Thông tin

KHÁI QUÁT TƯ TƯỞNG QUỐC CHÚA NGUYỄN PHÚC CHU

 

PHẠM ANH DŨNG*

 

Rất nhiều nghiên cứu về Nguyễn Phúc Chu, vị chúa Nguyễn thứ sáu của chính quyền Đàng trong. Phần lớn các tác giả đều cho rằng ông là vị chân chúa hiền tài, lên ngôi rất sớm (17 tuổi), ông được nuôi dạy, học hành cẩn thận, văn hay chữ tốt, đủ tài văn võ. Khi vừa tại vị nghiệp Chúa, ông đã quan tâm đến việc chiêu hiền đãi sĩ, cầu lời nói thẳng, nạp lời can gián, bỏ xa hoa, bớt phung phí, nhẹ thuế má giao dịch, bớt hình ngục, xây dựng nhiều kiến trúc chùa miếu có giá trị; đặc biệt là chiến tranh Trịnh-Nguyễn tạm dừng, giữ yên bờ cõi hơn 30 năm ông trị vì. Chính vì các lẽ trên nên ông được mệnh danh là Chúa Minh hay Quốc Chúa Minh Vương.

Một trong các lý giải lý thú về phẩm chất của Minh Vương chính là tư tưởng chủ đạo hình thành nên phẩm chất đạo đức ở ông, đó chính là tư tưởng dấn thân nhập thế của người Phật tử tại gia.

1. Cơ sở hình thành nền tảng tư tưởng nhập thế ở Nguyễn Phúc Chu

Minh Vương Nguyễn Phúc Chu được sinh ra và lớn lên trong một gia đình quyền Quý vương tộc, được hấp thu tư tưởng Phật giáo từ nhỏ, đặc biệt là tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm, được khai sáng bởi Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Trong thiền phái Trúc Lâm, tư tưởng “Cư trần lạc đạo” trở thành tông chỉ của những thiền sĩ dấn thân vào nhân gian, tham gia hoạt động xã hội. Chính tư tưởng ấy đã trở thành kim chỉ nam cho nhiều thế hệ vương triều sau đó kế tục, vận dụng trong việc điều hành quốc gia. Truyền thống gia đình Minh Vương Nguyễn Phúc Chu cũng nằm trong số ấy.

Tư tưởng của dòng thiền “Trúc Lâm Yên Tử” là phát triển đỉnh cao của quan niệm “Phật tức tâm, Tâm tức Phật” mà trong bài phú “Cư trần lạc đạo”, đệ ngũ hội, Trần Nhân Tông đã viết :

Nhân khuây bản nên ta tìm Bụt.( 因 虧 本 年 些 寻 孛)

Đến cốc hay chính Bụt là ta.( 典 谷 処 㐱 孛 羅 些)

Phật giáo mà Trần Nhân Tông thiết định là Phật giáo nhập thế, “đưa Phật giáo vào tận hang cùng ngõ hẻm của xã hội và làm một chuẩn mực đạo đức, định hướng cho đời sống của nhân dân”(Thích Tâm Hải).

Có thể nói, cốt lõi của tư tưởng trong bài phú “Cư trần lạc đạo” với mười hội dài của Trần Nhân Tông được tóm gọn qua bài kệ:

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên (居 塵 樂 道 且 隨 緣)
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên (饑 則 飧 兮 困則 眠)
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch (家 中 有 宝 休寻 覓)
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền (对 鏡 無 心 莫問 禪)

Đã có không ít các bản dịch bài kệ nổi tiếng này, nhưng dù là văn xuôi hay thơ cũng còn có nhiều chỗ đáng bàn do ngôn ngữ trong nhà thiền đều là phương tiện để diễn tả những trạng huống thông ngộ.

Theo ý trên, chúng tôi xin được lạm bàn: Khi Trần Nhân Tông nói “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên” tức ngụ ý người tu nên có khả năng ứng xử hợp lý (tùy) với mọi tình huống (duyên) xảy ra trong cuộc đời này. Đây là chủ trương chung của nhà thiền vừa giữ tinh thần nhập thế, vừa dùng việc nhập thế như một phương tiện để tiến tu (Phật pháp bất ly thế gian pháp). Như vậy tùy duyên nghĩa là đói ăn, mệt ngủ; còn đói không chịu ăn, mệt không chịu ngủ là chưa tùy duyên. Cho nên ở cõi trần vui với đạo là phải biết ứng xử hợp lý với mọi tình huống đến với mình; thụ động, trốn lánh các tình huống xảy đến không phải thái độ của người “lạc đạo”. Với “Gia trung hữu bảo” –Trong nhà có ngọc Quý, đó chính là tâm sáng suốt, đó là tánh giác. Tánh giác có sẵn nơi mọi người “hưu tầm mịch” – đừng đi tìm kiếm đâu xa, phải quay lại chính mình, đừng tìm bên ngoài vì tính giác ở ngay trong mỗi người. Cuối cùng, “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”- Đối với ngoại cảnh khi sáu giác quan (lục căn) có được sáu cảm nhận (lục trần) và tâm không vấy động, đó chính là thiền, nên không cần hỏi thiền nữa. Đó là tư tưởng thiền cốt lõi của người Phật tử nhập thế mà Trần Nhân Tông đã truyền dạy cho con trai mình là Trần Anh Tông, làm nền tảng trị quốc và tu thân. Từ đó tư tưởng “cư trần lạc đạo” được truyền thụ cho các thế hệ Phật tử dấn thân vào hoạt động xã hội, đặc biệt là trong không ít các vua chúa trị vì quốc thổ Việt Nam. Chính cha Nguyễn Phúc Chu là Nguyễn Phúc Trăn (Thái) cũng trị quốc theo tư tưởng này, ông đã nổi tiếng “là người rộng rãi, giảm nhẹ hình phạt, thuế khoá, trọng dụng quan lại cũ, trăm họ đều vui mừng”.

2. Tư tưởng chủ đạo hình thành nên tư tưởng nhập thế hành đạo ở Nguyễn Phúc Chu

Trên cơ sở nền tảngđạo đức của gia đình có truyền thống Phật giáo, được truyền thừa từ thiền phái Trúc Lâm, bốn năm sau khi lên ngôi quốc Chúa, kế thừa nguyện vọng của cha trước đó, lần thứ 3 ông đã mời thiền sư Thạch Liêm thuộc dòng thiền Tào Động đến Thuận Hóa vào năm 1695, tổ chức đại giới đàn truyền giới cho nhiều người xuất gia và tại gia. Minh Vương Nguyễn Phúc Chu và nhiều hoàng thân quốc thích đã thọ giới Bồ tát tại đây.(Sau này, khi gọi Bồ tát Nguyễn Phúc Chu chính là ghép tên và  giới pháp mà ông đã thọ giống như khi gọi Tỳ kheo Thích Minh Thiện có nghĩa là Thích Minh Thiện đã thọ giới pháp tỳ kheo).

Chính Thạch Liêm hòa thượng – thầy của Minh Vương, đã chỉ vẽ, đề nghị các vấn đề liên quan đến việc trị nước của Nguyễn Phúc Chu trong những lần đôi bên đàm đạo. Cuối quyển 2 của “Hải ngoại kỷ sự” có viết: “… ta bèn đem những việc chính trị bàn luận mấy ngày nay, chép ra từng điều một, làm thành bản điều trần “Lập quốc chính ước” gồm 18 điều, đều là những chuyện thương lính, yêu dân, thông thương lợi quốc, kỷ cương pháp độ, chép từng chi tiết rõ ràng. Vương đọc xong mừng rở, bảo Nội quan Chưởng Sự rằng: “Pháp độ, dân tình nước ta đều chưa được đúng đắn, nay nhờ Hòa Thượng đem pháp lễ chỉ dạy, liệt kê 18 điều, nên khắc yết lên cửa phủ, hiểu dụ quan dân đều biết, và khắc 24 thẻ bài, chia loại rõ ràng. Hể ai làm trái điều lệ, phạm phép, cho kẻ bị thiệt hại cầm thẻ bài đến kêu. Bất kể là quân dân, hoàng thân quốc thích đều thẽo pháp luật mà trị tội. Vĩnh viễn lấy đó làm quốc chánh vậy”. Qua đây cho thấy, Nguyễn Phúc Chu chịu ảnh hưởng rất lớn bởi tư tưởng hướng đạo của thầy mình là Thạch Liêm Hòa Thượng. Bài Tự trong “Hải ngoại kỷ sự”, Chúa Nguyễn Phúc Chu viết : “…từ lúc đến vào mùa Xuân năm Ất Hợi cho tới mùa Hạ năm Bính Tý, được gần gũi, cung dưỡng, ngoài chuyện ngày đêm giảng dạy đạo lý, còn chỉ bảo cương kỷ luân thường. Từ chuyện to đến chuyện nhỏ đều vạch lối chỉ đường, phân tích rõ ràng mạch lạc, khác nào dẫn dắt người từ nơi tối tăm ra nơi ánh sáng, giúp ích cho Ta trong công việc chính cương trị nước biết chừng nào …”.

Trong “Việt Nam Phật giáo sử luận”, tác giả Nguyễn Lang đã nhận xét tóm tắt tư tưởng thiền của Thạch Liêm như sau: “Tư tưởng thiền học của Thạch Liêm có thể diễn tả bằng ba công thức: Thiền tịnh song tu; Nho Phật nhất trí và Lâm Tào tổng hợp”.

- Thiền tịnh song tu là Thiền tông và Tịnh độ được phối hợp làm một và Tịnh độ tông trở thành phương pháp hành thiền giản dị mà đại chúng có thể tu tập được. 

- Nho - Phật nhất trí là con đường nhập thế của Khổng Nho và con đường xuất thế của Phật gia tuy hai mà là một, cốt ở cái Tâm. Dụng Tâm chính trong mọi công việc là tu, là Đạo.

- Lâm Tào tổng hợp là tổng hợp cách tu của dòng thiền Lâm Tế và dòng thiền Tào Động làm một thể thống nhất, bổ sung cho nhau trong phép tu trì. Lâm Tế mạnh về “công án” hay “thiền ngữ”, còn Tào Động có những nguyên tắc “Chỉ quán đả tọa” hay “sự liên hệ giữa thẳng và nghiêng” (cái thẳng đi vào cái nghiêng, cái nghiêng đi vào cái thẳng, cái thẳng trong tự thân, cái nghiêng trong tự thân, cái thẳng và cái nghiêng trong cùng một tự tính) hay mối liên hệ giữa tuyệt đối và tương đối.

Nguyễn Phúc Chu đã dễ dàng kế thừa tư tưởng thiền này của Thạch Liêm, bởi lẽ đây là sự thăng hoa, một sự cụ thể hóa của tư tưởng thiền Trúc Lâm – cơ sở hình thành nền tảng tư tưởng và phẩm chất đạo đức ở Minh Vương Nguyễn Phúc Chu, mà thiền sư Thạch Liêm đã mang đến cho Chúa. Ngoài ra Minh Vương còn học ở thầy mình – thiền sư Thạch Liêm – những tài năng nghệ thuật của một người nghệ sĩ, kể cả nghệ thuật trị nước, an dân. Thiền sư Thạch Liêm là  một  nghệ sĩ  với nhiều sở trường về thi văn, hội họa, chữ viết (triện, lệ …), thủ công, tinh tượng, lịch luật, diễn xạ, lý số… môn nào cũng siêu việt. Cuộc đời và hành trạng của Minh Vương Nguyễn Phúc Chu ít nhiều đã thể hiện rõ nét sự hấp thu các sở trường trên của thầy mình.

3. Kết luận

Tóm lại, trên nền tảng tư tưởng “Cư trần lạc đạo” sau đó thọ Bồ tát giới của Phật gia và được hấp thu tư tưởng thiền của Thạch Liêm – Tào Động, Minh Vương Nguyễn Phúc Chu đã có được một tư tưởng mới, một sự thăng hoa tích cực của tư tưởng Thiền Trần Nhân Tông qua hành trạng: Lấy tinh thần Phật pháp định hướng cho đời sống dân tộc. Chúa Nguyễn Phúc Chu có thể ví là một Trần Nhân Tông thứ hai trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, một nhà lãnh đạo hộ pháp tích cực và vận dụng tinh thần Phật giáo vào chính sách lãnh đạo đất nước của mình. Qua Nguyễn Phúc Chu, Phật giáo nước ta đã phát triển trên cơ sở của một nền học lý mới – Triết lý giác ngộ và giải thoát tích cực trong nhân gian qua “thế gian pháp”.

7/2011.



* Tiến sĩ, Ban PGVN, VNC Phật học Việt Nam.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 33
    • Số lượt truy cập : 6705240