên con đường hội nhập và phát triển hiện nay”, đd, tr.318-319.

5. Viết phần này chúng tôi dựa vào Báo cáo Khái quát một số nội dung liên quan đến Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước thành phố Cần Thơ của Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ Thành phố Cần Thơ, ngày 18 tháng 9 năm 2011.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 24
    • Số lượt truy cập : 6795981