Thông tin

HỘI LỤC HÒA LIÊN XÃ TRONG DÒNG CHẢY LỊCH SỬ

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN VIỆT NAM

 

TS. HUỲNH NGỌC ĐÁNG
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bình Dương

 

Lục Hòa Liên Xã (gọi tắt là LHLX) cùng với Lục Hòa Liên Hiệp (gọi tắt là LHLH) là hai tổ chức Phật giáo có vai trò quan trọng trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ, nửa đầu thế kỷ XX. Hội Lục Hòa Liên Hiệp với vai trò trụ cột của Hòa thượng Khánh Hòa, Từ Phong và sư Thiện Chiếu ít nhiều đã được sách sử làm sáng tỏ. Còn tổ chức Lục Hòa Liên Xã với vai trò của Hòa thượng Từ Văn do nhiều lý do vẫn còn là khoảng trống mù mờ trong lịch sử Phật giáo Nam bộ, nhất là lịch sử giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam. Khoảng mờ này cần được soi rọi bằng ánh sáng khoa học từ nhiều góc độ và cấp độ.

Sự thiếu sót và nhầm lẫn đáng tiếc

Cho đến hiện nay, sách vở lịch sử Phật giáo Nam bộ, cả tư liệu giấy in lẫn các trang mạng điện tử gần như rất ít đề cập đến Hội LHLX. Có lẽ các tác giả có quá ít hiểu biết về tổ chức này hoặc có sự nhầm lẫn khi tưởng rằng cả hai tổ chức Hội LHLH và Hội LHLX chỉ là một; thậm chí có sự đáng tiếc khi nhiều người lầm lẫn cho rằng ở Nam bộ chỉ có duy nhất Hội LHLH và không hề có Hội LHLX.

Trong bài viết có tựa đề Thiền sư Như Nhãn- Từ Phong, một website Phật giáo có uy tín đã đề cập đến nhiều tổ chức Phật giáo đương thời nhưng không có liên hệ nào đến Hội LHLX:

“…Trong thời gian 1911-1930 phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ phát triển nhờ hoạt động tích cực của chư thiền đức nổi danh thời đó như Hòa thượng Khánh Hòa Như Trí (chùa Tuyên Linh quận Mỏ Cày, Bến Tre), Hòa thượng Minh Khiêm Hoằng Ân (chùa Giác Lâm), Hòa thượng Chân Thanh Từ Văn (chùa Hội Khánh-Thủ Dầu Một); Thiền sư Thiện Chiếu (chùa Linh Sơn-Sài Gòn), Thiền sư Như Phòng Hoằng Nghĩa (chùa Giác Viên-Phú Lâm), Thiền sư Như Nhãn Từ Phong (chùa Giác Hải)...

Năm 1920, Hòa thượng Từ Phong hợp cùng Hòa thượng Khánh Hòa (chùa Tuyên Linh) vận động thành lập “Hội Lục Hòa” hay “Lục Hòa Liên Hiệp” để đoàn kết chư tăng trong những ngày giỗ Tổ ở các chùa và phát động phong trào chấn hưng Phật giáo Nam kỳ. [Hội Lục Hòa này không phải là “Lục Hòa Tăng” được thành lập vào năm 1952 sau này]

Trong thời gian 1920-1930, các chùa lớn thường mở trường Hương hoặc mở các lớp giảng dạy kinh, luật... Hòa thượng Khánh Hòa và Hòa thượng Từ Phong thường được thỉnh làm Pháp sư. Hòa thượng Từ Phong và Hòa thượng Khánh Hòa có công trong việc phát triển Phật giáo ở Nam kỳ.

- Năm 1931 “Hội Nam kỳ Nghiên Cứu Phật Học” đặt trụ sở tại chùa Linh Sơn (149 đường Cô Giang Sài Gòn). Hội ra tạp chí “Từ Bi Âm” (năm 1932) để truyền bá giáo lý, thỉnh Tam Tạng Kinh từ Trung Hoa về tàng trữ ở Pháp Bảo Đường của chùa Linh Sơn.

- Năm 1933, “Liên Đoàn Học Xã” được thành lập ở Nam kỳ để đào tạo tăng tài và hoằng dương Phật pháp. Các chùa luân phiên mở Phật học đường ba tháng, mỗi chùa phải lo nuôi ăn ở cho tăng sinh ba tháng và lo thỉnh Pháp sư giảng dạy. Nhưng Liên Đoàn Học Xã chỉ hoạt động một thời gian ngắn thì gặp nhiều khó khăn, phải tan rã.

- Năm 1934, “Hội Lưỡng Xuyên Phật Học” được thành lập. Hội này mở “Phật Học Đường Lưỡng Xuyên” ở Trà Vinh để đào tạo Tăng Ni (năm 1935, trường ni dời về chùa Vĩnh Bửu ở Thôm-Bến Tre). Phật Học Đường Lưỡng Xuyên đào tạo được một số tăng sĩ nổi danh sau này…1

Như vậy tác giả bài viết này đã nêu tên tuổi của nhiều nhà sư hoạt động tích cực trong phong trào chấn hưng Phật giáo, nhắc đến nhiều tổ chức hoạt động các mặt của Phật giáo Nam bộ đương thời, đặc biệt lưu ý về Hội Lục Hòa, cho rằng đó là Lục Hòa Liên Hiệp…nhưng không hề nhắc đến Hội Lục Hòa Liên Xã.

Cùng khuynh hướng này, Tiến sĩ Lê Sơn trong một tham luận có tên Phật giáo vùng Mê Kông đã đi tiên phong trong đổi mới Phật giáo, tham dự hội thảo Phật giáo vùng Mê Kông, ý thức môi trường và toàn cầu hóa đã cho rằng:

“…Đặc biệt là trung tâm Nam bộ với ba nhà sư vùng Mê Kong là Hòa thượng Khánh Hòa, Hòa thượng Từ Phong cùng với sư trẻ Thiện Chiếu dốc lòng khôi phục bản đạo. Ban đầu họ lập ra “Lục hòa liên hiệp” để các sư bàn về nội bộ tăng đồ, kêu gọi chỉnh lý tăng đồ2…”

Đến một công trình nghiên cứu nổi tiếng về lịch sử Phật giáo của tác giả Nguyễn Lang cũng cùng khuynh hướng đó. Trong tập 3 bộ Việt Nam Phật giáo sử luận đã khẳng định về sự ra đời của Lục Hòa Liên Hiệp và không nói gì đến Lục Hòa Liên Xã:

“…Ở Việt Nam, phong trào bắt đầu bằng sự vận động của thiền sư Khánh Hòa ở chùa Tiên Linh Bến Tre và các đồng chí của ông. Năm 1923, nhân ngày giỗ tổ tại chùa Long Hoa, quận Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, vào ngày 19 tháng chín âm lịch (Quý hợi), ông vận động mời tất cả những vị tôn túc khắp miền Tiền Giang và Hậu giang về Tiểu Cần để dự lễ, đồng thời để họp bàn về vấn đề chấn hưng Phật giáo. Kết quả là hội Lục Hòa Liên Hiệp được thành lập, và tất cả những vị tôn túc có mặt trong buổi họp như Huệ Quang, Chí Thiền, Trí Thiền, Từ Phong, Chánh Quả, An Lạc, Huệ Định, Diệu Pháp, v.v... đều đồng ý tham dự. Sự đóng góp của các vị lên đến 400 đồng, và một vị cư sĩ có tên Nguyễn Văn Nhiêu, làm cai tổng, được ủy nhiệm là thủ quỹ cho hội. Mục đích của hội là vận động thành lập một hội Phật giáo toàn quốc3…”.

Trong chương tiếp theo đi sâu về phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ, Nguyễn Lang tiếp tục khẳng định:

“…Năm 1923 trong một buổi họp của đại diện các tổ đình tại chùa Long Hòa ở Trà Vinh, dưới sự hướng dẫn của ông, một tổ chức tăng sĩ được thiết lập gọi là hội Lục Hòa liên Hiệp với mục đích là vận động thành lập một hội Phật giáo Việt Nam toàn quốc làm cơ sở chấn hưng Phật giáo. Trong số những người cộng sự của ông, có một vị tăng sĩ trẻ đầy nhiệt huyết tên là Thiện Chiếu. Thiện Chiếu khác hẳn với hầu hết các tăng sĩ đương thời, vì ông là người tân học xuất gia4…”.

Điểm qua các tư liệu trên ta thấy các tác giả chỉ biết đến LHLH với chủ trì của Hòa thượng Khánh Hòa và các nhà sư tên tuổi khác. Các tác giả còn cho biết chi tiết về ngày, tháng, nơi thành lập và địa bàn hoạt động của LHLH (miền Tây Nam kỳ).

Ngược lại với khuynh hướng trên, một số tác giả có nhắc đến LHLX nhưng có vẻ như nhầm lẫn đó là LHLH. Khi trả lời câu hỏi “Xin cho biết về Giáo hội Lục Hòa Tăng và Hội Lục Hòa Phật Tử ”, Website Phật giáo Long An đã cho rằng:

“… Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam ra đời vào năm 1952 do Hòa thượng Thiện Tòng chùa Trường Thạnh (quận 1) làm Tăng trưởng. Đây là sự tiếp nối của tổ chức Lục Hòa liên xã (1920). Tại Nam bộ, tăng sĩ yêu nước có hoài vọng tập họp “chư sơn thiền đức”, mục đích của giáo hội nhằm tập họp tăng sĩ vào một tổ chức để duy trì nền tảng Phật giáo cổ truyền, sống theo 6 phép Lục Hòa của tinh thần Phật giáo5…” Như vậy ở đây có sự nhầm lẫn khi gộp chung hai Hội Lục Hòa thành Lục Hòa Liên Xã, không biết đến Lục Hòa Liên Hiệp hay nhầm lẫn từ LHLH thành LHLX.

Một bài viết trên wewbsite của đạo Cao Đài có tựa đề Từ Lâm Tự trên có ghi rõ “trích lịch sử đạo Cao Đài” có đoạn viết:

“…Nguyên từ khoảng năm 1920, do Phật giáo bị suy thoái trầm trọng, nhiều nhà sư có tâm huyết thành lập “Lục Hòa Liên Xã” (không phải Giáo hội Lục Hòa Tăng) để vận động phong trào chấn hưng Phật giáo. Chủ động phong trào này có nhà sư trẻ Thiện Chiếu (Nguyễn Văn Tài) (1898 – 1974) lúc ấy đang trụ trì Linh Sơn Tự (đường Douamont, nay là Cô Giang). Hòa thượng Như Nhãn (1864 - 1939) tục danh Nguyễn Văn Tường, người gốc ở Đức Hòa, Long An; là con của ông Nguyễn Văn Bầu và bà Đoàn Diệu Hoa…”6

Tác giả bài viết này cũng chỉ biết đến Lục Hòa Liên Xã mà không nói gì đến Hội Lục Hòa Liên Hiệp nhưng lại nhắc đến sư trẻ Thiện Chiếu (vốn gắn bó với LHLH) nên ta hiểu rằng ở đây có sự nhầm lẫn LHLH thành LHLX.

Cùng khuynh hướng này còn có bài viết Báo chí Phật giáo và phong trào chấn hưng Phật giáo nửa đầu thế kỷ XX của tác giả Nguyễn Thị Thảo:

“…Năm 1923, tổ chức Lục Hòa Liên xã ra đời, trụ sở đặt tại chùa Long Hòa của Hòa thượng Huệ Quang. Tổ chức này thành lập nhằm mục đích tạo điều kiện cho các vị có tâm huyết, lo lắng về sự suy của Phật giáo Việt Nam có cơ hội gặp gỡ nhau để bàn bạc việc chấn hưng Phật giáo, qua 3 nỗ lực: chỉnh đốn tăng già, kiến lập Phật học đường, diễn dịch và xuất bản kinh sách Việt ngữ. Các vị tổ sư tiền bối của phong trào này là Hòa thượng Huệ Quang, Khánh Hòa và Khánh Anh…”7

Tương tự như trên, trong mục Niên biểu Phật giáo Việt Nam trên Trang nhà Quảng Đức, Trần Tri Khách cũng có nhầm lẫn như vậy:

Năm 1923, tổ chức Lục Hòa Liên xã ra đời, nhằm mục đích tạo điều kiện cho các vị ưu tư về sự suy đồi của Phật giáo Việt Nam có cơ hội gặp gỡ nhau để bàn bạc việc chấn hưng Phật Giáo qua 3 nỗ lực: chỉnh đốn tăng già, kiến lập Phật học đường, diễn dịch và xuất bản kinh sách Việt ngữ. Các vị tổ sư tiền bối của phong trào này là HT Huệ Quang, Khánh Hòa và Khánh Anh. Trụ sở đặt tại chùa Long Hòa của HT Huệ Quang. Còn tác giả Nguyễn Lang (tức Thiền sư Nhất Hạnh trong VNPGSL quyển 3) thì cho rằng, Hội Lục Hòa Liên Xã là viên đá đầu tiên của phong trào chấn hưng Phật giáo tại Nam kỳ.8

Nhìn chung, các tác giả trên nói đến LHLX nhưng khi trình bày sự kiện thành lập của Hội này lại có các chi tiết về địa điểm (chùa Long Hoa), các nhà sư liên quan (Hòa thượng Khánh Hòa, Từ Phong, Huệ Quang, Thiện Chiếu…) là của sự kiện thành lập Hội LHLH. Điều đó cho thấy các tác giả này đã nhầm lẫn LHLH thành LHLX.

Những thiếu sót và nhầm lẫn tương tự như vậy còn thể hiện ở nhiều tác giả và nhiều tư liệu khác nữa.

Điểm lại các tư liệu như đã trình bày ở trên chúng ta nhận thấy:

Thứ nhất, phần đông các tác giả chỉ biết đến tổ chức Hội Lục Hòa Liên Hiệp do Hòa thượng Khánh Hòa và các sư khác thành lập mà Nguyễn Lang đã ghi chép khá cụ thể là ngày 19 tháng 9 năm Quý Hợi, Dương lịch nhằm vào ngày chúa nhật, 28/10/1923, tại chùa Long Hoa, quận Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, miền Tây Nam Kỳ.

Thứ hai, có sự nhầm lẫn tên Hội Lục Hòa Liên Hiệp trong sự kiện thành lập Lục Hòa Liên Hiệp thành tên Lục Hòa Liên Xã.

Thứ ba, Tổ chức Hội Lục Hòa Liên Xã ở miền Đông Nam kỳ rất ít được tác giả thực sự đề cập đến, cứ như là chưa từng có tổ chức này. Ngay tác giả Nguyễn Lang, một nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo tên tuổi, trong bộ Việt Nam Phật giáo sử luận đồ sộ của mình ông cũng chỉ nhắc đến Lục Hòa Liên Hiệp của Hòa thượng Khánh Hòa ở miền Tây mà không có dòng nào viết về Hội Lục Hòa Liên Xã ở miền Đông Nam kỳ bấy giờ.

Khoảng tối mù mờ này của lịch sử cần được làm sáng tỏ.

Sự ra đời Hội Lục Hòa Liên Xã

Sự xuất hiện và hoạt động của hội Lục Hòa Liên hiệp ở miền Tây với các nhà sư tên tuổi đương thời (Hòa thượng Khánh Hòa, Từ Phong, sư Thiện Chiếu…) đã được nhiều tư liệu lịch sử chứng thực. Hội này hoạt động tích cực với các hình thức như tổ chức Trường hương, giới đàn, các lớp giảng dạy kinh Phật…Hội thành lập được các tổ chức trực thuộc hoạt động trên từng lãnh vực như hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, Lưỡng Xuyên Phật học, Liên đoàn Học xã, xuất bản được các tờ báo, tập san Phật học… Lịch sử Phật giáo Nam bộ tự hào và ghi ân các nỗ lực hoạt động đó của Hội và các bậc tu hành đã hết lòng thanh lọc và phổ truyền chánh pháp.

Qua các tư liệu về hoạt động của LHLH cũng cho thấy địa bàn hoạt động của hội, những ảnh hưởng tích cực mà hội tạo được chủ yếu lan tỏa sâu đậm ở miền Tây Nam kỳ đương thời. Điều này một phần có lý do là ngay từ khi mới hình thành và hoạt động, hội có sự tham gia chủ yếu của chư tôn hòa thượng trụ trì các chùa miền Tây.

Ở Đông Nam kỳ, các hoạt động mang tính chấn hưng Phật giáo vẫn được tiến hành với các hình thức là các lớp giảng dạy giáo lý, dịch thuật, in ấn kinh phật, tổ chức các trường hương, trường chay tụng niệm…qua đó thực hiện mục đích chấn hưng Phật giáo. Tuy nhiên, với hoạt động của Hội Danh dự yêu nước ở chùa Hội Khánh do Hòa thượng Chơn Thanh Từ Văn, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và các nhân sĩ, trí thức khác ở địa phương chủ trì đã thật sự tạo ra sự khác biệt với hoạt động của Hội Lục Hòa Liên Hiệp ở Tây Nam kỳ. Đó chính là việc Hội Danh dự yêu nước đã khéo léo lồng vào trong các hoạt động truyền bá Phật pháp, giảng dạy chữ Nho, khám bệnh hốt thuốc, sinh hoạt văn nghệ…nội dung về lòng yêu nước và tự hào dân tộc, truyền thống bất khuất quật cường của tổ tiên, nhất là truyền thống luôn đồng hành cùng dân tộc trong dựng nước và giữ nước của Phật giáo Việt Nam vốn hình thành ngay từ thời Lý, Trần. Đây là sự khác biệt về chất trong hoạt động giữa hai Hội Lục Hòa miền Đông và Tây Nam kỳ. Điều đó cho thấy, hoạt động chấn hưng Phật giáo ở miền Đông chẳng những khác về nội dung mà còn ở ngoài ảnh hưởng và quỹ đạo hoạt động của Hội Lục Hòa Liên Hợp. Các hoạt động đó phải do một tổ chức khác đề xướng và chủ trì. Đó chính là Hội Lục Hòa Liên Xã.

Một câu hỏi cần đặt ra là vì sao Hội Lục Hòa Liên Hợp vốn quy tụ nhiều vị tôn đức chư tăng lại không tạo được ảnh hưởng và không chủ trì được hoạt động chấn hưng Phật giáo ở miền Đông ? Đây là câu hỏi khó. Tuy nhiên chính Nguyễn Lang đã phần nào giải đáp cho lịch sử. Tạm khái quát, ta nhận thấy có ba lý do cơ bản:

Một là, Nặng về hình thức, thiếu thiết thực trong nội dung vận động. Nói về nguyên nhân này, Nguyễn Lang đã trích dẫn ngay những ý kiến đã đăng trên Báo Pháp Âm của ký giả Đông Giao trong một bài nhan đề Chấn Hưng Phật Giáo Phải Thực Hành Thế Nào Mới Thấy Kết Quả:

Cuộc chấn hưng Phật giáo không có ảnh hưởng, không có kết quả, bởi vì không thiết thực với xã hội nhân sinh, chỉ nói suông trong báo chí sách vở mà thôi chứ không có thực hành9

Hai là, theo Nguyễn Lang “sự có mặt của những phần tử hữu khuynh trong các hội. Đây là một sự thực, thời nào cũng có. Những phần tử này xem một chức vị như hội trưởng hay phó hội trưởng của một cái hội là một thế đứng trong xã hội và họ không bao giờ chấp nhận sự đương đầu với những thế lực chính trị kinh tế thống trị. Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học với ông phó nhì hội trưởng Trần Nguyên Chấn là một ví dụ cụ thể.”10

Về nhân vật Trần Nguyên Chấn, các tài liệu cho biết ông này là “cò mi” (commis), công chức hạng cao của Dinh Thống đốc Nam kỳ, người giàu có, phần nào mến mộ đạo Phật và có ảnh hưởng nhất định với chính quyền thuộc địa. Khi thành lập Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, ông Chấn được cử làm Hội Phó, nhiều cơ sở nhà ở, chùa, trường lớp của Hội được xây dựng trên đất ông Chấn. Từ đó ông Chấn can thiệp dẫn đến thất bại các hoạt động của Hội. Về chi tiết này, Nguyễn Lang chua chát viết:

Chương trình của Khánh Hòa thất bại vì các thiền sư đã không nắm được thực quyền trong Hội. Hội đã bị một số cá nhân dùng địa vị trong xã hội của họ để khuynh loát và hướng dẫn về một nẻo khác. Ngay từ khi mới thành lập hội, ông Trần Nguyên Chấn đã vận động mời ông Khrautheimer (Thống đốc Nam Kỳ) làm Hội trưởng danh dự và ông Rivoal (Đốc lý thành phố Sài Gòn) làm Phó hội trưởng danh dự. Sự thỏa hợp với chính quyền là để nhằm vào an toàn và quyền lợi của hội. Tuy vậy, những quyền lợi đó không có gì đáng kể: sự trả lại ruộng đất các chùa bị chiếm hữu tại các xã và sự miễn thuế thân cho tu sĩ Phật giáo”.11

Ba là, theo Nguyễn Lang là vì có những người chỉ muốn “chấn hưng Phật giáo là vì Phật giáo chứ không phải vì nhân sinh” như tác giả Ngộ Không đã lên án trong bài viết về Phật Giáo Và Xã Hội trong tạp chí Pháp Âm.12

Tất nhiên lúc đầu khi thành lập Hội Lục Hòa liên hiệp, các biểu hiện trên chưa thật rõ nét. Khi Hòa thượng Khánh Hòa và các đồng chí tiến hành các hoạt động, các nhân tố và khuynh hướng trên ngày càng lớn dần và chi phối sâu sắc. Vì sự nghiệp chung, sư Khánh Hòa và các đồng chí của mình cố gắng dung hòa hoặc thỏa hiệp. Điều này càng làm cho chất lượng cuộc chấn hưng Phật giáo không được như kỳ vọng của những người sáng lập phong trào. Mong muốn lập ra một Hội Phật giáo thống nhất của sư Khánh Hòa, Thiện Chiếu sớm thất bại, các hoạt động nghiên cứu Phật học nay đình mai đoạn, nhiều tờ báo, tạp chí Phật học ra đời một, hai số đã đình bản, nội bộ những người lãnh đạo phong trào ngày càng bất hòa dù hoạt động theo tôn chỉ Lục Hòa…

Tình hình nội bộ và các khuynh hướng hoạt động của Lục Hòa Liên Hợp không thể che dấu được trong cái nhìn luôn quan tâm của chư vị hòa thượng các chùa miền Đông, đặc biệt là Hòa thượng Từ Văn của chùa Hội Khánh, lúc này được xem như là “Sư cả” của chư tăng Nam kỳ. Chư tôn hòa thượng nhận thức được và chia sẻ những khó khăn của sư Khánh Hòa. Nhưng điều này dẫn đến một thái độ khá rõ ràng của các vị là sự từ chối lời mời gọi cùng tham gia hoạt động với Lục Hòa Liên Hợp của sư Khánh Hòa, Từ Phong hay Thiện Chiếu. Trên tờ Phật Hóa Tân Thanh niên, số đầu tiên (cũng là số duy nhất) nhà báo Huệ Thanh tường thuật về một buổi hội nghị tại chùa Linh Sơn như sau:

Chiều ngày 16/7/1929 tại chùa Linh Sơn, Sài Gòn tổ chức Hội nghị Tăng già, gồm các liệt vị Hòa thượng tại các chùa: Từ Ân, Hội Khánh, Phú Long, Long Huê, Văn Thánh, Chúc Thọ, Tập Phước, Đức Sơn, Bình Long, Lý Dương Sanh..., chùa Linh Sơn có HT. Khánh Hòa - đương kim trụ trì, sư Thiện Chiếu và ông Trần Nguyên Chấn Commis giúp việc Dinh Đốc lý Sài Gòn, hộ chủ chùa Linh Sơn, bàn về chấn hưng Phật giáo.

Đầu tiên, Commis Chấn trình bày một số sự việc: năm 1923 ông Chấn thỉnh sư Thiện Chiếu về chùa Linh Sơn, năm 1925 Thiện Chiếu đi làm Giáo thụ trường “Hạ” tại chùa Chúc Thọ, Gò Vấp. Ở đó Thiện Chiếu định tổ chức “Phật giáo Thanh niên học Hội”, mục đích đào tạo nhân tài ra đảm đương Phật pháp. Nhưng tiếc thay, Hội ấy không thành lập được bởi Thiện Chiếu lúc đó còn trẻ tuổi, chưa được Giáo hội tín nhiệm. Đến năm 1926, một tôn giáo mới (đạo Cao Đài) ra đời tại Nam Kỳ, nên mới có phong trào CHPG. Cuộc vận động chấn hưng do HT. Khánh Hòa chủ trương chỉ được một số ít chùa hưởng ứng, trong 3,4 năm trường cũng lắm phen thất bại, nhưng nhờ nghị lực của các đồng chí, tuy chưa kết quả hoàn toàn, cũng lập được PHTX và Phật học viện. Cũng năm này, sư Thiện Chiếu giao lại chùa Linh Sơn cho Commis Chấn và khuyên ông Chấn thỉnh HT. Khánh Hòa là người đức cao vọng trọng làm trụ trì để tổ chức tùng lâm. Tới tháng 7/1929, HT Khánh Hòa đã thường trụ tại Linh Sơn ba bốn tháng. Ông Chấn đề nghị chư vị Hòa thượng mở lòng từ bi quan tâm, chỉ bảo giúp đỡ công việc của ông ở chùa Linh Sơn. Tiếp sau, sư Thiện Chiếu phát biểu làm rõ thêm lý do việc ông giao chùa lại cho Commis Chấn và nêu quan điểm CHPG của ông là “chống các hủ tục ở bên trong và tà thuyết ở bên ngoài bấy lâu nay làm cho lu mờ cái nhân nghĩa của Phật giáo, ngăn lấp cái đường sáng suốt của chúng sinh”.

Hòa thượng chùa Hội Khánh thay mặt liệt vị Hòa thượng, trả lời vắn tắt: “Các ngài có nhiệt tâm như thế, chúng tôi lấy làm hoan hỷ lắm, nhưng các ngài cứ lo tiến hành, còn phần chúng tôi thì xin để cho chúng tôi suy nghĩ lại”.13

Diễn biến, nội dung cuộc họp với những lời thuyết trình, đối đáp giữa các sư và Trần Nguyên Chấn cho thấy rõ thực chất hoạt động và nội bộ bị khuynh loát của Lục Hòa liên hợp. Cho nên hòa thượng chùa Hội Khánh (chắc chắn đó là Hòa thượng Chơn Thanh Từ Văn) đã lịch sự và khéo léo từ chối lời mời cùng tham gia hoạt động với LHLH. Đó là một thái độ dứt khoát cần thiết của một người nhận thức rõ thời cuộc, dũng cảm nhận lấy trách nhiệm trước giáo hội và dân tộc.

Chúng ta cũng có thể nhìn thấy nhận thức và thái độ này ở một nhân vật lịch sử khác: Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Cụ Sắc thường xuyên lui tới, cư ngụ các cảnh chùa, gặp gỡ, tiếp xúc gần gũi chư tôn hòa thượng đương thời. Có lẽ cụ Phó Bảng cũng có nhận thức về các hệ lụy trong tình hình nội bộ và hoạt động của LHLH cho nên đã cám cảnh viết các cặp câu đối khá thấm thía. Trong nội dung ý nghĩa các cặp đối đó chắc chắn có liên hệ với tình hình và hoạt động của Lục Hòa Liên Hiệp:

Đó là cặp đối ở chùa Linh Sơn (ngôi chùa là trụ sở chính của LHLH), nơi mà cụ thường lui tới để nghiên cứu Phật học.

“Phật pháp thị nhập thế nhi phi yếm thế

Từ bi nãi sát sanh dĩ độ chúng sanh”

Tạm dịch:

“Đạo Phật là nhập thế chứ không phải yếm thế

Từ bi có lúc phải sát sanh để cứu chúng sanh”

Rồi đến năm 1922 nhân lễ khánh thành chùa Kim Tiên (Cai Lậy) cụ Sắc viết câu đối để tặng:

“Đại đạo quãng khai thố giác khiêu đàm để nguyệt.

Thiền môn giáo dưỡng quy mao thằng thụ đầu phong”

Tạm dịch:

“Mở rộng đạo lớn như sừng thỏ mò trăng đáy nước

Nuôi dưỡng mái chùa như lông rùa cột gió đầu cây”

Đã có khá nhiều bài viết về ý nghĩa của hai cặp đối trên trong gắn với tình hình sa sút của Phật giáo Nam kỳ đương thời. Ở đây, trong liên hệ với tình hình bất ổn và khuynh hướng hoạt động thiếu thực tế của Hội LHLH ta còn thấy những ý tưởng có tính phê phán và định hướng của cụ Sắc với những người chủ trì hoạt động của Hội LHLH được lồng trong nôi dung và ngữ nghĩa của hai cặp đối. Cụ yêu cầu Hội LHLH phải vượt lên trên hoàn cảnh, gắn liền với thực tế đất nước, dân tộc. Hội Lục Hòa không chỉ chấn hưng Phật giáo chỉ vì Phật giáo mà còn vì nhân sinh… Rõ ràng nhận thức và thái độ của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và Hòa thượng Từ Văn về LHLH là rất thống nhất.

Từ nhận thức và thái độ này, nhu cầu về một Hội Lục Hòa khác với nội dung, khuynh hướng hoạt động thiết thực hơn, không chỉ vì Phật giáo mà cả vì nhân sinh, không bị sự chi phối, khuynh loát của các phần tử bên ngoài…đã luôn thôi thúc các vị. Hội Lục Hòa liên xã ra đời trong tình hình đó.

Hội Lục Hòa liên xã ra đời lúc nào? Đây là câu hỏi khó vì không có nhiều tư liệu.

Tác giả Thích Huệ Thông trong Lược sử giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam14 đã có nhiều cố gắng trong tập hợp và gắn kết các tư liệu để trả lời câu hỏi này. Theo Thích Huệ Thông, LHLX ra đời gắn với sự kiện hòa thượng Từ Văn làm Chánh chủ kỳ tại Trường hương chùa Giác Lâm năm 1922. Tại ngôi chùa được ví như là cái nôi trong tông môn pháp phái của Hòa thượng Từ Văn, trong dịp quy tụ đông đủ chư tôn thiền đức các nơi về dự Trường hương, với uy tín và công đức dày sâu của mình, với địa vị một “Sư Cả” của Phật giáo Nam kỳ, Hòa thượng Từ Văn đã cùng những người đồng chí kín đáo thành lập Hội Lục Hòa Liên Xã.15

Nếu LHLX thành lập vào dịp này, năm 1922 thì có điều bất hợp lý là hội này đã ra đời sớm hơn hội LHLH một năm. Trong khi đó, như đã phân tích và trình bày ở trên, khi LHLH ra đời và đi vào hoạt động, chính khuynh hướng xa rời thực tế, chỉ chăm chăm vì Phật giáo mà không vì nhân sinh cộng với sự khuynh loát của các phần tử bên ngoài trong nội bộ của LHLH đã làm thất vọng chư tôn thiền đức miền Đông, thôi thúc họ nhu cầu về một hội Lục Hòa khác, dẫn đến thành lập LHLX. Nói cách khác, chủ trương hình thành các hội Lục Hòa nhằm tạo cơ sở cho công cuộc chấn hưng Phật giáo là công lao và thiện ý của Hòa thượng Khánh Hòa, Từ Phong…Nhưng lịch sử trớ trêu khi tổ chức LHLH của các cụ ra đời trước, đi vào hoạt động đã sớm sa vào khuynh hướng xa rời thực tế, nhân sinh và bị các phần tử bên ngoài khuynh loát. Cho nên khi các cụ ra Bắc kêu gọi liên hợp đã không được sự hưởng ứng. Tương tự, sau khi LHLH thành lập, cũng trong năm 1923, các cụ đã về chùa Hội Khánh (Thủ Dầu Một) vận động chư tôn hòa thượng miền Đông tham gia LHLH đã không đạt được kết quả16. Chính từ những hạn chế hoạt động của LHLH đã dẫn đến sự ra đời của LHLX. Nói cách khác, lịch sử khẳng định rõ LHLH được thành lập sớm, ra đời trước LHLX.

Chắc chắn Hòa thượng Từ Văn đã lập LHLX vào một dịp khác, sau thời điểm LHLH đã ra đời và đi vào hoạt động. Phải chăng, đó là sự kiện vào năm Giáp Tý (1924), khi Hòa thượng Từ Văn về chùa Giác Viên, Gia Định làm Pháp sư Chúc thọ giới đàn ở đây17 ? Sự kiện này cũng quy tụ đông đảo chư tôn thiền đức các nơi về tham gia giới đàn, cũng là dịp phù hợp để hòa thượng “Sư Cả” tuyên bố một Phật sự quan trọng, có ý nghĩa lịch sử: thành lập hội Lục Hòa Liên Xã.

Thời điểm năm 1924, cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc đã về trú ngụ ở chùa Hội Khánh. Do đó, có thể ý định tổ chức một hội Lục Hòa khác, có hoạt động gắn liền thực tế nhân sinh của dân tộc và Tổ quốc của Hòa thượng Từ Văn đã có sự đồng tình ủng hộ và cổ vũ của cụ Phó Bảng, dẫn đến sự ra đời của LHLX với khuynh hướng hoạt động yêu nước thể hiện khá tiêu biểu ở Hội Danh dự yêu nước Thủ Dầu Một.

Xét về nhiều mặt, sự kiện này hợp lý hơn.

Nếu chấp nhận sự kiện LHLX thành lập năm Giáp Tý (1924) nhân lễ Chúc thọ giới đàn ở chùa Giác Viên (Gia Định) thì dòng chảy lịch sử của Phật giáo Cổ truyền Việt Nam khá suôn sẻ, có thể tóm tắt theo diễn biến như sau:

Đầu thế kỷ XX, nhận thức được sự suy thoái của Phật giáo Việt Nam trong xã hội thuộc địa, được thôi thúc bởi phong trào chấn hưng Phật giáo ở các nước trong vùng, nhất là ở Trung Quốc, Nhật Bản, chư tăng thiền đức Việt Nam trong đó tiêu biểu là các hòa thượng tên tuổi ở Nam kỳ như Từ Văn, Khánh Hòa, Từ Phong…đều nóng lòng muốn tiến hành một phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam. Các vị đều nhận thức thống nhất là trước mắt sẽ thành lập các hội Lục Hòa làm cơ sở cho phong trào sau này.

Ngày 19 tháng 9 năm Quý Hợi, Dương lịch nhằm vào ngày chúa nhật, 28 tháng 10 năm 1923, tại chùa Long Hoa, quận Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, miền Tây Nam kỳ, Hòa thượng Khánh Hòa, Từ Phong cùng các chư tăng thiền đức khác của miền Tây đã kín đáo thành lập tổ chức Lục hòa Liên Hiệp. Hội Lục Hòa này đã đi vào hoạt động, tạo lập được những thành tựu quan trong trong truyền bá Phật pháp, bồi dưỡng tăng ni, phiên dịch, in ấn kinh sách Phật giáo, xuất bản các ấn phẩm báo chí Phật giáo đầu tiên của cả nước… Nhưng Hội LHLH đã sớm rơi vào khuynh hướng xa rời thực tế, tự cô lập và tách biệt Phật giáo với nhân sinh, lại sớm bị các phần tử bên ngoài khuynh loát. Tình hình đó dẫn đến nhu cầu thành lập một Hội Lục Hòa khác có khuynh hướng hoạt động khác, gắn với thực tế của đất nước đang oằn oại trong gông cùm thực dân, đế quốc.

Hội Lục Hòa Liên Xã được thành lập nhân dịp Chúc thụ giới đàn ở chùa Giác Viên, Gia Định năm 1924 với vai trò trụ cột của Hòa thượng Từ Văn, vị “Sư Cả” của chư tôn thiền đức Nam kỳ. Sự ra đời của LHLX đáp ứng nhu cầu thôi thúc về một tổ chức Phật giáo hoạt động gắn với thực tế đất nước và cuộc sống chúng sinh. Trong đó việc quan trọng là vừa chấn hưng Phật giáo vừa tích cực giáo dục, tuyên truyền về lòng yêu nước cả trong tăng ni và dân chúng; xem việc truyền bá lòng yêu nước trong tăng ni, Phật tử cũng chính là chấn hưng Phật giáo. Hội Danh dự yêu nước ở chùa Hội Khánh là hình mẫu tiêu biểu trong hoạt động của LHLX.

Hai tổ chức Lục Hòa này tiếp tục hoạt động và là nòng cốt của phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ. Tổ chức LHLH sau thời gian bị các phần tử bên ngoài khuynh loát đã dần dần tự chấn chỉnh, hoạt động tích cực trên nhiều lãnh vực. Khuynh hướng yêu nước cũng đã dần dần đậm sắc trong các hoạt động của Hội. Ở miền Đông, ngay cả sau khi Hội Danh dự yêu nước bị nhà cầm quyền thực dân giải tán và đàn áp, tổ chức LHLX vẫn có nhiều hoạt động tích cực, gieo trồng được những hạt giống ái quốc trong chư tăng, chấn chỉnh thanh lọc và nâng cao phẩm chất, trình độ của đông đảo tăng ni, Phật tử.

Sau cách mạng tháng Tám, cả hai Hội Lục Hòa đã tích cực tham gia các phong trào kháng chiến, trong hàng ngũ của Phật giáo Cứu quốc Nam bộ. Tinh thần yêu nước được hai hội Lục Hòa gieo trồng trước đây nay đã đơm hoa kết trái và chín rộ trong hành trình gian khổ vì nhân sinh, vì đất nước. Không thể kể hết tên tuổi và công lao của chư tăng, Phật tử của Phật giáo Cứu quốc Nam bộ đã hy sinh vì nước…

Từ sau năm 1949, thực hiện chỉ đạo chuyển hướng chiến lược, Phật giáo Cứu quốc tuyên bố tự giải tán và bước vào hoạt động công khai hợp pháp. Những hạt giống Lục Hòa ngày trước giờ bước vào cuộc đấu tranh mới với tổ chức mới của mình là Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng được thành lập vào đầu năm 1952 với nòng cốt là các vị lãnh đạo và chư tôn đức của Phật giáo Cứu quốc Nam bộ trước đây.

Một trang sử mới của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã mở ra từ đó.

Lịch sử Phật giáo Cổ truyền Việt Nam gắn liền với hai Hội Lục Hòa và tên tuổi, công đức của chư vị Hòa thượng Khánh Hòa, Từ văn, Từ Phong, Thiện Chiếu…Các vị đã đem hết sở học, trí tuệ và sức lực của mình dốc lòng tận tâm vì dân, vì nước và vì Phật giáo. Đó cũng là quá trình lịch sử chứng minh một chân lý sáng ngời từ xưa đến nay là Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, là lực lượng quan trọng hộ vệ công cuộc dựng nước và giữ nước.

 


1.http://thuongchieu.net/index.php?option=com_content&view=article&id=1069:thin-s-nh-nhan-t-phong&catid=33:thin-svit-nam&Itemid=356. Truy cập ngày 26/12/2019.

2. Viện Nghiên cứu Phật học Việt nam và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tp HCM, Phật giáo vùng Mê Kong, ý thức môi trường và toàn cầu hóa, (Kỷ yếu hội thảo), NXB. ĐHQG tp HCM, 2015, trang 110

3. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, NXB văn học, Hà Nội, 1979, trang 557

4. Nguyễn Lang, tài liệu đã dẫn, trang 579

5. https://phatgiaolongan.org/xin-cho-biet-ve-giao-hoi-luc-hoa-tang-va-hoi-luc-hoa-phat-tu/ Truy cập ngày 26/12/2019.

6. http://www.nhipcaugiaoly.com/post?id=56. Truy cập ngày 26/12/2019

7. Nguyễn Thị Thảo, Báo chí Phật giáo và phong trào Chấn hưng Phật giáo nửa đầu thế kỷ XX, Tạp chi Khoa học xã hội số 12(172)-2012, trang 52-65. http://www.vjol.info/index.php/khxh/article/viewFile/14169/12739

8. http://www.tuvienquangduc.com.au/lichsu/13nienbieupgvn3.html. Truy cập ngày 2/1/2020.

9. Pháp Âm số 7 (tháng 7.1937). Dẫn theo Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, trang 574.

10. Nguyễn Lang, tài liệu đã dẫn, tập 3, trang 575

11. Nguyễn Lang, tài liệu đã dẫn, tập 3, trang 581.

12. Pháp Âm số 5, tháng 5 năm 1957, dẫn theo Nguyễn Lang, tài liệu đã dẫn tập 3, tr. 575.

13. Báo Giác Ngộ điện tử. https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=72D41A. truy cập ngày 2/1/2020

14. Thích Huệ Thông, Lược sử giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, NXB Văn hóa văn nghệ tp. HCM, 2019

15. Thích Huệ Thông, tài liệu đã dẫn, trang 94-97

16. Thích Huệ Thông, tài liệu đã dẫn, trang 95. Có thể các chư tôn thiền đức ở chùa Hội Khánh và miền Đông từ chối tham gia cùng hoạt động với sư Khánh Hòa là do không chấp nhận khuynh hướng hoạt động xa rời thực tế, từ chối nhân sinh và nội bộ bị khuynh loát của LHLH; không phải không tham gia vì đã có tổ chức LHLX.

17. Tham khảo tiểu sử hòa thượng Từ Văn, trong Tiểu sử các danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập 2, Thích Đồng Bổn chủ biên.

Website: http://cusi.free.fr/lsp/danhtvn/danhtang2-giaidoan2-08.htm. Truy cập ngày 2/1/2020.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 57
    • Số lượt truy cập : 6953885