Thông tin

HỘP XÁ LỊ TRONG LÒNG THÁP NHẠN

(NAM ĐÀN - NGHỆ AN)

 

TS. NGUYỄN MẠNH CƯỜNG*
LÊ THỊ VÂN ANH*

 

I. Đặt vấn đề

Trong cuốn sách của mình, tôi có trích lại Việt sử lược về việc tìm thấy hộp xá lỵ tại Chùa Dâu như sau: “Năm Giáp Tuất niên hiệu vua Thiên Thành năm thứ 7 (năm 1034)… vị sư ở chùa Pháp Vân tại Cổ Châu có tâu lên vua rằng, ở trong chùa thấy phát ra mấy đạo tia sang mà đào thì thấy một hòm bằng đá. Trong hòm đá có hòm bằng bạc, trong hòm bạc có hòm bằng vàng, trong hòm vàng có bình pha lê, trong bình có xá lị (xương Phật)”([1]).

Đã có những trao đổi xung quanh sự kiện lịch sử này. Ghi chép của người xưa nghe có vẻ huyền bí, mang đầy tính huyễn hoặc, khó tin… còn về bản thân tôi, trong phần Tháp Hòa Phong, không chỉ dẫn sử mà còn dẫn lại một đoạn văn bia ngay dưới chân tháp rằng: “Xưa kia vua Tùy Cao Đế sai quan lệnh họ Lưu mang xá lị đến Giao Châu đặt. Khi tới Giao Châu một vị Pháp Hiền đại sư đã chi cho Lưu khu đất trước đền Bà Dâu là danh tiếng dựng tháp ở đây là tiếng thơm muôn thưở...”([2]).

Sau khi cuốn sách được in ra, có nhiều người đã hỏi tôi về sự kiện lịch sử Chùa Dâu tìm thấy hộp xá lị là thật hay chỉ là tương truyền mà sử ghi vào? Và nếu thật thì hộp xá lị đó ra sao? Bên trong hộp xá lị chứa cái gì?

Vấn đề xá lị đã làm tôi nhớ lại những hình ảnh của bộ phim tư liệu nói về cuộc đấu tranh của Phật tử miền Nam chống lại chế độ gia đình trị họ Ngô năm 1962. Trong phim, chúng ta thấy hình ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức ngồi kiết già điềm tĩnh trong khi ngọn lửa đã bao kín toàn thân Ngài. Thật kinh ngạc khi trong phim cho chúng ta thấy hình ảnh các Phật tử lấy xá lị của nhà sư từ trong đống than tro. Và lẫn trong đám than đen ấy, có một cục tròn mà theo người làm phim thì đó là quả tim của Ngài còn nguyên vẹn. Vậy đó là quả tim của Hòa thượng Thích Quảng Đức hay một phần xá lị của Hòa thượng? Vậy xá lị là gì? Và xá lị có mặt tại Việt Nam từ lúc nào?

Xá lị là một khái niệm của Phật giáo để chỉ một phần tinh cốt còn lại của Đức Phật sau khi thiêu xong lưu truyền lại cho hậu thế. Những xá lị này thường hay được chôn trong hòm nhiều lớp và được đặt trong lòng các bảo tháp mang tính hiệu hữu của Đức Phật.

Nếu đúng như sử chép thì xá lị đã tìm thấy đầu tiên ở Chùa Dâu vào thời Lý hoặc có thể sớm hơn nhiều. Tôi tin vào sự kiện lịch sử này mặc dù tôi chưa hề được đào khảo cổ khu vực tháp Hòa Phong. Cũng trong phần tháp Hòa Phong, tôi xin nói rõ hơn: “Tùy văn Đế sai Lưu Phương mang 5 hòm xá lị sang Giao Châu để dựng bảo tháp, một hòm đặt ở Dâu (602-605), một hòm đặt tại Tường Khánh (Nam Định), một hòm đặt ở Châu Hoan, một hòm đặt ở Châu Ái và hòm cuối cùng đặt ở Phong Châu (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc)….” ([3]). Rất tiếc, những tư liệu này chỉ lưu truyền chứ chưa có một sử liệu nào ghi chép chính thức. Như vậy, 5 hòm xá lị mà Lưu Phương đưa qua Giao Châu chỉ là huyền thoại hay là sự thật lịch sử? Liệu việc phát hiện hòm xá lị ở Chùa Dâu phải chăng là một đề dẫn quan trọng cho việc nghiên cứu cũng như phát hiện các hòm xá lị tại Việt Nam?

Cùng với các nhà khảo cổ học, tôi có một cơ may là đã tìm và đào được một trong những hòm xá lị ấy? Đó là hộp xá lị trong lòng Tháp Nhạn thuộc thôn Nhạn Tháp, xã Hồng Long, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Phế tích chân móng tháp này được tìm thấy vào năm 1982 và được khai quật trong các năm 1985-1986([4]). Hy vọng những phát hiện tại đây và những gì thu được qua nhiều năm khai quật trong lòng tháp Nhạn sẽ là lời giải cho những uẩn khúc mà chúng ta đang quan tâm.

II. Xá lị từ những khái niệm

Như đã trình bày, xá lị là một phần tinh túy, là hiện thân của Đức Phật lưu truyền cho mai hậu. Theo Tự điển Phật học, xá lị là: “chỉ chung những gì còn sót lại sau khi thiêu thân Phật - Thích Ca hoặc các bậc đắc đạo, thường được thờ trong các tháp hoặc chùa chiền”. Người ta cho rằng, tục thờ xá lị có lẽ bắt đầu với Phật Thích Ca. Tro của Ngài được chia ra nhiều phần cho các bộ tộc và lần đó có sự tranh chấp về vấn đề này. Danh từ xá lị cũng được dùng để chỉ - Kinh (sutra) Đà La Ni (Dharani) hay tranh tượng Đức Phật, mang tính thiêng liêng. Tục thờ cúng xá lị được lưu truyền trong dân chúng, người ta tin rằng nhờ vậy mà trừ được rủi ro.

Người ta đã tìm thấy xá lị của Phật Thích Ca tại quê hương của Ngài là Ca Tì La Vệ (Kapolavastu) và Vệ Xá Lị (Vaisali). Một răng của Đức Phật được thờ ở Tích Lan, tóc của Phật được thờ ở Myanmar. Người ta cho rằng bình khất thực của Ngài ngày nay vẫn còn. Theo Đại sử (Mahavamsa) của Tích Lan (Sri lanka) thì bình này được vua A Dục cho mang qua Tích Lan, sau thời Marco Polo thì vua Tích Lan Kublai Khan cho mang bình qua Trung Quốc”([5]).

Trong một cuốn từ điển khác, Đoàn Trung Còn đưa ra khái niệm xá lị như sau: “Xá lị (lợi) Sarira (Scr) - Relique (Fr) Cari (p) Oiseau (fr). Tro tàn thân cốt của Phật sau khi tịch diệt. Người ta cũng dùng tiếng xá lị để gọi tro tàn thân cốt của các vị thánh đã quá vãng.

Hồi Đức Phật Thích ca được 84 tuổi, ngài tịch gần thành Câu thi na (Koucinagara). Chư đệ tử bèn đem xác ngài lên giàn hỏa mà thiêu, tro tàn của ngài đã thành từng viên đẹp đẽ và chiếu sáng như ngọc, kêu là xá lị.

Xá lị của Phật đựng trong tám hộc bốn đấu (bát thạch, tứ đấu), giáo hội bèn đem phân phát cho các nhà vua và các nhà chùa trong toàn cõi Ấn Độ.

Kế vào thế kỷ ba trước Dương lịch, một vị đại vương tên là A Dục xây vô số cảnh tháp tromng toàn cõi thiên trước mà thờ di tích và xá lị của Chư đệ tử. Có hai thứ xá lị:

Toàn thân xá lị: như Phật Đa Bảo đã tịch, nhưng xá lị của Ngài là toàn thân thể của ngài ngồi kiết già trong bảo tháp. Trong các đời sau, hễ có vị Phật nào giảng kinh Pháp Hoa, thì toàn thân xá lị ấy hiện lại mà nghe kinh.

Toái thân xá lị (xá lị nát ra): như xá lị Phật Thích Ca… thờ trong các chùa Tháp.

Lại có hai thứ xá lị:

Sanh thân xá lị: tức Toàn thân xá lị hay Toái thân xá lị. Chính Phật dùng các Sanh thân mà tu hành giới - định -  tuệ, thành Phật rồi tịch diệt, để lại xá lị. Chư Thiên và Loài người những ai cúng dường xá lị ấy, thì được phúc lớn.

Pháp thân xá lị: Tức là các kinh điển Đại thừa hoặc Tiểu thừa.

Xá lị (Cari) lại là tên của một giống chim cò. Tàu dịch là chim Thụ”([6]).

Những tưởng xá lị chỉ là một khái niệm đơn giản. Song càng đọc chúng ta càng thấy phức tạp và đặt ra nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu sâu hơn.

III. Hộp xá lị trong lòng Tháp Nhạn

Trong nhiều năm qua, các nhà Khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu và khai quật khá nhiều các dấu tích Phật giáo như: Tháp Tường Long (Đồ Sơn-Hải Phòng), Tháp Chương Sơn (Hà Nam), Ghềnh Tháp (Hoa Lư-Ninh Bình), Tháp Phật Tích (Bắc Ninh), Chùa Dâu (Thuận Thành Bắc Ninh), Chùa Đậu (Thường Tín-Hà Nội)… Và Tháp Nhạn (Hồng Long-Nam Đàn-Nghệ An).

Tháp Nhạn được xây toàn bằng gạch. Bề mặt ngoài của tháp được trang trí bởi nhiều viên gạch có trang trí hình Tam thế Phật (xem hình). Chân tháp có quy mô hình vuông mỗi chiều khoảng 9,6m x 9m, dày 2m. Quanh chân tháp có một hành lang và một đường xây gạch rộng hơn 1m. Rất có thể là đường chạy đàn? Tháp hiện có 4 cửa, 3 cửa hay chỉ là 1 cửa? vẫn là một ẩn số! Chúng tôi chưa thể lý giải hiện tượng này vì mới chỉ được tiếp cận từ một phế tích móng rất lộn xộn.

Chân tháp có quy mô hình gần vuông 9,6m x 9,0m; và nếu theo cách tính của L. Bezacier đã tiến hành với một tháp gạch tại chùa Ninh Phúc (Phật Tích - Bắc Ninh) năm 1940 thì Tháp Nhạn có thể cao tới 20,5m([7]). Với chiều cao này, rất có thể tháp được chia thành nhiều tầng theo kiểu dưới to, trên thu nhỏ dần. Với chiều cao như vậy, Tháp Nhạn sẽ là một công trình kiến trúc Phật giáo to nhất xứ Hoan Châu ngày đó.

Điều mà tôi băn khoăn là chưa thấy L. Bezacier đề cập tới những diễn biến cấu trúc bên trong lòng tháp Phật Tích để từ đó đưa ra những đối sánh với Tháp Nhạn. Cấu trúc bên trong lòng Tháp Nhạn như sau:

Lòng tháp xây theo kiểu giật cấp, dưới to trên nhỏ hay theo kiểu thượng thu hạ thách. Phía trên chân tháp có kích thước 5,75m x 5,6m thì ở dưới đáy cùng là 3,20m x 3,18m. Như vậy, độ chênh từ trên mặt tháp xuống tới đáy chân tháp là khá lớn từ 2,42m đến 2,55m.

Bên trong lòng tháp diễn biến khá phức tạp. Đầu tiên là một lớp gạch tháp bị đổ lấp kín lòng tháp. Lớp gạch này có độ dày từ 0,60m-0,70m.

Dưới lớp gạch vỡ là một bệ thờ. Bệ thờ cũng được làm bằng gạch, có hình khối hộp chữ nhật dài 0,70m, rộng 0,40m, cao 0,80m. Mặt bệ quay về hướng bắc, có một hốc nhỏ hình chữ nhật.

Dưới bệ thờ là một ụ đất màu nâu lẫn trong đó có cuội sỏi to và gạch vụn. Ụ đất này có hình bầu dục bao quanh chân bệ gạch, kích thước: dài theo trục bắc nam 2,50m, dài theo trục đông tây 1,60m, dày chừng 0,30m.

Trên mặt ụ đất và dưới chân bệ thờ (cách mặt đất hiện tại chừng 1,40m) là một hộp bằng đồng nhỏ; bên trong lòng hộp rỗng khi lắc phát ra tiếng kêu song không rõ là vật gì, vì hộp không mở được. Cạnh đó là vài chục mảnh đồng bị vỡ ra từ nhiều loại hình hiện vật khác nhau. Trong đó có một mảnh lớn, hình tròn trang một vành hoa 4 cánh, xung quanh trổ lỗ thủng. Rất có thể đây là vành hoa văn trang trí sau lưng một pho tượng đồng nào đó?

Dưới ụ đất là lớp đất nâu thuần, dày chừng 0,10m, không thấy có hiện vật. Dưới lớp đất nâu là lớp than tro đen dày. Lớp than này có hình bầu dục dài 1,80m, rộng 0,80m.

Dưới lớp than đen (cách mặt đất hịên tại 1,80m) là một cây gỗ rỗng lòng, chôn theo tư thế thẳng đứng ở chính giữa lòng tháp. Cây gỗ rỗng lòng này được ghép từ hai nửa thân cây sau khi đã đẽo rỗng lòng rồi ghép lại với nhau tạo thành một trụ bằng thân cây, cao 1,37m. Phần thân cây chôn chìm dưới đáy tháp là 1,12m. (xem hình vẽ).

Hai mảnh thân cây gỗ ghép lại thành một trụ đứng có cấu trúc khá đặc biệt. Cả hai đều chôn phân gốc ở dưới, phần ngọn lên phía trên. Chiều cạnh của gốc dày 5,5cm, phần ngọn dày 3cm. Dưới gốc để bằng, đầu ngọn để vát. Mảnh gỗ phía tây có nhiều điểm đáng chú ý. Cạnh gốc của mảnh gỗ này có một lỗ thủng nửa hình bầu dục dài 0,48m, rộng 0,26m, vết đẽo nham nhở. Phía đầu mảnh gỗ khoét 2 lỗ nhỏ hình hạnh nhân.

Trong lòng cây gỗ chôn thẳng đứng có chứa nhiều than tro. Đây là loại than củi đen, to và xốp. Lẫn trong đám than tro này là một hộp hình chữ nhật bằng đồng đã bị gỉ sét. Lớp gỉ đồng có màu xanh còn bám chặt lấy lớp than đen, mềm xung quanh. Chiếc hộp bằng đồng được phát hiện trong tình trạng còn khá nguyên vẹn, cách đầu cây gỗ phía trên khoảng 0,48m, và nằm ngay rìa cạnh phía tây của cây gỗ.

Lúc đầu chúng tôi cũng có ý định để nguyên trạng hộp đồng để phục vụ cho công tác trưng bày của Bảo tàng Tổng hợp Nghệ Tĩnh (nay là Bảo tàng Nghệ An). Song bí mật này không giữ được lâu, chỉ bởi một góc hộp đồng bị vỡ hé lộ ra một hộp kim loại bên trong có màu vàng.

Bên trong lòng hộp bằng đồng là một hộp nhỏ nữa cũng được làm bằng kim loại có màu vàng. Hộp có hình chữ nhật, kích thước dài 8cm, rộng 5cm, cao 5,5cm, được chia thành 2 phần nắp hộp và thân hộp.

Nắp hộp: giống như nắp mui luyện của những ngôi mộ hợp chất, có gờ mái chờm ra xung quanh. Trên đỉnh nắp có trang trí hình hoa 6 cánh, có nhụy nhỏ tròn ở chính giữa, xếp liên tiếp tạo thành một khung trang trí chữ nhật. (xem hình).

Thân hộp: Diềm nắp ăn khít với thân hộp, trên đó trang trí bông hoa 3 cánh, chụm lại dưới một cái cuống với 2 đôi cánh là đối xứng nhau như dạng hoa sen cách điệu. Những bông hoa sen cách điệu này, được trang trí theo dải băng tạo thành một khung hoa văn chữ nhật. Giữa lòng các ô trống là một mặt phẳng, có màu kim loại vàng (hình vẽ).

Trong lòng hộp, khi mở ra, chúng tôi thấy khoảng 1/3 đáy hộp là than tro do bị nước thấm vào nên đã quánh lại thành một lớp màu đen rất mềm. Trên bề mặt lớp than tro ấy, có 2 nửa hình tròn màu trắng đục, trong và mỏnh như vỏ trứng. Chắc hẳn hai mảnh vòng tròn này là từ một cục tròn có chất trắng đục bị vỡ ra làm đôi([8]). Bên trong quả cầu trắng đục ấy là gì? Hiện giờ chúng tôi vẫn chưa thể hình dung ra. Song có điều chắc chắn là chúng tôi đã tìm thấy và đào được một hòm xá lị của Đức Phật([9]).

Như vậy trong lòng Tháp Nhạn đã tìm thấy xá lị của Đức Phật. Hộp xá lị Tháp Nhạn có cấu trúc hơi đặc biệt gồm 3 lớp sau:

Lớp 1: là thân cây khóet rỗng và chôn theo phương thẳng đứng ở chính tâm tháp. Bên trong thân cây này có chứa nhiều than tro.

Lớp 2: hộp bằng đồng có kích thước dài 12cm, rộng 8cm, cao 8cm. Lớp hộp đồng này cũng chỉ để vừa hộp kim loại có màu vàng ở bên trong.

Lớp 3: Hộp chữ nhật là từ kim loại có màu vàng. Trong lòng hộp có chứa khoảng 1/3 là than tro và 2 nửa viên tròn rỗng, màu trắng đục lẫn trong. Phải chăng đây là bình pha lê như đã thấy ở Chùa Dâu?

Niên đại của Tháp Nhạn được xây dựng vào thời Đường, nửa đầu thế kỷ VII. Theo các cụ già trong thôn thì vào khoảng những năm 30 của thế kỷ XX, có một số học giả Pháp ở Trường Viễn đông Bác cổ đã về đây khảo cứu và mang đi nhiều di vật quý, trong đó có những viên gạch có chữ ghi niên đại năm 627 đời nhà Đường.

Về phát hiện hộp xá lị trong lòng Tháp Nhạn, GS. Hà Văn Tấn đã viết: “Việc đặt hộp xá lị trong lòng thân cây khoét rỗng cũng gợi chúng ta nhớ tới tục chôn người chết trong những quan tài thân cây khoét rỗng trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam. Các tháp xá lị vẫn được coi là mộ tháp, khác với tháp kỷ niệm. Phải chăng đây là sự tiếp hợp giữa Phật giáo với những truyền thống bản địa lâu đời”([10]).

IV. Vài suy nghĩ thay cho lời kết

1. Sau cuộc khai quật Nhạn Tháp, nhiều vấn đề lịch sử vẫn còn bỏ ngỏ. Song dẫu sao việc phát hiện ra Tháp Nhạn và những bí mật trong lòng ngôi tháp này đã phần nào minh chứng cho những ghi chép của người xưa ở Chùa Dâu. Chúng tôi là những người có vinh dự lần đầu tiên tìm thấy hộp xá lị trong phế tích tháp Phật giáo ở Nghệ An. Phát hiện này, tuy chưa giống hẳn với những gì ghi chép ở Chùa Dâu, cũng chưa góp phần làm sáng tỏ hết phế tích tháp Phật Tích, song lại là những tư liệu chân xác của lịch sử giúp cho những ai đam mê nghiên cứu về xá lị Phật trên đất Nam Đàn (Nghệ An) nói riêng, xá lị Phật trên đất Việt Nam nói chung.

2. Việc phát hiện hộp xá lị Phật trong lòng Tháp Nhạn phần nào góp thêm tư liệu xác nhận rằng, xá lị Đức Phật đã có mặt tại Việt Nam từ khá sớm. Sự xuất hiện Tháp Nhạn ở Nam Đàn (Nghệ An) lúc đó như một sợi chỉ vạch ranh giới giữa một vùng đất theo Phật giáo Đại Thừa với những vùng đất ở phía Nam theo Phật giáo Tiểu thừa hoặc theo đạo Bàlamôn giáo.

3. Cũng từ những phát hiện ở Nhạn Tháp và những khảo sát nhiều di tích Phật giáo khu vực xứ Nghệ cho phép chúng ta nhận định lịch sử Phật giáo truyền vào xứ Nghệ có lẽ từ rất sớm tại vùng Cửa Sót (Hà Tĩnh ngày nay) với sự kiện nhà sư Phật Quang truyền đạo cho Chử Đồng Tử và Tiên Dung, trùng hợp với những phát hiện của TS. Lê Mạnh Thát trong bộ Lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Tất nhiên lịch sử Phật giáo xứ Nghệ sẽ còn phải trả lời cho các nhà nghiên cứu nhiều vấn đề như: nhà sư Phật Quang là ai? Ông có phải là người Thiên Trúc hay là người nước ngoài khác Thiên Trúc truyền bá đạo Phật vào xứ Nghệ? Diện mạo Phật giáo buổi đầu ở xứ Nghệ là gì?... Tuy còn khá nhiều câu hỏi đặt ra, song những chứng tích Khảo cổ học Phật giáo tìm được ở Nhạn Tháp, từ những ngôi chùa tháp cổ khác trên đất xứ Nghệ là minh chứng cho sự xuất hiện sớm của đạo Phật ở khu vực này.



* Viện Nghiên cứu Tôn giáo

*Khoa Lý luận chính trị, Đại học Nội vụ

[1] Nguyễn Mạnh Cường, Chùa Dâu - Tứ Pháp và Hệ thống các chùa Tứ pháp, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 2000, tr.19.

[2] Nguyễn Mạnh Cường, sáchđã dẫn, tr.54.

[3] Nguyễn Mạnh Cường, sách đã dẫn, tr. 54-55

[4] Xem thêm: Nguyễn Mạnh Cường, Trần Anh Dũng, Phạm Như Hồ và Võ Văn Tuyển: Báo cáo khai quật Nhạn Tháp (Nghệ Tĩnh), tư liệu lưu tại Phòng Tư liệu Viện Khảo cổ học mang ký hiệu HS 321.

[5] Chân Nguyên Nguyễn Tường Bách, Từ điển Phật học. Nxb Thuận Hóa năm 1999, tr.508-509.

[6] Đoàn Trung Còn, Phật học từ điển, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh năm 1992, tr. 676,677.

[7] L.Bezacier, Nghệ thuật Việt Nam, Hà nội 1944, tr. 290.

[8] Cho đến nay, tôi vẫn không thể quên được hình ảnh của hai viên nửa hình tròn. Khi nhìn ngắm tôi có cảm giác chúng là một loại vỏ bọc bằng sáp cho những viên cao đan hoàn tán.

[9] Trần Anh Dũng, Nguyễn Mạnh Cường, Tháp Nhạn ở Nghệ Tĩnh qua hai lần khai quật, Tạp chí Khảo cổ học số 3 /1987 tr: 69-83.

[10] Hà Văn Tấn, Chùa Việt Nam, Nxb KHXH Hà Nội 1993, tr.29.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 217
    • Số lượt truy cập : 6948084