HỘI PHẬT GIÁO QUAN ÂM TỊNH ĐỘ
TS. DƯƠNG THANH MỪNG*
Chùa Quảng Tế
1. Bối cảnh ra đời
Ngày 20/8/1940, Thống đốc Nam Kì là René Veber kí Nghị định Số 2297, cho phép Hội Phật giáo Quan Âm Tịnh độ thành lập. Hội quán đặt tại chùa Quan Tế Phật đường, đường Cái Sơn, làng Mĩ Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là chùa Quảng Tế, số 51/4 Lí Thái Tổ, phường Mĩ Long, Tp. Long Xuyên). Ban Trị sự lâm thời của Hội gồm: Hội trưởng Nguyễn Kim Niên, Phó Hội trưởng là Phạm Thị Quảng, Thủ quỹ Phan Văn Truyền, Thư kí Nguyễn Văn Ở, Cố vấn Lê Văn Bé và Vương Phước Hưng.
Hiện rất khó xác định một cách chính xác là tổ chức này có chịu ảnh hưởng bởi Phật đường Nam Tông Minh Sư đạo hay không. Bởi tên gọi của chùa Quan Tế Phật đường rất dễ làm cho các nhà nghiên cứu liên tưởng ngay đến Phật đường Nam Tông Minh Sư đạo. Tông phái này là một trong những trụ cột của Ngũ chi Minh đạo (Minh Thiện, Minh Lí, Minh Sư, Minh Tân, Minh đường). Minh Sư được truyền vào Việt Nam từ nửa sau thế kỉ XIX, thông qua vai trò của Trương Đạo Dương. Ông đã lập Chiếu Minh Phật đường tại Cầu Kho, Chợ Lớn (hiện chưa xác định được năm nào). Sau đó đến năm 1863, ông lập Quảng Tế Phật đường tại Hà Tiên, Quang Nam Phật đường tại Sài Gòn (1920), Vân Nam Phật đường tại Bình Định... Minh Đường hay còn gọi là Minh Sư Phổ tế Phật đường do ông Lê Văn Lịch sáng lập vào năm 1908 tại chùa Vĩnh Nguyên Tự, xã Long An, quận Cần Giuộc (Chợ Lớn). Tôn chỉ, pháp tu, kinh kệ, phẩm trật của Minh Đường tương tự như Minh Sư đạo. Minh Thiện được thành lập tại Thanh An tự, Thủ Dầu Một vào năm 1915, thông qua vai trò của Trần Phát Đạt, Trần Duy Khánh, Lê Văn Hơn... Minh Lí được thành lập vào năm 1924 tại Sài Gòn thông qua vai trò của Âu Minh Chánh (người Hoa), Nguyễn Văn Miết, Nguyễn Văn Xưng... Thời gian đầu Chi này mượn chùa Linh Sơn (sau này là Hội quán của Hội Nam Kì Nghiên cứu Phật học) để hành đạo. Đến năm 1926, Minh Lí đạo đặt hội quán chính thức tại Tam Tông Miếu ở Bàn Cờ. Minh Tân hình thành vào năm 1928 thông qua vai trò của ông Lê Minh Khá (xã trưởng Vĩnh Hội, Sài Gòn). Hội quán của Minh Tân đặt tại Tam giáo Điện Minh Tân, Bến Vân Đồn, Sài Gòn.
Phật đường Nam tông Minh Sư đạo là một môn phái mang đậm tính tôn giáo cứu thế theo tinh thần Tam giáo, thờ Phật, tu tiên. Giáo lí có hai phần cơ bản là Đốn giáo và Tiệm giáo. Đốn giáo chủ trương phổ độ chúng sinh, Tiệm giáo đề cao thuyết Di Lặc, tạo niềm tin, sự trông chờ về một đấng Minh Vương cứu thế. Các ngôi chùa của Minh Sư đạo có hai chữ Phật đường phía sau tên chùa. Cách thức thờ tự cũng rất đa dạng. Tại chánh điện, gian giữa thờ Ngọc Hoàng Thượng đế, Diêu Trì Kim Mẫu, đức Phật Thích Ca Mâu Ni; bên trái thờ Khổng Tử, bên phải thờ Thái Thượng Lão Quân (tam giáo). Gian bên trái chánh điện thờ các vị Tổ sư, Tiên sư. Gian bên phải thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát, Cửu Huyền Thất Tổ, vong linh bá tánh. Bên dưới chánh điện có bàn thờ Thần Hoàng bổn cảnh, Thổ địa. Gian giữa, đối diện với Ngọc Hoàng Thượng đế là bàn thờ Hộ pháp Long Thần. Trước điện thờ, có vòng Vô cực và đèn Nhiên Đăng, phía dưới là bình thủy.
Tôn chỉ, mục đích của Minh Sư đạo là tự tu, tự độ, tự tha, thuần túy tu hành, chân tu giải thoát, nhằm hợp nhất tinh hoa của Nho - Phật - Đạo để xây dựng lại cội gốc nhà Đạo (Tam giáo quy nguyên). Các tín đồ sau khi đã nhập môn vào đạo đều phải ăn chay trường, tuyệt dục, tuân thủ giới luật. Minh Sư đạo chia thế giới thành ba cõi là Thượng (trời), Trung (thế gian) và Hạ giới (âm phủ). Ngọc Hoàng Thượng Đế là vị “thủ lĩnh” ngự trị ở cõi trời, có quyền năng cai quản hai thế giới còn lại. Còn chư Phật và các vị Bồ Tát ở cõi Tây phương, các vị Thần tiên ở cõi Bồng Lai. Các loại kinh sách thường dùng để tu học là: Kinh Di Đà, Hồng danh, Phổ môn, Địa tạng, Thiện môn Nhật dụng, Ngọc Hoàng, Địa mẫu, Minh Thánh kinh, Thanh Tịnh kinh, Khổng Tử Tâm kinh, Ba La Mật kinh, Cảm ứng Thiên kinh, Liên hoa Bửu sám kinh, kinh Cứu khổ, kinh Thiên ngươn, kinh Bắc Đẩu...
Việc làm rõ mối quan hệ giữa hai tổ chức này chắc hẳn cần phải có thêm thời gian và tài liệu để minh chứng. Tuy nhiên, thông qua một vài nét khái quát nêu trên có thể thấy rằng, dù được thành lập ở chùa Quan Tế Phật đường nhưng rất ít khả năng là Hội Phật giáo Quan Âm Tịnh độ lại chịu ảnh hưởng của Minh Sư đạo. Bởi Minh Sư đạo sinh hoạt chủ yếu dựa theo tư tưởng của Phật giáo (Thiền tông), Nho giáo và cả Đạo giáo. Trong khi đó, Hội Phật giáo Quan Âm Tịnh độ thì lại tổ chức cho các hội viên sinh hoạt dựa theo tinh thần thuần túy của đạo Phật và pháp môn tu trì giữ vai trò chủ đạo là Tịnh độ tông.
2. Cách thức tổ chức và hoạt động của Hội Phật giáo Quan Âm Tịnh độ
Nếu như các tổ chức Phật giáo đương thời đều xây dựng quy tắc và điều lệ thì Hội Phật giáo Quan Âm Tịnh độ lại hoạt động dựa theo bản Lề luật. Bản Lề luật của Hội được Thống đốc Nam Kì phê chuẩn vào tháng 8/1940, với tổng cộng 27 điều. Theo đó, điều 1-2, nêu rõ, chính quyền thuộc địa Pháp cho phép các Phật tử nam nữ ở Châu Thành, Long Xuyên thành lập một tổ chức Phật giáo có tên gọi là Quan Âm Tịnh độ. Hội quán đóng tại chùa Quan Tế Phật đường. Điều 3, mục đích ra đời của Hội là nhằm tập hợp tất cả những người thành tâm tín ngưỡng Phật giáo để tổ chức các ngày lễ vía, cùng nhau tụng kinh, niệm Phật và tiếp thu thêm các kiến thức Phật học; gìn giữ và phát huy vị thế của chùa Quan Tế Phật đường; giúp đỡ cho các hội viên những lúc khó khăn, hoạn nạn; chăm lo tang tế cho các hội viên lẫn tứ ân phụ mẫu khi họ qua đời. Các hội viên không được tham gia bàn luận các vấn đề liên quan đến chính trị, công kích các tôn giáo khác hoặc các công việc nằm ngoài mục đích và phạm vi hoạt động của Hội.
Điều 4, các cá nhân đủ tuổi thanh niên, có phẩm chất đạo đức tốt, không vi phạm tiền án, tiền sử, thì đều có quyền được tham gia vào Hội. Muốn gia nhập Hội phải làm đơn và phải có sự giới thiệu của 2 hội viên hoặc một thành viên trong Ban Trị sự. Sau khi xem xét lí lịch, nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn và điều kiện thì Ban Trị sự sẽ ra quyết định công nhận làm hội viên. Điều 5-8, các hội viên nếu muốn ra khỏi Hội phải làm đơn gửi Hội trưởng. Những người không tuân thủ các điều khoản mà bản Lề luật đã quy định sẽ bị xóa tên ra khỏi danh sách. Riêng đối với những trường hợp vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng tới danh dự, uy tín của Hội thì sẽ bị trục xuất vĩnh viễn. Hội sẽ không chịu trách nhiệm trước những hành động của các hội viên này cũng như không bồi hoàn các khoản kinh phí mà họ đã tham gia đóng góp.
Điều 9, tài sản của Hội bao gồm hai khoản chính là tiền nhập hội (5 cắc) và tiền hội phí hàng tháng (2 cắc). Ngoài ra, Hội còn được phép thu nhận thêm các khoản tiền hỉ cúng từ thập phương bá tánh cũng như các khoản hoa lợi từ ruộng đất mà Hội cho thuê. Trong các ngày lễ vía đức Phật, nếu kinh phí tổ chức không đủ thì Hội sẽ kêu gọi các hội viên tham gia đóng góp thêm. Quy mô của các ngày lễ vía phụ thuộc vào ý kiến của đông đảo các hội viên. Ban Trị sự sẽ cân đối các nguồn kinh phí và xem xét nguyện vọng của các thành viên để tổ chức các ngày lễ cho phù hợp.
Điều 10, mỗi khi trong Hội có người qua đời thì tất cả các hội viên cũng như các thành viên trong Ban Trị sự đều phải có mặt đầy đủ. Các hội viên nếu có việc quan trọng thì cần phải đưa ra được những lí do thuyết phục. Sau khi xác thực nếu đúng, Hội sẽ cho phép vắng mặt. Điều 11, khi các hội viên qua đời, Hội sẽ chi 15 đồng để phúng điếu; vợ, chồng hoặc cha mẹ (cả bên nội lẫn bên ngoại) của hội viên mất sẽ được chi 5 đồng. Hội sẽ cử người đến hỗ trợ gia quyến trong việc tổ chức tang lễ cũng như tụng kinh, niệm Phật, cầu siêu cho hương hồn người quá vãng (Hội không thu tiền công đức đối với các khoản này).
Điều 12-14, để quản lí và điều hành các công việc, Hội sẽ thành lập một Ban Trị sự với sự tham gia của 1 Hội trưởng, 1 phó Hội trưởng, 1 Thư kí, 1 Thủ quỹ cùng 2 Cố vấn. Nhiệm kì của Ban Trị sự là 1 năm và được các hội viên bầu chọn bằng hình thức bỏ phiếu kín. Các thành viên trong Ban phải có mặt đầy đủ ở tất cả các cuộc họp và làm việc không lương cho Hội. Vào cuối tháng 12 âm lịch hàng năm, Hội sẽ tổ chức đại hội thường niên để xem xét tình hình tài chính cũng như bàn định các công việc sẽ triển khai trong giai đoạn mới.
Điều 15-19, trách nhiệm của Hội trưởng là quản lí, điều hành các công việc chung trong toàn Hội; giao thiệp với chính quyền để thông qua các chương trình hoạt động cho Hội; triệu tập các thành viên trong Ban Trị sự để nhóm họp thường lệ và cả những lúc Hội có việc đột xuất; chủ trì trong các kì đại hội thường niên; xem xét, phê duyệt các loại văn bản, các giấy tờ, sổ sách đến và đi trong Hội. Phó Hội trưởng giúp đỡ cho Hội trưởng và sẽ thay thế giải quyết các công việc khi vị này vắng mặt. Thư kí phụ trách xây dựng biên bản trong các lần nhóm họp, giữ gìn các loại sổ sách, thư từ trong Hội; thông báo đến các hội viên khi có đại hội hoặc các ngày lễ sự, tang tế. Thủ quỹ chăm lo công tác tài chính và chỉ được giữ trong ngân khố không quá 200 đồng. Số tiền vượt quá phải đem gửi vào Ngân hàng Đông Pháp ở Cần Thơ hoặc Sài Gòn. Các khoản thu chi trong Hội đều phải có biên lai xác thực. Cố vấn tham mưu các ý kiến nhằm xây dựng và phát triển Hội.
Điều 20, trong các kì đại hội thường niên, Hội sẽ cử một hội viên giữ vai trò là kiểm soát để giám sát quá trình tổ chức đại hội. Đồng thời, soát xét lại các văn bản, giấy tờ sổ sách thu chi của Hội xem có hợp lí hay có vi phạm gì không. Điều 21, trước khi muốn thay đổi nhân sự trong Ban Trị sự hoặc thay đổi trụ sở hoạt động thì Hội trưởng và Thư kí phải có trách nhiệm thông báo cho quan Chánh Tham biện cũng như Chủ tịch tỉnh Long Xuyên biết. Điều 22, khi được tòa án, nha cảnh sát hoặc chính quyền thuộc địa yêu cầu, Hội phải trình tất cả các loại văn bản, giấy tờ, sổ sách, biên lai liên quan để kiểm tra.
Điều 23, khi có các công việc đột xuất hoặc khi có yêu cầu của ½ số lượng hội viên để giải quyết một vấn đề gì đó thì Hội sẽ được phép tổ chức nhóm họp đại hội bất thường. Điều 24, các kì đại hội thường niên được xem là hợp lệ khi có ½ số lượng hội viên tham gia. Các quyết nghị của đại hội sẽ được thông qua bằng hình thức biểu quyết. Nếu được đông đảo hội viên tán thành thì Hội mới được phép triển khai thực hiện. Nếu không đủ số lượng hội viên thì đại hội thường niên phải lùi lại 15 ngày và sau đó sẽ tổ chức mà không cần tính đến số lượng người tham dự.
Điều 25, Hội sẽ buộc phải giải thể nếu làm trái Sắc lệnh ngày 21/3/1933 của Toàn quyền Đông Dương (các quy định về thể thức thành lập Hội) hoặc có đến 3/4 số lượng hội viên yêu cầu. Tất cả tài sản của Hội lúc này sẽ được dùng vào các hoạt động từ thiện. Điều 26, muốn sửa đổi, bổ sung điều lệ phải được sự đồng ý của chính quyền thuộc địa. Điều 27, bản Luật lệ có hiệu lực từ ngày kí1.
Nhìn vào bản Lề luật nêu trên có thể thấy rằng, cách thức tổ chức của Hội Phật giáo Quan Âm Tịnh độ còn khá đơn giản. Nếu như các tổ chức Phật học đương thời đều có sự phân cấp trong việc quản lí và điều hành (tỉnh hội, huyện hội, chi hội) thì Hội Phật giáo Quan Âm chưa tạo ra được điều này. Phạm vi hoạt động của Hội cũng tương đối hẹp, gần như tất cả các sinh hoạt Phật sự đều tập trung ở chùa hội quán Quan Tế Phật đường. Hội không có chủ đích mở rộng phạm vi ảnh hưởng ra bên ngoài cũng như không đề cập đến vấn đề chấn hưng Phật giáo. Hướng đi chủ đạo của Hội là quan tâm tổ chức các ngày lễ vía, định hướng cho các tín đồ tu tập và thực hành đời sống đạo theo đúng quan điểm truyền thống của đạo Phật. Mặc dù chỉ dừng lại ở những phạm vi như vậy, song việc thành lập Hội để quy tụ các hội viên và cùng nhau sinh hoạt Phật sự cũng như quan tâm tổ chức các ngày lễ truyền thống của Phật giáo đã góp phần làm cho tôn giáo này được phổ quát sâu rộng hơn vào trong đời sống của quần chúng nhân dân. Đây cũng là một đóng góp khá quan trọng về phương diện hoằng pháp mà phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam cần phải ghi nhận.
* Học viện Chính trị Khu vực III, Đà Nẵng.
1. Hội Phật giáo Quan Âm Tịnh độ (1940), Luật lệ, Nhà in Hậu Giang, Long Xuyên, tr.1-10.
Bình luận bài viết