Thông tin

HƯƠNG GIỚI ĐỨC CHÁNH TRÍ MAI THỌ TRUYỀN

HƯƠNG GIỚI ĐỨC CHÁNH TRÍ MAI THỌ TRUYỀN

 

TS. HOÀNG VĂN LỄ

 

 

 

Khi ngài Ananda bạch với Đức Phật: “Bạch Ngài, có ba thứ hương, là hương của rễ, hương của lõi và hương của hoa, mà hương của nó chỉ bay thuận theo chiều gió, chứ không bay nghịch chiều gió. Bạch Ngài, chẳng hay có giống hương nào mà hương của nó bay thuận chiều gió, nghịch chiều gió, hay bay thuận và nghịch chiều gió được chăng?

Đức Phật đáp rằng: “Nầy Ananda! Ở đây nơi thôn quê hay thành thị nào có một nữ nhân hay nam nhân quy y Phật, quy y Pháp, quy y tăng; tránh xa sự sát sanh, tránh xa sự trộm cắp, tránh xa sự tà dâm, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự uống rượu; là người có Giới đức, là người có thiện pháp. Tâm đã dứt bỏ sự bỏn xẻn, sự ô nhiễm. (...)

Nầy Ananda! Đó là giống hương mà hương của nó bay xuôi chiều gió, bay ngược chiều gió, bay xuôi lẫn ngược chiều gió vậy1.

Giới đức (silakkhanda), là lực của giới luật, là sức mạnh của tâm linh, là đỉnh cao sự tu tập giải thoát... Các loài hương ngửi bằng mũi qua cơ quan khứu giác, là tỉ căn (trong ngũ căn: nhãn căn, nhĩ căn, tỉ căn, vị căn, và thân căn). Không có cơ quan khứu giác, chúng ta không ngửi được các mùi, từ hệ thống mũi, dây thần kinh và não bộ ta nhận biết mùi và thường chọn hương thơm, từ chối chủ động hoặc thụ động các mùi hôi thối. Các loài hữu tình cũng có tỉ căn, thậm chí loài chó khứu giác của chúng tinh vi và hiệu quả hơn con người rất nhiều lần.

Hương giới đức mà Đức Phật thuyết giảng như trên không ngửi bằng mũi mà hiểu bằng ý căn, bằng tâm thức tầm cao của con người, có yếu tố tâm linh, có học giáo lý, có tu hành mới nhận ra lẽ cao siêu của giới đức.

Liên tưởng đến ngài Chánh Trí Mai Thọ Truyền, chúng ta dễ thừa nhận, hương giới đức của Ngài đạt tâm rất cao trong thời kỳ Phật giáo đồ miền Nam trước sự đàn áp của thực quyền Ngô Đình Diệm.

Góp phần cải biến đời sống văn hóa

Qua tiểu sử, hành trạng của Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, chúng tôi chưa thấy tài liệu công bố nào nói về chính kiến của Cụ, song những lần bày tỏ “lập trường” của Cụ trước thực thể độc tài, bất bình đẳng tôn giáo của Chính quyền Diệm, Cụ đã dũng cảm đứng lên đấu tranh và biểu tỏ thái độ rất rõ ràng như lăn người trước lễ rước phần xương thịt của Hoà thượng Thích Quảng Đức sau tự thiêu được đưa về chùa Xá Lợi an táng. Nhưng sau đó nhục thân của ngài Quảng Đức được tiếp tục hoả táng, xá lợi ngài Quảng Đức là “trái tim bất diệt”. Ngày 1-11-1963, Ngô Đình Diệm bị đảo chánh, kết thúc nền Đệ nhất cộng hòa.

Cụ là một người trí thức am tường Phật pháp, quyết giữ giới trong đó ăn chay trường cho đến lúc mất, bất chấp các trở ngại trong sinh hoạt sôi nổi của mình. Ngài am tường và vận dụng, truyền đạt sự hiểu biết của mình qua thuyết giảng, qua hàng trăm bài viết trong tạp chí Từ Quang xuyên suốt 242 số tạp chí từ năm 1951 đến năm 1973, cho thấy tâm nguyện không chỉ với việc chấn hưng Phật giáo mà còn góp phần cải biến đời sống văn hóa của Phật tử nói riêng và dân tộc nói chung. Hành động vì dân tộc đó là biểu thị sinh động lòng yêu nước từ chiêm nghiệm văn hóa dân tộc. Trong chế độ quân sự hóa tuyệt đối và kiêu binh như Sài Gòn, những năm 1963-1975, đặt mình trong vị trí kẻ sĩ thời đại là chọn lựa đúng và hiệu quả. Vì vậy, tên tuổi Chánh Trí - Mai Thọ Truyền luôn sáng ngời trong lòng người dân và Phật tử, không chỉ ở Sài Gòn, mà mở rộng toàn miền Nam.

Nhà Văn hóa tận tụy, chăm lo cho công cuộc chấn hưng văn hóa nước nhà

- Xây dựng chùa Xá Lợi

Chùa Xá Lợi được khởi công xây dựng vào ngày 5 tháng 8 năm 1956, trên thửa đất diện tích hơn 2.500 m2, được nhượng lại của câu lạc bộ Đông Dương với giá tượng trưng là một đồng bạc Việt Nam. Khu đất tọa lạc tại góc đường Lê Văn Thạnh (nay là Sư Thiện Chiếu) và Bà Huyện Thanh Quan. Công trình kiến trúc theo bản vẽ của hai Kiến trúc sư Trần Văn Đường và Đỗ Bá Vinh; công trường xây dựng được điều khiển bởi hai Kỹ sư Dư Ngọc Ánh và Hồ Tố Thuận. Chùa được hoàn thành ngày 2 tháng 5 năm 1958.

Chùa thờ duy nhất một tượng Phật Thích Ca lớn, trong tư thế ngồi kiết già trên tòa sen. Ban đầu khi xây chùa, pho tượng được giáo sư Trương Đình Ý thực hiện bằng xi măng và thạch cao, tiếc rằng pho tượng khi đúc xong quá lớn không đưa lên chánh điện trên lầu được, nên nhượng lại cho chùa khác (nay là tượng Phật cô đơn ở huyện Bình Chánh). Sau đó, Hội Phật học Nam Việt nhờ Trường Mỹ nghệ Biên Hòa đắp tạo pho tượng khác bằng bột đá màu hồng, theo như kích thước của tòa sen trên Phật đài; tượng đúc xong được an vị vào ngày 24 tháng chạp năm Đinh Dậu 1958. Đến năm 1969, pho tượng được thếp lại toàn thân bằng vàng như hình dáng ngày nay. Tượng Phật chùa Xá Lợi là một tác phẩm mỹ thuật, đường nét hài hòa cân đối, mang phong cách một vị Phật Việt Nam, không chịu ảnh hưởng các nền văn hóa khác, là khuôn mẫu tiêu biểu cho nhiều tượng Phật được thực hiện sau này.

Không chỉ là công trình kiến trúc độc đáo, chùa Xá Lợi còn là một trung tâm học thuật quan trọng của Phật giáo Việt Nam.

Chùa là trụ sở chính của Hội Phật học Nam Việt từ năm 1951-1981. Trong các năm 1964-1966, chùa còn là cơ sở giảng dạy của Viện Đại học Vạn Hạnh. Từ năm 1981-1993 chùa là trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Văn phòng II).

Hơn 40 năm hoạt động Phật học tại Chùa Xá Lợi liên tục từ năm 1950: Các đời Chứng minh đạo sư: Hòa thượng Thích Liễu Thiền (1950-1956), Hòa thượng Thích Như Ý (1950-1954), Hòa thượng Thích Đạt Thanh (1950-1954), Hòa thượng Thích Huệ Quang (1955-1956), Hòa thượng Thích Khánh Anh (1957-1961), Hòa thượng Thích Thiện Hòa (1957-1963),
Hòa thượng Thích Hành Trụ (1957-1984), Hòa thượng Thích Thiện Hào (1984-1997), Hòa thượng Thích Hiển Tu (1984-nay). Các đời Trụ trì: Hòa thượng Thích Trường Lạc (1957), Hòa thượng Thích Huyền Quí (1958), Hòa thượng Thích Vĩnh Chơn (1959), Hòa thượng Thích Thiện Thắng (1962), Hòa thượng Thích Thiện Phước (1973), Thượng tọa Thích Minh Hạnh (1977), Thượng tọa Thích Minh Trí (1978), Hòa thượng Thích Hiển Tu (1979), Thượng tọa Thích Đồng Bổn (... đến nay). Các đời Hội trưởng: Pháp sư Quảng Minh (1950-1954), Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ (1954-1955), Cư sĩ Mai Thọ Truyền (1955-1973), Bác sĩ Cao Văn Trí (1973-1979), Cư sĩ Nguyễn Văn Hoanh (1979-1996)... Các đời Tổng thư ký: Cư sĩ Mai Thọ Truyền (1950), Cư sĩ Võ Đình Dần (1953), Cư sĩ Lưu Văn Trừ (1954), Cư sĩ Tống Hồ Cầm (1955), Cư sĩ Đỗ Văn Giu (1959), Cư sĩ Lê Ngọc Diệp (1961), Cư sĩ Tăng Quang (1979)...

Chùa Xá Lợi trở thành địa điểm lịch sử trong cuộc đấu tranh kiên cường đẫm máu của Phật giáo đồ chống chế độ độc tài kỳ thị tôn giáo. Ông liên tục hoạt động cho Hội Phật Học Nam Việt trong cương vị Hội trưởng từ năm 1955 đến khi qua đời năm 1973.

- Xây dựng Thư Viện Quốc gia, 69 Lý Tự Trọng, Sài Gòn

Đến năm 1968 ông giữ chức Quốc vụ khanh kiêm Viện trưởng Giám sát viện, rồi Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa cho đến mất. Với trách vụ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa, ông đã xây dựng Thư viện Quốc gia (nay là Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố), xúc tiến việc thành lập Văn khố quốc gia và Nhà văn hóa, thành lập và đẩy mạnh hoạt động của Ủy ban Điển chế văn tự, lập Ủy ban dịch thuật và xuất bản các sách Hán Nôm quý hiếm, thành lập Chi nhánh Bảo tồn Cổ tích Huế2.

Với công trình văn hóa tầm cỡ cả nước là “Thư viện quốc gia”3, số 69 Lý Tự Trọng, phường Bến Thành, Quận I. Chúng ta biết, Cụ hết lòng từ chủ trương đến thiết kế và thi công, sau 3 năm lăn lộn với công trình, Thư viện được khánh thành, niềm tự hào của Sai Gòn nói riêng và miền Nam nói chung. Nay tên chính thức là “THƯ VIỆN KHOA HỌC TỔNG HỢP TP. HỒ CHÍ MINH”.

Các việc hành xử trong hoạt động văn hóa có ý nghĩa trọng đại về việc cải biến lối sống của dân thị thành đang bị Mỹ hóa từ những năm 1965 (Mỹ đổ quân vào Việt Nam), ý nghĩa chính trị và văn hóa hết sức to lớn, chúng tôi nghĩ rằng đó chính là sự chọn lựa bảo tồn các giá trị văn hóa Việt Nam, là lòng yêu nước chính đáng vậy.

Tóm lại, trước một vị am tường Phật học, luôn hết lòng vì công cuộc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, Cụ Chánh Trí - Mai Thọ Truyền rất xứng đáng được Phật tử chùa Xá Lợi tôn vinh. Đây không chỉ là nhà văn hóa Phật giáo mà là nhà văn hóa trong thời đại nhiễu nhương của Sài Gòn trước ngày giải phóng. Ngày nay, nối tiếp nhớ ơn người dày công vun đắp, tiếp tục góp phần đẩy mạnh phong trào Chấn hưng Phật giáo ở miền Nam, người có công lớn xây dựng chùa Xá Lợi, đặc biệt là việc học Phật, nghiên cứu giáo lý, kinh điển Phật giáo ở chùa, hết lòng duy trì và phát triển đến ngày nay. Cụ được xưng danh và dựng tượng tưởng niệm trong khuôn viên chùa Xá Lợi để Phật tử chiêm ngưỡng người có công hộ pháp tích cực.

 


1. Trích và thu gọn Chú giải Kinh Pháp cú, quyển 1, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2013, trang 670-671.

2. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, https://vi.wikipedia.org/wiki/Mai_Th%E1%BB%8D_Truy%E1%BB%81n

3. Khám lớn Sài Gòn được khởi công xây dựng thành Thư viện Quốc Gia dựa vào đồ án thiết kế của hai kiến trúc sư Bùi Quang Hạnh và Nguyễn Hữu Thiện với sự cộng tác của cố vấn kỹ thuật – Kiến trúc sư Lê Văn Lắm. Thủ tướng Trần Văn Hương đã đặt viên đá đầu tiên để khởi công và công trình hoàn thành vào cuối năm 1971. Ngày 23-12-1971, Thư viện Quốc Gia được khánh thành và đi vào hoạt động tháng 2-1972.

- Khối thứ nhất là một dãy nhà dài 71 m, ngang 23 m gồm một tầng hầm, một tầng trệt và hai lầu, một sân thượng ở lầu hai.

- Khối thứ hai nằm ở trung tâm, hình vuông và vươn lên cao như một ngọn tháp với 14 tầng, cao 43m, chứa tài liệu.

 Đây là thư viện lớn nhất Việt Nam vào thời bấy giờ, có kiến trúc hiện đại kết hợp với tính dân tộc. Lúc này thư viện có 53 nhân viên phục vụ với khoảng 100.000 bản tài liệu.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 36
    • Số lượt truy cập : 6784692