Thông tin

HƯƠNG VÔ ƯU

 

HT. THÍCH THIỆN ĐẠO

 


 

Đâu phải tình cờ mà đức Phật đản sanh dưới gốc cây Vô ưu. Đọc lịch sử của đời Ngài, ta mới thấy mỗi sự kiện đều biểu hiện một tinh thần, một giá trị cao cả nào đó.

- Vườn Lâm Tỳ Ni là biểu tượng của sự vào đời bằng tinh thần an lạc.

- Sông A Nô Ma là biểu tượng của sự đoạn trừ quá khứ vô minh.

- Bồ Đề Đạo Tràng là biểu tượng của sức mạnh nội tâm vượt qua mọi chướng ngại.

- Vườn Lộc Uyển là bình minh của chánh pháp.

- Ta La Song Thọ là sự dứt bặt của các pháp hữu vi trở về trạng thái an tịnh tuyệt đối.

Đức Phật đản sanh dưới gốc cây Vô ưu cho ta một cảm nhận sâu xa về giáo pháp của Ngài. Khởi điểm từ cây Vô ưu, suốt chặng đường dài 80 năm ứng hóa, đức Phật đã nỗ lực không mệt mỏi chỉ cho chúng ta con đường hướng về chân trời Vô ưu. Giáo pháp của Ngài là lương dược có khả năng dứt trừ con bệnh vô minh, phiền não, là hoa thơm làm đẹp cuộc đời.

Có lần một học giả đến thăm Thánh địa Lumbini, nơi Đức Phật đản sanh, thấy một số cây vô ưu được đem từ nơi khác về trồng, một số khác bị khô héo tàn tạ, nhà học giả cảm thấy buồn cho Thánh địa, nhưng khi chợt ngộ về ý nghĩa Vô ưu thì nỗi buồn kia không còn nữa”.

Vâng! Tinh thần Vô ưu mà giáo pháp đã đem lại cho nhân loại vượt qua thời gian, xuyên qua không gian, đã chuyển hóa bao nhiêu tâm hồn thoát khỏi phiền não trở về với an lạc hạnh phúc nội tại. Gần ba ngàn năm có mặt với cuộc đời, vì cuộc đời, đạo Phật đã xô ngã bức tường vô minh chấp thủ đã từng giam hãm con người trong vòng khổ não. Nguyên nhân của đau khổ là vô minh, không còn vô minh thì không còn đau khổ. Cho tới khi nào vô minh chưa bị bật gốc thì đau khổ vẫn còn bám chặt, còn bao vây chúng ta.

Sự kiện đức Phật đản sanh dưới cây Vô ưu không phải là chuyện tình cờ. Ý nghĩa và giá trị của sự kiện này rất sâu sắc và hiện thực đến mầu nhiệm. An lạc hòa bình hạnh phúc mà giáo pháp đức Phật đã đem lại cho các quốc gia khắp nơi trên thế giới là rất lớn. Sức sống chánh pháp đã xây dựng một truyền thống văn hóa nhân bản cho nhiều dân tộc thông qua tình thương chân thật và sự hiểu biết chân chính. Trước một thế giới có quá nhiều biến động bất an như thời đại ngày nay, sức sống chánh pháp hay bức thông điệp về hòa bình của đức Phật rất hữu ích để đem lại an lạc và tồn tại cho nhân loại.

Ông Neru, cựu Thủ tướng Ấn Độ vừa là nhà học giả uyên bác, đã nhận xét về đức Phật và giáo pháp của Ngài như sau: “Đức Phật vĩ đại hơn tất cả các lý thuyết và tín điều; thông điệp bất diệt của Ngài đã làm rung động qua nhiều thời đại. Có lẽ không có một thời điểm nào trong lịch sử quá khứ mà thông điệp hòa bình của Ngài lại cần thiết hơn cho nhân loại đang đau khổ và cuồng loạn như hiện nay”.

Ông H.G. Wells, một văn hào, một triết gia người Anh đã nhìn Phật giáo bằng con mắt văn hóa: “Đạo Phật đã mang lại sự tiến bộ cho thế giới văn minh và văn hóa chính đáng nhiều hơn bất cứ ảnh hưởng nào khác trong tiến trình nhân loại”.

Giáo pháp của đức Phật hiện hữu không vì chính nó, mà vì cuộc sống cộng đồng, cho nên lúc nào cuộc sống còn hiện hữu thì giáo pháp còn cần thiết, còn đồng hành.

Cố Thủ tướng Srilanka, bà Bandaranaike đã long trọng tuyên bố: “Phật giáo sẽ trường tồn như mặt trời và mặt trăng cũng như nhân loại đang hiện hữu trên trái đất. Do đó, Phật giáo là tôn giáo của con người, của nhân loại cũng như của tất cả”.

Một con người vĩ đại như đức Phật, một giáo pháp có sức chuyển hóa tâm linh con người hữu hiệu như giáo pháp của đức Phật, một cách sống tích cực trong sáng và chan hòa tình yêu thương như con đường Phật đạo, thì không phụ thuộc vào các điều kiện đối đãi, mà tự nó có giá trị nội tại hoàn mãn. Dù cây Vô ưu còn hay mất theo luật biến hoại, dù có chặt phá hủy diệt để phục vụ cho ác tâm của con người, thì tinh thần và giá trị Vô ưu vẫn là nét đặc thù tối thượng trong giáo pháp của đức Phật.

Một người sống và hành động bằng tinh thần Vô ưu thì khởi đầu được an lạc, chặng giữa được an lạc và kết thúc cũng được an lạc. Vô ưu chính là bản chất của giác ngộ, là sự vắng bặt của sự ưu bi khổ não. Cánh cửa Vô ưu đưa đến chân trời giải thoát; ánh sáng Vô ưu xóa tan mây mờ phiền não, chiếu sáng tuệ giác bồ đề; không khí Vô ưu thanh lọc thân tâm, trưởng dưỡng mầm non thiện pháp.

Thưa ngài học giả vĩ đại! Sự giác ngộ của Ngài về tính mong manh của các pháp hữu vi, dù đó là cây Vô ưu lịch sử, đã thắp sáng tuệ giác trong Ngài và cho cả nhân loại. Ngài đáng được làm chủ vườn Vô ưu, vì nỗi buồn còn mất hưng suy thường tình không còn chỗ trong lòng Ngài. Hương Vô ưu sẽ mãi mãi ngát thơm trong Ngài và trong tất cả mọi người, vì an lạc hạnh phúc tối thượng trên hành trình hướng về giác ngộ. Nguồn lương dược đối trị bệnh trầm kha sanh tử của chúng sanh không thể tìm ở đâu xa ngoài khả năng hiện thực của chánh pháp vi diệu.

Do từ cái nhìn trên, chúng ta có thể khẳng định rằng:

Vô ưu là cội nguồn của đạo Phật

Đạo Phật là đạo vô ưu

Pháp Phật là pháp vô ưu

Đức Phật là hiện thân của vô ưu tuyệt đối.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 12
    • Số lượt truy cập : 6711963