Thông tin

KHI ĐỨC PHẬT NÓI VỀ CHỮ HIẾU

DƯƠNG KINH THÀNH

 


Thuyết pháp cho vua Tịnh Phạn

 

Trên lộ trình tu học, tìm hiểu Phật pháp, và tự đặt mình vào cương vị một người con Phật, đôi khi sự tự hào không chỉ hỗ trợ tinh thần vững tiến mà còn giúp thêm cho ý chí hanh thông, vượt qua nhiều chướng duyên, trong lý tưởng mình đã chọn. Trong thời đại bùng nổ thông tin đa chiều như hiện nay, kiến thức và sự tự hào ấy được chắp thêm nhiều đôi cánh thêm bay cao, bay xa.

Đến với Phật đạo trong truyền thống của gia đình, không bằng những nhân duyên ngoại cảnh đưa đẩy. Đôi khi ngoảnh lại, bằng những kiến thức được dung nạp trong quá trình tiếp cận và tu học, niềm tự hào như được nhân lên gấp bội, ít nhất qua lăng kính Phật giáo là một tôn giáo, gia đình và mình đã chọn không sai, không lỗi đạo với quê hương và đạo pháp. Rất nhiều điều như thế mà gia đình, bản thân và các bạn hữu chung quanh đều cảm nhận được như thế qua từng bài học, từng sự kiện xã hội nhận thức được. Không phải ngẫu nhiên mà giới nghiên cứu lịch sử Phật giáo hay nhắc đến câu nói của nhà bác học vật lý Albert Einstein (1879-1955) “Nếu có một tôn giáo đáp ứng được những nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không đòi hỏi phải xét lại mình để cập nhật với những khám phá gần đây của khoa học. Phật giáo không cần từ bỏ quan điểm của mình để đi theo khoa học, vì nó bao gồm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học” (If there is any rehigion that would cope with modem scientific Scientific needs, it would be Buddhism. Buddhism riqires no revisiontokeep it up to date withrecent scientific fidings. Buddhism needs nosurrender its view to science, because it embraces science as well as goes beyond science) - nguồn: “Quan điểm của Albert Einstein về Đạo Phật- tân vật lý và vũ trụ luận” – Chương trình “Mỗi ngày một cuốn sách” của VTV1.

Như chúng ta đã biết và đã thấy, từ trong lịch sử hai ngàn năm có mặt trên mảnh đất này, từ trong nếp sống cộng đồng, quan điểm sống và để sống, cho đến từng câu nói, câu ca dao của dân gian v.v… Phật giáo đã ghi đậm dấu ấn, tồn tại như thế nào. Những thành quả đó Phật giáo không tự “sáng tác” ra để tự ca ngợi hay để chứng minh sự có mặt và đồng hành với dân tộc, mà tự nơi cuộc sống ấy phản hồi những dư âm đẹp dành riêng cho Phật giáo. Nhìn chung quanh dễ thấy ngay người ta đã chật vật, xoay xở trăm chiều để đổi mới, để chỉnh sửa, để bổ sung v.v… cho phù hợp với cuộc sống, cho phù hợp với xã hội văn minh để không phải mang tai tiếng sai trái với đà phát triển của thời đại khoa học, mới thấy giá trị chân lý bất di bất dịch của Phật giáo tuyệt vời như thế nào.

Với quyển sách nhỏ bỏ túi “Để trở thành một Phật tử”, chỉ với 60 câu hỏi và đáp ngắn gọn của Hòa thượng Thích Trí Thủ (1909-1984) đã có nói đến điều này rất ý nhị nhưng sâu sắc qua câu hỏi đáp số 7 và số 8 như sau:

Hỏi: Làm lành lánh dữ lẫn những điều mà bất luận tôn giáo hay học thuyết nào cũng dạy, đâu có riêng gì Phật giáo?

Đáp: Vâng, đúng thế, Nhưng nói là một việc, còn có thực hành đúng như lời nói được hay không lại là một việc khác. Đó là chưa nói đến việc làm lành lánh dữ ấy có hợp lý hay không, vì nếu người đề xướng lên một lý thuyết mà chưa phải là một đấng giác ngộ chân lý thì lý thuyết ấy khó mà hoàn toàn được.

Hỏi: Bằng chứng đâu để biết lý thuyết đúng và thực hành cũng đúng như lý thuyết?

Đáp: Cứ xem đời sống lịch sử của vị Tổ sáng lập Tôn giáo và lịch sử truyền bá của Tôn giáo ấy thì biết.

Trong kho tàng Tam Tạng kinh điển với vô vàn những bài học, những lời dạy của đức Phật, nói theo ngôn ngữ của y thuật, tất cả những vấn đề đưa ra luôn có đầy đủ yếu tố của một Y Vương, lập trình vững chắc, chỉ định rõ ràng; khám bệnh - định bệnh và phương pháp chữa bệnh. Lấy bài học đầu tiên của những bước chân hoằng hóa đầu tiên của đức Phật là Tứ diệu đế: Khổ đế - Tập đế - Diệt đế và Đạo đế. Đây là bài học tiêu biểu nhất của nhận định vừa nêu để Phật giáo bước lên trên và ra khỏi thói thường của sự ỷ lại phép mầu đơn giản và cầu xin tiêu cực, trong khi đó lại không để lại bài học khả dĩ nào cho chính người bệnh.

Chỉ riêng vấn đề hiếu đạo, đức Phật cũng tốn khá nhiều phương tiện và tùy thuận mỗi nghiệp duyên mà giảng giải cho thế nhân, cho các cõi trời - người tận tường. tại sao phải hiếu, và phải báo hiếu như thế nào? Chữ hiếu trong Phật giáo không phải là một khẩu hiệu nghèo nàn, đứng biệt lập để biểu hiện đó là chân lý “cho có” để làm an tâm tín đồ. Chữ hiếu trong Phật giáo còn là một chỉ định mang tính tôn xưng cao cả, tương đồng và phù hợp với đạo lý phương Đông (Tam giáo đồng nguyên) để thế nhân không ngần ngại xác định: Đạo Phật là đạo hiếu! Điều đó là hẳn nhiên. Không hẳn nhiên sao được khi quả vị cao nhất là tâm Phật cũng được đem ra ví sánh với công đức mẹ cha (tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật - Gặp thời không có Phật, thờ cha mẹ tức thờ Phật - kinh Đại Tập). Thậm chí, trong một hoàn cảnh bức bối, không lối thoát nào đó, người ta cũng có thể nương theo câu ca dao: “Tu đâu cho bằng tu nhà/ Thờ cha kính mẹ hơn là đi tu ”.

Khi đức Phật nói về chữ hiếu, ắt hẳn cuộc đời Ngài cũng như trong vô lượng tiên kiếp hẳn đã thể hiện nét tiêu biểu đó qua rất nhiều hình tướng, trạng thái. Ngay trong kiếp sinh tử luân hồi cuối cùng làm con của Thánh Mẫu Ma Da, Ngài vẫn với tâm từ đại hiếu ấy hành xử rất đúng mực. Khi thành đạo quả vô thượng rồi, Ngài vẫn mang tâm từ đại hiếu ấy vào cõi trời Đao Lợi để thuyết giảng cho Thánh Mẫu, hầu làm tròn một bổn phận của thế gian (Phật thăng Đao Lợi vị mẫu thuyết pháp kinh). Hay như Ngài đã khởi thân vượt ngàn dặm xa, trở về hoàng cung thăm lại phụ thân, và khi phụ thân qua đời, Ngài đã ghé một bờ vai giải thoát của mình khiêng chiếc quan tài đến nơi trà tỳ rất tròn đạo nghĩa. Không chỉ bấy nhiêu đó thôi mà còn một hình ảnh xúc động khác nữa khi Ngài cũng vì tâm từ đại hiếu ấy chấp nhận cho nền chánh pháp sớm mạt độ trước 500 năm để thu nhận bà Di Mẫu Kiều Đàm, người đã từng bồng ẵm, nuôi nấng Thái tử Tất Đạt Đa khi mới vừa 7 ngày tuổi cho đến lúc lên lưng ngựa Kiền Trắc, cùng Xa Nặc lướt qua mấy nẻo bụi hồng tìm cầu chân lý, cùng hàng trăm vị khác vào tăng đoàn tu theo Ngài. Chữ hiếu đối với đức Phật to lớn đến dường ấy. Tâm từ đại hiếu đó còn được thể hiện qua hàng đại đệ tử, đồ chúng của Ngài lúc còn hiện bày sinh tướng hay khi đã nhập diệt cho đến tận ngày nay.

Khi đức Phật nói về chữ hiếu, không phải là khẩu hiệu làm an lòng tín đồ, mà là một phương thức sống động và còn là trách nhiệm của một người đệ tử Phật. Đối với người sơ cơ hay kẻ mới học Phật sẽ dễ dàng tìm thấy trong kinh Vu Lan Bồn hay kinh Báo Hiếu. Qua đó, đức Phật đã dạy cho chúng ta biết thế nào là hiếu, làm sao phải báo hiếu, rất rõ ràng. Với những ai có điều kiện tìm hiểu sâu hơn thì ngoài hai bộ kinh thông dụng ấy còn có nhiều bộ kinh khác đức Phật nói về chữ hiếu trong suốt hơn 45 thuyết hóa của Ngài. Đó là các bộ kinh như: kinh Đại tập, kinh Nhẫn Nhục, kinh Tứ Thập Nhị Chương, kinh Tập Bảo Tạng, kinh Tăng Chi II A, kinh Trường A Hàm, kinh Trung Bộ, kinh Tương Ưng, Chi Bộ kinh, kinh Suttanipata, Chính 2/601, Cảnh Sách, Hạnh Phúc kinh, Vạn 35/154] v.v… Có những bài kinh với nhiều câu nói rất hay được nhiều người nhắc đến như:

- Phạm Thiên, Này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha.Các đạo sư ngày xưa. Này các tỳ Kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Đáng được cúng dường, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. (Tăng Chi II A)

- Thờ trời đất quỷ thần, không bằng có hiếu với cha mẹ, vì cha mẹ là vị thần minh cao nhất trong các thần minh (kinh Tứ Thập Nhị Chương).

- Làm con đối với cha mẹ, khi đem vật dụng cho cha mẹ, dù nhỏ đi nữa thì được phước vô lượng. Khi làm điều bất thiện đối với cha mẹ, dù chỉ một chút thì tội cũng vô lượng (kinh Bảo Tạng).

- Phụng dưỡng cha mẹ là vận may tối thượng (Hạnh Phúc Kinh)

- Các thầy Tỳ kheo, có hai vị Phật sống đang sống trong nhà các ngươi, đó là cha và mẹ (Kinh Vạn 35/154A).

- Các người nghĩ như thế nào, này các Tỳ kheo? Cái gì là nhiều hơn? Sữa mẹ mà các ngươi đã uống, trong khi các ngươi lưu chuyển luân hồi trong một thời gian dài, hay là nước trong bốn biển? Cái này nhiều hơn, này các Tỳ kheo, tức là sữa mẹ các ngươi đã uống trong khi các ngươi lưu chuyển luân hồi trong một thời gian dài, chớ không phải nước trong bốn biển (kinh Trường A Hàm).

- Người nào theo thường pháp/ Nuôi dưỡng mẹ và cha/ Chính do công hạnh này/ Nhờ vậy, bậc hiền Thánh/ Trong đời này tán thán/ Sau khi chết được sanh/ Hưởng an lạc chư thiên (kinh Tương Ưng).

Vài câu trích dẫn để bổ sung cho chủ đề bài viết trong rất nhiều đề tài về chữ hiếu đức Phật thuyết giảng trước sau trong quá trình thuyết giáo.

Mùa Vu Lan 2564-2020

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 23
    • Số lượt truy cập : 6795783