KHÁI LƯỢC LỊCH SỬ PHẬT GIÁO TỊNH ĐỘ
AARON PROFFITT - CAO HUY HÓA dịch
Tịnh Độ tông là một trường phái riêng biệt của Phật giáo phát triển ở Nhật Bản và theo Aaron Proffitt, là đá tảng của toàn bộ truyền thống Đại thừa.
Các học giả Đông phương học ban sơ nghiên cứu Phật giáo, làm việc dưới chế độ thực dân không mấy quan tâm đến sự đa dạng và sức sống của các nền văn hóa Phật giáo sống động. Thay vào đó, họ chọn lọc giáo lý Phật giáo để phù hợp với thế giới quan Tin lành, hiện đại của riêng họ.
Cách nhìn phi lịch sử này về Phật giáo - một “Phật giáo” được tạo bởi (và cho) các trí thức châu Âu - sau đó được sử dụng để chỉ trích các nền văn hóa Phật giáo đang tồn tại. Các học giả này tin rằng Phật giáo Đại thừa nói chung, đặc biệt là giáo lý Tịnh Độ, là một sự bóp méo ngang bướng của Pháp Phật (như họ định nghĩa).
Đáng buồn thay, thái độ này vẫn còn phổ biến. Phật giáo Tịnh Độ được cho là hình thức Phật giáo được thực hành phổ biến nhất trên thế giới. Tuy nhiên, trong các bài viết học thuật và phổ biến bằng tiếng Anh, Phật giáo Tịnh Độ phần lớn bị bỏ qua hoặc hoàn toàn bị hiểu sai.
Giáo lý Tịnh Độ là nền tảng cho triết lý, nghi lễ, thiền định, nghệ thuật và kinh điển Đại thừa. Nhìn chung, chúng ta có thể nghĩ về Phật giáo Đại thừa là “Phật giáo của những cõi Tịnh Độ”. Cụ thể hơn, thuật ngữ “Phật giáo Tịnh Độ” cũng quy về một hình thức riêng biệt hoặc trường phái Phật giáo đã phát triển ở Nhật Bản. Trong khi thâm nhập giáo lý Tịnh Độ nói chung trong Phật giáo Đại thừa, trường phái này đặc biệt tập trung vào việc chiêm nghiệm về cõi Tịnh Độ có tên là Sukhavati (cõi Cực Lạc) và Đức Phật A Di Đà của cõi đó.
Trong khi một số Phật tử Đại thừa khát khao được tái sinh ở cõi Tịnh Độ trong kiếp sau, thì những người khác lại quan niệm cõi Tịnh Độ là biểu tượng của Niết bàn theo một nghĩa nào đó, có mặt trong thế giới này. Cũng có những người khác có thể giữ cả hai vị trí cùng một lúc. Như kinh Contemplation Sutra (Kinh Quán Tưởng) nói: “Tâm tạo ra Phật là Phật”.
Giáo lý Tịnh Độ ở Ấn Độ
Ngày nay, chúng ta chia thế giới Phật giáo thành Theravada và Mahayana (Đại thừa), nhưng sự phân chia này không phải lúc nào cũng dứt khoát. Nhiều yếu tố mà chúng ta hiện xác định là Mahayana hay Theravada hoặc Tantra đã phát triển tuần tự trong các bối cảnh văn hóa Ấn Độ ban đầu khác nhau vào giai đoạn 500 trước CN – 100 CN, trước những kinh mà chúng ta hiện tiếp cận được viết ra.
Trong nhiều phần, có những kinh được viết bằng ngôn ngữ văn học được gọi là Pali, mà ngày nay chúng ta liên hệ với Phật giáo Theravada, bảo tồn một thế giới quan cho rằng chỉ có một vị Phật hiện hữu trong một thời gian. Nhưng phần chính các kinh mà ngày nay chúng ta dán nhãn là Đại thừa đã đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về bản chất của quả vị Phật và con đường giác ngộ.
Phật tử thuộc mọi trường phái đều đồng ý rằng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dạy về các vị Phật trong quá khứ và tương lai, nhưng trong kinh Đại thừa và Tantra, người ta tin rằng Đức Phật cũng đã dạy về các vị Phật khác trong thời đại đó, chẳng hạn như Phật A Súc, Phật Vairocana và Phật A Di Đà.
Sukhavati (cõi Tịnh Độ, hay cõi Tây Phương Cực Lạc) và Phật A Di Đà dường như rất phổ biến khi các kinh Đại thừa được viết ra, vì được đề cập trong hàng trăm kinh Đại thừa và Tantra. Các chuyên luận sau này liên quan đến giáo lý Tịnh Độ được cho là của các đạo sư vĩ đại của Ấn Độ như Nagarjuna (Long Thọ, khoảng năm 150–250 CN) và Vasubandhu (Thế Thân, thế kỷ thứ 4 – thứ 5 CN).
Phật giáo Tịnh Độ tại Trung Quốc
Phật giáo được truyền bá dọc theo các tuyến đường thương mại khắp Nam và Trung Á, và đến thế kỷ đầu tiên của Công nguyên, Phật giáo bắt đầu bén rễ ở Trung Quốc. Phật giáo Đại thừa đặc biệt được đón nhận, vì giáo lý Tịnh Độ là một khía cạnh cơ bản của triết lý và tu tập Đại thừa, nên các quan điểm đa dạng về Tịnh Độ đã phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc từ rất sớm.
Sinh trưởng tại Gandhara vào năm 147 CN, nhà sư Lokaksema đã dịch các kinh Đại thừa tiếng Phạn sang tiếng Trung, bao gồm cả kinh Pratyutpanna Samadhi (Kinh về Định, cầu gặp các chư Phật của Hiện tại). Kinh này có ảnh hưởng đặc biệt đến nhà sư Huệ Viễn (334–416), người mà các thế hệ sau công nhận là vị Tổ đầu tiên của Tịnh Độ tông.
Huệ Viễn đã tổ chức các hội tu tập Tịnh Độ, được gọi là Hội Bạch Liên (Sen trắng), gồm những hành giả chiêm nghiệm về Đức Phật A Di Đà để nhận những linh kiến huyền bí về Ngài. Điều này, đã truyền cảm hứng về sau cho các hình thức tu tập Tịnh Độ cộng đồng. Giống như hầu hết các vị đạo sư Phật giáo Trung Quốc khác, Huệ Viễn cũng thông thạo tư tưởng Đạo giáo và Khổng giáo. Ngài nổi tiếng vì đã khiển trách một lãnh chúa địa phương bằng cách tuyên bố “Nhà sư không sùng kính vua”.
Trí Khải (538–597) ở núi Thiên Thai thuộc Chiết Giang, Trung Quốc, được xem như là người sáng lập truyền thống Thiên Thai. Truyền thống này đã cống hiến một cách tiếp cận của Trung Hoa bản địa đối với Phật giáo Ấn Độ. Trí Khải tôn kính lời dạy của Long Thọ về tánh Không, và trình hiện một sự hiểu biết toàn diện về giáo lý Phật giáo và thiền định, cuối cùng đã ảnh hưởng đến toàn bộ Phật giáo Đông Á.
Quan điểm của Trí Khải về thực hành Tịnh Độ cũng dựa trên kinh Pratyutpanna Samadhi, khuyến nghị việc trì tụng danh hiệu của Đức Phật A Di Đà như một cách để duy trì sự tập trung trong khi thiền định. Một số giảng sư Tịnh Độ có ảnh hưởng nhất trong lịch sử Đông Á có liên quan đến dòng truyền thừa Thiên Thai, được biết đến như là Cheontae ở Hàn Quốc và Tendai ở Nhật Bản.
Các tác phẩm của Shandao (Thiện Đạo, 613–681) đại diện cho một nhánh quan trọng khác của tư tưởng Phật giáo Tịnh Độ Đông Á. Shandao được tôn kính vì những trải nghiệm có tầm nhìn xa và năng lực thiền định của ông. Điểm khác biệt của Shandao là giáo lý của ông mang tính cách mạng, cho rằng tu tập Tịnh Độ có thể giúp ngay cả những chúng sinh bình thường cũng được tái sinh ở cõi Tịnh Độ, và do đó cũng được giác ngộ. Điều này, trái ngược với quan điểm của giới tinh hoa cho rằng sự tái sinh ở Tịnh Độ chỉ có được đối với những vị Bồ tát đạt thành tựu cao.
Trong suốt lịch sử Trung Quốc, các đạo sư Thiền tông (Zen), cũng như những người hệ thống hóa Phật giáo Mật tông Đông Á (Tantra), đã khuyến khích tu tập Tịnh Độ. Nhà sư, học giả Thiền tông Yongming Yanshou (Vĩnh Minh Diên Thọ, 904–975) đã dẫn lịch sử lâu dài của tu tập Thiền - Tịnh Độ và lập luận rằng khi tu tập Tịnh Độ tích hợp với Thiền, thì hiệu quả hơn so với khi chỉ thực hành Thiền. Cho đến ngày nay, thiền, thực hành bí truyền và thực hành Tịnh Độ hòa hợp cùng nhau trong Phật giáo Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Đài Loan và Nhật Bản.
Phật giáo Tịnh Độ tại Tây Tạng
Phật giáo Tây Tạng phát triển muộn hơn Phật giáo Đông Á, vì vậy Phật giáo Tây Tạng có thể tiếp cận toàn bộ các kinh Phật giáo Ấn Độ. Cuối cùng, các Tantra được xem trọng ở Tây Tạng. Mặc dù chúng ta thường liên tưởng Tantra với thành tựu nhanh chóng Phật quả trong thân này và thế giới, nhiều tantra được cho là dẫn đến tái sinh ở các cõi Tịnh Độ, đặc biệt là cõi Cực Lạc.
Truyền thống Tịnh Độ đã biểu hiện theo vô số cách trong Phật giáo Tây Tạng. Liên Hoa Sinh (khoảng thế kỷ thứ 8 - thứ 9) là một đạo sư Mật tông vĩ đại ở Tây Tạng, người được công nhận là hóa thân của Đức Phật A Di Đà; dòng truyền thừa Tây Tạng của những Tulku tái sinh được gọi là Panchen Lamas xem như hiện thân của Đức Phật A Di Đà. Trong một nghi lễ của Tây Tạng được gọi là phowa, các hành giả tống xuất ý thức của họ ra khỏi đỉnh đầu và vào cõi Cực Lạc. Một trong những câu thần chú quan trọng nhất trong Phật giáo Tây Tạng là câu thần chú của Avalokiteshvara (Quán Thế Âm), “Om Mani Padme Hum”, được cho là dẫn đến sự tái sinh ở cõi Cực Lạc.
Ở Tây Tạng, cũng như ở Ấn Độ và hầu hết châu Á, Phật giáo Tịnh Độ không hoạt động như một giáo phái riêng hay một trường phái. Thay vào đó, triết lý và thực hành Tịnh Độ được tích hợp vào nhiều truyền thống Đại thừa khác nhau. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, Phật giáo Tịnh Độ xuất hiện như một cách tiếp cận riêng biệt với Phật giáo.
Phật giáo Tịnh Độ Nhật Bản
Nhà sư Nhật Bản Eon là một học giả về triết lý Trung đạo của Nagarjuna (Long Thọ), người đã du hành đến Trung Quốc vào năm 608 sau Công nguyên. Khi trở về Nhật Bản hơn 30 năm sau, ông đã chọn giáo lý Tịnh Độ làm chủ đề cho bài giảng đầu tiên của mình.
Lòng sùng kính Đức Phật A Di Đà đã trở thành một đặc điểm chính của Phật giáo Nhật Bản. Ban đầu, Phật tử Nhật Bản thực hành việc hồi hướng công đức để giúp tổ tiên của họ đạt được tái sinh ở cõi Tịnh Độ, nhưng theo thời gian, khao khát được tái sinh ở cõi Tịnh Độ của chính mình đã trở nên phổ biến.
Các nhà sư Nhật Bản gắn liền với truyền thống Tendai Núi Thiên Thai, chẳng hạn như Ennin (794–864) và Genshin (942–1017), đã thúc đẩy triết lý Tendai, nghi lễ bí truyền và thực hành niệm Phật (suy ngẫm về Tịnh Độ và trì tụng danh hiệu Đức Phật A Di Đà). Những nhà khổ hạnh lang thang như Kuya (903–972) đã đi lại giữa các trung tâm tu viện trên núi và chợ để chia sẻ giáo lý Tịnh Độ với người dân thường.
Kakuban (1095–1143), và sau đó là Dohan (1179–1252), đã tiếp cận sự hiểu biết bí truyền về thần chú và thúc đẩy ý tưởng rằng Đức Phật A Di Đà được biết nhiều nhất như là hơi thở cuộc sống của tất cả chúng sinh và rằng “tái sinh” ở cõi Tịnh Độ cũng giống như đạt được Phật quả trong chính thân này.
Vào thế kỷ thứ 12 và 13, quyền lực đang lên của tầng lớp samurai đã đẩy Nhật Bản vào hỗn loạn. Để ứng phó với sự biến động xã hội này, một cách tiếp cận bình đẳng đối với Phật giáo đã xuất hiện, nhấn mạnh con đường Tịnh Độ là mở ra cho những người bình thường, không chỉ cho những người tu tinh hoa. Các trường phái Tịnh Độ Nhật Bản thời trung cổ có xu hướng nhấn mạnh con đường Tịnh Độ gần như loại trừ các tu tập như triết học kinh viện, thiền Zen và nghi lễ bí truyền, trong khi tiếp thu những hiểu biết triết học phát sinh từ những truyền thống đó.
Honen (1133–1212) là nhà cách mạng lớn của lịch sử Tịnh Độ Nhật Bản. Với hiểu biết uyên bác sâu rộng về triết học và thực hành Đại thừa, và đặc biệt là các tác phẩm của Shandao, Honen đã tìm kiếm giáo lý có hiệu quả nhất cho những người sống trong thời đại hỗn loạn và lo âu này.
Cuối cùng, Honen đã thấy việc trì tụng danh hiệu của Đức A Di Đà, “Namu Amida Butsu” (Nam mô A Di Đà Phật) là thực hành tinh yếu.
Bởi vì thực hành đơn giản này, có thể thực hiện được đối với tất cả mọi người, bất kể giới tính hay địa vị xã hội, nên nó thể hiện lòng từ bi và trí tuệ phổ quát của Đức Phật A Di Đà. Honen đã truyền cảm hứng cho một phong trào, mặc dù bị các thế lực đàn áp, nhưng cuối cùng đã chuyển đổi Phật giáo Nhật Bản bằng cách tạo ra một “Phật giáo Tịnh Độ”.
Đệ tử của Honen là Shinran (Thân Loan, 1173-1263) tự xem mình là “kẻ ngốc nghếch tóc tai râu ria” tuyên bố rằng mình thậm chí không có một học trò nào. Tuy nhiên, dòng truyền thừa Jodo Shinshu mà ông là người sáng lập lại là trường phái Phật giáo lớn nhất ở Nhật Bản và cũng là một trong những trường phái lâu đời và lớn nhất ở Châu Mỹ, khiến ông trở thành một trong những nhà tư tưởng Phật giáo có ảnh hưởng nhất trong lịch sử thế giới.
Shinran lập luận rằng tiến trình tu tập trên con đường đạo, sự tái sinh Tịnh Độ và sự đạt được giác ngộ không chỉ xảy ra thông qua nỗ lực lẻ loi một người. Thay vào đó, Đức Phật A Di Đà là động lực khiến chúng sinh tự nhiên thức tỉnh thông qua sự buông bỏ triệt để - một trải nghiệm được gọi là shinjin, “tâm tín thành” hoặc “giác ngộ”.
Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong Phật giáo Tịnh Độ, và Shinran chịu ơn những người phụ nữ do ông đã thành công bằng nhiều cách trong cuộc đời mình. Nếu không có vợ ông, Eshinni, người hỗ trợ chức vụ sư trưởng của ông, và con gái ông, Kakushinni, người đã xây dựng lăng mộ dành riêng cho ông, Shinran có lẽ sẽ chẳng hơn gì một dấu ấn lịch sử.
Mặc dù Phật giáo Tịnh Độ vẫn còn ít được nghiên cứu và hiểu biết trong thế giới nói tiếng Anh, các học giả và hành giả ngày nay đang xây dựng những cây cầu mới với các trường phái Phật giáo khác và giúp mọi người hiểu Phật giáo Tịnh Độ thực sự là gì. Theo thời gian, sự sâu sắc và đa dạng của truyền thống Tịnh Độ sẽ sáng tỏ hơn.
Nguyên tác:
“A Brief History of Pure Land Buddhism”; Aaron Proffitt; tạp chí Phật giáo Lion’s Roar, 11/9/2024.
Tác giả Aaron Proffitt là Phó Giáo sư chuyên ngành Nghiên cứu Nhật Bản tại Đại học Albany-SUNY. Ông lấy bằng Tiến sĩ chuyên ngành Nghiên cứu Phật giáo tại Đại học Michigan năm 2015 và cuốn sách đầu tiên của ông, Esoteric Pure Land Buddhism (Phật giáo Tịnh Độ Bí truyền, Nhà xuất bản Đại học Hawaii, 2023), khám phá những cách mà Phật tử ở Đông Á sử dụng tư tưởng và thực hành Mật tông để đạt được tái sinh ở cõi Tịnh Độ.
Bình luận bài viết