Thông tin

KHỔ VÀ GIẢI THOÁT TRONG LUẬN GIẢI

VỀ GIÁO LÝ TỨ ĐẾ CỦA HÒA THƯỢNG KHÁNH HÒA

 

PGS.TS. HOÀNG THỊ THƠ*

 

Những luận giải về Khổ và Giải thoát của Hòa thượng Khánh Hòa đã đạt tới trình độ Phật học và triết học Phật giáo đại cương, để chúng ta vẫn tiếp tục trở lại tham khảo cho nghiên cứu và giảng dạy về Phật học, lịch sử Phật giáo Việt Nam cũng như về lịch sử tư tưởng Phật học Việt Nam hôm nay.

Trong giáo lý Phật giáo, nói đến Khổ thì phải nói đến Giải thoát, như hai mặt của một vấn đề. Biết khổ thì chúng sinh ắt tìm đến giải thoát, biết khổ chúng sinh mới biết giá trị của giải thoát. Khổ và Giải thoát là một trong những chủ đề Phật học cốt lõi và đặc sắc gắn liền với Tứ Diệu Đế cũng như toàn bộ giáo lý cứu nhân độ thế của Phật giáo.

Hòa thượng Khánh Hòa, ngay từ buổi đầu gây dựng phong trào chấn hưng Phật giáo Nam kỳ đã thành lập Tạp chí Từ bi âm và các bài viết đầu tiên của Hòa thượng trên tạp chí này đã chú trọng luận giải về vấn đề Khổ và Giải thoát, thậm chí coi đó như mục đích chính của tạp chí Từ bi âm. Trong bài Duyên khởi “Từ-Bi-Âm” ra đời 1, (tức nguyên do ra đời tạp chí Từ bi âm), ngay ở số đầu tiên (ngày 1/1/1932), Hòa thượng đã nêu rõ:

“Tông chỉ của “Từ Bi Âm” là:

Từ năng giữ nhất thiết chúng sanh đắc lạc

Bi năng bạt nhất thiết chúng sanh ly khổ” .

Vấn đề Khổ và Giải thoát đã được Hòa thượng thể hiện một cách hệ thống như một chuyên luận với tiêu đề Luận về Pháp Tứ Đế. Vấn đề Khổ và Giải thoát đã được Hòa thượng bổ sung, giải thích từ nhiều góc độ khi liên hệ tới các vấn đề liên quan trên một loạt các bài: Biện nghĩa Niết Bàn, Lược thuật nghĩa lý Niết Bàn, Luận về Thân khổ cảnh khổ...

Hòa thượng đã giới thiệu quan niệm về 4 mức độ giáo lý mà Đức Phật đã truyền giảng về Khổ và Giải thoát. Đó là: Viên giáo2, Đốn giáo3 được Phật giảng trong những ngày mới thành đạo, nhưng vì quá uyên thâm và phức tạp không phải ai cũng hiểu được, nên Phật đã chọn giảng pháp Tứ Đế ở mức dễ hiểu và căn bản hơn - tức thuộc Quyền giáo4Tiệm giáo5, để mọi người đều có thể tiếp cận và áp dụng giáo lý nhằm nhận ra Khổ và thoát Khổ6. Năm anh em nhà Kiều Trần Như – những vị Tỷ khiêu đầu tiên được nghe Phật giảng Pháp Tứ đế đã chứng thánh đạo quả Giải thoát. Pháp Tứ Đế là nội dung luôn được coi là cốt lõi không thể thiếu đối với toàn bộ giáo lý Phật giáo, kể từ ngày đầu hình thành giáo đoàn Phật giáo cho đến hôm nay. Có lẽ đây là lý do vì sao Hòa thượng Khánh Hòa đã chọn luận giải vấn đề Khổ và Giải thoát gắn liền với Tứ Diệu Đế trước nhu cầu chấn hưng Phật giáo Nam kỳ.

Hòa thượng đã giới thiệu nội dung của Tứ Diệu Đế, đó cũng chính là các bước giải quyết Khổ để tới Giải thoát một cách rốt ráo bằng cả niềm tin (Định), trí tuệ (Tuệ) và đạo đức (Giới): “Tứ Đế” (Catvariaryasatyanu) gồm: 1- Khổ đế (Dhhka); 2- Tập đế (Samudya), 3- Diệt đế (Nirodha), 4- Đạo đế (Marga)7.

Từ đó, Hòa thượng tiếp tục phân Tứ Đế thành 4 cặp: mê-quả, mê-nhân, ngộ-quả, ngộ-nhân; Tức là Hòa thượng cấu trúc lại theo các cặp quan hệ Mê-Ngộ, Nhân-Quả để làm rõ hơn mục đích Giải thoát tối hậu của Tứ Diệu Đế:

“Tứ Đế gồm có Mê, Ngộ, Nhơn, Quả... Trong Tứ Đế có quả, có nhân, có mê, có ngộ; nên phải xét cho rõ ràng, mới biết cái cơ quyền nghi phương tiện của Phật rất hết lòng từ bi cứu độ cho chúng sanh. “Khổ” thuộc về mê-quả, “Tập” thuộc về mê-nhơn, “Diệt” thuộc về ngộ- quả, “Đạo” thuộc về ngộ-nhơn…”8

Hòa thượng còn phân bốn Đế đó thành hai mức, pháp thế gian pháp xuất thế gian:

“… về pháp thế gian, thì Phật chỉ cái mê-quả (Khổ) ra trước, là có ý khiến cho mọi người biết rằng sự khổ báo làm cho đời người bị đày đọa mà sanh lòng nhàm chán xa lìa, để từ đó dứt bỏ cái mê-nhơn (Tập) đi cho khỏi sự luân hồi khổ cực.

Còn đối với pháp xuất thế gian, thì Phật chỉ cái ngộ-quả (Diệt) ra trước, là có ý muốn cho mọi người thấy cảnh Niết Bàn là vui, mà sanh lòng ao ước trông mong, để lo làm theo cái ngộ-nhơn (Đạo) cho đặng về chốn Niết Bàn (Nirvana) khoái lạc”9.

Như vậy, Hòa thượng đã góp phần làm rõ các tiếp cận khác nhau với mục đích khác nhau trong quan hệ mê-ngộ, nhân-quả như là cơ sở để thấy được Phật giáo đã phát triển thành các nhánh phái, tông phái, chi phái ngày càng đa dạng, nhưng vẫn không ra ngoài Tứ Diệu Đế căn bản nhất, mà vẫn giữ nguyên mục đích diệt Khổ và Giải thoát.

Trong khi luận giải từng Đế, Hòa thượng đã góp phần Việt hóa các khái niệm Khổ và Giải thoát giúp cho tín đồ Phật giáo Nam kỳ lúc đó dễ hiểu hơn, dễ đến với Phật giáo hơn trong công cuộc chấn hưng Phật giáo nơi đây!

- Về Khổ đế (đế thứ nhất), Hòa thượng định nghĩa “Khổ Đế (Duhkha- Aryasatya) - Nghĩa là đã xét biết các sự khổ báo về đời hiện tại của người trong thế gian”10. Đó là 8 sự khổ mà ai cũng có thể tự chứng trong cuộc đời mình: 1. Khổ về sự sanh... 2. Khổ về sự già... 3. Khổ về sự đau... 4. Khổ về sự chết... 5. Khổ về sự ân ái biệt ly... 6. Khổ về sự mưu cầu không được... 7. Khổ về sự hờn ghét gặp nhau... 8. Khổ về sự lo buồn11.

- Về Tập đế (đế thứ hai), Hòa thượng định nghĩa “Tập đế (Samudya) – Nghĩa là xét biết … nguyên nhơn của nó (Khổ) ở đâu mà sanh ra. Hễ biết đặng cái nguyên nhơn mà trừ dứt được, thì cái ngành ngọn không làm sao cho người ta phiền lụy nữa.”12 Và giải thích tên gọi khác (Tập-nhơn) của Tập đế: “Vì lẽ nhóm góp các hoặc nghiệp mà chiêu cảm lấy quả báo như vậy nên (trong quan hệ nhân quả) gọi là “Tập-nhơn”13. Tập hợp các loại khổ, khi chia theo các nguyên nhân sẽ thành:

Khổ do duyên làm người: “Hễ ai có thân thì phải có khổ, nếu không thân thì khổ đâu đem đến cho ta được”14. Vậy khổ là tất yếu của mỗi con người. Mọi người đều bình đẳng với nhau về khổ. Không có loại trừ khổ đối với đẳng cấp hay xuất thân nào.

Khổ do bản chất tự nhiên, vô thường, bất tịnh và chấp trước của con người:

“... 1- Nói về thân không bền: Bởi nó do đất, nước, gió, lửa hiệp lại nên không bền chắc... mới sanh rồi già đo, mới bịnh rồi chết đó... mỏng mảnh như hột sương đầu ngọn cỏ... nếu hơi thở dứt rồi, thì đã ngàn thu vắng vẻ... Cái thân như vậy có chắc chắn gì đâu... ; 2- Nói về thân nhơ nhớp: ... gốc từ tinh huyết mà ra, nên không sạch sẽ, ... chín lỗ hôi tanh... tóc lông răng móng, ... mũi dãi đờm ghèn... trong thì làm hang ổ cho trùng lãi ăn, ngoài thì làm mồi cho muỗi mòng cắn hút... thế mà yêu quý... cài trâm, xạ ướp hương xông, ... bận gấm bận the, đeo vàng đeo xuyến... một mai con quỷ vô thường tới nơi, cái thân giả hiệp tan rữa, trả về “đất, nước, lửa, gió” thì có cái gì là thân của ta nữa đâu ...; 3- Nói về thân tạo nghiệp: Bởi do vọng niệm mà phát sanh chấp trước; từ đó nhận xác thịt đó là ta (Ngã), cho đến vợ con, tiền của, nhà cửa, ruộng vườn... là của ta (ngã)... từ đó mà nảy sinh tham, sân, si... gây ra biết bao tội lỗi... khiến phải chịu sinh tử luân hồi...”15.

Khổ do vô minh, vọng tâm được Hòa thượng giảng giải theo thuyết luân hồi “vô thỉ”: “... bởi chúng sanh, từ đời vô thỉ đến nay, mắc màng vô minh che phủ chơn tánh, khởi lòng vọng hoặc, gây ra thân, khẩu, ý... theo ba ngã, sáu đường sinh tử, tử sinh... nơi biển khổ, chưa biết kiếp nào ra khỏi”16.

“Vọng tâm” chính là nguyên nhân chủ quan để tự mỗi người tạo nên sự liên tục của hoặc nghiêp của chính mình, khiến không thoát được Khổ:

“Bởi vì kiếp trước bị cái màng vô minh phủ lấp chơn tánh đã lâu rồi, nên mới tưởng quấy, lấy thần hồn làm cái tâm chơn, nhận xác thịt làm cái thân thiệt. Vì vậy mới say mê trong cuộc giả dối, làm sự sai lầm... cả thảy ba nghiệp của ý, bốn nghiệp của miệng, và ba nghiệp của thân không đặng chút nào thanh tịnh...”... “... vì bởi vọng tâm (lòng quấy) mới sanh hoặc nghiệp (nghiệp lầm lỗi), nếu muốn hết hoặc nghiệp thì phải trừ vọng tâm”17.

Ngoài ra, Hòa thượng còn nhắc nhở điểm phức tạp, nhưng quan trọng khi tìm hiểu nguyên nhân của Khổ là phải từ nền tảng triết lý Vô ngã, Vô thường của Phật giáo: “... chúng ta ai đã biết “hoàn cảnh” là khổ cực chưa, và đã biết “sắc thân” là giả dối chưa. Muốn hiểu... cho thấu nguyên nhân... thì thiệt khó”18.

- Về Diệt đế (đế thứ ba), Hòa thượng nêu định nghĩa: “Diệt đế (Nirodha) – Nghĩa là xét biết lẽ thoát khỏi cái khổ báo sanh-tử kia, thời chắc chứng đặng bậc Chơn không tịch diệt.”19 Diệt đế nhằm khẳng định khả năng diệt khổ, giải thoát khỏi khổ tự mỗi người, tức là không phải do thần thánh hay siêu nhân ban phát.

Mục đích của Diệt đế được Hòa thượng nêu rõ: “Cái mục đích “giữ lạc” và “bạt khổ” là chủ nghĩa cứu vớt cho chúng sanh qua đời vị lai, khỏi khổ đặng vui; mà lại đời hiện tại này cũng khỏi khổ đặng vui…”20. Hòa thượng khẳng định sức mạnh của Tâm trong công cuộc tự giác ngộ về nguyên nhân của khổ và tự giác giải thoát. Đó là:

“... bởi vì có vọng tâm (lòng quấy) mới sanh hoặc nghiệp (nghiệp lầm lỗi). Nếu muốn hết hoặc nghiệp thì phải trừ vọng tâm. Muốn trừ vọng tâm thì mắt đừng mê sắc, tai đừng mê tiếng, mũi đừng mê thơm, lưỡi đừng mê vị, thân đừng mê cảm xúc (rờ đụng), ý đừng mê sự phân biệt... Như vậy thì các hiện cảnh giả dối không thể làm sao cho cái tâm khởi niềm mê hoặc ...”21.

Hòa thượng khẳng định rằng Niết Bàn tự ở trong tâm khi “Lòng ta phẳng lặng như tờ, thì cõi Ta bà trở nên nước Cực Lạc...”22. Như vậy, diệt khổ có thể khả thi ngay cuộc đời khổ đau này, và diệt được khổ tức là tới đích giải thoát: “Dứt cái khổ sanh-tử, mà đặng cái vui Niết bàn (Nirvana); vậy nên (trong quan hệ nhân quả) gọi là “Diệt-quả”23.

Định nghĩa Niết Bàn được Hòa thượng khái quát bằng phép phủ định của phủ định theo nguyên lý Tính Không: “Niết Bàn chẳng phải pháp “có” và pháp “không”, cũng chẳng phải ly pháp “có và pháp “không”, không nghe đặng, không nói đặng, cũng không thể lấy Tâm trí giải mà suy biết đặng”24. Như vậy theo Hòa thượng, Niết bàn không phải là việc của tranh luận, hay suy luận, mà phải bằng thực hành kết hợp đạo đức (Giới), niềm tin (Định) và trí tuệ (Tuệ).

Hòa thượng còn vận dụng Bát bất của Trung Quán luận để khẳng định có một Niết Bàn Tính Không đằng sau mọi hình tướng, danh sắc:

“Niết Bàn là một ngôi quả-mẫu của các Phật trong mười phương ba đời và của cả chúng sanh trong sáu đường ba cõi;... thọ đồng hư không,... không sanh không diệt, không có không không, không sạch không dơ, không động không tịnh, không già không trẻ,... không trong không ngoài, không số không lượng, không hình không sắc, không tiếng không tăm, không thể cầu đặng, không thể kiếm đặng, không thể lấy trí tuệ mà lường biết đặng, không thể lấy công dụng mà thấu đáo đặng... Hễ người học đạo mà bỏ sạch các điều nghi chấp, thấu thoát một lòng, thì tự nhiên hiểu đến cái cảnh giới Niết Bàn”25.

- Về Đạo đế (đế thứ tư), Hòa thượng giảng nghĩa: “Đạo đế (Marga) – Nghĩa là phải trên con đường Bát Chánh, rồi mới đi lần tới cõi Niết Bàn (Nirvana) tịch diệt.”26 đồng thời Hòa thượng nhấn mạnh “… đường Bát chánh thật là một cơ sở cho người xuất gia và một cái căn bổn cho người học đạo, nên (trong quan hệ nhân quả) gọi là “Đạo-nhơn”27.

Nội dung Đạo đế cũng được Hòa thượng diễn ngôn lại một cách dễ hiểu: “Đường Bát chánh ấy là: 1- trông thấy theo lẽ chơn chánh (tức Chính kiến - HTT); 2- suy nghĩ theo lẽ chơn chánh (tức Chính tư duy- HTT); 3- nói năng theo lẽ chơn chánh (tức Chính ngữ-HTT); 4- sự làm theo theo lẽ chơn chánh (tức Chính nghiệp-HTT); 5- hoặt mang theo lẽ chơn chánh (tức Chính mệnh-HTT); 6- tinh tấn theo lẽ chơn chánh (tức Chính tinh tiến-HTT); 7- ghi nhớ theo lẽ chơn chánh (chính niệm- HTT); 8- thiền định theo lẽ chơn chánh (tức Chính định-HTT)”28.

Ý nghĩa con đường Bát chánh được Hòa thượng phân tích, đó là con đường tự giác, tự tại, tự thắng cái được cái ác, cái xấu của bản thân để trở về được với cái Tâm không trong sáng vốn có ở mỗi người:

“Như ai muốn đặng không thân, thì phải tu cho đặng không Tâm... Sao gọi là không tâm? Nghĩa là: không còn lòng dục vọng, không tham, không giận, không ngu, nhẫn đến năm uẩn đều không, lòng ta không ngăn ngại... thì không còn sợ sệt chi cả, ... lòng ta phẳng lặng như tờ, thì cõi Ta bà trở thành nước cực lạc; ấy là đời hiện tại này cũng khỏi khổ đặng vui”29.

- Về đánh giá giáo lý Tứ Đế, Hòa thượng đã dùng từ “giáo lý Từ Bi” để đề cao giá trị nhân văn, cứu độ của Tứ Diệu Đế đối với mưu cầu diệt khổ tìm giải thoát của chúng sinh: “Ngày nay chúng ta muốn cho khỏi khổ đặng vui, cần phải tìm đạo “Từ Bi”, cần phải học đạo “Từ bi”30. Giáo lý Từ Bi này hơn hẳn các tôn giáo khác ở chỗ bình đẳng, không phân biệt, có thể cứu giúp khắp nhân gian: “... nương thuyền đại nguyện, cưỡi xe nhất thừa, xuống chốn nhân gian cứu khổ cho chúng sinh, ứng hiện ra đời nói pháp. Rao tiếng đại từ, tiếng đại bi, đại hỉ, đại xả... bủa cả thế gian”31.

Về sự uyên áo của pháp Tứ Đế, Hòa thượng đặc biệt chú trọng giá trị của triết lý Tính Không có thể giúp người tu hành biết tự phản biện và hiểu được Khổ là vô thường, ảo, giả... từ đó tự giác tiến tới thoát khổ:

“Nói tóm lại, pháp “Tứ Diệu Đế” dạy rằng cả thảy mọi sự hữu vi trong thế gian đều là ảo giả, như chiêm bao, thấy đó rồi không đó, như bọt nước, nổi đó rồi tàng đó, như lửa sáng lòa đó rồi mất đó, như hột sương, đọng đó rồi khô đó, có cái gì mà làm cho đời người đặng nương cậy đâu?”... Biết vậy... nên dứt bỏ cái hiện cảnh phiền não đi ... mới có thể trừ được hoặc nghiệp, tránh khỏi khổ báo, mà tiêu diêu trên cõi Niết Bàn (Nirvana)...”32.

Về tính ứng dụng của pháp Tứ Đế, Hòa thượng cho rằng nó đã được giảng theo nhu cầu của tất cả chúng sanh ở nhiều mức, và theo đó phát triển thành nhiều nội dung và nhiều môn phái đa dạng:

“... Bởi lòng từ bi mới có... hai mươi một ngày ngẫm nghĩ... vì Đại cơ Bồ Tát (Boddhisatva) liền thuyết Viên giáo Hoa nghiêm... kẻ độn căn chúng sanh như câm điếc... rồi tới vườn Lộc Uyển (Margadava) ca vọng Bốn đế (Catvariaryasa) và Mười hai nhân duyên (Dvadasaiga). Bởi lòng từ bi, dần dần thuyết Tiểu giáo A Hàm (Agama), thuyết Tiệm giáo Phương Đẳng (Vaipulya), thuyết Đốn giáo Bát Nhã (Prajna). Bởi lòng từ bi nên Phật mới bỏ quyền... thuyết Viên giáo Pháp Hoa (Saddharma- Pundarika) Niết Bàn (Nirvana).”33 ... “chúng sanh nghe pháp ... chẳng luận hạng nào, ... nhờ chịu một đám mưa pháp, cũng đều đặng lãnh hội lợi ích cả”34.

Về sức sống của pháp Tứ Đế, Hòa thượng khái quát toàn bức tranh phát triển, truyền bá tư tưởng Khổ và Giải thoát từ khởi nguyên đến Việt Nam một cách rõ ràng, cô đọng và sinh động: Sau khi Phật nhập diệt, nhiều đệ tử xuất chúng của Phật tiếp tục giảng giáo lý Phật và hình thành nên lịch sử giáo lý Phật giáo (Tam tạng kinh). Đó là các lần kết tập kinh điển Thượng Tọa (Nam tông), Đại thừa, Mật thừa: “... kỳ thứ nhất tại thành Vương Xá (Rajagraha) năm Phật mới nhập diệt... kỳ thứ nhì,... ở thành Tỳ Xá Ly (Vaisali), cách Phật nhập diệt độ một trăm năm... kỳ thứ ba,... thành Ba Xá Ly Phất (Pataliputra) cách Phật diệt độ hai trăm năm... kỳ thứ tư,... ở thành Ca Thấp Di La (Kasmira), cách Phật diệt độ bốn trăm năm...”35. Rồi pháp Tứ Đế ngày càng lan tỏa mạnh, được truyền bá ra ngoài Ấn Độ: “... Đạt Ma Bồ Đề (Darma Bodhi) vượt biển qua cõi Trung Hoa truyền tiếng Từ bi... Huyền Trang Tam Tạng trèo non qua xứ Thiên Trúc (Indes) học tiếng Từ Bi... Hoán Bích Thọ Tông ở Trung Hoa, hàng hải qua nước ta, nơi xứ Trung kỳ, thành Quy Nhơn mà truyền tiếng Từ Bi...”36.

- Đóng góp của Hòa thượng Khánh Hòa: Khổ và Giải thoát đã được Hòa thượng Khánh Hòa phân tích và luận giải một cách tâm huyết, cặn kẽ cho chúng đệ tử và bà con ở Nam kỳ với mục tiêu đem cái uyên áo trở nên gần gũi dễ hiểu và thú vị để khuấy động thành phong trào học và làm theo để “hết khổ đặng vui”.

÷ Về cái khó của đích giải thoát, Hòa thượng đã nhắc nhở lỗi hay mắc, đó là khi đã hiểu tương đối thì lại hay bị lạc hướng, rơi vào cực đoan, biến tướng, tà đạo... mà không tới được đích giải thoát. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến Phật giáo suy vi:

“... muốn biết sự khổ và sự giả ấy thì dễ, chớ muốn hiểu cho thấu nguyên nhơn và muốn đạt cho tới mục đích thì thiệt khó.... có kẻ biết sắc thân là giả mà không biết vạn sự trong vũ trụ cũng là giả nữa, lại muốn ở trong cái giả làm cho thật... học phép trường sanh; ... phép không chửa đẻ gọi là “bất sanh”, không tuyệt dục gọi là “bất diệt”37 ... “biết giả mà không biết ngõ hầu chơn hay không?”38 ... “Biết hoàn cảnh là khổ mà không biết các cảnh trong Tam giới cũng là khổ nữa, lại muốn ở trong cái khổ ấy làm cho vui...; tưởng như vậy là nghĩ tự do giải thoát”39.

÷ Về phân tích biện chứng của cặp Khổ-Giải thoát, Hòa thượng đã vận dụng cặp có – không (hữu-vô), tức là cặp biện chứng phổ quát nhất để khẳng định Giải thoát ngay trong Khổ “Bất ly phiền não nhi đắc Niết Bàn” nghĩa là phiền não và Niết Bàn thật tánh không khác, nên chẳng đợi ly dứt phiền não mới chứng Niết Bàn”40.

- Một số điều chỉnh, bổ sung: Những thành tựu Phật học của Hòa thượng Khánh Hòa thật là to lớn đối với công cuộc chấn hưng Phật giáo Nam kỳ! Một phần nào cũng nhờ đó mà có được sự phát triển vượt bậc của Phật học Việt Nam hôm nay. Tuy nhiên, xét lại thấy trong các bài viết của Hòa thượng trên tạp chí Từ Bi Âm vẫn cần một số điều chỉnh cho nhất quán hơn với tư tưởng Tính không, vô chấp, vô trụ độc đáo như đặc thù riêng Phật giáo:

÷ Giảm bớt cực đoan nhàm chán thân tâm và từ bỏ cuộc sống: Có chỗ Hòa thượng đã kêu gọi “... muốn thành tựu đặng cái vui và cái thật ấy, thì đừng quyến luyến nơi cõi Sa bà và phải nhàm chán cái thân ngũ uẩn”41. Như vậy là không nhất quán với tinh thần “Bất ly phiền não nhi đắc Niết Bàn” mà Hòa thượng đã từng nói; và do vậy mà chưa thấy được Tịnh độ là ngay trong cõi Sa bà.

÷ Giảm bớt tuyệt đối hóa thế giới loài người là xấu xa: Hòa thượng từng viết “... Trong vô lượng thế giới, chỉ có cõi Ta Ba là ác trược hơn cả”42.

÷ Bổ sung quan niệm về “già” nhìn từ góc độ thời gian: Hòa thượng đã phân tích được “già’ nhìn từ góc độ sức khỏe, hình hài suy tàn của con người, song lại chưa chú ý tới già theo quy luật thời gian quy định tồn tại người. Đó là, sinh ra là bắt đầu bị quy định theo thời gian. “Già” theo nghĩa rộng là đã có sự khởi đầu và chuyển dịch trong thời gian, bị thời gian quy định. Không ai vượt ra ngoài quy định của tồn tại về thời gian và không gian.

÷ Chỉnh ý về Khổ thứ 8 - “ngũ uẩn xí thịnh khổ”, đã được Hòa thượng giải thích lệch sang “Khổ về sự lo buồn” nên chưa thoát ý trước đó. Khổ thứ 8 chính là cái khổ Thân xác bị quy định bởi ngũ uẩn do “duyên” kết hợp tạm thời và tương đối chúng với nhau mà tạo nên thân và tâm. Khi các uẩn khỏe mạnh (thịnh) thì đòi hỏi nhiều, theo đó cái Ta/ ngã cũng đòi hỏi nhiều... ngược lại khi các uẩn èo uột, ốm yếu (xí) thì Ta/ngã cũng bạc nhược, teo tóp, đau đớn... Đó đều là cái khổ do ngũ uẩn vô thường, giả tạm… mà tạo nên. Bị quy định bởi thân xác cũng là một tất yếu khổ của đời người.

Kết luận

Những khảo cứu, phân tích, tổng hợp của Hòa thượng về Khổ và giải thoát qua “pháp Tứ Đế” cho thấy trình độ Phật giáo nói chung cũng như trình độ triết học Phật giáo (Phật học) uyên áo của Hòa thượng Khánh Hòa. Hòa thượng đã đi từ định nghĩa đến phân loại, cách tiếp cận vấn đề và cấu trúc vấn đề của Khổ và Giải thoát một cách công phu và hệ thống. Đặc biệt, các phân tích đó không tách rời với Tứ Diệu Đế, khiến cho việc hiểu Tứ Diệu Đế cũng tức là hiểu Khổ và Giải thoát, và ngược lại. Những luận giải của Hòa thượng Khánh Hòa về Khổ và Giải thoát qua một loạt bài trên tạp chí Từ bi âm thực sự đã đáp ứng đúng nhu cầu học, hiểu và vận dụng Phật pháp của tín đồ Phật giáo Nam kỳ trong bói cảnh phong trào chấn hưng đầu thế kỷ XX.

Những luận giải về Khổ và Giải thoát của Hòa thượng Khánh Hòa đã đạt tới trình độ Phật học và triết học Phật giáo đại cương, để chúng ta vẫn tiếp tục trở lại tham khảo cho nghiên cứu và giảng dạy về Phật học, lịch sử Phật giáo Việt Nam cũng như về lịch sử tư tưởng Phật học Việt Nam hôm nay. Đặc biệt là những bài tạp chí như vậy của Hòa thượng Khánh Hòa đã trở thành những chuyên luận Phật học, triết học Phật giáo làm nền tảng tư tưởng cho công cuộc xiển dương Phật giáo trong buổi đầu chấn hưng Phật giáo Nam kỳ.

 


* Viện Triết học, Viện Hàn lâm KHXHVN.

1. “Duyên khởi “Từ Bi Âm” ra đời”, Từ bi âm số 1 (1/1/1932, tr. 11-16).

2. Viên giáo: Giáo lý tối hậu, cao nhất, uyên thâm nhất.

3. Đốn giáo: Giáo lý trao truyền trực tiếp không qua các nấc bậc hay qua giải thích.

4. Quyền giáo: Giáo lý trao truyền phải nhờ các quyền năng hỗ trợ.

5. Tiệm giáo: Giáo lý trao truyền dần dần theo từng mức độ hiểu và tiếp thu của người nghe.

6. Xem: “Luận về Pháp Tứ Đế (Catvariaryasatyaru)” trong Từ bi âm số 4 (15/2/1932, tr. 3-9).

7. “Luận về Pháp Tứ Đế (Catvariaryasatyaru)”, Từ bi âm số 4 (15/2/1932, tr. 3-9).

8, 9, 10, 11. “Luận về Pháp Tứ Đế (Catvariaryasatyaru)”, Từ bi âm số 4 (15/2/1932, tr. 3-9).

12, 13. “Luận về Pháp Tứ Đế (Catvariaryasatyaru)”, Từ bi âm số 4 (15/2/1932, tr. 3-9).

14. “Duyên khởi “Từ Bi Âm” ra đời”, Từ bi âm số 1 (1/1/1932, tr. 9-14).

15. “Luận về Thân khổ cảnh khổ”, Từ bi âm số 22 (15/11/1932, tr. 8-12).

16. “Duyên khởi “Từ Bi Âm” ra đời”, Từ bi âm số 1 (1/1/1932, tr. 9-14).

17. “Luận về Pháp Tứ Đế (Catvariaryasatyaru)”, Từ bi âm số 4 (15/2/1932, tr. 3-9).

18. “Luận về Thân khổ cảnh khổ”, Từ bi âm số 22 (15/11/1932, tr. 8-12).

19. “Luận về Pháp Tứ Đế (Catvariaryasatyaru)”, Từ bi âm số 4 (15/2/1932, tr. 3-9).

20. “Duyên khởi “Từ Bi Âm” ra đời”, Từ bi âm số 1 (1/1/1932, tr. 9-14).

21. “Luận về Pháp Tứ Đế (Catvariaryasatyaru)”, Từ bi âm số 4 (15/2/1932, tr. 3-9).

22. “Duyên khởi “Từ Bi Âm” ra đời”, Từ bi âm số 1 (1/1/1932, tr. 9-14).

23. “Luận về Pháp Tứ Đế (Catvariaryasatyaru)”, Từ bi âm số 4 (15/2/1932, tr. 3-9).

24, 25. “Biện nghĩa Niết Bàn(Nirvana), Từ bi âm số 9 (1/5/1932, tr. 4-11).

26. “Luận về Pháp Tứ Đế (Catvariaryasatyaru)” trong Từ bi âm số 4 (15/2/1932, tr. 3-9).

27, 28. “Luận về Pháp Tứ Đế (Catvariaryasatyaru)” trong Từ bi âm số 4 (15/2/1932, tr. 3-9).

29, 30, 31. “Duyên khởi “Từ Bi Âm” ra đời”, Từ bi âm số 1 (1/1/1932, tr. 9-14).

32. “Luận về Pháp Tứ Đế (Catvariaryasatyaru)”, Từ bi âm số 4 (15/2/1932, tr. 3-9).

33, 34. “Duyên khởi “Từ Bi Âm” ra đời”, Từ bi âm số 1 (1/1/1932, tr. 9-14).

35, 36. “Duyên khởi “Từ Bi Âm” ra đời”, Từ bi âm số 1 (1/1/1932, tr. 9-14).

37, 38, 39. “Luận về thân khổ cảnh khổ” trong Từ bi âm số 12 (15/11/1932, tr. 8-13).

40. “Biện nghĩa Niết Bàn” trong Từ bi âm số 9 (1/5/1932, tr. 4-11).

41, 42. “Luận về thân khổ cảnh khổ” trong Từ bi âm số 12 (15/11/1932, tr. 8-13).

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 94
    • Số lượt truy cập : 6952485