Thông tin

HỒI ỨC VỀ HÒA THƯỢNG THÍCH PHƯỚC SƠN TRONG TÔI

 

Tỳ kheo THÍCH ĐỒNG BỔN

 


Hòa thượng Thích Phước Sơn

 

Hơn hai thập niên làm việc và cống hiến tại Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Vạn Hạnh. Tôi may mắn được gặp gỡ nhiều bậc Tôn túc tài đức và nhân sỹ trí thức. Một trong những gương mặt gây ấn tượng lớn nhất đối với tôi, đó là cố Hòa thượng Thích Phước Sơn (1938-2020), một bậc Tôn túc có thâm niên trong lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, và đời sống phạm hạnh thanh cao mẫu mực tại Đại học Vạn Hạnh.

Năm 2000, sau khi từ Hoa kỳ trở về, tôi được Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam mời tham gia đóng góp trí tuệ và bổ nhiệm vào ban Phật giáo Việt Nam thuộc Viện Nghiên cứu. Lúc bấy giờ, Viện Nghiên cứu Phật học do cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu (1918-2012) làm viện trưởng và Hòa thượng Thích Phước Sơn làm Trưởng ban Phật giáo Việt Nam. Thuở ấy, Viện Nghiên cứu Phật học chỉ có sáu ban chuyên trách và Thư viện là bộ phận thứ bảy.

Khi tiếp xúc với Hòa thượng Thích Phước Sơn, điều thu hút tôi là Ngài sống rất bình dị và giản đơn, nhưng cách làm việc Phật sự cũng như công tác nghiên cứu của Ngài rất nghiêm túc. Hòa thượng dành cho tôi sự ưu ái đặc biệt: thứ nhất, Ngài ưu ái đến những người chuyên về văn học Phật giáo Việt Nam và có kiến thức về văn hệ Hán tạng, tôi là một trong những người đó; thứ hai, Ngài rất thần tượng Bổn sư tôi là cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Hành Trụ (1904-1984), một vị cao Tăng của Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ XX; thứ ba, Ngài rất trân quý những công trình biên soạn của tôi, trong đó có bộ Danh Tăng Việt Nam đã được công bố 2 tập. Nội dung sách nói về những hành trạng và đạo nghiệp của chư vị cao Tăng của Việt Nam trong quá khứ đến cận đại.

Hòa thượng thường xuyên trao đổi với tôi, thi thoảng Ngài gọi điện kêu tôi lên phòng đàm đạo và định hướng công việc sắp tới cho Ban của mình. Hòa thượng nói với tôi rằng: “Tôi già rồi, chỉ muốn chuyên tâm phiên dịch kinh điển chứ không đủ sức khỏe dành cho các hoạt động khác. Thầy còn trẻ, năng động, có điều kiện đi lại dễ dàng. Hãy thay tôi đảm nhận lên kế hoạch cho công việc hoạt động của Ban Phật giáo Việt Nam, nhất là mảng hoạt động hội thảo, tọa đàm khoa học nhé!". Từ đó tôi là trợ lý cho Ngài trong các hoạt động của Ban, ngày nay Ban này đổi thành Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, nâng cao phạm vi hoạt động cũng như chuyên sâu nghiên cứu về Lịch sử Phật giáo từ buổi ban sơ đến thời hiện tại.

Một kỷ niệm khác của tôi với Hòa thượng, đó là vào đầu mùa Hạ an cư năm 2005, được tin Hòa thượng Thích Đỗng Minh (1927- 2005) vừa viên tịch ở Nha Trang - Khánh Hòa. Phái đoàn từ Vạn Hạnh gồm có Giáo sư Lê Mạnh Thát, Hòa thượng Thích Phước Sơn, Thượng tọa Thích Tâm Đức và tôi. Thầy Tâm Đức lái xe đưa chúng tôi ra Nha Trang kính viếng tang lễ và tiễn đưa cố Hòa thượng Đỗng Minh nhập bảo tháp. Trên tuyến đường dài ngồi trên xe hàn thuyên chuyện đạo đời, tình cảm của Ngài đối với cố Hòa thượng Đỗng Minh thật là cảm động. Tôi mới biết Ngài đã cùng chư pháp hữu xuất thân từ Phật học viện Trung phần Hải Đức - Nha Trang. Các Ngài đã gắn bó với nhau trong thiền lâm, trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của thời cuộc, khó khăn về hoàn cảnh đất nước, gian nan trong việc bảo vệ chánh pháp, và cộng tác với nhau trong nhiều tác phẩm phiên dịch để đời. Nhập bảo tháp xong, chúng tôi trở lại Sài Gòn, Ngài lo bị phạt vì xe chở đến năm người, thầy Thát cười nói: “Thầy đúng là dân Bình Định, cái gì cũng hay lo... cứ để các thầy họ đưa về an toàn, không sao cả.”

Sức khỏe của Hòa thượng dần yếu đi theo năm tháng, nên Ngài đã gọi tôi lên dặn dò những trọng điểm trong công việc Phật sự, đặc biệt, động viên tôi về hoài bão chuyên ngành lịch sử Phật giáo mà tôi đang thực hiện, để đóng góp cho Phật giáo nước nhà, trước khi Ngài rút lui vào tịnh dưỡng. Giao cho tôi gánh vác trách nhiệm quản lý Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam thay cho Ngài vì tuổi già sức yếu.

Mấy mươi năm làm việc và tiếp xúc với Hòa thượng Thích Phước Sơn, tôi nhận ra rằng, Ngài là một người khá kiệm ngôn, nhưng những lời Ngài huấn thị rất chất vì được biểu hiện qua nếp sống tỉnh thức chuyên tu miên mật giới định tuệ. Ở đâu và bất cứ lúc nào khi tiếp chuyện với Hòa thượng, Ngài cũng nói về văn hóa và giáo dục, vì đó là đạo nghiệp đã gắn liền cuộc đời của Ngài từ thuở mới xuất gia cho đến ngày viên mãn về cõi Phật. Mỗi lần ghé về Vạn Hạnh, tôi vẫn thấy hình bóng của Hòa thượng vẫn hiện hữu đâu đó để nhắc nhở Tăng Ni tín đồ rằng hãy sống để phụng sự cho đạo pháp và dân tộc.

Chùa Xá Lợi
Mùa Phật đản 2565-2021

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 23
    • Số lượt truy cập : 6130531