Thông tin

KHÁI QUÁT VỀ AN TRỤ TÂM

VÀ HÀNG PHỤC TÂM TRONG KINH KIM CANG

 

THÍCH NỮ TRUNG TÍN

 

 

Kinh Kim Cang Bát Nhã là một bộ kinh vĩ đại của Phật giáo theo hệ tư tưởng Đại thừa, là một triết lý sống tinh thần buông xả, vô trụ, vô chấp để tâm được an trú. Toàn bộ nội dung kinh đã diễn giải cho ta thấu hiểu được tinh thần “chơn không”, dùng trí tuệ Kim Cang Bát Nhã phá trừ các vô minh vọng chấp được thể hiện qua câu: “An trụ tâm, hàng phục tâm”. Đây chính là ý thiền mà Ngài Lục Tổ Huệ Năng khi nghe mà liễu ngộ, cũng là câu kinh nằm lòng khơi lại biết bao trái tim còn mê ngủ. Chính nhờ tinh thần kinh Kim Cang Bát Nhã vô trụ, vô chấp mà Phật giáo trở thành một tôn giáo chủ lực việc bảo vệ, xây dựng đất nước, đem đến lợi lạc cho dân tộc, luôn là chiếc phao vượt qua thác loạn sanh tử, là con đường tu tập lành mạnh dễ tu, dễ chứng, đủ sức thuyết phục các nhà tri thức. Hơn thế nữa, hành giả học Phật muốn được giải thoát sanh tử cần phải thấu triệt bằng sự hành trì kinh Kim Cang, thấu triệt được thật tướng các pháp, phá trừ vọng chấp đạt được tri kiến Phật. Kim Cương Bát Nhã Ba-la-mật là một trí tuệ vững chắc “Kiên cố phá dẹp tất cả tà thuyết ngoại đạo, làm cho chúng ta sạch hết những chấp trước sai lầm, những mê mờ đen tối để đến bờ giải thoát, giác ngộ1.

Nội dung của kinh Bát Nhã này là cuộc đối thoại giữa đức Phật và ngài Tu-bồ-đề xoay quanh vấn đề trí tuệ bát-nhã (prajñā), được thể hiện qua các chủ đề tranh luận khác nhau từ đời sống thường nhật cho đến các phương thức hỗ trợ hành động tiến tới giải thoát. Thứ trí tuệ được đề cập trong suốt bộ kinh là thứ trí tuệ nhận thức các giá trị, theo các cấp từ đời thường cho đến các vấn đề tiến đến giải thoát. Trí tuệ nhận thức đó luôn có sự hiện diện của định và tuệ, dù là trong đời sống thường nhật. Để rồi từ cái thấy thường nhật được chiếu soi bởi trí tuệ bát-nhã, hành giả thấy rõ rằng “ngũ uẩn là không”để rồi từ đó vượt thoát mọi khổ ách.

Mở đầu bộ kinh Kim Cang, Ngài tu Bồ Đề cầu xin đức Phật thương xót chỉ dạy cho hàng đệ tử phương cách để “hàng phục vọng tâm và an trú tâm” trong lúc tu tập, hành đạo, bởi vì phàm phu trong khi tu tập và hành đạo không thể nào mà không tiếp xúc đối tượng ngoại cảnh. Tuy nhiên, nếu tâm trụ trên một đối tượng thì dù là Ngã hay Pháp thì cũng bị ràng buộc vào cái Nhân cái Ngã ấy. Nếu Nhân và Ngã trói buộc tức phiền não sanh khổ đau đến, chỉ có chuyển hóa tâm không trụ chấp, vướng mắc vào đâu thì tâm hoàn toàn thanh tịnh. Như vậy, ta hiểu được vọng tâm là do vô minh, vọng động khởi niệm sanh diệt tương tục mà thành, nó vận hành theo duyên khởi thì phải chịu tác động bởi luật vô thường. Bốn tướng sanh trụ dị diệt sẽ bị đoạn trừ nhờ vào trí Bát nhã siêu việt soi sáng vào vô minh đen tối, một khi vô minh khởi thì chúng bị tan biến bởi vô minh không hòa hợp nhau. Trước do vô minh mà vọng niệm khởi, nay vô minh đoạn thì vô niệm, rốt ráo nguồn chơn. Nếu bản thân chơn như không sanh, không trụ, không diệt, v.v… ấy chính là Niết bàn. Nếu nói ngược lại một hành giả tu tập hành trì làm lợi ích cho mình và người mà “tâm vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ giả, mà tu tất cả Thiện Pháp”. Cần lưu ý rằng, tư tưởng này của kinh Kim Cang không có nghĩa là chúng ta không làm gì cả, mà chúng ta bỏ chấp hữu (có) lại đoạn trừ chấp “vô” không, chúng ta phải tu tập theo con đường Trung đạo vượt qua hai trạng thái chấp “có” “không”. Chấp hữu là cái thấy của phàm phu, vì không nhận chơn được tính duyên sinh như huyễn của các pháp nên họ cho là có, là thực có, là của ta, tự ngã của ta,v.v… Chấp vô là cách nhìn của Nhị thừa, chỉ thấy được tất cả duyên sinh nhưng không hiểu duyên sinh nó vẫn hiện hữu chứ không phải là không có, chính vì thế sự khác biệt trong Kim Cang Bát Nhã chỉ cho ta thấy được các pháp không phải các pháp (không thật tánh) lại khẳng định sự hiện hữu của nó là giả có, chúng ta hành động uyển chuyển tùy thời, tùy căn cơ chứ không phải buông xuôi, chán nản tìm tánh chân thật bất biến ngay trong cái hư giả hằng biến. Đó chính là tư tưởng “chân không diệu hữu” trong kinh Kim Cang.

Chính vì nhờ có thứ trí tuệ bát-nhã soi chiếu nên bậc Bồ tát Ma-Ha-Tát thừa hành mọi Phật sự trong thế gian này để tự độ, độ tha, các ngài đều có thể đảm đương gánh vác mà không dính mắc, chấp trước bởi bất cứ một đối tượng hay thành quả nào. Tuy nội dung kinh trình bày các vấn đề trên cho các hàng Bồ tát nhưng thông qua đó, Đức Phật lại đang hướng đến tất cả chúng sanh đang còn mải mê trong vòng chấp thủ ngã và pháp để bước lên cảnh giới:

“Không còn trụ nơi nào mà sanh tâm”

Không chấp thủ các tướng thì sanh thật tướng tức là Phật.

Vì Kim cương là sự tịnh hóa ba nghiệp. Nhận thức được như vậy qua quá trình tu tập, hành trì giới định tuệ cũng là năng lực chiếu soi cho bản thể còn tồn tại (Định). Như Tâm Kinh nói “Chiếu kiến năm uẩn đều không, độ nhất thiết khổ ách2. Dùng trí tuệ soi thấu bản chất thực của sự tồn tại, xóa tan bức màn vô minh, đập vỡ lớp vô tự ngã. Không bao giờ hoại.

GIÁ TRỊ CỦA AN TRỤ TÂM VÀ HÀNG PHỤC TÂM

Trong kinh Kim Cang Bát Nhã, nguyên văn bản dịch của ngài La Thập là: “Vân hà ưng trú, vân hà hàng phục kỳ tâm”. Trưởng lão Tu Bồ Đề hỏi Phật: “Bồ tát phát tâm vô thượng Bồ đề làm thế nào để an trú tâm ấy là luôn luôn giữ vững, không thối thất và làm thế nào để hàng phục tâm mình”.

Vân hà ưng trú: Là làm sao an trú, giữ vững cái tâm Bồ đề đã phát. Tâm Bồ đề là tâm mong cầu giác ngộ, tâm dũng mãnh tinh tiến không ngừng nghỉ trong công việc của Bồ tát là hóa độ chúng sinh để cuối cùng giác ngộ hoàn toàn, thành Phật như Phật.

Hàng phục kỳ tâm: Hàng phục cái tâm ấy. Hàng phục kỳ tâm là chỉ cho cái tâm ngược lại với tâm Bồ đề. Đức Phật dạy: “Đừng trụ vào đâu để mà sinh cái tâm” tức là dạy các hành giả phải dùng trí tuệ Kim Cang Bát Nhã để tận diệt các vô minh vọng chấp: Chấp Ngã, chấp Pháp hay chấp Bốn tướng (tức Ngã, Nhân, Chúng sinh và Thọ giả). Khi các vô minh, phiền não, vọng chấp đã bị diệt hết rồi thì chân tâm thanh tịnh hiện ra. Khi đó từ bến mê biết bao đau khổ, hành giả sẽ được sang bên kia là bến bờ giác ngộ giải thoát.

Ngài Tu Bồ Đề có hỏi đức Phật như sau:

- Kính bạch đức Thế Tôn: Con và chúng sanh hiện tại và các đời sau, muốn tu được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác làm sao con An trụ tâm và Hàng phục tâm của chúng con?

Đức Phật dạy:

- Này ông Tu Bồ Đề, ông và chúng sanh hiện tại cũng như các đời sau, muốn tu để được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, phải An trụ tâm và Hàng phục tâm, bằng cách là độ tất cả mười loài chúng sanh như dưới đây vào Vô dư y Niết bàn, nhưng không thấy có chúng sanh nào được diệt độ: 1- Thai sanh. 2- Trứng sanh. 3- Ẩm ướt sanh. 4- Hóa sanh. 5- Có sắc. 6- Không sắc. 7- Có tưởng. 8- Không tưởng. 9- Chẳng phải có tưởng, 10-chẳng phải không tưởng, là ông và chúng sanh hiện tại cũng như các đời sau đã An trụ tâm và Hàng phục tâm3.

Hành giả muốn được An trụ tâm và Hàng phục tâm, phải độ hết chín loài chúng sanh nói trên vào Vô dư y Niết bàn, thì người đó mới được gọi là thành công trong An trụ tâm và Hàng phục tâm. Chúng ta không cần phân biệt, so sánh là loài nào vì các loài chúng sanh như trên, nhưng các loài đó là do tâm mình nghĩ tưởng ra, khi nghĩ ra loài nào dẹp loài đó, khi tâm người tu không còn một loài nào là người đó đã An trụ tâm và Hàng phục được tâm rồi. Tất cả các loài chúng sanh ở đây chỉ cho chúng sanh tâm của mình, nếu mình vượt qua được sự phân biệt vọng chấp thì tâm được an trụ, không còn phân biệt các pháp mà được tâm an lạc giải thoát.

Sự phá chấp này của đức Phật cho chúng ta thấy rằng một khi tâm ta còn chấp ngã và chấp pháp, thì không thể nào vào được quả “Vô thượng Chính đẳng giác”. Vì vậy, hàng phục được tâm phân biệt, vọng động chính là ta đang trụ tâm và do đó hàng phục tâm cũng chính là an trụ chân tâm. Rõ ràng khi tâm ta không trụ vào đâu cả thì Phật tính tự nhiên hiển lộ và ta cảm thấy Phật tính phát sinh ra.

1. Khi hiểu rõ được, người học Phật không bị kẹt vào bất kỳ đối tượng nào để sinh tâm thanh tịnh, dù đối tượng đó là Phật, là Pháp, là Vô thượng Chính đẳng giác.

- Không trụ tướng Phật mà sinh tâm vì trong ta sẵn có Phật tính. Phật tính vốn vô sinh, mà nói là sinh bởi vì khi đó tâm ta không trụ vào đâu cả, không trụ vào tướng Phật, thì ngay lúc đó Phật tính hiển lộ.

- Không trụ tướng Pháp mà sinh tâm vì “thuyết pháp là không có pháp để thuyết mới gọi là thuyết pháp”. Đối với những đối tượng chưa có khả năng thấy được tính không, thì đức Phật tùy duyên vận dụng vô số phương tiện, ngôn từ giảng giải chính pháp, giúp chúng sinh tiếp cận chân lý. Nên pháp Phật chỉ là phương tiện đưa chúng sanh đến bờ giác ngộ. Chính vì vậy mà đức Phật từng phát biểu “trong 49 năm ta không nói một lời nào”.

- Không trụ tướng Quả vị Vô thượng Chính đẳng giác mà sinh tâm vì pháp Vô thượng Chính đẳng giác là chân như, là Phật tính, vốn không sinh không diệt, không đi không tới, không mất, cũng không còn. Nếu ta chấp có pháp Vô thượng Chính đẳng giác để chứng đắc thì không lẽ pháp Vô thượng Chính đẳng giác có sinh có diệt sao? Pháp Vô thượng Chính đẳng giác có đắc và không đắc thì đâu còn là pháp Vô thượng Chính đẳng giác vì pháp Vô thượng Chính đẳng giác từ xưa nay nó vẫn y nguyên như vậy, không mất, không còn, không sinh, không diệt nhưng vì do chúng sinh bị vô minh che lấp nên không nhận ra đó thôi.

2. Mọi người trong cuộc sống hiểu và thực hành câu “Vân hà ưng trú, vân hà hàng phục kỳ tâm” (an trú tâm và hàng phục tâm) của kinh Kim Cương thì sẽ không còn bi quan và lo sợ trước những biến đổi của cuộc sống mà sẽ có một thái độ sống tự tin, làm chủ bản thân trước mọi hoàn cảnh.

Trong cuộc sống, ta thường thấy khổ đau, những đấu tranh trong xã hội, hận thù, rồi chiến tranh tàn phá cuộc sống. Tất cả là do con người ta còn tham đắm sắc tài danh lợi, ngũ dục lục trần. Vì còn chấp ngã, cái “ta” và cái “của ta” luôn luôn ngự trị trong cuộc đời, vì thế họ chẳng bao giờ thỏa mãn với những gì mình có, hạnh phúc lại như cái bóng khi họ vừa chạm tay vào nó, nó liền tuột mất, nhường chỗ cho khổ đau xâm chiếm. Nếu tâm không chấp ngã thì lòng tham không tồn tại, sẽ không có những thủ đoạn lọc lừa, những toan tính tàn ác ngự trị thì được tâm an trụ, sẽ là liều thuốc giá trị cho cuộc sống làm cho con người ta thanh thản, lạc quan yêu đời. Họ sống với thái độ tự tin, làm chủ bản thân trước mọi hoàn cảnh. Thái độ sống xả ly trong tỉnh giác ấy không phải là sự trốn chạy hay buông lơi mà thể hiện tinh thần vô trụ tướng. Đức Phật dạy chánh pháp mà ta còn bỏ đi huống vì là phi pháp.

An trụ tâm và Hàng phục tâm trong kinh Kim Cương được xem là trọng yếu của Phật giáo Đại thừa. Trong bản kinh này, đức Phật tuy đề cập đến nhiều điều rộng lớn khác, nhưng hầu như toàn bộ kinh chỉ để nói lên yếu lĩnh cần có để an trụ chân tâm và hàng phục vọng tâm. Muốn thế hành giả không nên trụ chấp vào bất kỳ đối tượng nào dù đó là Phật, là Pháp hay quả vị Vô thượng Chính đẳng giác. Muốn thế hành giả phải thấy mọi sự vật và hiện tượng là hư ảo, là huyễn, là vô thường, vô ngã, không bị lạc vào đường chấp ngã mà phải nỗ lực thực hành sao cho chân tâm vô trụ, an nhiên tự tại. Cái an nhiên tự tại chính là tâm thanh tịnh, là tâm không vướng mắc.

Có thể nói rằng câu Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm là kim chỉ nam không chỉ giúp cho các hành giả đi theo con đường tu hành tỉnh giác, an trụ chân tâm để bước tiếp, nhanh chóng đạt thành chính quả tới bờ giác ngộ giải thoát, mà còn giúp cho các Phật tử nói chung có công năng chuyển hóa cái tâm để không bi quan trong cuộc sống, tự tin vượt mọi khó khăn trong mọi hoàn cảnh.

Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm từ gần hai thiên niên kỷ nay đã trở thành câu có ý nghĩa vi diệu gắn liền với cuộc đời tu hành của những người học Phật.

Nội dung tư tưởng tinh thần nòng cốt của toàn bộ nội dung Kinh Kim Cang “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” nghĩa là không nên trú tâm bất kỳ nơi nào để khởi tâm. Nói trú tâm tức là tâm sẽ bị dính mắc vào một cảnh, tức tâm bị vọng động khởi lên vô vàn sự phân biệt ngăn thánh đạo, cho nên không nên trú tâm ở bất kỳ vào một nơi nào cả. Theo HT. Thích Thiện Hoa dịch “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” - Đừng khởi vọng tâm trụ chấp ở một nơi nào. HT. Thanh Từ dịch “Nên không có chỗ trụ mà sanh tâm kia”… Tuy cách dịch khác nhau nhưng chung quy “Đừng khởi vọng tâm bám chấp trên một đối tượng nào”.

“Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” là “vô trú sanh tâm” biểu thị sự hoạt dụng quán chiếu Bát nhã, mà những vị phát tâm Bồ đề hành Bồ tát đạo phải vận dụng thường xuyên để thành tựu hạnh nguyện cao cả là được tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn4. Trong câu trên đức Phật khuyên hàng Bồ tát muốn hàng phục tâm và an trụ tâm thì ngay nơi sáu trần, Bồ tát không được khởi tâm đắm mắc, không dính mắc thì mọi công hạnh đều được viên dung tự tại. Đây là huyền nghĩa của lời dạy “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” đừng khởi tâm vọng chấp trên một đối tượng lục trần nào.

 


1. HT. Thích Thanh Từ, Kinh Kim Cang giảng giải, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2001, Trg.14

2. TT. Thích Hạnh Bình, Kinh Bát Nhã giảng giải, Nxb. Phương Đông, Trg.255.

3. 12 loại chúng sanh là: 1- Thai sanh: Loài người, trâu, bò, heo, dê, v.v… 2- Trứng sanh: Loài chim, gà, vịt, v.v… 3- Ẩm ướt sanh: Loài côn trùng, v.v… 4- Hóa sanh: Loài muỗi, đom đóm, v.v… 5- Có sắc: Chúng sanh ở cõi Dục giới, Sắc giới (có hình tướng). 6- Không sắc: Chúng sanh ở cõi trời Vô sắc (không hình tướng). 7- Có tưởng: Tất cả chúng sanh ở trong ba cõi (trừ cõi trời Vô Tưởng). 8- Không tưởng: Chúng sanh ở cõi trời Vô Tưởng. 9- Chẳng phải có tưởng, 10- Chẳng phải không tưởng: Chúng sanh ở cõi trời Phi Phi Tưởng.

4. HT. Thích Thiện Siêu, Đại cương Kinh Kim Cang Bát Nhã, Nxb. Tôn giáo, TP.HCM, 2000, Trg.279.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 26
    • Số lượt truy cập : 6712055