Thông tin

KHÁI NIỆM ĐẠO ĐỨC KHỔNG GIÁO – LÃO GIÁO

QUA LĂNG KÍNH PHẬT HỌC

 

THÍCH NỮ HIẾU LIÊN

 


 

Quan niệm đạo đức của Nho gia

Nói đến văn hóa cổ đại phương Đông không thể không đề cập đến tư tưởng Trung Hoa. Hơn nữa, Việt Nam xưa và nay chịu ảnh hưởng và giao lưu văn hóa Trung Hoa trên nhiều phương diện nên chúng ta cần phải cân nhắc kĩ các nhà đạo đức học Trung Hoa cổ xưa.

Các bậc hiền triết tiêu biểu như Khổng Tử, Lão Tử,... đều nhấn mạnh đến luân lý đạo đức. Điều quan trọng nhất trong cuộc đời người là hoàn thiện đạo đức và thể hiện đạo đức. Nơi đây chúng ta tìm hiểu những điều chủ yếu nhất trong tư tưởng đạo đức và cũng như sự ảnh hưởng tính thiết thực của chúng đối với xã hội con người xưa và nay.

Khổng Tử (551-479 TCN) có hình ảnh cao đẹp mô phạm, từng là khuôn vàng thước ngọc, tấm gương chói sáng cho biết  bao nhiêu thế hệ nên Ngài đã được tôn kính vinh danh là vạn thế sư biểu (Bậc thầy của muôn đời sau). Khổng Tử soạn hành sáu cuốn sách nổi tiếng: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Nhạc, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu. Kinh Lễ tức Lễ Ký (禮記 Lǐ Jì). Tứ Thư Ngũ Kinh từng là sách gối đầu giường cho thế hệ trẻ, nhất là những ai đang dồi mài kinh sử để tham gia ứng thí với ước mơ làm quan ảnh hưởng trí tuệ tư tưởng của Ngài Khổng Tử để góp phần kinh bang tế thế.

Trong sáu bộ sách trên thì Kinh Lễ có liên quan đặc biệt đến đạo đức. Ghi lại lễ nghi các thời đại trước và Ngài Khổng Tử hiệu đính cho phù hợp với bối cảnh xã hội thời đó. Ngài đã từng được vua nước Lỗ tôn kính và trọng dụng cũng như nhiều vị vua khác trong thời xuân thu chiến quốc nghe danh và nể phục Ngài. Ngài muốn đem cuốn sách này triển khai áp dụng vào trong cuộc sống xã hội để cho mọi người, mọi nhà được thấm nhuần tư tưởng tinh hoa trong đó.

Sách Trung Dung đã ca ngợi về công đức của Ngài Khổng Tử như sau: “Khổng Tử tôn sùng tiếp nối đạo đức của vua Nghiêu, vua Thuấn; noi theo và làm sáng tỏ phép tắc của vua Văn Vương, vua Vũ Vương, trên thuận thiên thời, dưới hợp địa lý. Đức của Khổng Tử vĩ đại như trời đất, không có cái gì không chứa nổi, không có cái gì không che chở; lại giống như bốn mùa thay nhau luân chuyển, như mặt trời, mặt trăng thay nhau tỏa sáng”1.

Đã có lúc người ta lấy đạo đức để làm phương tiện quản lý xã hội, giữ gìn trật tự xã hội. Đường lối đức trị của Khổng Tử đã từng phát huy tác dụng trong một thời gian dài và có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều nước trên thế giới. Ông từng nói: Nếu dùng pháp luật vào trị dân, quản lý xã hội thì người ta qui phục nhưng lại không có liêm sỉ; nhưng nếu dùng đạo đức để trị dân, quản lý xã hội thì giống như sao bắc đẩu ở một nơi mà tất cả các ngôi sao khác hướng về nó cả.

Trong suốt các triều đại phong kiến Việt Nam, tư tưởng Nho giáo của Ngài Khổng Tử ảnh hưởng rất là sâu sắc đối với nước Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác.

Ông chế định tam cang, ngũ thường, tam tòng, tứ đức để mọi người sống đúng theo khuôn phép, ngõ hầu tạo nên một xã hội ổn định trật tự, kết nối thành một thể thống nhất, giúp cho đất nước phát triển hưng thịnh. Nam giới phải tuân thủ tam cang, ngũ thường. Còn nữ giới phải tuân thủ tam tòng, tứ đức.

Tam cang: Là ba mối quan hệ, quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), phu thê (chồng vợ), người đàn ông cần phải trung với vua, “trung là cội lớn của thiên hạ, hòa là đạo thông đạt của thiên hạ”2. Hiếu với cha mẹ, tổ tiên. Nghĩa với vợ.

Ngũ thường được hiểu như sau: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.

Nhân (仁): Là yếu tố cốt lõi về đạo đức của Nho gia. Khổng Tử chủ trương dùng nhân để cảm hóa con người và cải biến xã hội, đồng thời ông quan niệm, con người phải “sống đúng với mình và sống phải với người đó chính là chữ nhân”. Với ý nghĩa đó, “nhân là đức tính hoàn thiện, là cái gốc đạo đức của con người, nên nhân chính là đạo làm người”3.

Nghĩa (義): Là lẽ phải, là những gì hợp với đạo làm người. Thể hiện vai trò, trách nhiệm và bổn phận của con người với nhau trong xã hội. Nên Khổng Tử nói: “Người quân tử làm việc cho đời, không nhất thiết phải làm việc gì, không nhất thiết phải bỏ điều gì, hễ hợp nghĩa thì làm”. “Người quân tử chỉ biết điều nghĩa, kẻ tiểu nhân chỉ biết điều lợi”4.

Lễ (禮): Là phép tắc, chuẩn mực hành vi của con người “cung kính mà thiếu lễ thì làm thân mình lao nhọc, cẩn thận mà thiếu lễ thì trở thành nhút nhát, dũng cảm mà thiếu lễ sẽ trở thành loạn nghịch, ngay thẳng mà thiếu lễ sẽ trở nên thô lỗ”5. Nên Khổng Tử quan niệm, lễ có mật thiết với nhân: “Nhân là chất, là nội dung, lễ là hình thức biểu hiện của nhân”6.

Trí (智): Là sự sáng suốt, minh mẫn. Nhờ có trí, con người mới thi hành được điều nhân. “người có trí lực bậc trung trở lên có thể dạy cho họ những đạo lý cao sâu, người có trí lực từ bậc trung trở xuống không thể dạy cho họ những đạo lý cao sâu”7. Khổng Tử quan niệm nhân trí không thể tách rời nhau. Nhân là yêu người, trí là biết người. Người nhân ắt có trí, nhưng người trí chưa chắc đã có nhân.

Tín (信): Là giữ đúng lời, đáng tin cậy, là thước đo. Một người dù tài ba nhưng không có uy tín thì cũng không thể tin tưởng được như chiếc xe không có chốt vậy. Nên Khổng Tử nói “Người xưa không để khinh suất khi nói ra, bởi sợ xấu hổ vì không thực hiện được lời mình đã nói”8. Người có nhân thì sống có nghĩa, tạo nên lễ, sanh ra trí và phản ánh bốn giá trị trên là tín.

Tam tòng: Là ba điều mà người phụ nữ phải sống cả đời theo đó, gồm: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”.

Tại gia tòng phụ: Người phụ nữ khi còn nhỏ ở nhà thì phải vâng theo cha mình.

Xuất giá tòng phu: Khi có hôn nhân thì phải trọn đời chung thủy và vâng theo ý chồng.

Phu tử tòng tử: Khi chồng chết rồi thì phải theo con

Tứ đức: tứ là bốn; đức là tính tốt. Tứ đức là bốn tính nết tốt người phụ nữ phải có, là: công - dung - ngôn - hạnh.

Công: Khéo léo và làm giỏi trong việc làm.

Dung: giữ gìn sắc đẹp

Ngôn: dịu dàng và đúng đắn trong lời nói.

Hạnh: nhu mì có đức hạnh

Ngài Khổng Tử nói: luôn luôn khuyến khích mọi người học đạo lý “Buổi sáng nghe được đạo lý, buổi chiều dẫu chết cũng vui”9 lấy đó áp dụng trong cuộc sống của mình cho trọn vẹn đạo làm người.

Ngài Khổng Tử rất là thực tế, Ngài chú trọng vào xây dựng luân thường đạo lý, xây dựng tôn ti trật tự, nếp sống cho xã hội, chứ không đi sâu vào những điều huyễn hoặc mơ hồ “tìm tòi những sự bí ẩn, thi hành những việc lạ thường đặng cho đời sau khen mình có đạo thuật; ta không làm những việc ấy đâu”10.

Bên cạnh Ngài Khổng Tử còn có Mạnh Tử, người rất là nổi tiếng và ảnh hưởng đạo đức xã hội Trung Hoa cổ đại.

Mạnh Tử (372 - 289 TCN) là triết gia Nho giáo Trung Hoa và là người tiếp nối Khổng Tử, đưa Nho Giáo lên địa vị cao, có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội. Ông được xem là Tổ thứ hai của Nho giáo. Mạnh Tử, tên là Mạnh Kha, tự là Tử Dư, sinh vào đời vua Liệt Vương, nhà Chu, quê gốc ở đất Trâu, nay là thành phố Trâu Thành, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Cha mất sớm, mẹ là người nuôi dưỡng và giáo dục chặt chẽ, nghiêm túc. Chúng ta thường nghe về câu chuyện Mạnh mẫu đã ba lần chuyển nhà để tìm được môi trường tốt nhất giáo dục cho con của mình. Trong thời trăm hoa đua nở, giữa bao nhiêu trường phái khác nhau đang gây ảnh hưởng phổ biến thời đó như là Pháp gia, Nho gia, Mặc gia. Ở hoàn cảnh đó Mạnh Tử có những ý tưởng tinh hoa phát triển Nho giáo đặc sắc chủ trương dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh (Dân là trọng hơn cả, xã tắc đứng đằng sau, vua còn nhẹ hơn). Ông tin tưởng vào tính thiện của con người nên đưa ra thuyết nhân chi sơ tính bản thiện. Con người sinh ra bản tính ban đầu vốn thiện. Khi lớn lên con người tương tác với hoàn cảnh xã hội xung quanh, chịu nhiều ảnh hưởng tạp nhiễm có thể thay đổi tính tình, những tính ác có thể phát sinh. Cho nên con người cần phải nên giữ gìn, dè dặt, tu dưỡng, sinh hoạt trong môi trường tốt thì mới giữ được những đức tánh hiền thiện của mình.

Đạo làm vua quan như là phụ mẫu thương dân, mến dân, chăm lo cho dân. Dân là nước, vua quan là thuyền. Nước có thể nâng đỡ thuyền đi, cũng có thể nhấn chìm thuyền. hàng lãnh đạo của triều đại nào mà được lòng dân, được dân ủng hộ thì bền vững lâu dài và ngược lại. trong thời Chiến Quốc, nước nào cũng muốn mở mang bờ cõi, thống nhất thiên hạ nhưng theo Mạnh Tử việc này chỉ có thể thực hiện được thông qua các phương thức hòa bình.

Quan niệm đạo đức của Đạo gia

Lão Tử (khoảng 580-500 TCN) Vị khai sáng Đạo giáo, tác giả của Đạo đức kinh (道德經), cuốn sách được xem là kinh điển chính yếu nhất của Đạo giáo. Đây là một trong ba tôn giáo Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo có ảnh hưởng lớn nhất đến đời sống tinh thần người Trung Hoa.

Lão Tử là nhà triết học đầu tiên của Trung Hoa đã sử dụng khái niệm “Đạo” để chỉ cho Thực Thể Tuyệt Đối. Vượt ra ngoài ngôn ngữ tên gọi, nghĩ bàn. Mở đầu Đạo đức kinh, Ông viết: “Đạo khả đạo phi thường đạo. Danh khả danh phi thường danh”. Nghĩa là, Đạo mà có thể nói ra được không phải là đạo thường hằng vĩnh cửu, Tên mà có thể gọi ra được không phải là tên thường hằng bất biến.

Đạo và Đức có mối quan hệ chặt chẽ với nhau: “Khổng Đức chi dung, duy Đạo thị tùng”11. (Nghĩa là) dáng của Đức lớn, theo cùng với Đạo. Trời đất muôn vật do Đạo mà sinh thành. Đạo là cái nguyên thủy, là căn nguyên và cốt lõi của muôn vật. Muôn vật đều khởi đi từ Đạo, đi theo Đạo và quay về Đạo.Đức là “mầm sống ngấm ngầm” trong vạn vật. Đạo thì sinh ra còn Đức thì nuôi nấng. Người sống có Đức là sống theo Đạo. Trong “Đạo đức kinh”, Lão Tử viết: “Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi, khả dĩ trường cửu”, nghĩa là: biết đủ thì không bị nhục nhã, biết dừng thì không gặp nguy hiểm, có thể được lâu bền. Biết đủ và biết dừng là một lối sống thanh nhàn có trí tuệ của người theo Đạo giáo. Thế nhân thường xô bồ dục vọng, tranh giành dẫm đạp lẫn nhau, gây ra biết bao chiến tranh phiền não, người đã thấm nhuần tư tưởng vô vi thì không theo lối sống đó: “Đạo trái nghịch với tình đời, Đức thì mềm dẻo không cạnh tranh”12.

Thế nhân thường chạy theo các dục quay cuồng, đứng núi này trông núi nọ. người biết Đạo thì sống tĩnh tại không cuống cuồng chạy theo làm nô lệ cho dục vọng: “Bất dục dĩ tịnh, Thiên hạ tương tự định”13 (Không ham muốn thì điềm tịnh, Thiên hạ sẽ tự yên).

Theo Đạo giáo người sống có đạo đức thì sống an nhiên, không tranh giành phần hơn, không phô trương bản ngã: “Bất tự hiện, cố minh. Bất tự thị, cố chương. Bất tự phạt cố hữu công. Bất tự căng, cố trường. Phù duy bất tranh, cố thiên hạ mạc năng dữ chi tranh”14 (nghĩa là) không phô trương, nên sáng; không tự cho mình đúng, nên hiển dương ở đời; không kể công, nên có công; không kiêu căng, nên (không bị ai hại, nhờ đó mà) trường tồn. Vì không tranh với ai, nên không ai tranh với mình. Do đó, con người cần phải áp dụng Đạo để sống, cư xử trong mọi hoàn cảnh trường hợp, thì thành tựu lớn lao và Đức sẽ dồi dào: “Tu chi ư thân, kì đức nãi chân; tu chi ư gia, kì đức nãi dư; tu chi ư hương, kì đức nãi trường; tu chi ư bang, kì đức nãi phong; tu chi ư thiên hạ, kì đức nãi phổ”15. (Lấy đạo mà tu thân thì đức sẽ đầy đủ; lấy đạo mà lo việc nhà thì đức sẽ có dư; lấy đạo mà lo việc làng xóm thì đức sẽ lớn ra; lấy đạo mà lo  việc nước thì đức sẽ thịnh; lấy đạo mà lo việc thiên hạ thì đức sẽ phổ cập).

Sống với Đạo như thế thì Đức sẽ được trưởng dưỡng “bất chiến tự nhiên thành”: “Trọng tích đức tắc vô bất khắc”16 (Chứa được đức thì không gì là không thắng được).

Trang Tử (khoảng 369-298 TCN) tên thật là Trang Chu, Ông sống nhằm thời Chiến Quốc, thời kỳ nở rộ của nhiều tư tưởng triết học Trung Hoa. Trang Tử viết ra hơn trăm ngàn câu chỉ trích cái học của Nho gia và phát huy học thuật của Đạo gia. Mục đích của Đạo giáo là cá nhân bên trong tự nhiên chứ không phải là cá nhân ở trong xã hội; theo Đạo giáo, mục đích cuộc sống đối với mỗi người là tìm cách điều chỉnh mình và hòa nhập với nhịp điệu của tự nhiên (và thế giới siêu nhiên), để theo đúng (Đạo) của vũ trụ, để sống hài hoà. Nó đối lập về nhiều mặt với chủ nghĩa đạo đức cứng nhắc của Khổng giáo.

Phong cách sống của Ngài Trang Tử ẩn dật mà khoáng đạt, trở về hòa hợp với tự nhiên, không tranh giành danh lợi, không dính vào những hệ lụy thế gian. Khác xa với tư tưởng Nho gia mang tính chất trần tục, đầy tính thực dụng thực tế, nỗ lực xếp đặt trật tự xã hội. Trang Tử kế thừa và phát huy tư tưởng Lão Tử lên một tầm cao mới, sau này được mệnh danh là tư tưởng Lão-Trang: “Chỗ tương đồng của Lão tử và Trang tử là cả hai đều cùng một quan niệm về Đạo và Đức, và cả hai đều chống đối tư tưởng truyền thống và chế độ đương thời. Và, vì vậy mà Tư-Mã-Thiên đặt tên học - phái nầy là Đạo - Đức Gia, vì ông cho rằng hai quan niệm Đạo và Đức là nền tảng chung của Lão học”17.

Người theo Đạo giáo không chạy theo vật dục thường tình, cho dù ở trong hoàn cảnh nghèo nàn nhưng vẫn không ưu phiền, cốt yếu là làm sao sống hợp với Đạo trưởng dưỡng cái Đức: “Trang tử bận áo vải mà vá, giày cột bằng dây gai… Gặp Ngụy-vương. Ngụy vương nói: Tiên-sinh khổ não thế ư? Trang tử nói: Nghèo, chứ không khổ-não. Kẻ sĩ có Đạo - Đức, Lão bao giờ khổ, áo rách, giày hư là nghèo, không phải khổ. Đó chẳng qua là vì không gặp thời mà thôi”18.

Do đó, trách nhiệm lớn nhất của mỗi người sống với đức và khi tu luyện hàm dưỡng đức bên trong thì nó sẽ biểu hiện ra bên ngoài và cảm hóa những người xung quanh chứ không phải “trị quốc bình thiên hạ” như quan điểm của Nho gia: “Thánh nhân biết rằng mỗi vật trong đời đều có cái "Đức" của nó, và phận sự duy nhất của mỗi vật là phải biết gìn giữ cái "Đức" ấy nơi mình cho đầy đủ, nghĩa là lo sống cái sống ấy một cách triệt để và nuôi dưỡng nó được luôn luôn đầy đủ nơi trong. đức mà đầy đủ bên trong thì tự nhiên ứng hiện ra ngoài, thiên hạ nhờ đó mà tự hóa, đâu cần phải dùng lời nói mà hóa ai. Nên mới gọi là "đức sung phù", nghĩa là "đức mà đầy đủ nơi trong, thì người ở ngoài nhờ đó mà tự hóa; tự nhiên cảm hóa, không phải cần dùng đến lời mà dạy”19.

 


1. Dương Hồng, Vương Thành Trung, Nhiệm Đại Viện, Lưu Phong (chủ dịch) (2003), Tứ Thư, Hà Nội, Nxb. Quân Đội Nhân Dân, tr. 90.

2. François Jullien, Nguyên Ngọc (dịch) (2004), Minh Triết Phương Đông Và Triết Học Phương Tây, Đà Nẵng, Nxb. Đà Nẵng, tr. 70.

3. Doãn Chính (chủ biên) (2012), Lịch Sử Triết Học Phương Đông, Hà Nội, Nxb. Chính trị Quốc gia, tr. 259.

4. Dương Hồng, Vương Thành Trung, Nhiệm Đại Viện, Lưu Phong (dịch) (2003), Tứ Thư, Hà Nội, Nxb. Quân Đội Nhân Dân, tr. 174.

5. Dương Hồng, Vương Thành Trung, Nhiệm Đại Viện, Lưu Phong (dịch) (2003), Tứ Thư, Hà Nội, Nxb. Quân Đội Nhân Dân, tr. 260.

6. Doãn Chính (chủ biên) (2012), Lịch sử triết học phương Đông, Hà Nội, Nxb. Chính trị Quốc gia, tr. 267.

7. Dương Hồng, Vương Thành Trung, Nhiệm Đại Viện, Lưu Phong (dịch) (2003), Tứ Thư, Hà Nội, Nxb. Quân Đội Nhân Dân, tr. 222.

8. Dương Hồng, Vương Thành Trung, Nhiệm Đại Viện, Lưu Phong (dịch) (2003), Tứ Thư, Hà Nội, Nxb. Quân Đội Nhân Dân, tr. 177.

9. François Jullien, Nguyên Ngọc (dịch) (2004), Minh Triết Phương Đông Và Triết Học Phương Tây, Đà Nẵng, Nxb. Đà Nẵng, tr. 24.

10. François Jullien, Nguyên Ngọc (dịch) (2004), Minh Triết Phương Đông Và Triết Học Phương Tây, Đà Nẵng, Nxb. Đà Nẵng, tr. 34. Hà Nội, tr. 18.

11. Thu Giang - Nguyễn Duy Cần (2007), Đạo Đức Kinh, Hà Nội, Nxb. Hà Nội, tr. 18.

12. Tấn Tài - Phước Đức (biên dịch) (2006), Từ điển thuật ngữ Đạo giáo, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, tr. 82.

13. Thu Giang - Nguyễn Duy Cần (2007), Đạo Đức Kinh, Hà Nội, Nxb. Hà Nội, tr. 31.

14. Thu Giang - Nguyễn Duy Cần (2007), Đạo Đức Kinh, Hà Nội, Nxb. Hà Nội, tr. 19.

15. Thu Giang - Nguyễn Duy Cần (2007), Đạo Đức Kinh, Hà Nội, Nxb. Hà Nội, tr. 43.

16. Thu Giang - Nguyễn Duy Cần (2007), Đạo Đức Kinh, Hà Nội, Nxb. Hà Nội, tr. 48.

17. Thu Giang - Nguyễn Duy Cần (dịch) (2013), Trang Tử - Nam Hoa Kinh, Hà Nội, Nxb. Trẻ, tr. 12.

18. Thu Giang - Nguyễn Duy Cần (dịch) (2013), Trang Tử - Nam Hoa Kinh, Hà Nội, Nxb. Trẻ, tr. 3.

19. Thu Giang - Nguyễn Duy Cần (dịch) (2013), Trang Tử - Nam Hoa Kinh, Hà Nội, Nxb. Trẻ, tr. 152.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 7
    • Số lượt truy cập : 6165641